The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Kinh tế miền Trung: Làm thế nào để đánh thức “nàng công chúa ngủ trên bãi biển”?

Sáng 15/8/2014, tại Đà Nẵng khai mạc chương trình Diễn đàn Kinh tế miền Trung – Giải pháp phát huy sức mạnh miền Trung trong giai đoạn mới do Ủy ban kinh tế Trung ương phối hợp với Thời báo kinh tế Việt Nam tổ chức.
Vùng duyên hải Miền Trung có những đặc điểm và điều kiện phát triển rất khác biệt với 2 miền Bắc và Nam – đóng vai trò và chức năng quan trọng trong nền kinh tế quốc dân.
Có người ví von, "khúc ruột miền Trung" như một đòn gánh gánh hai đầu đất nước". Chừng nào "đòn gánh" đó chưa cất cánh được, thì "đầu tàu" dù mạnh cũng chưa thể bay lên thực sự, thậm chí còn...gãy đòn gánh.. Miền Trung vì vậy cần được dành một sự quan tâm đúng tầm, đúng cách.
Miền Trung là một dải đất tương đối hẹp so với 2 miền còn lại, không thể phát triển theo cách – mặc dù đã mang lại thành công – của miền Bắc và miền Nam. Miền Trung không giống miền Bắc và Miền Nam, dù ở những điểm đặc sắc hay đau khổ của nó.
Những điểm hạn chế của Miền Trung được PGS.TS. Trần Đình Thiên chỉ ra trong bài phát biểu tại diễn đàn sáng nay. Miền Trung không thể phát triển công nghiệp và nông nghiệp giống như ở Bắc bộ và Nam bộ. Miền Trung cũng không thể phát triển du lịch và đô thị giống như Bắc bộ và Nam bộ. Miền Trung cũng không thể liên kết nội vùng, liên kết liên vùng, liên kết với thế giới giống như liên kết của hai vùng Bắc và Nam bộ.
Đây là những chân lý hết sức đơn giản, ông Trần Đình Thiên nhấn mạnh. Tuy nhiên, cũng phải gần đây những chân lý đó mới dần được nhận ra, trong khi tư duy phát triển và việc thiết kế chiến lược vẫn chưa thoát khỏi sự ám ảnh của công thức phát triển mang nặng tính khuôn mẫu cứng nhắc "nước công nghiệp, tỉnh công nghiệp" được áp dụng cho hầu như tất cả các vùng và các tỉnh.
Với những đặc trưng đó, vậy miền Trung phát triển cái gì, như thế nào, cho ai – để có thể bứt phá phát triển, thậm chí mở đường cất cánh cho cả nước?
Trên thực tế, trong quá trình phát triển, một cách tự nhiên, tự thân miền Trung đã nảy ra những cách phân tuyến mới, đó là Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung gồm 5 tỉnh kéo từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định. Thừa Thiên Huế là vùng giao thoa của Bắc Trung bộ và Duyên hải Nam Trung bộ.
Gần đây, còn tự nhiên hơn, khu vực hình thành một khối liên kết phát triển khác, trên cơ sở tự nguyện của các địa phương – Vùng duyên hải phía Nam, 9 tỉnh – Thành phố, bao gồm 5 tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và 4 tỉnh duyên hải phía Nam gồm Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận.
Sự giao thoa trong các khối liên kết nói trên có gốc rễ bắt nguồn từ tính chất "liền khúc ruột" của miền Trung – nhờ đó có thể mở rộng sự liên kết ra hai đầu bằng cách kết nối, kết nạp thêm một cách rất tự nhiên bất cứ địa phương nào gần kề vào tuyến liên kết vùng cục bộ của Duyên hải miền Trung.
Tiềm năng và lợi thế rõ rệt nhất của vùng là có nhiều bãi biển đẹp, thuộc loại đẹp nhất thế giới – tạo nên lợi thế cạnh tranh tuyệt đối cho vùng Duyên hải miền Trung. Bãi biển đẹp sát liền với đại ngàn Tây nguyên nhân đôi lợi thế của vùng. Các di sản văn hóa thế giới của miền Trung ken dày với Cố đô Huế, Đô thị cổ Hội An, Tháp Mỹ Sơn, Bảo tàng văn hóa Chăm, đất võ Tây Sơn, Lễ hội văn hóa Chăm Ninh Thuận... tạo thành chuỗi – con đường di sản văn hóa đặc sắc.
"Mặt tiền" miền Trung có nhiều cảng biển đẹp và tốt, có tiềm năng mở cửa – giao thương – kết nối toàn cầu, một lợi thế phát triển to lớn trong thời đại toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Cảng biển – bãi biển đẹp là một điều kiện hình thành các đô thị biển có đẳng cấp, là một loại "mỏ vàng" riêng có của Duyên hải Miền Trung.
Tuy nhiên, cũng phát biểu tại diễn đàn, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng hiện nay tổ chức cảng biển miền Trung chưa thực sự tương xứng với tiềm năng. Quy mô cảng biển Miền Trung quá nhỏ so với các cảng biển tại miền Nam và miền Bắc.
Thời tiết khí hậu của vùng, mặc dù là vùng đón bão, nhiều thiên tai, nhưng cũng phải thừa nhận về cơ bản là phù hợp để phát triển du lịch đẳng cấp cao. Đặc biệt các tỉnh Nam Trung Bộ có thời tiết khí hầu gần như quanh năm thuận lợi cho hoạt động du lịch biển.
Vậy, với những tiềm năng đó, sao miền Trung vẫn mãi nghèo?
Chỉ đến khi toàn cầu hóa, hội nhập phát triển và khi thế giới thực sự chuyển sang thời đại công nghệ cao, "nàng công chúa ngủ trên bãi biển" miền Trung mới được đánh thức.
Miền Trung có bờ biển vàng nhưng miền Trung miền Trung chỉ giàu khi là của loài người, và khi cùng với loài người. Và điều đó chỉ có thể xảy ra trong thời đại mở cửa, hội nhập và công nghệ cao.
Cho đến nay, quan điểm liên kết phát triển miền Trung trong thế hội nhập với thế giới đã không còn là điều mới mẻ, thậm chí đang trở thành tất yếu. Ông Trần Đình Thiên cho rằng xu hướng phát triển kinh tế miền Trung là kiên kết phát triển du lịch, dịch vụ cấp cao là trục chủ đạo và xuyên suốt của vùng.
Tuy nhiên, măc dù lựa chọn du lịch làm trục phát triển chính không dẫn tới chỗ coi nhẹ các lựa chọn phát triển công nghiệp của từng địa phương - ông Thiên lưu ý.

Ngọc Lan

Theo Trí Thức Trẻ

Ngày 15/08/2014