The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Kỳ I: Vĩnh Phúc không thu hút đầu tư bằng mọi giá

Là một trong những địa phương thu hút được nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư, song lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc luôn nhất quán quan điểm không thu hút đầu tư bằng mọi giá. Nhờ đó, những dự án đầu tư tại tỉnh Vĩnh Phúc không chỉ hoạt động hiệu quả mà còn đóng góp thiết thực vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đặt chất lượng lên hàng đầu

Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh Vĩnh Phúc đã thu hút được hơn 800 dự án đầu tư trong và ngoài nước. Trong số đó, hơn 300 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt trên 4 tỷ USD.

Theo Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc, 9 tháng đầu năm, địa phương này đã thu hút được 27 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 211,72 triệu USD và điều chỉnh tăng vốn cho 14 lượt dự án, với tổng số vốn tăng thêm là 31,17 triệu USD. Như vậy, 9 tháng đầu năm bao gồm cả vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm toàn tỉnh đã thu hút được 242,17 triệu USD. Cùng với đầu tư nước ngoài, tỉnh Vĩnh Phúc cũng thu hút thêm 31 dự án đầu tư trong nước và tăng vốn cho 10 dự án với tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm là 6.689,68 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Trì – Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc – nhận định: Các dự án trong và ngoài nước đang đầu tư tại tỉnh Vĩnh Phúc nhìn chung hoạt động hiệu quả, đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Điển hình trong số đó là các dự án của Công ty CP sản xuất thép Việt Đức đầu tư tại KCN Bình Xuyên – Vĩnh Phúc. Ông Lê Minh Hải – Chủ tịch HĐQT công ty cho biết: Từ diện tích đầu tư vỏn vẹn 6ha vào năm 2002, đến nay công ty đã mở rộng đầu tư tại tỉnh Vĩnh Phúc lên tới 20ha với 3 nhà máy lớn, tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương. Thép Việt Đức cũng nằm trong Top 6 doanh nghiệp thép dẫn đầu cả nước về sản lượng và thị phần tiêu thụ.

Ngoài những nhà đầu tư trong nước như thép Việt Đức, tỉnh Vĩnh Phúc cũng là điểm đến hấp dẫn của nhiều tập đoàn nước ngoài hàng đầu thế giới, điển hình như Toyota, Honda, Mitsubisi, Piagio… Trong đó, Honda và Toyota là những doanh nghiệp lớn, đầu tư vào tỉnh từ những năm 90 của thế kỷ trước. Không chỉ tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho người dân trên địa bàn và khu vực lân cận, các dự án này còn đóng góp quan trọng vào ngành công nghiệp ôtô, xe máy và ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam. Đặc biệt, đây cũng là các doanh nghiệp tích cực với hoạt động xã hội, với những hoạt động ý nghĩa mang lại lợi ích thiết thực cho người dân trên địa bàn và cả nước.

Nói về hiệu quả thu hút được những dự án đầu tư lớn, ông Lê Duy Thành – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc – cho biết: Quan điểm của tỉnh Vĩnh Phúc là chú trọng đến chất lượng thay vì số lượng dự án. Theo đó, để thu hút được những dự án đầu tư có chất lượng tốt, hoạt động hiệu quả, những năm qua, tỉnh đặc biệt chú trọng đến khâu chọn lọc dự án, lựa chọn nhà đầu tư. Tỉnh đã từ chối và “nói không” với nhiều dự án thiếu chất lượng, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến đời sống người dân trên địa bàn. Song lại “chào đón” những dự án có công nghệ tốt, tuân thủ pháp luật và chủ trương, đường lối của Đảng, nhà nước, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân địa phương, lợi ích quốc gia.

Vì lợi ích người dân

Về định hướng thu hút đầu tư của tỉnh trong thời gian tới, khẳng định với phóng viên Báo Công Thương, ông Lê Duy Thành cho biết: Mục tiêu cuối cùng của tỉnh trong thu hút đầu tư là người dân phải được ổn định cuộc sống, vì vậy lãnh đạo tỉnh luôn giữ vững quan điểm, thu hút đầu tư trước hết phải vì lợi ích của nhân dân. Do đó, tới đây Vĩnh Phúc vẫn tập trung thu hút các dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao, công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, sử dụng tiết kiệm đất đai, có khả năng lan tỏa lớn và sử dụng hiệu quả nguồn lao động địa phương. Cụ thể là các dự án thuộc các lĩnh vực điện, điện tử, công nghệ thông tin; các dự án thuộc lĩnh vực cơ khí, chế tạo sản xuất ôtô, máy móc thiết bị; nông nghiệp sạch công nghệ cao; dịch vụ kho vận Logictis; dịch vụ xã hội như giáo dục – đào tạo, y tế, chăm sóc sức khỏe người dân…

Để thu hút được những dự án đầu tư có chất lượng, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã phối hợp với các ban, ngành liên quan xây dựng, phê duyệt Đề án cải thiện, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Đề án tập trung vào việc cải cách thủ tục hành chính (TTHC) liên quan đến suốt quá trình đầu tư của DN như thông tin quy hoạch; tiếp cận hồ sơ; giải quyết các thủ tục về quy hoạch, đất đai… theo hướng công khai, rút ngắn thời gian giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa liên thông (MCLT). Bên cạnh đó, tỉnh cũng thành lập Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư (IPA Vinh Phuc), cơ quan này có nhiệm vụ làm đầu mối tiếp nhận hồ sơ, giám sát các cơ quan giải quyết TTHC theo cơ chế MCLT, đồng thời nắm bắt tình hình khó khăn, vướng mắc của DN để UBND tỉnh kịp thời chỉ đạo giải quyết.

Đối với hoạt động xúc tiến đầu tư, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ chuyển hướng đẩy mạnh “Xúc tiến đầu tư tại chỗ”. Cụ thể là lãnh đạo tỉnh thường xuyên có các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc DN, nắm bắt kịp thời các ý kiến phản ánh của DN, giải quyết khó khăn cho DN với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Tỉnh cũng thành lập và duy trì hoạt động Cổng thông tin Đối thoại doanh nghiệp – Chính quyền để kịp thời tiếp nhận thông tin, trợ giúp DN. Thông qua đó tạo niềm tin, uy tín thật sự đối với các nhà đầu tư.

Nhờ quan điểm thu hút đầu tư đúng đắn, Vĩnh Phúc từ một tỉnh nghèo, thu ngân sách chỉ đạt 100 tỷ đồng vào năm 1997 thì đến năm 2015, thu ngân sách của tỉnh đã vượt ngưỡng 25.000 tỷ đồng, trở thành 1 trong 3 địa phương điển hình của cả nước về thu ngân sách.

Theo VFpress

VFpress