Kon Tum: Chương trình Cà phê Doanh nghiệp - Doanh nhân tháng 9/2023
Quang cảnh Chương trình |
Tham dự chương trình có đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố; Hiệp hội doanh nghiệp, Hội doanh nhân trẻ, Hiệp Hội Du lịch tỉnh và các doanh nghiệp, nhà đầu tư, hợp tác xã.
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, đến nay, đã ghi nhận 136 vấn đề vướng mắc khó khăn từ Hiệp Hội Doanh nghiệp tỉnh, Hội doanh nhân trẻ tỉnh và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; có 126 vấn đề vướng mắc của doanh nghiệp đã được cấp có thẩm quyền giải quyết, giải đáp doanh nghiệp.
Tại chương trình, Hội doanh nhân trẻ kiến nghị lãnh đạo tỉnh lãnh đạo tỉnh cho ý kiến chỉ đạo hướng dẫn hoặc chủ trì lập đề án thí điểm cho thuê môi trường rừng như: hành lang pháp lý, công cụ kiểm soát không làm suy thoái rừng, kỹ thuật trồng cây dưới tán rừng, định giá rừng…; đề xuất quy hoạch, xây dựng chợ dược liệu tại tỉnh Kon Tum vì hiện nay nhiều tổ chức, cá nhân triển khai đầu tư trồng, chế biến dược liệu đặc hữu có thế mạnh trên địa bàn tỉnh, việc sản xuất cần gắn với giới thiệu sản phẩm, tiêu thụ sản phẩm trong đó cần thiết có chợ dược liệu để người trồng, sản xuất giới thiệu sản phẩm, giao thương; đề xuất thí điểm mô hình trồng cây sim, mâm xôi kết hợp nghiên cứu khoa học và du lịch; cải tạo, nâng cấp chợ nông thôn tại thôn 03 xã Tân Lập được xây dựng từ năm 1996.
Ngoài ra, doanh nghiệp đề xuất tháo gỡ khó khăn về thủ tục thuê đất; cấp giấy phép xây dựng; xem xét hình thức đặc thù đối với hình thức thuê tư vấn dự án đối với một số dự án.
Sau khi lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp, lãnh đạo UBND tỉnh và các ban, ngành, địa phương liên quan đã trả lời cụ thể các vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp và khẳng định sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển. Đối với trường hợp còn vướng mắc, các sở, ban ngành và UBND các huyện, thành phố sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu và chủ động xử lý theo thẩm quyền.
Phát biểu tại chương trình, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao những ý kiến tham gia, chia sẻ trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong triển khai các thủ tục đầu tư trên địa bàn tỉnh, góp phần thực hiện ngày càng tốt hơn việc nâng cao năng lực cạnh tranh và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh.
Để phát huy kết quả đạt được, đồng chí đề nghị các sở, ngành, đơn vị, địa phương thời gian tới tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; hỗ trợ phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân, khởi nghiệp sáng tạo; tạo môi trường bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực giữa các thành phần doanh nghiệp, các nhà đầu tư; đẩy mạnh việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, xây dựng chính quyền, nền kinh tế số và xã hội số, công dân số trong phục vụ, hỗ trợ doanh nghiệp...
Đề nghị Hiệp hội Doanh nghiệp, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh cần làm tốt hơn nữa vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp và cơ quan nhà nước, thường xuyên trao đổi thông tin, tiếp tục xây dựng phản ánh, bổ sung chính sách liên quan đến doanh nghiệp, nâng cao vai trò của mình trong việc cung cấp thông tin về pháp luật, thị trường, dịch vụ kinh doanh, hỗ trợ xúc tiến thương mại, giải quyết tranh chấp, là chỗ dựa, là nơi phản ánh các hoạt động của doanh nghiệp./.
Theo Cổng TTĐT Kon Tum