The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Kon Tum: Tìm hướng cải thiện PGI

Năm 2023 là năm thứ hai Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố Chỉ số PGI (Chỉ số Tăng trưởng xanh cấp tỉnh). Điều đáng lo ngại là, dù đã có nhiều nỗ lực, nhưng thứ hạng Chỉ số PGI năm 2023 của tỉnh ta tụt rất sâu so với năm 2022.

Đầu tháng 5/2024, cùng với việc công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) còn công bố Chỉ số PGI (Chỉ số tăng trưởng xanh cấp tỉnh) năm 2023.

Đây là năm thứ hai VCCI công bố Chỉ số PGI, thu hút sự quan tâm của các địa phương, nhất là trong điều kiện phải ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH).

Khác với năm 2022, năm 2023, VCCI chỉ công bố nhóm 30 tỉnh đứng đầu, các tỉnh còn lại chỉ công bố điểm của 4 chỉ số thành phần, không công bố thứ hạng.

Tuy nhiên, theo UBND tỉnh, căn cứ vào dữ liệu thống kê và đánh giá của VCCI, vẫn có thể tính toán được tỉnh ta đứng thứ 60/63 tỉnh thành và đứng cuối cùng ở khu vực Tây Nguyên. Như vậy, thứ hạng Chỉ số PGI năm 2023 của tỉnh tụt rất sâu so với năm 2022.

Ô nhiễm môi trường đang dần có diễn biến phức tạp. Ảnh: HL

Năm 2022, tỉnh đạt 15,09 điểm, xếp thứ 26/63 tỉnh, thành phố. Có hai chỉ số có thứ hạng cao, như: Thúc đẩy thực hành xanh (xếp hạng 5), Chính sách và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường (xếp hạng 11).

Như ở Chỉ số Giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của BĐKH. Theo công bố của VCCI, năm 2023 tỉnh ta đạt 4,44 điểm, xếp thứ 61/63 tỉnh thành phố, và đứng thứ 5 khu vực Tây Nguyên.

Phân tích chi tiết thấy rằng, tỷ lệ nhận định “Chất lượng môi trường tốt hoặc rất tốt” là 51% (năm 2022 là 55%); tỷ lệ đồng ý “Không ô nhiễm hoặc ít ô nhiễm” đạt 12% (năm 2022 là 44%); tỷ lệ đồng ý “Doanh nghiệp không bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm” đạt 37% (năm 2022 là 41%).

Theo ngành chức năng, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những đánh giá trên là công tác thu gom, quản lý và xử lý chất thải rắn khu vực nông thôn còn nhiều hạn chế; phân loại rác tại nguồn chưa cao. Chất thải rắn xử lý theo hình thức chôn lấp, nhiều bãi chôn lấp không hợp vệ sinh phát sinh ruồi, muỗi, phát tán mùi hôi.

Đặc biệt, chăn nuôi theo quy mô trang trại đang phát triển, nhưng việc kiểm soát môi trường, nhất là tại các trang trại chăn nuôi heo tập trung và chăn nuôi quy mô nông hộ trong khu dân cư còn nhiều bất cập, hạn chế, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường và phát sinh dịch bệnh.

Khâu xử lý mùi hôi phát sinh từ các hoạt động sản xuất, chế biến nông sản (đường, tinh bột mì, cao su) chưa triệt để, gây ô nhiễm cục bộ, khi mùi hôi ảnh hưởng đến một số hộ dân sinh sống xung quanh.

Chỉ số Thúc đẩy thực hành xanh năm 2023 xếp thứ 62/63 tỉnh thành phố, đứng thứ 5 khu vực Tây Nguyên, với 3,38 điểm. Tồn tại, hạn chế được ghi nhận là tỷ lệ ưu tiên mua hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp “xanh” giảm từ 77% (năm 2022) xuống còn 59%; tỷ lệ sẵn sàng trả giá cao hơn khi mua hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp “xanh” giảm từ 60% năm 2022 xuống còn 48%.

Điều này cho thấy vẫn chưa huy động được sự tham gia tích cực của các đơn vị sản xuất kinh doanh, cộng đồng và toàn xã hội trong việc tham gia xã hội hóa các dự án về bảo vệ môi trường.

Chưa đa dạng được nhiều nguồn vốn cho công tác bảo vệ môi trường, chưa thu hút và khuyến khích được nhiều thành phần kinh tế tham gia, trong khi chi thường xuyên cho sự nghiệp môi trường chưa đáp ứng được yêu cầu trong giai đoạn mới.

Cần thực thi hiệu quả hơn các chính sách thúc đẩy tăng trưởng xanh. Ảnh: H.L

Thứ hạng 2 chỉ số thành phần còn lại có được cải thiện hơn, nhưng vẫn nằm dưới nhóm trung vị. Cụ thể, Chỉ số Chính sách và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường xếp thứ 49/63 tỉnh thành phố, đứng thứ 4 khu vực Tây Nguyên. Chỉ số Đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu xếp thứ 36/63 tỉnh thành phố.

Chỉ số PGI đang được xem là một công cụ chính sách rất hữu ích, có tác động bổ trợ tích cực đến việc thực hiện Chỉ số PCI và thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thân thiện với môi trường, đảm bảo cho phát triển bền vững.

Với 4 chỉ số thành phần (gồm 46 chỉ tiêu) đánh giá chất lượng môi trường và hiệu quả quản trị môi trường, Chỉ số PGI thể hiện góc nhìn từ thực tiễn kinh doanh như mức độ ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường của các doanh nghiệp tại địa phương.

Đồng thời phản ánh trình độ quản trị và ứng xử với môi trường của doanh nghiệp; mức độ quan tâm, sẵn sàng đầu tư về vấn đề môi trường của chính quyền địa phương và nhiều vấn đề môi trường quan trọng khác.

Những con số nêu trên cho thấy nhiều tồn tại trong thực thi chính sách liên quan đến kinh tế xanh, phát triển xanh và bảo vệ môi trường. Vì vậy, có thể nói, việc tìm hướng cải thiện thứ hạng và điểm số PGI là hết sức cần thiết, đòi hỏi sự quan tâm và nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị.

Trong đó, cần quán triệt và triển khai vào thực tiễn quan điểm không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế. Thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ để chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh, đầu tư xanh.

Tập trung nâng cao nhận thức của cả cộng đồng về BĐKH và sản xuất nông nghiệp xanh; cụ thể hóa các chương trình hành động về các hoạt động nông nghiệp xanh.

Phân công rõ nhiệm vụ cho từng sở, ngành, địa phương gắn trách nhiệm của người đứng đầu đối với từng nhiệm vụ, từng chỉ tiêu cụ thể. Với các chỉ số thành phần bị giảm điểm cần phân tích làm rõ nguyên nhân, từ đó đề ra các giải pháp cải thiện điểm số; duy trì, nâng cao điểm số chỉ số thành phần tăng điểm.

Đẩy mạnh thu hút đầu tư, có chính sách ưu đãi về thuế, về vay vốn đối với các ngành nghề liên quan trong chuỗi giá trị nông nghiệp sản xuất theo hướng xanh. Phát huy vai trò của các doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường và xem đây là giải pháp then chốt nhằm giải quyết các áp lực về môi trường hiện nay.

Hồng Lam