Kon Tum nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư: Dành ưu tiên hàng đầu cho chất lượng dự án
Những năm gần đây, nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh Kon Tum đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư và thực tế đã có nhiều dự án lớn của nhà đầu tư trong cũng như ngoài nước đầu tư vào địa bàn. Nội dung trao đổi ngắn dưới đây với Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kon Tum – ông Lê Ngọc Tuấn cũng sẽ giúp chúng ta hình dung được những "gam màu sáng" trong bức tranh thu hút đầu tư của Kon Tum.
Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn những kết quả tỉnh đạt được trong công tác thu hút đầu tư giai đoạn 2010-2015 của tỉnh Kon Tum?
Thời gian qua, tình hình thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh đã có nhiều khởi sắc, số lượng nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội đầu tư và đăng ký đầu tư ngày càng tăng. Tính đến ngày 30/6/2016, đã có 203 dự án được cấp phép đầu tư ngoài KKT - KCN và 43 dự án đầu tư tại KKT - KCN; trong đó có 223/246 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đầu tư 412.280,773 tỷ đồng. Riêng giai đoạn 2010-2015, trên địa bàn tỉnh có 153/167 dự án đã được cấp được phép đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đầu tư gần 24.664,783 tỷ đồng.
Với chức năng là cơ quan tham mưu với tỉnh trong lĩnh vực thu hút đầu tư, ông đánh giá như thế nào về công tác kiểm tra, giám sát đầu tư và chất lượng các dự án đầu tư trên địa bàn?
Thời gian qua, cùng với việc tăng cường thu hút các dự án đăng ký đầu tư mới, công tác kiểm tra, giám sát đầu tư các dự án đầu tư được chú trọng và qua đó đã xem xét giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện dự án. Nhiều dự án đầu tư vào địa bàn được tỉnh chọn lọc hơn trong khâu đầu vào, đảm bảo chất lượng dự án, khắc phục tình trạng dự án đăng ký nhiều nhưng triển khai chậm, qua đó tạo dựng được niềm tin nơi các nhà đầu tư thực sự có năng lực. Tuy nhiên vẫn còn một số dự án được cấp Giấy CNĐT nhưng đến nay nhà đầu tư vẫn triển khai chậm, có biểu hiện cơ hội, giành giữ chỗ chờ thời cơ làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư. Qua kiểm tra, rà soát, UBND tỉnh đã ra quyết định thu hồi 23 dự án đầu tư.
Để hạn chế tình trạng các nhà đầu tư chai ì, giành giữ chỗ, thời gian tới tỉnh tiếp tục rà soát lại toàn bộ các dự án đã cấp Giấy CNĐT để xem xét các dự án chậm trễ, qua đó buộc nhà đầu tư phải cam kết tiến độ đầu tư dự án, hoặc tham mưu UBND tỉnh thu hồi Giấy CNĐT đối với các dự án không triển khai thực hiện, không có lý do chính đáng. Chúng tôi cũng sẽ thông qua công tác thẩm tra chấp thuận chủ trương đầu tư để lựa chọn nhà đầu tư thực sự có năng lực và tâm huyết đầu tư vào tỉnh nhà. Ngoài ra trên cơ sở Luật đầu tư số 67/2014/QH 13 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2015, UBND tỉnh tổ chức triển khai thực hiện, trong đó yêu cầu nhà đầu tư ký quỹ để bảo đảm thực hiện dự án.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với Kon Tum thì bên cạnh các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư, tỉnh còn có những nỗ lực nào nhằm thể hiện cao nhất quyết tâm đồng hành vượt khó cùng nhà đầu tư?
Để kịp thời nắm bắt và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, UBND tỉnh đã tăng cường tổ chức các sự kiện, hội nghị đối thoại doanh nghiệp; tăng cường công tác, giám sát đánh giá đầu tư; hoàn thiện chuyên mục lấy ý kiến, hỏi đáp, tham gia chính sách của người dân, doanh nghiệp trên Cổng thông tin điện tử của các đơn vị; ghi nhận các kiến nghị, phản ánh của doanh nghiệp đối với chính sách có liên quan đến vấn đề đầu tư của tỉnh, nhất là trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng và môi trường. Đồng thời, UBND tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo các Sở, ban ngành, các huyện, thành phố triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trong sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 7/1/2013 của Chính phủ.
Ngoài ra thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ, nhằm tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn, UBND tỉnh đã xây dựng và chỉ đạo các Sở, ban, ngành triển khai thực hiện Kế hoạch số 1221/KH-UBND ngày 23/5/2014 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; Kế hoạch số 1324/KH-UBND ngày 26/6/2015 về việc tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh hai năm 2015-2016 và Kế hoạch số 3304/KH-UBND ngày 24/12/2014 về triển khai thực hiện Kết luận 1422-KL/TU ngày 28/10/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tình hình thu hút đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Bên cạnh đó, ở giai đoạn này, thực hiện Nghị quyết số 43/NQ-CP ngày 6/6/2014 của Chính phủ, tỉnh Kon Tum đã ban hành Quyết định số 231/QĐ-UBND ngày 24/4/2015 để áp dụng thủ tục thực hiện dự án đầu tư có sự dụng đất theo Nghị quyết số 43/NQ-CP của Chính phủ. Cụ thể sẽ bãi bỏ thủ tục đăng ký đầu tư hoặc thẩm tra, cấp Giấy CNĐT đối với các dự án đầu tư có sử dụng đất không thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện; thay thế thủ tục thẩm tra, cấp Giấy CNĐT trong trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất và nhà đầu tư thực hiện đầu tư dự án trên đất thuộc quyền sử dụng của nhà đầu tư; không yêu cầu nhà đầu tư phải thực hiện thủ tục cấp Giấy phép quy hoạch, các nội dung của Giấy phép quy hoạch phải được thể hiện ngay trong nội dung kết quả giải quyết thủ tục chấp thuận đầu tư...
Đặc biệt ngay sau khi Luật đầu tư năm 2014 có hiệu lực thi hành ngày 1/7/2015, tỉnh đã chỉ đạo các Sở, ban, ngành, địa phương triển khai thực hiện; đồng thời, chỉ đạo các đơn vị rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục Quyết định chủ trương đầu tư của UBND tỉnh từ 35 ngày làm việc xuống còn 15 ngày làm việc. Đây được xem là sự thay đổi, bước tiến đáng kể trong công tác thu hút đầu tư của Kon Tum.
Về lâu dài, tỉnh chú trọng thực hiện các giải pháp đồng hành cùng doanh nghiệp, đối thoại với doanh nghiệp không chỉ ở lãnh đạo cấp tỉnh mà còn ở các sở ban ngành, cấp huyện và đặc biệt là những công chức trực tiếp làm việc với doanh nghiệp, nhà đầu tư để nâng cao chất lượng thu hút đầu tư. Điểm mấu chốt quan trọng nhất là giải quyết khó khăn vướng mắc kịp thời cho các doanh nghiệp thông qua đối thoại trực tiếp hàng tháng
Xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Kon Tum năm 2015 mặc dù có tăng song vẫn chưa đạt như kỳ vọng. Vậy tỉnh có kế hoạch nào nhằm cải thiện Chỉ số PCI trong thời gian tới?
Theo Báo cáo PCI 2015, chỉ số PCI của Kon Tum tăng 4 bậc so với năm 2014, đứng thứ 52/63 tỉnh, thành cả nước (với 56,55 điểm), nằm trong nhóm xếp hạng Trung bình. Trong các chỉ số cấu thành chỉ số PCI của Kon Tum năm 2015, có 7/10 chỉ số thành phần tăng bậc so với năm 2014, 2/10 chỉ số giảm bậc; 1/10 chỉ không tăng bậc. Việc nhiều chỉ số thành phần trong chỉ số PCI 2015 của Kon Tum bị đánh giá rất thấp, một phần phản ánh môi trường đầu tư tại tỉnh theo đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp chưa được cải thiện. Điều này đặt ra yêu cầu cần có sự nỗ lực hơn nữa của các cấp, ngành địa phương trong việc thực hiện nhiệm vụ cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Có thể thấy một môi trường đầu tư, kinh doanh được đánh giá tốt thông thường là chi phí gia nhập thị trường thấp; tiếp cận đất đai dễ dàng và sử dụng đất ổn định; môi trường kinh doanh minh bạch và thông tin liên quan đến kinh doanh được công khai; chi phí không chính thức và chi phí thời gian cho thanh, kiểm tra và thực hiện các thủ tục hành chính thấp; lãnh đạo tỉnh năng động, sáng tạo… Để thực hiện được điều này, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, thu hút được các nhà đầu tư có tiềm năng, tiềm lực, trong thời gian tới Kon Tum chú trọng nâng cao nhận thức, trách nhiệm của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền và đội ngũ cán bộ, công chức trong xây dựng và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thực hiện cơ chế chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao tính minh bạch và chất lượng công vụ trong các cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương; duy trì tốt cơ chế đối thoại, gặp gỡ giữa lãnh đạo tỉnh và doanh nghiệp để trực tiếp lắng nghe, tháo gỡ kịp thời những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp, thành lập Tổ liên ngành Hỗ trợ thủ tục đầu tư cho các nhà đầu tư....Với sự hăng hái vào cuộc và quyết tâm cao của toàn thể lãnh đạo, cán bộ tỉnh, hy vọng năm 2016 và những năm tiếp theo Kon Tum sẽ từng bước nâng cao hơn nữa vị thứ của mình trên Bảng xếp hạng PCI.
Mỹ Châu