Lai Châu: Để chính quyền gần Doanh nghiệp hơn nữa
Năm 2016, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Lai Châu giảm một bậc so với năm 2015, tuy nhiên, tổng điểm lại tăng. Đây là tín hiệu tốt để Lai Châu tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư nâng cao chỉ số PCI năm 2017, đặc biệt là mô hình cà phê doanh nhân… không hẹn trước.
Cà phê doanh nhân… không hẹn trước
Khảo sát các DN trên địa bàn tỉnh của DĐDN cho thấy, các DN đều đánh giá cao sự cầu thị và coi DN là đối tác, khách hàng để chính quyền phục vụ. Tuy nhiên, các DN cho rằng, lãnh đạo tỉnh cần có cơ chế để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ công chức cấp dưới. Vì đây chính là nguyên nhân chính dẫn đến “hành động” không “ghi điểm” trong “mắt” DN trên địa bàn tỉnh. Điều đáng nói là, DN cũng thẳng thắn nhìn nhận sự hạn chế của một số DN về sự thụ động, trông chờ ỷ lại, vẫn còn cơ chế xin – cho mà cần có chiến lược phát triển bền vững theo lợi thế phát triển của Lai Châu…
Một điểm mới của Lai Châu đang được hình thành từ tự phát và dường như đang song hành cùng những giải pháp mà Lai Châu đang quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư là mô hình cà phê Doanh nhân không hẹn trước của lãnh đạo tỉnh, sở, huyện…và DN vào sáng thứ 7 hàng tuần. Tại đó chính quyền và DN chia sẻ, giải quyết ngay vướng mắc khó khăn phát sinh, mà không cần “xin gặp”, không kính thưa, kính gửi, không câu lệ, quan cách, không cổ cồn, cà vạt…
Theo ông Nguyễn Quang Huy, GĐ Sở KH&ĐT Lai Châu, cà phê Doanh nhân không hẹn trước xuất phát từ giải quyết công việc phát sinh vào ngày nghỉ thứ 7, nên lãnh đạo tỉnh và một số Sở ban ngành hẹn nhau tại quán cà phê để trao đổi kịp thời xử lý, tháo gỡ những vướng mắc cho DN.
“Bởi quán cà phê Huyền trên đường Thanh Niên đó uống ngon và nguyên chất nên chúng tôi cứ hẹn nhau ở đó. Dần dần thành quen, cứ sáng thứ 7 hàng tuần không ai hẹn ai, lãnh đạo tỉnh cùng các sở ban ngành đến uống cà phê, trao đổi công việc, từ đó “hữu xạ tự nhiên hương” DN đến ngày một đông”, ông Huy nói.
Cải cách chất lượng điều hành
Theo bảng xếp hạng PCI cho thấy, tổng điểm của Lai Châu năm 2016 đạt 53. 46 điểm, so với năm 2015 có tổng điểm 52.77 tăng 0.69 điểm. Lai Châu đứng ở vị trí 62/63 tỉnh thành, giảm một bậc so với năm 2015, nguyên nhân do các chỉ số Tiếp cận đất đai, Tính năng động, Hỗ trợ DN, Đào tạo lao động, thiết chế pháp lý, cạnh tranh bình đẳng giảm điểm mặc dù các chỉ số Gia nhập thị trường, Tính minh bạch, Chi phí thời gian, Chi phí không chính thức đã được cải thiện tăng điểm.
Thực tế, trong năm qua, Lai Châu đã rà soát, sửa đổi chính sách thu hút, ưu đãi đầu tư trên địa bàn, chú trọng cải cách chất lượng điều hành, cải cách hành chính, trong đó tập trung đơn giản hóa, bãi bỏ các TTHC không cần thiết. Ngoài ra, định kỳ tỉnh đã tổ chức các cuộc gặp gỡ, đối thoại tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho DN về chính sách thuế, kết nối Ngân hàng làm “ bà đỡ” DN, liên kết tiêu thụ sản phẩm… Những kết quả trên đã tạo môi trường kinh doanh minh bạch hơn, chính quyền tỉnh năng động hơn, dịch vụ hỗ trợ DN tiếp tục có cải thiện, mục tiêu kinh doanh của DN trong tỉnh đã có định hướng và khởi sắc.
Tuy mô hình cà phê Doanh nhân không hẹn trước chưa hình thành được lâu nhưng đang dần tạo thành lối mòn để chính quyền và DN gần nhau hơn. Xem ra, cà phê Doanh nhân không hẹn trước đang góp phần tạo ra một môi trường kinh doanh thông thoáng cho DN, nâng cao chỉ số PCI của Lai Châu. Lai Châu đang “lột xác”.
Ông Phạm Ngọc Phương – giám đốc Sở Giao thông – vận tải Lai Châu:Giao thông đi trước một bước
Trên địa bàn tỉnh có 6 tuyến Quốc lộ chạy qua có chiều dài gần 800 km, đường tỉnh, huyện gần 1.000 km, đường giao thông nông thôn khoảng 3.000 km. Chính vậy, tỉnh xác định giao thông luôn phải đi trước một bước tạo tiền đề để phát triển kinh tế, xã hội. Theo đó, tỉnh đã tập trung phát triển mạng lưới giao thông mang tính chất quan trọng, xuyên tâm và có sức lan toả lớn. Hiện nay toàn bộ hệ thống giao thông đã nâng cấp hoàn chỉnh lên cấp 4. Hệ thống đường tỉnh cấp 5 cấp 6 cũng được nhựa hoá. Đến nay Lai Châu có 108 xã phường thị trấn, trong đó có 107 xã phường thị trấn có đường ô tô đến trung tâm xã, còn một xã do mới tách có đường ô tô đến nhưng mặt đường chưa được cứng hoá. Dự kiến trong năm 2017 con đường này sẽ hoàn thiện. Lai Châu có 1.126 bản thì tỷ lệ ô tô xe máy đi lại thuận lợi đến bản đạt được 82%… Thực tế, khó khăn lớn nhất hiện nay để phát triển hạ tầng giao thông của Lai Châu là nguồn lực về vốn do ngân sách đầu tư công hạn hẹp. Hiện nay tỉnh đã kêu gọi xã hội hoá một số dự án giao thông, tuy nhiên do là tỉnh miền núi dân số ít nên việc thu hút nguồn lực BT, BOT rất khó khăn.
Ông Nguyễn Anh Tuấn – Phó Cục trưởng Cục thuế tỉnh Lai Châu:Phát phiếu đánh giá cán bộ cơ quan thuế
Cục thuế thực hiện cải cách TTHC tuyên truyền chính sách thuế cho DN, ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực thuế, hướng dẫn DN kê khai thuế điện tử, cắt giảm TTHC thuế. Qua một số năm thực hiện, giờ nộp thuế giảm từ 570 giờ xuống còn 119 giờ, giảm thủ tục, giảm chi phí tránh gây phiền hà sách nhiễu, công khai minh bạch TTHC. Công tác thanh tra, kiểm tra thực hiện theo kế hoạch, theo phương pháp phân tích rủi ro, căn cứ cơ sở dữ liệu qua kê khai đánh giá, nếu DN thường xuyên vi phạm Cục mới thanh tra kiểm tra. Đặc biệt, việc thanh tra kiểm tra được quy định thời gian rõ để DN biết, đồng thời có sự giám sát chéo. Theo định kỳ Ban Tuyên giáo phối hợp Cục thuế gửi phiếu điều tra xã hội về tiêu cực đối với ngành thuế thì có tới 80% phiếu đánh giá đạt yêu cầu, trong khi điều tra xã hội học toàn quốc đạt 70% hài lòng. Mặc khác, Cục có riêng một văn phòng phối hợp với Ban tuyên giáo Tỉnh uỷ… sáu tháng một lần tổ chức Hội nghị đối thoại DN, phát phiếu đánh giá cán bộ cơ quan thuế để giải quyết kịp thời vướng mắc…
Ông Hoàng Kiều Anh – Phó giám đốc Sở công thương tỉnh Lai Châu:Rà soát, phát hiện những quy định, TTHC còn rườm rà, chồng chéo cản trở DN…
Trong năm 2016, Sở đã triển khai, thực hiện 06 đề án khuyến công với tổng kinh phí là 803,9 triệu đồng từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương. Thông qua hoạt động khuyến công đã hỗ trợ các DN trên địa bàn tỉnh nâng cao năng lực quản lý, nắm bắt các chủ trương chính sách về công nghiệp, quảng bá giới thiệu sản phẩm với các tỉnh, mở rộng sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tạo ra những sản phẩm có chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, tạo thêm mặt hàng xuất khẩu chủ lực cho địa phương. Ngoài ra, Sở rà soát các TTHC, kịp thời phát hiện những TTHC còn rườm rà, phức tạp, chồng chéo gây khó khăn cho tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện. Năm 2016 Sở sau 03 lần rà soát TTHC, 02 lần đã có kết quả được UBND tỉnh phê duyệt công bố TTHC mới ban hành, TTHC được sửa đổi, bổ sung, Triển khai Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ… Sở đã sửa đổi, bổ sung 16 TTHC, bãi bỏ 08 TTHC, đơn giản hóa được 33/69 TTHC đạt 47,8%.
Ông Đỗ Văn Tính – PGĐ Sở TN và MT Lai Châu:Thành lập tổ tư vấn pháp luật TTHC về TN và MT
Sau khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành, Sở đã tham mưu cho tỉnh ban hành Quyết định các TTHC về lĩnh vực đất đai thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở gồm 40 TTHC (trong đó: Về thu hồi, giao, cho thuê đất 07 TTHC, về đăng ký, cấp giấy chứng nhận 33 TTHC). Năm 2016, Sở tiếp tục thực hiện rà soát cải cách TTHC theo kế hoạch của UBND tỉnh, giảm 20% chi phí thời gian thực hiện thủ tục về thu hồi, giao, cho thuê đất với 7 TTHC; về đăng ký, cấp giấy chứng nhận 23 TTHC. Bên cạnh đó, Sở cũng công bố TTHC trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND huyện, thành phố về thu hồi, giao, cho thuê đất 6 TTHC; về đăng ký, cấp giấy chứng nhận 24 TTHC. Công bố TTHC trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp xã, 01 TTHC về hòa giải tranh chấp đất đai. Mặt khác, để kịp thời tổ chức tiếp nhận những phản ánh, vướng mắc, kiến nghị và hỗ trợ các tổ chức, cá nhân liên quan đến lĩnh vực của ngành, Sở đã thành lập tổ tư vấn pháp luật TTHC về TN và MT, thực hiện lồng ghép các TTHC trong công tác thẩm định điều kiện giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Ông Vũ Ngọc Phẩm – P. Trưởng Ban quản lý Khu KTCK Ma Lù Thàng:Duy trì đường dây nóng, hòm thư góp ý
Xây dựng đề án “một cửa, một cửa liên thông” và hoàn thiện đề án theo kết quả thẩm định của Sở Nội vụ để trình UBND tỉnh ban hành. Ngoài ra, chúng tôi duy trì đường dây nóng, hòm thư góp ý việc tiếp nhận, giải quyết các kiến nghị, khiếu nại của các tổ chức, cá nhân trong khu vực. Triển khai xây dựng đề án kiện toàn Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Lai Châu theo Nghị định 29/CP, xây dựng Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng CCVC-LĐ giai đoạn 2016-2020, tiến hành phân khai minh bạch nguồn ngân sách nhà nước, ban hành kèm theo Quy chế chi tiêu nội bộ năm xây dựng và ban hành Quy chế làm việc sửa đổi, bổ sung. Tiếp tục triển khai áp dụng có hiệu quả hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ CCVC-LĐ cả về lý luận chính trị và chuyên môn, nghiệp vụ. Việc cải cách TTHC đã góp phần giảm thời gian thực hiện các thủ tục của DN, được DN ghi nhận đánh giá cao, đạt hiệu quả trong việc thu thuế, phí, lệ phí. Cụ thể, năm 2016 tổng thu thuế, phí, lệ phí là 52,706 tỷ đồng, đạt 264% kế hoạch, tăng 102% so với năm 2015.
Ông Vũ Quang Toán – P.CT HHDN Trẻ Lai Châu:Cà phê Doanh nhân giúp chính quyền DN gần nhau hơn
Do Lai Châu nằm ở vị trí không thuận lợi nên việc thu hút đầu tư khó, chủ yếu phụ thuộc vào nguồn ngân sách TƯ. Mặt khác, hiện nay các DN ở Lai Châu chủ yếu là DN xây dựng cơ bản nên gặp khó khăn nhiều do Chính phủ cắt giảm đầu tư công. Ngoài ra, các DN chủ yếu là nhỏ và vừa nên không thể tham gia xã hội hoá các dự án theo mô hình BT (Hợp đồng xây dựng – chuyển giao), BOT (Hợp đồng xây dựng – kinh doanh – chuyển giao) tỉnh kêu gọi..
Trước những khó khăn đó, tỉnh cùng các Sở ban ngành tạo mọi thuận lợi về cơ chế chính sách, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho DN về vốn, kết nối tiêu thụ sản phẩm… Bên cạnh đó, ngoài việc định kỳ tổ chức đối thoại tháo gỡ vướng mắc cho DN về thuế, thủ tục hải quan, TTHC, vốn… những vướng mắc phát sinh, DN có thể gặp trực tiếp Lãnh đạo tỉnh, Sở ban ngành, liên quan giải quyết. Đặc biệt, mô hình cà phê Doanh nhân tự phát mới được hình thành giữa Lãnh đạo tỉnh với DN vào sáng thứ 7 hàng tuần rất tốt cho DN, bởi DN có thể gặp gỡ chia sẻ công việc cũng như xử lý những vướng mắc phát sinh với Lãnh đạo tỉnh, đồng thời giúp DN, chính quyền gần nhau hơn tạo sự đồng thuận phát triển.
Ông Phạm Văn Tuyền – Giám đốc DN tư nhân Thanh Tuyền:Cần tập trung hơn việc đào tạo đội ngũ cán bộ
Với sự nỗ lực từ chính quyền tỉnh, cũng như lãnh đạo các sở ngành luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất về môi trường đầu tư và hỗ trợ vay vốn để DN hoạt động sản xuất kinh doanh. Đặc biệt là các TTHC đã được cắt giảm nhiều và thông thoáng hơn giúp cho các nhà đầu tư triển khai dự án nhanh chóng. Tỉnh cũng luôn chú trọng xây dựng và phát triển các cơ sở hạ tầng giao thông đi lại để tạo mọi điều kiện cho nhà đầu tư. Dự kiến 2018 tỉnh sẽ đầu tư tuyến đường cao tốc Lào Cai – Lai Châu, vì vậy sẽ kết nối được việc đi lại thuận tiện hơn. Tuy nhiên, để nâng cao hơn nữa về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), tỉnh cần tập trung hơn việc đào tạo đội ngũ cán bộ làm việc tại các sở ngành về thái độ cũng như trình độ chuyên môn trong công việc, và đặc biệt đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu của DN và các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, tỉnh cần quy hoạch các cụm công nghiệp để có các DN đầu tư vào tỉnh có quỹ đất sạch, tránh tình trạng nhà đầu tư phải đi lại nhiều lần. Những vấn đề trên mới đây tôi cũng đã đề cập trao đổi với Lãnh đạo tỉnh tại cà phê Doanh nhân, Lãnh đạo tỉnh cũng đã có giải pháp để cải thiện tốt hơn môi trường đầu tư của tỉnh năm 2017…
Bà Nguyễn Thị Loan – CTHĐQT Cty CP ĐTPT chè Tam Đường:Chú trọng phát triển vùng nông nghiệp
Để hỗ trợ cho các DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, với lợi thế của Lai Châu, tỉnh đã giao cho các sở ban ngành để xây dựng các đề án phát triển mở rộng vùng chè của tỉnh Lai Châu, mở rộng 3 điểm, Tân Uyên, Tam Đường, TP. Lai Châu. Trong quá trình hoạt động, DN đã được nhiều sự hỗ trợ từ chính quyền tỉnh và các sở ngành cùng các huyện, thành phố, có chính sách hỗ trợ như tập trung nguồn lực cho nông dân phát triển vùng nguyên liệu, hỗ trợ 100% cây giống giai đoạn đầu, hỗ trợ cơ sở hạ tầng cho vùng chè. Đặc biệt, tỉnh đã phân vùng nguyên liệu giao trách nhiệm và quyền lợi từng vùng cho DN. DN trực tiếp ký kết hợp đồng với nông dân, Cty phải cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm cho nông dân theo giá sàn thị trường. Bên cạnh đó, tỉnh cũng có chính sách đổi mới KHCN, đầu tư cho DN một số mô hình để nhân rộng cho bà con như mô hình nhân giống và quy trình thâm canh. Hỗ trợ thuế đất, thuế thu nhập DN, dành một số quỹ đất để Cty xây dựng trung tâm giới thiệu sản phẩm. Nhờ có chính sách phát triển phù hợp, đến nay DN đã phát triển được thương hiệu chè Tam Đường và có quy mô vùng nguyên liệu đủ lớn, với hơn 300 ha chè San, và 440 ha chè Kim Tuyên, xuất khẩu sản phẩm sang Đài Loan, Châu Âu, Trung Đông….
Ông Vũ Nam Mỹ – GĐ Công ty TNHH 1TV Nam MỹMột số cán bộ công chức còn “rườm rà”
Thực tế, Lai Châu ở hoàn cảnh “cái khó” bó “cái khôn”, hạ tầng giao thông không thuận lợi, đi lại khó khăn nên thu hút đầu tư cho du lịch, nông nghiệp công nghệ cao theo thế mạnh của tỉnh cũng khó. Ngoài ra việc tuyển dụng lao động có trình độ, tay nghề khó, hợp đồng lao động dài hạn và trả lương cao cũng không giữ chân được người lao động có tay nghề. Thực tế, công nhân người địa phương có trình độ văn hoá thấp, ý thức kỷ luật kém. Trước đây, tỉnh luôn chủ trương đầu tư cho người dân, DN, nên DN xây dựng được tỉnh phân bổ nguồn vốn đầu tư công. Tuy nhiên, những năm gần đây, do khó khăn chung nền kinh tế nên ngân sách đầu tư công của Chính phủ cắt giảm vì vậy DN xây dựng rất khó khăn. Đặc biệt, trước đây trên địa bàn tỉnh chỉ có khoảng hơn 300 DN xây dựng, nay lên đến hơn 400 DN xây dựng nên đã khó khăn lại càng khó khăn hơn, chỉ có một số ít DN chủ động, tái cơ cấu, đa dạng hoá kinh doanh thì ổn định phát triển còn đa số DN tính chủ động yếu. Về chủ quan, mặc dù TTHC được lãnh đạo tỉnh rất quyết liệt, hỗ trợ DN, tuy nhiên, cán bộ công chức ở một số bộ phận của một số Sở làm việc còn rườm ra gây ảnh hưởng cho DN.
Ông Nguyễn Hồng Thắng – TGĐ Cty CP cao su Lai Châu:Lợi thế để phát triển cây công nghiệp
Khi Chính phủ ra quyết định 750 về quy hoạch trồng cao su ở 3 tỉnh: Điện Biện, Lai Châu, Sơn La, ban đầu khi đầu tư vào Lai Châu, Cty cũng gặp rất khó khăn như không có cán bộ, điều kiện địa hình đi lại không thuận tiện, trình độ dân trí thấp, thời tiết khắc nghiệt. Tuy nhiên, với sự nỗ lực vào cuộc và đồng hành của lãnh đạo tỉnh, chính quyền địa Phương, cũng như người dân đã hỗ trợ và ủng hộ Cty về mọi mặt để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN phát triển. Tỉnh đã xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông các đường đến tận trong vùng trồng cao su, hỗ trợ chi phí đào tạo người lao động cạo mủ Cao Su cho DN. Đây là mô hình gắn kết giữa chính quyền với DN và người dân rất thuận lợi. Việc đưa vào trồng cây Cao Su không chỉ tận dụng được những diện tích đất trống, đồi núi hoang hóa mà còn tạo ra nhiều công ăn việc làm, thay đổi tập quán canh tác, nhận thức, nâng cao trình độ dân trí cho nhân dân các dân tộc trong vùng dự án. Năm 2014, tỉnh Lai Châu đã có kế hoạch trồng mới 2.000 ha cây Cao su ở các huyện: Sìn Hồ, Nậm Nhùn, Phong Thổ, Than Uyên và Mường Tè. Đây sẽ là cơ hội để các DN, nhà đầu tư cùng tỉnh phát triển các vùng cao su đại điền.
Bà Tạ Thị Hường – GĐ Công ty TNHH TM Đông Dũng:Tránh “con sâu làm rầu nồi canh”
Lãnh đạo tỉnh chỉ đạo quyết liệt việc hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho DN, nhưng ngược lại tại một số sở ban ngành vẫn để tình trạng các thủ tục giấy tờ bí bách khó khăn, gây khó cho DN. Minh chứng là thủ tục xin đất của công ty tôi rất lâu, từ năm 2007 đến 2015 mới được cấp. Mặt khác, với đặc thù kinh doanh trong lĩnh vực thương mại nên công ty phải vận chuyển hàng hoá đi khắp nơi trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, quá trình vận chuyển quản lý thị trường, cảnh sát giao thông… kiểm tra nhiều gây khó DN. Tôi cho rằng, lãnh đạo tỉnh, các Sở ban ngành cần giám sát hơn nữa đến cấp dưới, đặc biệt là các cán bộ thực thi công vụ trực tiếp tiếp xúc với DN, nếu cán bộ vi phạm cần có biện pháp xử lý nghiêm, tránh “con sâu làm rầu nồi canh”. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ DN ổn định, thu hút DN hoạt động khởi nghiệp các lĩnh vực thế mạnh của tỉnh như du lịch, dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao…
Bà Nguyễn Khánh Hoà – GĐ Công ty TNHH 1 TV Khánh Hoà Lai Châu:Cần có chính sách hỗ trợ về vốn
Do nhu cầu tiêu thụ thực phẩm cao, công ty chuyển hướng đầu tư từ dịch vụ thương mại sang lĩnh vực nông nghiệp. Khi đầu tư, việc thuê đất, quy hoạch vùng chăn nuôi, trồng trọt được tỉnh, các sở ban ngành cũng như thành phố tạo điều kiện thuận lợi nên việc đền bù GPMB… rất nhanh. Đến nay công ty đã đầu tư khoảng 15 tỷ đồng. Tuy nhiên, qua triển khai thực hiện dự án, tôi nhận thấy chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp còn hạn chế, rất khó tiếp cận. Thực tế, đầu tư nông nghiệp rủi ro cao, thu hồi vốn chậm, đầu tư lớn, nhưng việc vay vốn hỗ trợ rất khó khăn, chính sách hỗ trợ sau đầu tư của Nhà nước còn nhiều bất cập. Hiện công ty phải vay vốn theo hình thức thương mại, lãi suất cao. Do vậy, tôi cho rằng Chính phủ cần có giải pháp mạnh mẽ hơn nữa để DN hiện thực hoá phát triển nông nghiệp.
K.Lãng – L.Phương