The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Kinh tế tư nhân: Sức mạnh kinh tế Việt Nam

“Đất nước chưa bao giờ khó khăn như năm 2016, chịu cả thiên tai và nhân tai. Ngành sản xuất, xuất khẩu và phân phối trên thị trường nội địa phải đương đầu với cạnh tranh tăng lên từ bên ngoài. Nhưng đồng thời năm 2016 cũng bắt đầu có những thay đổi … Phải chăng khó khăn và thách thức đang trở thành áp lực và động lực cho những nỗ lực cải cách ở tầm vi mô của các doanh nghiệp…” .

Đó là những nhận định của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan về doanh nghiệp Việt Nam năm 2016, cùng những mong đợi vào sự vươn lên của các doanh nghiệp tư nhân và niềm hy vọng vào cố gắng cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ. Nhân dịp này bà Phạm Chi Lan có nhiều chia sẻ về chủ đề “Vai trò của tập đoàn kinh tế tư nhân ở nước ta”.

Vai trò của kinh tế tư nhân trong việc phát triển đất nước

Tất cả các nước phát triển đều dựa vào doanh nghiệp tư nhân (DNTN). Sau mở cửa, cải cách, Trung Quốc, Việt Nam, Lào cũng chú trọng phát triển DNTN. Và thực tế chứng minh DNTN có hiệu quả hơn hẳn doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Nói cho cùng thì tư nhân kinh doanh chính là nhân dân làm kinh tế, chèn ép tư nhân là gây khó cho dân.

Kinh tế tư nhân: Sức mạnh phát triển của Việt Nam
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan

Ở Việt Nam, trong những năm đầu Đổi mới, DNTN còn rất e ngại. Năm 1990-91 có luật cho DNTN chính thức ra đời, nhưng làm gì cũng phải xin phép Nhà nước, và chỉ được kinh doanh theo từng giấy phép ngắn hạn với nhiều hạn chế khác. Năm 1999 mới ban hành Luật DN, trao trả quyền tự do kinh doanh cho người dân, DN được kinh doanh những gì luật pháp không cấm, không hạn chế về qui mô, địa bàn nữa. Từ đó, mỗi năm vài vạn DN được thành lập trên khắp đất nước, vai trò và đóng góp của DNTN ngày một tăng lên, đặc biệt về mặt phát triển các ngành nghề, sản phẩm đa dạng cung cấp cho thị trường, tạo công ăn việc làm cho người lao động và đóng góp thuế cho ngân sách nhà nước.

Kinh tế tư nhân: Sức mạnh phát triển của Việt Nam
Nguồn số liệu từ Tổng cục Thống kê

Tuy nhiên, đến nay 97% DNTN ở Việt Nam vẫn là nhỏ và vừa, trong đó có tỷ lệ đáng kể DN siêu nhỏ. Qui mô trung bình của DN Việt Nam rất nhỏ bé, năng lực cạnh tranh cũng khá hạn chế. Chỉ tiêu có 1 triệu DN Việt Nam vào năm 2020 không khó đạt, nhưng vấn đề là DN phải cạnh tranh, có hiệu quả, bền vững thì mới có ý nghĩa.

Tỷ lệ DN lớn trong tổng số DN Việt Nam còn rất thấp, qui mô so với các nước cũng chưa đáng bao nhiêu. Hàng năm VNReport công bố danh sách Top 500 DN lớn nhất ở Việt Nam, tính cả các DN đầu tư nước ngoài tại VN và các DNNN. Số DNTN trong Top 500 và Top 100 có tăng lên, nhưng số đó vẫn chưa nhiều.

Mong muốn có những tập đoàn kinh tế tư nhân (TĐKTTN) lớn của Việt Nam đến nay chủ yếu vẫn là kỳ vọng. Chúng ta phải đợi tương lai nhiều năm nữa.

Trong số 500 DN lớn nhất Việt Nam, số tập đoàn thực sự rất ít. Tập đoàn kinh tế ở Việt Nam cũng không giống các tập đoàn trên thế giới, vừa nhỏ, vừa sơ khai, các lĩnh vực hoạt động còn hạn chế, nhất là trình độ kỹ nghệ, công nghệ và quản trị còn cách xa các nước. Điều quan trọng là tập đoàn kinh tế phải hình thành từ mối liên kết chặt chẽ giữa các công ty thành viên, trong khi từng công ty vẫn độc lập trong hoạt động kinh doanh, có giá trị riêng; các công ty có thể kết nối trong các chuỗi giá trị, hoặc cùng nhau tạo thêm giá trị cho tập đoàn. Tập đoàn kinh tế cũng phải có hệ thống quản trị theo những thông lệ quốc tế tốt, nền tảng sáng tạo cao và không ngừng cải thiện.

Về lĩnh vực, ở các nước hầu hết các tập đoàn đi lên từ công nghiệp hoặc công nghệ cao, hoạt động trong môi trường cạnh tranh trong nước và quốc tế, có độ lan tỏa và vai trò dẫn dắt các DN khác thông qua các mạng lưới và sự kết nối, có vai trò tiên phong trong thực hiện trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường.

Đi tìm những Tập đoàn kinh tế tư nhân Việt Nam

Ở Việt Nam, vài TĐKTTN đã hình thành và ngày càng mang vóc dáng của một tập đoàn. Ví dụ như Vingroup, Hòa Phát, TH True Milk, Masan, SunGoup… Trong khu vực nhà nước hoặc nửa nhà nước, có Viettel hùng mạnh là niểm tự hào của VN, có Vinamilk rất đáng kính nể, có PVN, EVN, TKV, FPT…, nhưng họ là DNNN nên ta không bàn đến ở đây.

Vingroup khởi đầu tập trung làm bất động sản (BĐS), tiếp đó, các dịch vụ thương mại bán lẻ, giáo dục, y tế, đầu tư vào ngành hàng nông sản… lần lượt ra đời tạo nên vóc dáng tập đoàn kinh tế đa ngành. Cách làm của Vingroup cho thấy tầm nhìn về một tập đoàn phát triển từng bước các lĩnh vực bổ sung cho nhau. Như VinMart liên kết với hơn 200 DN sản xuất hàng công nghiệp nhẹ, VinEco tạo liên kết với nông dân, để đưa hàng Việt vào hệ thống siêu thị. Ban đầu, các liên kết này có thể chưa mang lại lợi nhuận, phải dựa vào lợi nhuận của tập đoàn từ BĐS, nhưng chính các ngành đó lại đang tạo thêm giá trị gia tăng và nâng năng lực cạnh tranh của ngành cốt lõi là BĐS.

Hòa Phát thì bắt đầu bằng thép, nhưng lớn lên cũng bằng BĐS, sau này tham gia cả khai thác khoáng sản. Masan thì vừa hoạt động ngân hàng, vừa phát triển ngành hàng thực phẩm và khai thác khoáng sản. SunGroup cũng là tập đoàn kinh doanh BĐS lớn.

TH True Milk không giống các tập đoàn khác, khi từ lĩnh vực ngân hàng mở sang ngành sữa với toàn bộ hoạt động khép kín từ chăn nuôi bò, tới thu hoạch, chế biến và phân phối sữa, và đang tiếp tục triển khai một số dự án nông nghiệp và các lĩnh vực khác. TH True Milk còn có dự án đầu tư ra nước ngoài rất lớn ở Nga trong ngành hàng sữa, cũng làm từ chăn nuôi bò trở đi.

Như vậy, phần lớn các TĐKTTN ở Việt Nam phát triển gắn với BĐS hoặc khai thác tài nguyên khoáng sản là tài sản quốc gia, theo luật pháp thì thuộc sở hữu toàn dân và do nhà nước thống nhất quản lý. Để tiếp cận với những tài nguyên này, DN thường phải xây dựng quan hệ đặc biệt tốt với các cơ quan, với các quan chức nhà nước có quyền quyết định về phân bổ, qui hoạch sử dụng đất hay cấp phép xây dựng..., hoặc tương tự trong lĩnh vực khai thác khoáng sản.

Tài nguyên và BĐS là những nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế nếu các qui định và hệ thống thực thi minh bạch, có trách nhiệm giải trình, công bằng, đảm bảo lợi ích của cộng đồng và đông đảo người dân, phù hợp với yêu cầu phát triển dài hạn của các vùng và của cả nền kinh tế. Tuy nhiên nước ta chưa có những qui định và hệ thống thực thi như vậy. Phát triển BĐS ở Việt Nam chứa đựng và gây ra nhiều vấn đề thể hiện những yếu kém về thể chế và năng lực, đạo đức trong quản trị của chúng ta. Phần lớn việc khai thác khoáng sản cũng vậy. Những vấn đề đó gây nên tai tiếng về tham nhũng, về chủ nghĩa thân hữu… tạo nên những xung đột lợi ích phức tạp trong các quan hệ kinh tế, quan hệ giữa nhà nước, thị trường và xã hội.

Sức mạnh đầu tàu: Liên kết và lan tỏa

Các nước phát triển luôn khuyến khích các TĐKTTN lớn mạnh và phát huy sức lan tỏa của họ. Họ là những người có tầm nhìn xa trông rộng, có thể làm đầu tàu, dẫn dắt cuộc chơi, tạo ra thị trường và mạng lưới kinh doanh hay các chuỗi giá trị, để các thành viên khác trong cộng đồng DN có thể tìm thấy ở đó đường đi nước bước và chỗ đứng cho mình để tham gia. Cùng đổ xô ra thị trường theo tính bầy đàn mà không có “cột cờ” để căn chỉnh, đối chiếu thì nhiều khi các DN nhỏ và vừa (DNNVV) ít có khả năng xác định phương hướng, dễ dẫn đến hoạt động mù quáng, nhắm mắt theo trào lưu và khó có thể thành công.

Thành công của các DN NVV đồng thời cũng mang lại lợi ích về nhiều mặt cho các TĐKTTN lớn. DNNVV là nơi để các TĐKTTN đặt hàng (outsourcing) nguồn cung đối với các sản phẩm và dịch vụ mà các TĐKTTN lớn tự biết không có hiệu quả nếu tự làm lấy. Họ cũng là thị trường quan trọng trực tiếp tiêu thụ hoặc tham gia phân phối các sản phẩm của các TĐKTTN. Họ cũng có thể là nơi để TĐKTTN tổ chức nghiên cứu hoặc thực hiện những sáng tạo mới, ứng dụng công nghệ mới trong kinh doanh. Quan hệ hợp tác cùng có lợi giữa các TĐKTTN với các DN khác tạo nên sự phát triển mà cả phía doanh nghiệp cũng như xã hội và người dân đều được hưởng.

Kinh tế tư nhân: Sức mạnh phát triển của Việt Nam
Tập đoàn gia đình của Hàn Quốc chiếm gần 80% tổng vốn hóa thị trường của đất nước này

Ở nước ta, vài TĐKTTN đã bắt đầu đóng được vai trò đầu tầu, tuy còn mới mẻ và ở quy mô hạn chế. Ví dụ giữa năm 2016 Vingroup chính thức bắt tay với hơn 200 DNNVV trong các DN Hàng Việt Nam Chất lượng cao để cung cấp sản phẩm Việt trên thị trường bán lẻ trong nước.

Khi đó, BigC, Metro đã bị người Thái thâu tóm, tạo cơ hội cho hàng ngàn DN Thái Lan đưa sản phẩm vào Việt Nam để chiếm lĩnh thị trường hơn 90 triệu người tiêu dùng mà họ coi là cơ hội cực lớn. (Chúng ta cần biết rằng 6 trong 10 người giàu nhất Thái Lan là các nhà sản xuất nhu yếu phẩm bao gồm đồ ăn thức uống - PV). Các siêu thị Việt muốn bán hàng Thái thì không thể cạnh tranh với BigC, Metro; bán hàng Nhật thì không thể cạnh tranh với Aeon đã thâu tóm Fivimart; bán hàng Hàn thì không thể cạnh tranh với Lotte, K-Mart. Trong bối cảnh đó, VinMart hiểu muốn cạnh tranh thì phải có nguồn cung sản phẩm khác biệt, và siêu thị Việt bán hàng Việt là phương án hợp lý nhất.

Trên thực tế, hàng Việt Nam chất lượng cao đã xuất khẩu được đi nhiều nơi, nhưng không ít sản phẩm lại khó tiêu thụ ở thị trường trong nước. Một trong những nguyên nhân lớn là do thiếu hệ thống phân phối tốt, chuyên nghiệp, có chiến lược và năng lực thúc đẩy tiêu dùng sản phẩm nội địa. VinMart sở hữu một hệ thống phân phối rộng lớn nên có khả năng giúp hàng Việt Nam phát triển trên thị trường trong nước. Hàng Việt tiêu thụ được sẽ có nguồn lực để cải tiến kỹ thuật, nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh, củng cố niềm tin của người tiêu dùng.

Các hộ nông dân sản xuất riêng lẻ muốn tự làm rau sạch cũng khó do quy mô nhỏ, không có tổ chức, không đủ nguồn lực để đầu tư giống, kỹ thuật, công nghệ, các vật tư có chất lượng… VinEco đứng ra tập hợp các hộ nông dân, hướng dẫn kỹ thuật và cách sử dụng đầu vào, kiểm soát quy trình để đảm bảo chất lượng sản phẩm và hỗ trợ tiếp cận thị trường. Làm được như vậy, người nông dân mới có thể có khả năng tồn tại bằng cách sản xuất các sản phẩm sạch. Ngược lại, việc liên kết với nông dân làm phong phú hơn sản phẩm của VinEco, cung cấp nguồn nông sản đảm bảo chất lượng và an toàn, tạo nên thế mạnh cạnh tranh cho thương hiệu VinEco và VinMart.

Đó chính là cách TĐKTTN dẫn dắt, thúc đẩy, giúp các DN nhỏ hơn cùng phát triển. Đất nước Việt Nam thực sự cần những tập đoàn làm như vậy.

TH True Milk cũng là một điển hình khi bà chủ Ngân hàng Bắc Á quyết định đầu tư làm sữa, đi thẳng vào xây dựng một hệ thống tổ chức kinh doanh hoàn toàn mới, hình thành chuỗi sản xuất hoàn chỉnh và thực hiện cách làm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hiện đại. Phải có doanh nghiệp cỡ lớn, có đủ nguồn lực tài chính, khả năng tổ chức và quản trị giỏi, có đủ phương tiện và cả các quan hệ cần thiết để vượt qua những cái khó khi làm nông nghiệp thì mới có sự phát triển đột phá như khi TH True Milk ra đời. TH True Milk đã nhanh chóng phát triển, trở thành đối thủ cạnh tranh tốt và tạo động lực thúc đẩy công cuộc đổi mới liên tục trong các DN ngành sữa. Các thương hiệu sữa Việt đã cùng hướng tới những sản phẩm tốt hơn, đa dạng hơn, chiếm được niềm tin của người tiêu dùng, cạnh tranh được với sữa ngoại về các sản phẩm sữa tươi ở thị trường trong nước và vươn cả ra nước ngoài.

Nói như trên để thấy vai trò của TĐKTTN lớn lắm. Với khát vọng và tầm nhìn của mình, họ luôn có thể chủ động liên kết, lôi cuốn, tạo tác động tích cực lan tỏa đến cộng đồng DN, các nhà sản xuất, hệ thống phân phối, người tiêu dùng và toàn bộ thị trường.

Lương Bằng (ghi)

Vietnamnet