The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

KINH TẾ HÀ NỘI NĂM 2018: CƠ HỘI TĂNG TRƯỞNG CAO

Nhìn vào bức tranh kinh tế - xã hội năm qua của Thủ đô, dễ thấy nhiều điểm sáng đáng mừng. Đặc biệt, quyết liệt cải thiện môi trường kinh doanh thu hút vốn đầu tư, khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân. Chỉ số xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI của Hà Nội tăng 10 bậc. Các chuyên gia cũng đánh giá cao cải cách hành chính của Hà Nội trong hỗ trợ DN và thu hút vốn đầu tư.... Đây là cơ sở quan trọng để tin tưởng TP sẽ hoàn thành toàn diện các mục tiêu đề ra trong năm 2018.

Lắp ráp linh kiện điện tử tại Công ty Canon Việt Nam, khu công nghiệp Thăng Long. Ảnh: Thanh Hải

Có cơ sở phấn đấu

Năm 2018, Hà Nội phấn đấu thực hiện tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 7,3 - 7,8% (năm 2017, Hà Nội hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 8,5%, theo cách tính mới của T.Ư là đạt 7,3%). Trong đó, TP phấn đấu dịch vụ tăng 6,9 - 7,1%, công nghiệp - xây dựng 8,2 - 8,6%, nông nghiệp 2 - 2,5%, thuế sản phẩm 9,3 - 9,4%. Tốc độ tăng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn 10,5 - 11%, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu 7,5 - 8%.

Với những gì đạt được trong năm 2017, mục tiêu đặt ra cho năm 2018 là có cơ sở. Kinh tế - xã hội năm 2017 của Hà Nội đạt được kết quả khá toàn diện. GDP tăng 8,5%, hoàn thành kế hoạch đề ra; thu ngân sách vượt kế hoạch; thu hút vốn đầu tư tăng cao; lạm phát được kiểm soát; an sinh xã hội được đảm bảo; sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế tiếp tục phát triển… Số DN tại Hà Nội không ngừng tăng, có 25.160 DN thành lập mới, tăng 11%, vốn đăng ký 240.000 tỷ đồng (tăng 4%), lũy kế số DN trên địa bàn là 231,92 nghìn DN.

Kinh tế TP tăng trưởng cao nhờ có nhiều lợi thế, trong đó có cơ cấu kinh tế hiện đại với công nghiệp - dịch vụ chiếm tỷ trọng hơn 90% GDP. Hà Nội xếp thứ 7 trong top 10 TP có tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới, kéo theo đó là lợi thế về dịch vụ thương mại, vận tải… “Trong năm 2018, Hà Nội tiếp tục có những lợi thế mạnh như dịch vụ du lịch, vận tải, thu hút đầu tư khả quan. Đặc biệt, Hà Nội là một trong những địa phương phong trào khởi nghiệp đi đầu, tập trung những công nghệ cao” - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế xã hội Hà Nội Nguyễn Thanh Bình nhận xét. Kích thích nguồn vốn đầu tư tư nhân

Năm 2018, TP phấn đấu thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đối với 40% thủ tục hành chính. Hiện nay, 4 hệ thống đang được Hà Nội lựa chọn tập trung triển khai là giáo dục thông minh, y tế thông minh, giao thông thông minh và du lịch thông minh. Quan điểm của Hà Nội là tập trung vào những cái đang cần cho người dân. Nghĩa là, đánh giá chính quyền thông qua việc đo mức độ hài lòng của người dân.

Thành tựu đạt được kể trên là kết quả sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Trong đó, các cấp chính quyền TP, với vai trò “đứng mũi chịu sào” đã bám sát mục tiêu, nhiệm vụ, tiếp tục đổi mới có tư duy sáng tạo, đột phá trong chỉ đạo, điều hành. Đặc biệt, quyết liệt cải thiện môi trường kinh doanh thu hút vốn đầu tư, khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân. Chỉ số xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI của Hà Nội tăng 10 bậc. Cuối tháng 10 Hà Nội đã khai trương cổng thông tin Hệ sinh thái khởi nghiệp startupcity.vn nhằm kết nối các DN khởi nghiệp và cơ hội phát triển.

Nhận xét về chỉ tiêu của Hà Nội đặt ra cho năm 2018, chuyên gia Võ Trí Thành cho rằng, sang năm 2018 các điều kiện để tăng trưởng kinh tế thuận lợi hơn năm 2017: Tăng trưởng kinh tế thế giới cũng được dự báo là tốt hơn năm 2017. Hà Nội có nhiều lợi thế và nhiều điểm sáng trong thành tựu đạt được cho thấy tiềm lực tăng trưởng của TP rất lớn, song việc đặt chỉ tiêu tăng trưởng cho năm 2018 (7,3 - 7,8%) bằng với năm 2017 cho thấy bước đi thận trọng của Hà Nội đó là tăng trưởng hướng về chất.

Các chuyên gia cũng đánh giá cao cải cách hành chính của Hà Nội trong hỗ trợ DN và thu hút vốn đầu tư. Tuy vậy, có một số điểm Hà Nội phải tiếp tục đó là trong chính sách thu hút vốn đầu tư, Hà Nội cần tập trung xúc tiến vào những nhà đầu tư lớn và những nhà đầu tư công nghệ cao. Bên cạnh đó, hiện nay, một số thủ tục về đăng ký kinh doanh, thuế, hải quan đã tiến bộ, được nhiều DN ủng hộ, song còn một số lĩnh vực liên quan đến phân bổ nguồn lực, tiếp cận thị trường cần cải cách hơn nữa. Ví như thủ tục liên quan đến đầu tư, quy hoạch, đất đai, thủ tục giao đất… cho DN. Ngoài ra, công tác chỉ đạo thực hiện đến GPMB phải tiếp tục cải tiến hơn nữa mới giúp cho nhà đầu tư nhanh chóng vận hành đưa vào triển khai, mới tạo ra sản phẩm, tạo chuyển biến.

Phát huy tốt các ngành thế mạnh

Chuyên gia Võ Trí Thành cho rằng, du lịch, dịch vụ thương mại, công nghiệp công nghệ cao là thế mạnh sẽ thúc đẩy cho tăng trưởng của Hà Nội.

Thưa ông, với vị thế là Thủ đô, đâu là những điểm mạnh Hà Nội có thể khai thác để phát triển kinh tế?

- Trong 3 năm tới, kinh tế Hà Nội phải có tốc độ tăng trưởng từ 7,3 - 7,8% mới hoàn thành thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế 5 năm (2016 - 2020). Tôi cho rằng, lợi thế là điều kiện quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của một địa phương. Với vị thế của Thủ đô, Hà Nội có nhiều điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư. Vị trí đầu mối trung chuyển hàng hóa của các tỉnh miền Bắc chính là điều kiện cho phát triển du lịch, thương mại, tiêu dùng dịch vụ vận tải của Hà Nội. Ngoài ra, Hà Nội có thế mạnh phát triển công nghiệp công nghệ cao. Không phải chỉ là công nghệ tin học hay công nghệ điện tử mà còn rất nhiều lĩnh vực khác như sinh học, năng lượng, vật liệu… Đây là những ngành nghề không sử dụng nhiều đất, thích hợp với một đô thị nén.

TP còn có lợi thế lực lượng lao động quy mô lớn và chất lượng cao, số người có trình độ đại học, cao đẳng chiếm hơn 20%, gấp 3 lần so với trung bình cả nước. Hơn nữa lực lượng lao động trẻ, được đào tạo, dễ dàng tuyển dụng ở Hà Nội và các tỉnh lân cận. Hà Nội có hàng trăm viện nghiên cứu khoa học, trường ĐH đầu ngành, sẵn sàng đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ là cơ hội giúp các DN sản xuất nâng cao hiệu quả.

Năm 2018, Hà Nội đặt mục tiêu tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu 7,5 - 8%,gần gấp đôi so với mục tiêu 4 - 5% của năm 2017. Tốc độ tăng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn là 10,5 - 11%, trong khi năm 2017 là 11 - 12%. Ông nhận xét gì về các mục tiêu này?

- Điều này càng cho thấy Hà Nội quyết tăng trưởng về chất, không đến từ các giải pháp kích cầu vốn ngắn hạn mà tạo nền tảng tăng trưởng bền vững hơn cho giai đoạn sau. Sang năm 2018, kinh tế thế giới đang phục hồi, thể hiện qua số liệu xuất khẩu của cả nước tăng mạnh. Các thiết lập quan hệ kinh tế của thế giới hiện nay cũng đang bắt đầu đi vào vận hành. Quá trình hội nhập khu vực sẽ thúc đẩy xuất khẩu cả nước cũng như Hà Nội. Cơ chế “một cửa liên thông” trong giải quyết thủ tục hành chính là một ví dụ thể hiện cam kết của chính quyền TP tạo lập môi trường đầu tư theo hướng thông thoáng, minh bạch, phù hợp tiến trình hội nhập quốc tế.

Theo quan điểm của ông, để đạt được các mục tiêu đề ra, Hà Nội nên tập trung vào vấn đề gì?

- Tôi cho rằng, 3 khía cạnh để phát triển toàn diện một TP là: Chính quyền điện tử để tăng hiệu quả phục vụ, giảm chi phí cho người dân và DN; ứng dụng cung cấp các thông tin để cuộc sống của người dân thuận lợi hơn và các DN có sức sáng tạo tốt hơn và dễ dàng tiếp cận thị trường hơn.

Bên cạnh đó, việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và khởi nghiệp sẽ truyền đi những thông điệp tích cực đến người dân, DN và để đón đầu làn sóng đầu tư. Nhất là trong bối cảnh Hà Nội đang hướng đến một đô thị thông minh, xanh, sạch thì cần đẩy mạnh nghiên cứu khoa học hướng đến thương mại hóa và áp dụng thực tiễn, thúc đẩy DN là chỉ dấu về một xã hội tiến bộ. Những cam kết cải cách mạnh mẽ của Hà Nội thời gian qua rất đáng biểu dương. Tôi cho rằng cần phải có một mục tiêu hợp lý để định hướng cho toàn bộ hệ thống cùng nỗ lực cố gắng, chắc chắn các mục tiêu đặt ra sẽ được hoàn thành.

Xin cảm ơn ông!

Trâm Anh thực hiện

Kinh tế Đô thị