The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Kỳ vọng từ TTP

Là một thỏa thuận thương mại tự do đang được đàm phán giữa 12 nước hai bên bờ Thái Bình Dương (gồm Úc, Brunei, Singapore, Malaysia, Chile, New Zealand, Peru, Mexico, Canada, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Việt Nam), Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang được các doanh nghiệp kỳ vọng mang đến những cơ hội kinh doanh mới cũng như phải đối mặt với những thách thức lớn.

Để đánh giá hiểu biết và nhìn nhận của các doanh nghiệp về cơ hội và thách thức từ TPP, VCCI đã lồng ghép những vấn đề liên quan đến TPP vào cuộc khảo sát PCI năm nay. Đây là một điều tra xã hội học quy mô lớn, khắc phục những đánh giá có tính phỏng đoán của nhiều nghiên cứu trước đây.

Ủng hộ dù thiếu thông tin

Qua điều tra, tỷ lệ các doanh nghiệp dân doanh và FDI biết đến TPP khá cao, dù hiểu biết chưa sâu. Theo đó, khoảng 70% doanh nghiệp dân doanh và FDI đã biết tới hiệp định TPP và Việt Nam đang đàm phán gia nhập. Tuy nhiên, rất ít doanh nghiệp đã và đang theo dõi sát sao các hoạt động đàm phán hoặc hiểu rõ những tác động tiềm tàng của hiệp định đối với doanh nghiệp của họ. Đáng lưu ý, nếu phân chia các doanh nghiệp nước ngoài thành nhà đầu tư đến từ các nước TPP và nhà đầu tư ngoài khu vực này thì mức độ hiểu biết này cũng không có nhiều khác biệt.

Mức độ ủng hộ Việt Nam ký kết TPP của các doanh nghiệp tư nhân trong nước khá cao. Hơn 66% tư nhân trong nước qua điều tra cho biết rất ủng hộ hoặc ủng hộ dù vẫn lo lắng, quan ngại. Chỉ có 1,5% doanh nghiệp thể hiện ý kiến phản đối. Trong khi đó, các doanh nghiệp nước ngoài thể hiện thái độ thận trọng và dè dặt hơn. Khoảng một phần tư (25%) số doanh nghiệp FDI thể hiện ý kiến ủng hộ việc Việt Nam ký kết TPP, trong khi số còn lại thể hiện thái độ thận trọng hoặc cho biết hiệp định không ảnh hưởng tới doanh nghiệp mình.

Kỳ vọng vào những vấn đề “sau biên giới”

TPP là một hiệp định thương mại tự do toàn diện, bao gồm nhiều lĩnh vực từ tiếp cận thị trường, xuất xứ cho đến môi trường, lao động hay các vấn đề xa hơn như mua sắm chính phủ, cải cách doanh nghiệp nhà nước. Các doanh nghiệp dự báo mức độ ảnh hưởng khác nhau vềtác động củaviệc bãi bỏ các hàng rào thuế quan và phi thuế quan, các quy định về xuất xứ và mở rộng khả năng tiếp cận thị trường dịch vụ[1].

Đối với nhóm các vấn đề hàng rào biên giới (như mở cửa thị trường, quy tắc xuất xứ, hàng rào kỹ thuật, vệ sinh dịch tễ, phòng vệ thương mại, tiếp cận thị trường dịch vụ) thì tỷ lệ các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI đến từ các nước TPP cho biết có mức độ ảnh hưởng lớn hơn đối với họ so với doanh nghiệp FDI đến từ ngoài khu vực TPP (tỷ lệ 41%, 40% so với 32%).

Đáng chú ý, tất cả các doanh nghiệp đều ủng hộ các vấn đề cải cách “sau biên giới” trong đàm phán TPP như đầu tư, sở hữu trí tuệ, mua sắm chính phủ, môi trường, lao động và cải cách doanh nghiệp nhà nước. Tỷ lệ ủng hộ này là 56% của doanh nghiệp trong nước và FDI đến từ các nước ngoài TPP, 62% đối với doanh nghiệp FDI từ khu vực TPP.

Trong số các doanh nghiệp nước ngoài, những doanh nghiệp đang xuất khẩu rõ ràng có thái độ tích cực nhất đối với tất cả các vấn đề thuộc phạm vi của hiệp định TPP. Họ ủng hộ các vấn đề cải cách đằng sau biên giới, và lạc quan hơn các doanh nghiệp đang kinh doanh ở thị trường nội địa tại Việt Nam với các cam kết mở cửa thị trường. Từ điều tra, nhóm doanh nghiệp ít lạc quan nhất từ việc ký kết hiệp định TPP là các doanh nghiệp FDI định hướng kinh doanh tại thị trường tại Việt Nam và đến từ các nước không phải thành viên TPP.

Hình: Đánh giá mức độ ảnh hưởng trên các lĩnh vực của doanh nghiệp tư nhân trong nước

Sau TPP là dịch chuyển thương mại?

Khảo sát cũng hỏi tác động của Hiệp định TPP sẽ ảnh hưởng đến quan hệ kinh doanh của doanh nghiệp với các nước, thị trường ra sao. Theo kết quả điều tra, 40% doanh nghiệp trong nước đang có quan hệ làm ăn với các nước. Những doanh nghiệp đang làm ăn với các nước khu vực Đông Á đánh giá tích cực nhất khi 41% trả lời TPP sẽ giúp thúc đẩy hoạt động kinh doanh của họ, tiếp theo là doanh nghiệp đang làm ăn với khu vực Đông Nam Á và Hoa Kỳ.

Các doanh nghiệp trong nước đang có quan hệ kinh doanh với Trung Quốc đánh giá mức độ tích cực từ TPP thấp, chỉ 15% doanh nghiệp trong nước qua điều tra đang làm ăn với thị trường này cho biết TPP sẽ có lợi đến kinh doanh của họ. 13% các doanh nghiệp cho rằng TPP có thể sẽ gây bất lợi đến quan hệ làm ăn hiện tại và 26% cho rằng tác động là đa chiều: vừa tích cực, vừa tiêu cực.

Hình: Quan hệ kinh doanh với các nước sẽ ảnh hưởng như thế nào (Đánh giá của doanh nghiệp tư nhân trong nước)

Như vậy, qua điều tra có thể thấy xu hướng có thể dự báo được về hoạt động thương mại sẽ tăng mạnh sang Mỹ, Đông Nam Á và Đông Á, đặc biệt là Nhật Bản nếu TPP được ký kết.

Điều đáng thất vọng là tỷ lệ doanh nghiệp từng bày tỏ ý kiến hay có cơ hội bày tỏ ý kiến về TPP rất ít. Chưa tới 1/10 doanh nghiệp trong nước (9%) cho biết đã từng tham gia bày tỏ ý kiến của mình, thậm chí tỷ lệ này còn thấp hơn các doanh nghiệp FDI tại đang hoạt động tại Việt Nam (17% và 14% với doanh nghiệp FDI đến từ TPP và ngoài TPP). Kênh doanh nghiệp sử dụng bày tỏ ý kiến phổ biến nhất là VCCI và các hiệp hội doanh nghiệp (59%).

Khi được hỏi điều gì họ mong đợi nhất từ các cơ quan Nhà nước nếu Việt Nam ký kết TPP, các doanh nghiệp trong nước kỳ vọng chính phủ Việt Nam sẽ hỗ trợ họ để thích ứng với TPP bằng cách thành lập cơ quan đầu mối thông tin, chịu trách nhiệm giúp đỡ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng, đào tạo lại và tư vấn về cách thức để tận dụng được các cơ hội thị trường mới.


[1] Để nghiên cứu vấn đề này, nhóm nghiên cứu của VCCI đã tóm tắt 11 nội dung cam kết chính trong đàm phán TPP và hỏi doanh nghiệp đánh giá nguy cơ tác động đối với hoạt động kinh doanh họ. Phiếu điều tra này được gửi đến hơn 40 ngàn doanh nghiệp trên cả nước và đây là kênh mà VCCI có thể tuyên truyền về nội dung TPP một cách khá hiệu quả.