Kinh tế tư nhân - Động lực quan trọng nền kinh tế: Bài 1 - Rào cản quyền tự do kinh doanh
Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII xác định: “Hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo thuận lợi phát triển mạnh kinh tế tư nhân (KTTN) ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế, trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế”...
LTS: Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII xác định: “Hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo thuận lợi phát triển mạnh kinh tế tư nhân (KTTN) ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế, trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế”. Tháng 5-2017, tại Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã thông qua Nghị quyết về phát triển KTTN trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Vậy, làm cách nào để khu vực KTTN trở thành động lực thực sự của nền kinh tế?
Ma trận thủ tục
Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh ban hành những năm qua đặt ra rất nhiều yêu cầu, chỉ tiêu nhằm cải thiện môi trường kinh doanh mà tựu trung lại vẫn là rút ngắn các thủ tục hành chính. Một trở ngại điển hình về các quy trình thủ tục đang làm khó doanh nghiệp (DN) được Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nêu là hành trình xin giấy tiếp nhận hợp quy của DN mất 4 tháng 4 ngày thay vì 7 ngày làm việc như quy định của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật. Cụ thể, DN nộp hồ sơ ngày 24-11-2016, Cục An toàn thực phẩm (ATTP) kiểm tra đầy đủ hồ sơ và tiếp nhận ngày 25-11-2016. Sau đó, cục này yêu cầu DN phải nộp bổ sung hồ sơ 3 lần và đến ngày 28-2-2017, mới cấp giấy tiếp nhận hợp quy. Hơn 4 tháng, DN mới xin được giấy tiếp nhận hợp quy, dù sản phẩm đã có phiếu kiểm nghiệm đạt chất lượng.
Những khúc mắc nêu trên đến từ Nghị định 38/2012/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTP. Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, cho biết, các tiêu chí để thẩm xét công bố phù hợp quy định ATTP không rõ ràng, thậm chí vô lý, khiến việc hiểu và đáp ứng được yêu cầu của cán bộ thẩm định, xét duyệt rất khó khăn. Các tập đoàn thực phẩm lớn của quốc tế, xin đăng ký các sản phẩm phải mất 3 - 4 tháng kể từ khi nộp đầy đủ hồ sơ (chưa tính thời gian kiểm nghiệm sản phẩm khoảng 2 tháng để xác nhận sản phẩm đạt chất lượng) dù các sản phẩm được lưu hành trên khắp thế giới, hồ sơ đã chuẩn hóa quốc tế. Còn với các công ty thực phẩm của Việt Nam, việc đăng ký hồ sơ còn khó khăn hơn nhiều vì không có bộ phận chuyên đăng ký am hiểu luật pháp, dẫn đến mất cơ hội kinh doanh.
Điều đáng nói là những thủ tục phức tạp này không giúp cải thiện ATTP vì với các tổ chức, cá nhân kinh doanh nghiêm túc họ đã áp dụng các biện pháp kiểm soát theo quy trình để đảm bảo chất lượng. Còn với các tổ chức, cá nhân gian dối thì họ có thể lấy một mẫu sản xuất riêng đạt chất lượng đưa đi kiểm nghiệm hoặc thậm chí lấy mẫu sản phẩm tốt của đơn vị khác dán nhãn của họ rồi đi đăng ký dù hàng sản xuất thật chưa chắc đáp ứng yêu cầu chất lượng. Do đó, thủ tục này trở thành “giấy phép con”, không cải thiện về chất lượng sản phẩm mà ngược lại làm mất thời gian, tốn kém cho doanh nghiệp. “Một sản phẩm sản xuất trong nước có thể phải cõng tới hàng chục giấy phép con, gồm giấy phép cho từng nguyên liệu + giấy phép bao bì + giấy phép thành phẩm”, ông Trương Đình Hòe nói.
Thủ tục hành chính khó khăn cũng là trở ngại lớn trong việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp dù đã có rất nhiều chính sách ưu đãi. Ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Giống cây trồng Thái Bình, cho rằng, các giải pháp về phát triển nông nghiệp như: đất đai, thuế, vốn và xây dựng cơ sở hạ tầng hay liên kết… suy cho cùng đều nằm trong một giải pháp là cải cách thủ tục hành chính. Chúng ta đã có rất nhiều quyết định hỗ trợ, ưu đãi, tuy nhiên các quyết định đó thiếu thực tế nên không đi vào cuộc sống. Do đó, suy cho cùng giải pháp đầu tiên phải là cải cách thủ tục hành chính mạnh hơn nữa. Ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nông nghiệp U&I, cũng nhìn nhận: Rất khó tiếp cận các ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Hiện Nghị định 210/2013/NĐ-CP về khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp đang được sửa đổi và chúng tôi mong Chính phủ và các bộ, ngành giảm tối đa các thủ tục hành chính. Nếu chúng ta cho được thì cho chứ không nên gài quá nhiều điều kiện. Nếu bắt buộc phải có điều kiện thì cần phải hết sức rõ ràng, minh bạch, cụ thể để bất kỳ DN nào cũng có thể thực hiện được ngay, tránh làm mất thời gian, công sức của DN.
Một thống kê từ thực hiện Nghị định 210 cho thấy, DN phải trải qua 12 loại thủ tục với 16 bước, 40 loại giấy tờ để đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Đó là lý do cả nước chỉ có 1% tổng số DN đầu tư vào nông nghiệp với số vốn chiếm gần 3% tổng vốn đầu tư của DN vào sản xuất, kinh doanh.
Thực tế, việc DN, người dân bị “hành” về các thủ tục hành chính diễn ra khá phổ biến nhưng thường họ không dám “phản ánh”, sợ bị “trù”. Ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), kể: “Đọc qua danh sách những thủ tục hành chính mà một DN cần phải làm để bắt đầu một dự án mà thấy khiếp: 81 cái giấy phép. Không hiểu, nếu qua được 80 “kiếp nạn” mà bỗng dưng “cái ông cấp phép thứ 81” lại từ chối thì sao? Nhà đầu tư sẽ dừng dự án hay cố gắng “đút thêm 1 tý” để qua?”.
Thống kê được đưa ra tại Diễn đàn KTTN đưa ra cuối tháng 7 vừa qua, cho biết, có đến 44% DN bỏ lỡ cơ hội kinh doanh vì rào cản pháp lý và hạn chế thị trường. Những rào cản được chỉ ra có thủ tục hành chính; tiếp cận đất đai…
Điều kiện kinh doanh: “Siết cổ doanh nghiệp”
Luật Đầu tư 2014 và hàng loạt chính sách mang tính “cởi trói” cho DN đã được ban hành, các giấy phép con dần bị bãi bỏ, thủ tục gia nhập thị trường đơn giản, thuận tiện hơn; các thủ tục hành chính dần được tinh giản… Tuy nhiên, bên cạnh một số chuyển động theo hướng tích cực thì hệ thống pháp luật vẫn còn chứa đựng nhiều “rào cản” khiến việc hiện thực hóa quyền tự do kinh doanh gặp nhiều thách thức.
Ví dụ mang tính điển hình có thể kể đến Nghị định 19 của Chính phủ về kinh doanh khí gas có hiệu lực từ ngày 15-5-2016. Nhưng chỉ hơn 1 năm thực hiện, đến nay, hàng loạt DN, hiệp hội phản đối vì những quy định, điều kiện phi lý, mang tính “triệt hạ” DN nhỏ. Theo Nghị định 19, thương nhân kinh doanh khí gas phải đáp ứng các điều kiện kinh doanh (ĐKKD) như: đối với thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu LPG phải có số lượng chai LPG với tổng dung tích chứa tối thiểu 3.930.000 lít; đối với thương nhân phân phối LPG chai phải có tổng dung tích chứa tối thiểu 2.620.000 lít…
Đại diện nhóm các DN nhỏ kinh doanh mặt hàng LPG và liên tục có mặt ở nhiều hội thảo liên quan đến việc sửa đổi Nghị định 19, ông Hà Thanh Tùng, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất, thương mại và dịch vụ Đồng Tùng (Hà Giang), bức xúc: “Nếu Nghị định 19 không được sửa sớm thì số lượng DN nhỏ kinh doanh mặt hàng này sẽ giảm dần. Khi Nghị định 19 được ban hành, tôi đại diện 43 DN liên tục lên tiếng về những bất cập của nghị định này nhưng nay chỉ còn khoảng 30 DN. Nếu chờ thêm 1 năm nữa chắc còn lại vài người”. Lý do là những rào cản đưa ra trong Nghị định 19 khiến nhiều DN phá sản. Quy định hiện hành khiến DN của ông phải đầu tư ít nhất 50.000 chai gas (loại khí hóa lỏng LPG) 12kg. Như vậy chỉ riêng tiền vỏ chai mất khoảng 25 tỷ đồng. Nghịch lý ở chỗ, số vỏ chai này không dùng đến mà chỉ mua để đấy cho đủ điều kiện là thương nhân phân phối. Đó là chưa kể tiền thuê nhà xưởng để chứa vỏ chai cũng vài chục triệu đồng/tháng, đầu tư bồn chứa… “Nếu những ĐKKD theo Nghị định 19 mà không nhanh chóng được sửa đổi thì “không ai bắn chúng tôi cũng chết” - ông Lê Văn Bình, Giám đốc Công ty TNHH Minh Chánh (Bình Định), than vãn.
Theo kết quả rà soát 243 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện của VCCI, hiện có hơn 5.700 ĐKKD. Trong đó, rất nhiều điều kiện mang tính chất “giấy phép con” hết sức vô lý, can thiệp vào yếu tố thị trường bất hợp lý, can thiệp sâu vào hoạt động của DN, quy mô DN như: phải có “phương án kinh doanh đã được duyệt” của ĐKKD vận tải bằng ô tô; có hệ thống phân phối sản phẩm rượu trên địa bàn từ 6 tỉnh trở lên (tại địa bàn mỗi tỉnh phải có từ 3 thương nhân bán buôn sản phẩm rượu trở lên); có ít nhất 1 kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn thóc, phù hợp quy chuẩn chung… Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (VCCI), trong danh mục hiện hành 243 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, qua rà soát, VCCI cho rằng, có 16 ngành, nghề không phù hợp đưa vào danh mục; 10 ngành, nghề có phạm vi kiểm soát chưa phù hợp.
Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), bình luận, qua 16 năm cải cách, thành công nhất là giai đoạn 2000 - 2003 khi bãi bỏ được 160 giấy phép con, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển trên nguyên tắc người dân được làm những gì pháp luật không cấm. Thế nhưng, từ năm 2003 đến nay xem như “thất bại” khi hàng loạt giấy phép con, ĐKKD quay trở lại với sự áp đặt quá mức cần thiết.
Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, cũng cho rằng, việc tháo gỡ khó khăn cho DN đã đạt được một số tiến bộ. Song so với mục tiêu đặt ra là môi trường kinh doanh bằng ASEAN 4, yêu cầu cải thiện môi trường kinh doanh để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực… thì khoảng cách còn rất xa. Điều đó đòi hỏi phải có sự cải cách toàn diện, triệt để, dứt khoát, không chỉ xử lý một vài vụ việc như cắt bỏ các ĐKKD phi lý, giảm kiểm tra chuyên ngành….