The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Kon Tum: Giàu tiềm năng nhưng “đói” vốn đầu tư để phát triển

Nằm ở vị trí chiến lược ngã ba Đông Dương, trong vùng lõi Khu vực tam giác phát triển Việt Nam- Lào- Campuchia, Kon Tum là điểm kết nối, trung chuyển trên trục Đông - Tây; Núi - Biển. Xác định được tiềm năng thế mạnh, tỉnh Kon Tum đã xây dựng 3 vùng kinh tế động lực, gồm: Khu kinh tế cửa khẩu Quốc tế Bờ Y, Khu du lịch sinh thái Quốc gia Măng Đen và thành phố Kon Tum- đô thị đặc thù Tây Nguyên. Sẵn sàng cho các hoạt động hợp tác, địa phương đang tích cực cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh để thu hút nhà đầu tư.

Cùng với trên 75.000 ha cao su, gần 14.000 ha cà phê, Kon Tum còn có sâm Ngọc Linh, một loại dược liệu đặc hữu với giá trị đẳng cấp thế giới. Ngoài ra, tại vùng kinh tế động lực Kon Plông, nơi khí hậu quanh năm mát mẻ với nhiệt độ trung bình 20 độ C, hàng chục nghìn ha đất, mặt nước thích hợp với các loại rau hoa, thủy sản nước lạnh, trồng cây dược liệu... đang là điểm đến hấp dẫn với nhà đầu tư.

Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, để xây dựng được mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững, với những sản phẩm đặc thù có giá trị kinh tế cao, Kon Tum đang cần số vốn hàng chục nghìn tỷ đồng. Thực tế cho thấy, các nông hộ, tổ chức sản xuất và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp tại địa phương đang rất cần vốn để đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Được thành lập cách đây 2 năm, chuyên trồng và chế biến cà phê sạch, ông Nguyễn Tri Sáu, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Nông nghiệp- Sản xuất- Thương mại Sáu Nhung, ở huyện Đắc Hà cho biết, HTX luôn trong tình trạng "khát vốn". Vì giá sản phẩm cao, nguồn vốn không có bao nhiêu, đa số phải tự túc. Bây giờ, mua 10 tấn nhân cà phê về chế biến là cần trên 400 triệu đồng. Trong khi đó, mua về phải giữ trong kho từ 6 đến 7 tháng mới đưa vào chế biến. Nếu có vốn, sẽ mua hết nông sản của xã viên để dự trữ, còn không có vốn thì rất khó khăn".

Theo ông Nguyễn Văn Tín, Phó chủ tịch Hiệp Hội doanh nghiệp tỉnh Kon Tum, đang có một cơ hội rất lớn đối với nhà đầu tư là những Công ty, Tập đoàn lớn vì cùng với những tiềm năng tại chỗ, Kon Tum cũng là cửa ngõ thuận tiện cho việc mở rộng thị trường sang các tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và Thái Lan.

Trong khi đó, hiện tại ở Kon Tum mới chỉ có những doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động. Ông Nguyễn Văn Tín thẳng thắn: "Hầu hết các doanh nghiệp trong tỉnh là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nguồn vốn có hạn. Đa số dùng nguồn vốn của ngân hàng".

Hiện tại cùng với lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh Kon Tum cũng đang mời gọi đầu tư vào 33 dự án công nghiệp, du lịch và xây dựng. Trong đó, nhiều dự án có sức hút mạnh với nhà đầu tư, như: các nhà máy chế biến sản phẩm công nghiệp; du lịch sinh thái; các khu thương mại, dịch vụ, siêu thị, chợ biên giới... Để mời gọi, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với địa phương, các cấp chính quyền, ngành chức năng tỉnh Kon Tum đang có nhiều nỗ lực nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Ông Nguyễn Đình Bắc, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kon Tum cho biết: "Chúng tôi coi việc giải quyết vướng mắc, khó khăn cho nhà đầu tư là điểm mấu chốt, tức là đồng hành cùng doanh nghiệp. Hàng quý có một ngày đối thoại với doanh nghiệp, tìm ra tất cả những vấn đề khó khăn cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp để giải quyết kịp thời cho nhà đầu tư"./.

Khoa Điềm/VOV- Tây Nguyên

Theo VOV ngày 21/05/2015