The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Kon Tum quyết tâm đẩy mạnh cải cách hành chính; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Với những nội dung lãnh đạo cụ thể, sâu sát, với phương pháp làm việc khoa học, trách nhiệm, tâm huyết của cấp ủy, chính quyền tỉnh Kon Tum vì sự phát triển nhanh và bền vững của địa phương, tin chắc thời gian tới các Chỉ số: PAPI; PAR INDEX; PCI của tỉnh sẽ sớm được cải thiện và đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh đề ra.
Kon Tum là tỉnh miền núi, biên giới ở Bắc Tây Nguyên, phía Bắc giáp tỉnh Quảng Nam, phía Nam giáp tỉnh Gia Lai, phía Đông giáp tỉnh Quảng Ngãi, phía Tây giáp các tỉnh Attapư, Sêkông (nước CHDCND Lào) và tỉnh Rattanakiri (Vương quốc Campuchia), có đường biên giới dài 292,5 km (giáp Lào 154,2 km, giáp Campuchia 138,3 km); có 10 đơn vị hành chính cấp huyện, 102 đơn vị hành chính cấp xã với 756 thôn (làng), tổ dân phố. Diện tích tự nhiên là 9.690,46 km2; dân số toàn tỉnh gần 560.000 người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 53%, với 07 dân tộc thiểu số tại chỗ (Xê đăng, Bahnar, Gia Rai, Brâu, Rơ Mâm, Giẻ Triêng, Hre) và 35 dân tộc thiểu số khác.
Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền và các sở, ngành của tỉnh đã chủ động triển khai thực hiện các chủ trương, đề án về nâng cao hiệu quả quản lý hành chính công tỉnh; nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và đã đạt được một số kết quả tích cực. Đã thành lập và đưa vào hoạt động Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh với gần 1.400 thủ tục được giải quyết tại Trung tâm, đạt tỷ lệ 95% trên tổng số thủ tục hành chính cấp tỉnh; Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả một cửa cấp huyện, cấp xã tiếp tục được hoàn thiện, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp. Đã triển khai xây dựng, thực hiện Hệ thống thông tin điện tử và cổng dịch vụ công 3 cấp tỉnh, huyện, xã. Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh ngày càng được cải thiện (Năm 2015, Chỉ số PAPI tỉnh Kon Tum ở vị trí thứ 58/63 tỉnh, thành phố; năm 2020 đạt 41,62 điểm, xếp hạng 49/63 tỉnh, thành phố, tăng 9 bậc so với năm 2015); chất lượng sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh được nâng lên; môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng thuận lợi; công tác quảng bá, xúc tiến, thu hút đầu tư được tăng cường và đổi mới, số lượng nhà đầu tư đến tìm hiểu và đầu tư trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng… Những kết quả đó đã góp phần quan trọng giữ vững tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh luôn duy trì ở mức khá cao, GRDP tăng bình quân trên 9%/năm.
Tuy nhiên, Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) và Chỉ số hiệu quả Quản trị và Hành chính công (PAPI) của tỉnh vẫn thuộc nhóm trung bình thấp trong bảng xếp hạng của cả nước. Năm 2020, Chỉ số PAPI của tỉnh Kon Tum đạt 41,62 điểm, xếp hạng 49/63 tỉnh, thành phố; Chỉ số PCI đạt 62,02 điểm, xếp thứ 56/63 tỉnh, thành phố.
Để khắc phục những hạn chế, thiếu sót, nhanh chóng cải thiện và nâng cao Chỉ số Quản trị và Hành chính công (PAPI), Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh, Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh Kon Tum, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó nhiệm vụ trọng tâm thứ năm được xác định là: “Đẩy mạnh cải cách hành chính; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh”.
Chỉ chưa đầy 02 tháng sau khi bế mạc Đại hội, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã khẩn trương cụ thể hóa và ban hành Chương trình số 03-CTr/TU ngày 12-11-2020 để thực hiện Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh gồm 19 chương trình, trong đó có Chương trình số 15: Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh với mục tiêu: “Nâng cao chất lượng quản lý, điều hành của các cơ quan nhà nước, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, thông thoáng và thuận lợi để thu hút đầu tư. Nâng cao các Chỉ số: Hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI); cải cách hành chính (PAR INDEX); năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); phấn đấu cuối năm 2025, các chỉ số của tỉnh trong nhóm 30/63 tỉnh, thành phố cả nước”.
Ngay sau Tết nguyên đán Tân Sửu 2021, Thường trực Tỉnh ủy đã tổ chức Hội nghị về đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh (ngày 18-3-2021); kết luận Hội nghị, Thường trực Tỉnh ủy đã yêu cầu:
1. Việc nâng cao các chỉ số cải cách hành chính, hiệu quả Quản trị và Hành chính công, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh là nhiệm vụ quan trọng, vừa mang tính cấp bách trước mắt, vừa mang tính chiến lược, lâu dài của tỉnh. Đây là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp từ tỉnh tới cơ sở; do đó đồng chí bí thư cấp ủy, chủ tịch ủy ban nhân dân các cấp, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; nhất là nâng cao hiệu quả công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ, giải quyết các thủ tục hành chính giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương; tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn và tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức trong thực thi nhiệm vụ. Thường xuyên thanh tra công vụ, xử lý nghiêm những cán bộ, công chức gây khó khăn, nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp.
2. Ủy ban nhân dân tỉnh khẩn trương hoàn thiện và tham mưu Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết "về đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và tăng cường thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh tính đến năm 2025, định hướng đến năm 2030". Trước mắt, tập trung thực hiện ngay một số nội dung trọng tâm sau:
- Khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai đồng bộ các giải pháp về cải thiện, nâng cao Chỉ số hiệu quả Quản trị và Hành chính công, Chỉ số cải cách hành chính, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Trong đó, tiếp tục duy trì, nâng cao nhóm các chỉ số thành phần có kết quả tốt; tập trung cải thiện nhóm các chỉ số thành phần có kết quả thấp.
Rà soát, phân tích từng chỉ số thành phần của Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; trên cơ sở đó, giao nhiệm vụ phù hợp với chức năng của từng cơ quan, đơn vị đảm bảo hiệu quả trong quá trình triển khai thực hiện. Tăng cường đôn đốc, nhắc nhở, chấn chỉnh những đơn vị, địa phương chậm trễ, yếu kém; kịp thời động viên, khen thưởng đối với các đơn vị, địa phương hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Phấn đấu trong năm 2021, kết quả của 03 Chỉ số trên tăng 10 bậc so với năm 2019; cụ thể: Chỉ số PAPI xếp thứ 43/63; Chỉ số PAR INDEX 49/63; Chỉ số PCI 46/63 tỉnh, thành phố.
- Nghiên cứu xây dựng, triển khai Bộ chỉ số đánh giá năng lực điều hành cấp sở, ban, ngành và địa phương thuộc tỉnh (DDCI). Tổ chức khảo sát, nắm tình hình, phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để có giải pháp kịp thời khắc phục những hạn chế, tồn tại của các đơn vị, địa phương. Đồng thời, đẩy mạnh công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư; giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc để tạo điều kiện thuận lợi nhất để nhà đầu tư đến tìm hiểu, khảo sát, đầu tư trên địa bàn, góp phần cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh.
- Định kỳ quý I hằng năm, tổ chức Hội nghị để đánh giá kết quả cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh và công bố xếp hạng chỉ số DDCI đối với các sở, ban, ngành và địa phương thuộc tỉnh.
Cùng với những nội dung chỉ đạo cụ thể, quyết liệt như trên, ngay trong những tháng đầu nhiệm kỳ 2020-2025 và những ngày đầu năm 2021, Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy đã tổ chức nhiều Đoàn công tác, nhiều buổi làm việc với các huyện, thành phố và một số ban, ngành (Hội Doanh nghiệp trẻ, Trường Cao đẳng Cộng đồng Kon Tum; một số hợp tác xã trên địa bàn thành phố…) để nắm tình hình, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của địa phương, cơ sở, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương, đơn vị. Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh đã tổ chức làm việc với nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước (FLC, Vingroup, Tập đoàn TH. True Milk, Tập đoàn công nghiệp Cao Su Việt Nam, Tập đoàn Alphanam…) để quảng bá hình ảnh, giới thiệu tiềm năng và thu hút đầu tư vào địa bàn tỉnh.
Với những nội dung lãnh đạo cụ thể, sâu sát, với phương pháp làm việc khoa học, trách nhiệm, tâm huyết của cấp ủy, chính quyền tỉnh Kon Tum vì sự phát triển nhanh và bền vững của địa phương, tin chắc thời gian tới các Chỉ số: Hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI); cải cách hành chính (PAR INDEX); năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Kon Tum sẽ sớm được cải thiện và đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh đề ra.

Theo Trang Thông tin Điện tử Kon tum