The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Kon Tum: Tạo sức bật từ cải thiện môi trường đầu tư

Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh là những yếu tố quan trọng để phát triển cộng đồng doanh nghiệp, lấy đó làm động lực để nâng cao chất lượng tăng trưởng, góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Trên thực tế, từ nhiều năm trước, việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh luôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.
Bằng chứng là sau mỗi năm, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đều có sự chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành phân tích, đánh giá về xếp hạng các chỉ số liên quan, nhất là Chỉ số Năng lực cạnh tranh (PCI), từ đó có chương trình hành động khắc phục hạn chế, tồn tại cụ thể.
Nhờ vậy, năm 2022, chỉ số PCI của tỉnh đã có sự bứt phá ngoạn mục, đạt 64,89 điểm, xếp thứ 37/63 tỉnh, thành phố, tăng 24 bậc so với năm 2021. Đây cũng là thứ hạng cao nhất tỉnh đạt được kể từ năm 2006 đến nay.
Thu hút đầu tư tiếp tục được chú trọng. Ảnh: T.H
Trong đó, một số chỉ số có thứ hạng cao, như: Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (thứ 10/63), Cạnh tranh bình đẳng (thứ 20/63), Chi phí không chính thức (thứ 21/63), Tính minh bạch (thứ 30/63).
Đánh giá kết quả cải thiện môi trường đầu tư và năng lực cạnh tranh, Báo cáo số 171/BC-UBND ngày 9/6 của UBND tỉnh cho hay, tỉnh đã chủ động tiếp xúc, kêu gọi, làm việc với nhà đầu tư, thông qua duy trì Chương trình đối thoại với doanh nghiệp (2 lần/năm) và Cà phê doanh nhân (định kỳ hằng tháng). Qua đó nắm bắt và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, đẩy nhanh tiến độ đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Công tác phát triển doanh nghiệp và thu hút đầu tư tiếp tục được chú trọng. Theo đó, đã chỉ đạo, rà soát, điều chỉnh Danh mục dự án thu hút đầu tư vào tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2025 đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế của các địa phương.
Góp phần cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh phải kể đến những nỗ lực và kết quả đạt được trong cải cách hành chính. Theo đó, cơ chế một cửa, một cửa liên thông tiếp tục được đẩy mạnh theo hướng công khai, minh bạch, thuận tiện.
Đến nay, 19/19 cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh, 10/10 đơn vị hành chính cấp huyện, 102/102 đơn vị hành chính cấp xã đã thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông.
Đã có 93,12% thủ tục hành chính thực hiện tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, xã. Đặc biệt, 100% thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đất đai được thực hiện tiếp nhận và trả kết quả tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.
Ở lĩnh vực thuế, thực hiện rút ngắn bình quân trên 30% thời gian giải quyết thủ tục hành chính thuế so với quy định.
Doanh nghiệp đánh giá cao nỗ lực cải cách hành chính. Ảnh: T.H
100% doanh nghiệp đăng ký sử dụng dịch vụ hóa đơn điện tử; trên 98% doanh nghiệp tham gia khai thuế điện tử và trên 98% doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử.
Có thể khắng định, với những thay đổi đáng kể trong điều hành, thúc đẩy mạnh mẽ cải cách hành chính, thời gian cần thiết để doanh nghiệp hoàn tất các thủ tục hành chính đã cải thiện nhiều.
Những gánh nặng thủ tục giai đoạn hậu đăng ký đối với doanh nghiệp cũng giảm; việc chi trả chi phí không chính thức, tình trạng nhũng nhiễu đã giảm đáng kể so với trước đây.
Mặc dù vậy, theo UBND tỉnh, vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế cần tháo gỡ, từ đó tạo sức bật cho phát triển kinh tế- xã hội từ cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Đó là một số nhiệm vụ cải cách hành chính thiếu nguồn lực triển khai, như ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; triển khai kiến trúc chính quyền điện tử.
Một bộ phận cán bộ, công chức còn tình trạng e ngại trách nhiệm cá nhân, nên giải quyết thủ tục nhiều lúc quá chặt chẽ, mất thời gian. Một số thủ tục hành chính phải có sự phối hợp của các ngành, dẫn đến thời gian trả kết quả thực hiện các thủ tục hành chính có khi bị kéo dài.
Cộng đồng doanh nghiệp cũng cho rằng, trên thực tế vẫn còn những thủ tục gây phiền hà, cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đáng chú ý là một số quy định hành chính liên quan đến đất đai, xây dựng chưa phù hợp, không chỉ gây thiệt hại về thời gian, tiền bạc mà còn làm mất cơ hội, thời cơ làm ăn của doanh nghiệp.
Ngày 16/5/2022, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Khóa XVI đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU về cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng cường thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Mục tiêu là tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, minh bạch, bình đẳng, năng lực cạnh tranh ngày càng cao nhằm thu hút tối đa, sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Để hiện thực hóa mục tiêu trên, cần tăng cường trách nhiệm của các sở, ngành được phân công làm đầu mối theo dõi việc cải thiện các bộ chỉ số, cũng như các cơ quan được phân công chủ trì, chịu trách nhiệm đối với các nhóm chỉ số, chỉ số thành phần.
Tập trung rà soát, giải quyết hoặc tham mưu UBND tỉnh báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, tiếp tục bãi bỏ, cắt giảm hoặc đơn giản hóa các quy định gây khó khăn cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh.
Giải quyết các quy định chưa cụ thể, chồng chéo, mâu thuẫn trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng và tài nguyên, môi trường và lĩnh vực khác để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, minh bạch, dễ tra cứu, dễ hiểu và dễ tiếp cận.
Rà soát các thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp theo hướng đơn giản hóa hoặc thay đổi phù hợp để có thể ứng dụng hiệu quả công nghệ số, triển khai dịch vụ công trực tuyến
.
Cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh luôn cần được xác định là mục tiêu không có điểm dừng.
Điều đó đồng nghĩa với việc cần không ngừng quyết tâm và sáng tạo, không chỉ chính quyền, mà cả phía doanh nghiệp.