Kỳ họp thứ 5 HĐND TP.HCM khóa IX: Sẽ xử lý cán bộ sai phạm từ nguồn tin báo chí phản ánh
Chiều 6-7, kỳ họp thứ 5 HĐND TP.HCM khóa IX họp phiên bế mạc dưới sự điều hành của Chủ tịch Nguyễn Thị Quyết Tâm. Các đại biểu thông qua nghị quyết về nhiệm vụ kinh tế xã hội 6 tháng cuối năm 2017 và chất vấn và trả lời chất vấn.
Chấn chỉnh tình trạng kỷ luật, kỷ cương không nghiêm
Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nghị quyết đề ra nhiệm vụ: Thực hiện quyết liệt cải cách thủ tục hành chính và thể chế hành chính (phân cấp, phân quyền), đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai các giải pháp tại mỗi sở ngành, quận huyện để nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công cấp tỉnh (PAPI), chỉ số cải cách hành chính (PAR-index).
Hình thành cơ chế xử lý cán bộ, công chức và tổ chức có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức và vi phạm pháp luật chức trách công vụ qua xem xét các thông tin từ 4 nguồn: ý kiến cử tri, phản ánh báo chí, giám sát của MTTQ và đơn thư khiếu nại, tố cáo của người dân. Người đứng đầu chính quyền các cấp phải tiếp công dân và đối thoại với nhân dân theo quy định của pháp luật.
Công tác quản lý trật tự đô thị đối với lòng lề đường, vỉa hè cần có kế hoạch toàn diện, mục tiêu cụ thể, lộ trình hợp lý; có sự phân công rõ ràng cụ thể từng cấp, từng ngành, từng tổ chức gắn với trách nhiệm của người đứng đầu; có tổ chức sơ kết hàng quý hàng năm để đánh giá kết quả, cách làm, tạo sự đồng thuận, xã hội; triển khai thực hiện phải kiên trì, nghiêm minh, lấy người dân làm trung tâm, để người dân từng khu dân cư cùng bàn kế hoạch, chính quyền điều hành, người thực hiện, giám sát thì mời bền vững.
Kiên quyết kéo giảm các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, đẩy mạnh tấn công trấn áp các băng nhóm, các loại tội phạm hình sự, tội phạm lợi dụng công nghệ cao; triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông gắn với thực hiện nghiêm túc công tác quản lý trật tự đô thị. Tăng cường công tác phòng, chống cháy nổ nhất là tại các cơ sở kinh doanh giải trí, khu vực có nguy cơ cháy nổ cao…
Phát biểu bế mạc, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị UBND TP tiếp tục đổi mới trong công tác chỉ đạo, điều hành; chấn chỉnh tình trạng kỷ cương, kỷ luật không nghiêm, phối hợp thiếu đồng bộ của bộ máy chính quyền; một bộ phận cán bộ công chức thiếu tinh thần phục vụ nhân dân, thiếu tính chuyên nghiệp trong thực thi công vụ, gây phiền hà cho người dân, cơ quan, doanh nghiệp; đây là hạn chế kéo dài, cử tri bức xúc, HĐND đã chỉ ra nhiều lần nhưng kết quả khắc phục còn chậm.
Chủ tịch HĐND nhấn mạnh cần phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi nghị quyết HĐND TP năm 2017 trên tinh thần phát triển kinh tế phải đồng thuận với chăm lo phát triển sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế, bảo đảm an sinh xã hội…, thực hiện dân chủ, tiến bộ và công bằng xã hội, nâng cao chất lượng sống người dân; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa nhân kỷ niệm 70 năm ngày thương binh liệt sỹ có ý nghĩa, trân trọng, thực chất.
Đất nông nghiệp còn bỏ hoang ở ngoại thành
Trước đó, các đại biểu tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Phước Trung xoay quanh vấn đề tiêu thụ nông sản cho nông dân, quy hoạch nông nghiệp và phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Đề cập đến vấn đề giải quyết bài toán tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho nông dân, các ĐB Hoàng Thị Diễm Tuyết (Quận 3) và Võ Văn Tân (Củ Chi) đặt vấn đề gần đây, báo chí nêu nhiều về việc giải cứu các sản phẩm nông nghiệp như thịt heo, chuối... Vậy trong bài toán giải cứu các sản phẩm này, Sở đóng vai trò gì? Từ hiện tượng này, Sở rút ra bài học gì để ngăn ngừa các sản phẩm sản xuất nuôi trồng của TP trong tương lai không vấp phải những trường hợp tương tự?
Giải trình chất vấn của các ĐB, Giám đốc Nguyễn Phước Trung cho biết trong bài toán giải cứu sản phẩm nông nghiệp thì sản xuất nông nghiệp và sản phẩm nông nghiệp TP gắn chung với cả nước. Để giải quyết vấn đề này, TP đã tổ chức nhiều hội nghị kết nối tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp từ các tổ HTX, hộ nông dân với các siêu thị, các bếp ăn tập thể, Khu Chế xuất - Khu Công nghiệp, các trường học… Đồng thời, sở cũng có các giải pháp nhằm giúp người sản xuất nông nghiệp giảm giá thành đầu vào trong sản xuất nông nghiệp.
Cụ thể, sở đã làm việc với các đơn vị cung cấp phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi… giảm giá thành cho các HTX, nông dân để nhằm mục đích giảm giá thành đầu ra của sản phẩm. Ngoài ra, TP cũng làm việc với một số tỉnh, thành tham gia chuỗi sản phẩm an toàn, liên kết chuỗi cung ứng, ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp để bà con nông dân ổn định sản xuất.
ĐB Nguyễn Minh Nhựt (quận 3) đặt câu hỏi: Hiện nay, TP đã có quy hoạch phát triển nông nghiệp trên địa bàn, vậy vấn đề thực hiện và triển khai quy hoạch như thế nào? “Hiện nay, chúng tôi có cảm giác người nông dân đang tự ứng phó với mình. Có nghĩa người nông dân làm theo phong trào, hôm nay trồng cây này, ngày mai đốn cây này trồng cây khác và cứ thế diễn ra vòng luẩn quẩn” - ĐB Nguyễn Minh Nhựt nêu bức xúc.
Giám đốc Nguyễn Phước Trung giải trình, liên quan đến quy hoạch sản xuất nông nghiệp, UBND TP ban hành Quyết định 5930 về quy hoạch sản xuất nông nghiệp trên địa bàn TPHCM đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025. Để triển khai quy hoạch nêu trên, TP đã công bố quy hoạch đến các xã, đặc biệt là khống chế tình trạng ô nhiễm môi trường để không ảnh hưởng sản xuất nông nghiệp.
Bên cạnh đó, TP tập trung đầu tư hạ tầng gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới; đồng thời ban hành các cơ chế chính sách để thu hút đầu tư vào nông nghiệp nhằm giúp nông nghiệp phát triển. Mặt khác, có các chương trình, đề án trọng điểm phù hợp với chiến lược phát triển của ngành nông nghiệp như chính sách về cơ chế hỗ trợ lãi suất cho người dân và doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, hỗ trợ đầu tư ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao và thực hành sản xuất tốt, chương trình cơ giới hóa nông nghiệp, giống cây con chất lượng cao… Đối với các vấn đề ĐB nêu, sở tiếp thu và điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp trong thời gian tới.
Liên quan đến quy hoạch và sử dụng đất nông nghiệp, ĐB Tăng Hữu Phong (Tân Bình) nêu lên thực trạng một phần đất nông nghiệp ở ngoại thành bỏ hoang khá nhiều do con em nông dân đã vào làm việc ở các công ty xí nghiệp nên không còn lao động, mặc khác nếu sản xuất cũng không đủ quy mô tạo lợi nhuận.
Ghi nhận ý kiến này, ông Trung thừa nhận thực trạng đất bỏ hoang ở ngoại thành hết sức khó khăn để giải quyết, chẳng hạn ở huyện Nhà Bè quy hoạch 1.186ha để nuôi trồng thủy sản nhưng kiểm tra thực tế chỉ có nuôi 300ha còn lại bỏ không; còn huyện Cần Giờ chuyển đổi 200ha sang sử dụng mục đích khác nhưng khi kiểm tra chỉ còn 130ha, đất còn lại những người dân ở trung tâm thành phố xuống mua rồi bỏ không. Ông Trung nói: “Chúng tôi xin tiếp thu ý kiến của đại biểu và sẽ phối hợp với các sở ngành để có giải pháp cụ thể giải quyết đất bỏ hoang”.
Tham gia trả lời chất vấn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm khẳng định, trong những năm qua năng suất lao động ngành nông nghiệp TP năm sau cao hơn trước. Trong thời gian tới, TP sẽ chuyển diện tích lúa đến sau năm 2020 chỉ còn 3.000ha. Do đó, các quận, huyện khẩn trương thực hiện phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao; trong đó chú trọng chuyển đổi những cây trồng, vật nuôi không hiệu quả sang cây trồng, vật nuôi có hiệu quả cao.