Kinh tế tư nhân: Không đột phá khó thành động lực quan trọng
Khai mạc Hội nghị BCH Trung ương Đảng lần thứ 5, khóa XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của kinh tế tư nhân, đồng thời đưa ra yêu cầu về những nhiệm vụ, giải pháp lớn cần được quán triệt và triển khai thực hiện để kinh tế tư nhân ngày càng phát triển mạnh mẽ, đúng đắn và lành mạnh hơn, thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Một doanh nghiệp tư nhân ở Đắc Lắc đang thu gom cà phê. Ảnh: A.C
Thực tế là dù chiếm tới 97,6% số doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam, đóng góp khoảng 45% GDP và 31% vào tổng số thu ngân sách quốc dân, đang tạo ra 51% tổng việc làm của Việt Nam, nhưng hiện nay các doanh nghiệp tư nhân (chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ) tại Việt Nam vẫn chưa được đối xử bình đẳng. Những rào cản nào của doanh nghiệp tư nhân cần Đảng và Nhà nước tháo gỡ trong thời gian tới?
Vẫn chưa được đối xử bình đẳng
Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) - cho biết: Kết quả khảo sát hơn 8.000 DN tư nhân đang hoạt động tại VN trong năm qua cho thấy các DN tư nhân đang bị nhiều hạn chế khi tiếp cận các nguồn lực như tiếp cận thông tin rất khó khăn. Các DN tham gia thị trường cần có nguồn thông tin xác thực, đầy đủ và kịp thời để tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng hiện nhiều DN cho biết, rất khó tiếp cận. Khoảng 75% các DNNVV cho biết họ phải cậy nhờ đến các mối quan hệ để tiếp cận thông tin, thậm chí với các doanh nghiệp quy mô lớn, tỉ lệ này lên tới 79%.
DN tư nhân cũng khó tiếp cận các nguồn vốn. Khảo sát PCI 2015 cho thấy trong số các doanh nghiệp trả lời khảo sát, tỉ lệ các DNNVV có khoản vay từ ngân hàng là thấp hơn đáng kể so với DN quy mô lớn. Trung bình chỉ có 40% số DN siêu nhỏ tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng. Con số này ở DN nhỏ là 62%, 74% số DN vừa và lên tới 81% đối với các DN quy mô lớn.
Bà Phan Ngọc Minh - TGĐ Cty TNHH Nhật Minh - cho rằng: Kinh tế tư nhân đóng góp đáng kể cho công cuộc xây dựng, kiến thiết đất nước nhưng lại chưa được đánh giá hết vai trò. Trước hết, nhận thức về vị trí, vai trò của khu vực kinh tế tư nhân chưa nhất quán, DN tư nhân chưa thực sự được coi là một thành phần kinh tế quan trọng ở Việt Nam. Những “ưu ái” vẫn dành cho khu vực kinh tế nhà nước và khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Cơ chế hỗ trợ DN tư nhân chưa đi vào thực tế. DN tư nhân ít được tiếp cận với những chính sách hỗ trợ và các chương trình ưu đãi của Chính phủ; ít được hỗ trợ về thông tin thị trường, họ thường phải tự vươn lên, làm ăn theo kinh nghiệm. Mặt khác, DN tư nhân còn bị thiệt thòi khi môi trường kinh doanh chưa thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển, môi trường cạnh tranh chưa bình đẳng.
Dữ liệu từ điều tra Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) cho thấy, khả năng tiếp cận vốn của các DN tư nhân trong 5 năm gần đây không được cải thiện. Tỉ lệ DN có thể tiếp cận nguồn vay ngân hàng chỉ tăng nhẹ từ 1-2%/năm. Đặc biệt, DN tư nhân quy mô nhỏ đang phải đi vay với chi phí “đắt” hơn, thậm chí phải vay nặng lãi, mặc dù lãi suất ngân hàng có chiều hướng giảm. Các DN tư nhân cũng buộc phải có tài sản thế chấp nếu không sẽ không được vay vốn. Kể cả khi DN có tài sản thế chấp, thì thời gian vay cũng chỉ được trong vòng 1 năm, với mức lãi suất cao tương đương các nhóm doanh nghiệp khác. Nếu so sánh với các khoản vay của DN lớn thì với mức lãi suất cao, khoản vay ngắn, DN tư nhân sẽ khó có thể xoay xở với các kế hoạch kinh doanh dài hạn và buộc phải “lấy ngắn nuôi dài”.
Tiếp cận các nguồn lực còn hạn chế
Các thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp, cơ chế xin - cho còn diễn ra ở nhiều nơi. Cơ chế tiếp cận vốn vay và các chương trình hỗ trợ DN tư nhân bao gồm các hỗ trợ tư pháp, chế độ thông tin, hỗ trợ đào tạo... chưa được quan tâm đúng mức làm hạn chế đáng kể hiệu quả hoạt động của khối DN tư nhân. Ông Đỗ Hùng Cường - Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Kim An (Ngọc Liên, Kim An, Thanh Oai, Hà Nội) - nêu vướng mắc trong thủ tục vay vốn ngân hàng.
“Sản xuất các sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP cần số vốn khá lớn, nhưng HTX không thể vay vốn ngân hàng, do đó thiếu vốn để đầu tư. Chúng tôi không dám đòi hỏi được vay vốn với lãi suất ưu đãi, chỉ cần lãi suất bình thường đã mừng lắm rồi. Tuy nhiên, thủ tục vay vốn ngân hàng quá phức tạp, thậm chí “làm khó” người vay. Những người làm nông nghiệp tài sản không lớn, lợi nhuận không nhiều, trong khi luôn gánh chịu các rủi ro, rất cần được Nhà nước quan tâm tạo cơ chế bao tiêu đầu ra cho sản phẩm. Có như vậy, chúng tôi mới có thể phát triển sản xuất, mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho HTX và đất nước” - ông nói.
Có thể nói rằng, DN tư nhân đang bị đối xử như “con nuôi”, trong khi các DN, tập đoàn nhà nước là con đẻ được ưu tiên “bầu sữa” ngân sách, nhưng có nhiều DN, Tập đoàn “con cưng” của Nhà nước được ưu tiên vốn vay nhưng lại làm ăn thua lỗ hàng nghìn tỉ đồng.
Dù đầu óc sáng tạo, ý chí làm giàu, nhưng DN tư nhân lại thiếu 2 thứ cơ bản: Vốn và quỹ đất để mở rộng sản xuất. Đất dành cho kinh tế tư nhân thường hạn chế, giá cao, trong khi rất nhiều Cty, DN nhà nước đất rộng mênh mông dùng không hết… Bà Phan Ngọc Minh chia sẻ: “Tôi đã đi tham quan, học hỏi mô hình sản xuất, kinh doanh ở một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, thấy rằng lãi suất ngân hàng không đáng kể, thậm chí các sản phẩm mới sẽ được Nhà nước đầu tư 50% kinh phí. Để kinh tế tư nhân phát triển, Nhà nước nên có chính sách ưu đãi thuế, đất đai, vốn cho các ngành cơ bản của nền công nghiệp như cơ khí chính xác, công nghiệp phụ trợ...
Theo đó, nên hạ lãi suất cho vay để DN tư nhân có vốn đầu tư máy móc, thiết bị, thậm chí là cho vay không lãi suất. Muốn thế, cần có sự hỗ trợ của Nhà nước. Thay vì đầu tư xây dựng những cổng chào lòe loẹt, tốn kém không cần thiết hay các dự án nghìn tỉ để rồi “đắp chiếu”... , nên dành tiền đó để ưu đãi phát triển DN tư nhân - sức mạnh của nền kinh tế! Thật chua xót khi phải nói rằng, cái cổng chào mới được xây với chi phí lên tới 198 tỉ hồi cuối năm 2016 ở một tỉnh phía Bắc, có thể đủ để một số DN tư nhân vay vốn xây dựng nhiều nhà máy, tạo điều kiện để DN đầu tư sản xuất, đóng góp cho sự phát triển nền kinh tế đất nước, tạo công ăn việc làm cho người lao động…
Nhiều DN tư nhân ở các địa phương cũng cho biết, thực hiện chủ trương di dời các cơ sở sản xuất, chế biến ra khỏi các đô thị nhằm tránh ô nhiễm, không ít DN tư nhân nằm trong diện phải di dời. Tuy nhiên, hầu hết các DN phải tự tìm kiếm nơi di dời, khi họ không thể vào được các khu, cụm công nghiệp bởi giá thuê đất quá cao. Ngoài ra, còn hàng loạt những khó khăn khác mà DN phải đối mặt như khó tuyển dụng nhân công, hạ tầng chưa bảo đảm cho vận chuyển hàng hóa. Nhiều tỉnh, thành phố đã dành nguồn lực để đầu tư, hỗ trợ các khu, cụm công nghiệp này từ tiền ngân sách, tuy nhiên hầu hết chỉ dành cho các DN có vốn đầu tư nước ngoài hoặc DN trong nước quy mô lớn. Trong khi nhu cầu thuê đất đai tại các khu, cụm công nghiệp của các DNNVV đang rất lớn, Nhà nước cần có chính sách đồng bộ hơn cả về giá cho thuê, cũng như quy hoạch, lao động và hạ tầng nhằm tạo thuận lợi hơn cho các DNNVV trong việc tiếp cận đất đai tại các khu, cụm công nghiệp.
Gánh nặng thanh-kiểm tra và chi phí không chính thức
Một DN tư nhân không nêu tên cho biết, đối với các DN tư nhân thì gánh nặng đến từ thanh-kiểm tra của cơ quan nhà nước giống như một nỗi ám ảnh. Theo kết quả điều tra PCI, có tới 74% số doanh nghiệp từng đón tiếp các đoàn thanh-kiểm tra trong tất cả các lĩnh vực. Một hiện tượng vô cùng lo ngại là các DN có quy mô càng lớn, gánh nặng về thanh-kiểm tra càng cao. Chi phí thực hiện thủ tục hành chính tăng, rủi ro tăng lên khi quy mô tăng có thể là một nguyên nhân khiến các DNNVV Việt Nam “ngại lớn”. Vì càng lớn, càng nhiều “xiềng xích”. Cụ thể, thông thường các DNNVV phải tiếp đón 1-2 cuộc thanh-kiểm tra trong năm.
Với các DN quy mô lớn, con số này là khoảng 3 cuộc. Theo tính toán, có 18% số DN siêu nhỏ, 24% số DN nhỏ và 43% số DN quy mô vừa đón tiếp ít nhất 3 đoàn thanh-kiểm tra trong năm gần nhất, trong khi con số này là 50% đối với DN quy mô lớn. Các DN cho rằng, họ phải tiếp quá nhiều các đoàn-thanh kiểm tra trong khi không có sự phối hợp tốt giữa các đoàn, điều này dẫn đến sự trùng lặp về nội dung thanh-kiểm tra. Bên cạnh đó, DN kêu vẫn còn chịu gánh nặng cả về thủ tục hành chính như phải đi lại nhiều lần để hoàn thành các thủ tục về bảo hiểm xã hội, đất đai, hải quan, an toàn phòng chống cháy nổ, lao động, bảo vệ môi trường và thanh toán qua kho bạc…
Từ chỗ bị “hành”, DN buộc phải chi những khoản phí không chính thức để được việc. Không ít DN được hỏi cho rằng, họ phải chi trả các khoản phi phí không chính thức là thường xuyên với chi phí không chính thức so với doanh thu của các DN không hề nhỏ. Khoảng 11% số DN cho biết chi phí không chính thức chiếm trên 10% doanh thu của DN. Với các doanh nghiệp lớn, con số này là 7%. Bên cạnh đó, một tỉ lệ tương đối lớn doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ (khoảng 65%) và doanh nghiệp vừa (62%) cho biết có “tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp”. Con số này ở các doanh nghiệp quy mô lớn là 60%.
HỒNG QUÂN - KHÁNH VŨ
TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG:
Kinh tế tư nhân phải phát triển mạnh mẽ, đúng đắn và lành mạnh
Về vấn đề liên quan đến kinh tế tư nhân, trong diễn văn khai mạc Hội nghị Trung ương 5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh:
“Báo cáo tổng kết 15 năm (2002-2017) thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá IX “Về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân” đã được xây dựng, biên tập, chỉnh sửa nhiều lần trên cơ sở các báo cáo tổng kết và ý kiến đóng góp của hầu hết các ban, bộ, ngành và các tỉnh uỷ, thành uỷ trực thuộc Trung ương; kế thừa kết quả tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 30 năm đổi mới; tham vấn ý kiến các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp, hiệp hội ngành nghề và nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý.
tá-ổng kết cho thấy, trong 15 năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành và lãnh đạo tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp quan trọng về khuyến khích và tạo điều kiện để kinh tế tư nhân phát triển. Vai trò, vị trí của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế ngày càng được nhận thức rõ hơn và đánh giá đúng hơn. Kinh tế tư nhân ngày càng đóng góp lớn hơn trong huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, cơ cấu lại nền kinh tế, tăng thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết các vấn đề xã hội. Tỉ trọng trong GDP của khu vực kinh tế tư nhân, bao gồm cả kinh tế cá thể duy trì ổn định khoảng 39-40%. Bước đầu đã hình thành được một số tập đoàn kinh tế tư nhân có quy mô lớn, hoạt động đa ngành, có khả năng cạnh tranh tốt hơn trên thị trường trong nước và quốc tế; đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh. Số lượng doanh nghiệp của tư nhân tăng nhanh với nhiều loại hình đa dạng; phong trào khởi nghiệp được đẩy mạnh.
T.C.A
Doanh nghiệp tư nhân tạo khoảng 1,2 triệu việc làm mỗi năm
Theo số liệu của VCCI, các DN Việt Nam, trong đó số lượng lớn là DN tư nhân và kinh tế tư nhân đã có những đóng góp lớp vào thành tựu phát triển kinh tế đất nước. Khu vực DN tư nhân giữ vai trò quan trọng trong việc phát triển sức sản xuất, phát huy nội lực trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu, phát huy nội lực trong phát triển kinh tế - xã hội, tăng thu ngân sách, đồng thời tham gia giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội như tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo. DN tư nhân thu hút khoảng 51% lực lượng lao động cả nước và tạo khoảng 1,2 triệu việc làm mỗi năm.
A.C
TS Nguyễn Minh Phong: Phấn đấu có trên 1 triệu DN đăng ký vào năm 2020
Với gần 600.000 DN, trong đó có nhiều Cty tư nhân, Cty cổ phần lớn, có thương hiệu mạnh trên thị trường trong nước và quốc tế, khu vực KTTN hiện chiếm 51% lực lượng lao động cả nước, đóng góp khoảng 40% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và 30% NSNN, Việt Nam phấn đấu để có trên 1 triệu DN đăng ký vào năm 2020, trong đó có nhiều DN trưởng thành và phát triển, vươn ra tầm khu vực và thế giới. Để tăng năng lực của hệ thống kinh tế ngoài nhà nước (hay còn gọi là KTTN) trước hết cần cải cách và tăng cường năng lực, hiệu lực của các định chế và chế tài, kinh tế, hành chính, cũng như bộ máy tư pháp quốc gia và địa phương nhằm bảo vệ có hiệu quả lợi ích nhà nước, lợi ích DN, doanh nhân và người lao động, phát triển hệ thống an sinh xã hội, hệ thống phòng ngừa rủi ro, cảnh báo sớm các nguy cơ và giải quyết kịp thời các chấn động kinh tế - xã hội do quá trình thúc đẩy phát triển KTTN và hội nhập KTQT gây ra.
Q.T ghi
Ông Vũ Mạnh Hùng - TGĐ Cty cổ phần Hùng Nhơn (Bình Phước): Kinh tế tư nhân là đòn bẩy phát triển nền kinh tế
Kinh tế tư nhân sẽ là đòn bẩy thúc đẩy phát triển nền kinh tế của đất nước. Riêng đối với lĩnh vực phát triển nông nghiệp, tôi tin rằng, kinh tế tư nhân sẽ kích hoạt hàng loạt sự cải cách về chính sách tài chính cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn… Kinh tế tư nhân góp phần đẩy mạnh công nghiệp ở nông thôn; giúp các doanh nghiệp mạnh tay bỏ vốn đầu tư mà không lo ngại bất cứ điều gì, vì chính sách vĩ mô đã thật sự trở thành chỗ dựa cho sự đi lên của mỗi doanh nghiệp…
Đầu tư phát triển kinh tế tư nhân chính là phương tiện để phát triển kinh tế - xã hội và con người.
HOÀNG HƯNG ghi
Ông Võ Quang Huệ - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu: Kinh tế tư nhân là một bộ phận quan trọng của kinh tế đất nước
Kinh tế tư nhân có thể được phát triển tốt khi và chỉ khi chính cơ sở pháp lý, pháp luật được thực hiện một cách thực chất, minh bạch và hỗ trợ tốt cho DN phát triển. Tôi đơn cử như thủ tục đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp phải đơn giản.
Nói về nền kinh tế các hộ gia đình, xét về lâu dài thì do ảnh hưởng từ sự chuyển đổi của cả nền kinh tế, chắc chắn các cá thể này sẽ gặp những thử thách rất lớn. Đơn cử như hiện nay, tại thị trường Việt Nam đang có xu hướng hình thành nhiều cửa hàng như hệ thống trung tâm thương mại. Sự phát triển của khối DN này sẽ tạo áp lực lớn cho những hộ kinh doanh gia đình của Việt Nam. Chính vì vậy mà với vấn đề là làm thế nào để những hộ kinh doanh, các cá thể nhỏ như vậy có thể vượt qua được áp lực từ thị trường thì bản thân họ phải tự tạo ra được các giá trị riêng biệt trong từng ngành đầu tư của các hộ kinh doanh đó như thông qua chất lượng, giá cả và chất lượng dịch vụ để vẫn có thể giữ được lợi thế cạnh tranh. Tóm lại tôi cho rằng, kinh tế tư nhân là một bộ phận quan trọng của kinh tế đất nước nên Chính phủ cần tạo thêm nhiều cơ hội mới, nhiều luật mới. Một khi có thể tạo cơ hội cho nhiều DN start up trong nhiều ngành nghề khác nhau thì chắc chắn sẽ mang lại một kỳ vọng mới và sự phát triển mới cho nền kinh tế Việt Nam.
Ông Phạm Văn Tam - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn điện tử Asanzo: Kinh tế tư nhân cần được khuyến khích phát triển
Các quốc gia phát triển đều lấy kinh tế làm gốc, trong đó kinh tế tư nhân được khuyến khích phát triển. Nhìn lại sự phát triển của xã hội những năm qua, sự đóng góp của kinh tế tư nhân không hề nhỏ và Việt Nam cũng đã có những tỉ phú tự thân, thúc đẩy mạnh mẽ những hoạt động giao thương trong khu vực và quốc tế. Tôi mong Chính phủ ngoài việc đưa ra chủ trương cũng nhanh chóng hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích cụ thể, tạo thuận lợi phát triển mạnh kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế; trong đó chú trọng hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp.
BẢO CHƯƠNG ghi