The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Lai Châu: Nỗ lực nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai

Những năm qua, để tiếp tục cải thiện và nâng cao thứ hạng chỉ số tiếp cận đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường Lai Châu đã đưa ra một số giải pháp thực hiện, nhất là tập trung đẩy mạnh công tác cải cách hành chính (TTHC) tạo thuận lợi nhất cho các tổ chức, cá nhân thực hiện TTHC về đất đai.

Người dân thực hiện thủ tục liên quan đến đất đai tại Trung tâm Hành chính công của tỉnh.

Tiếp cận đất đai là 1 trong 10 chỉ số thành phần đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, thể hiện việc tiếp cận đất đai dễ hay không dễ và tính ổn định trong quá trình sử dụng đất, đây là chỉ số quan trọng trong việc đánh giá khả năng thu hút đầu tư.
Năm 2019, với sự cố gắng, nỗ lực của từng cán bộ, công chức, viên chức của ngành tài nguyên và môi trường Lai Châu trong việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính nên chỉ số tiếp cận đất đai trên địa bàn tỉnh có tăng về điểm số (từ 6,26 điểm năm 2018 lên 6,32 điểm năm 2019). Trong đó có 4/11 chỉ số thành phần được cải thiện: Doanh nghiệp đánh giá về thu hồi đất đạt 1,79 điểm, tăng 0,19 điểm so với năm 2018, xếp thứ 5 so với các tỉnh, thành; Chỉ số thành phần nếu bị thu hồi đất, doanh nghiệp sẽ được bồi thường thỏa đáng đạt 44 % điểm, tăng 10% so với năm 2018, xếp thứ 3 so với các tỉnh, thành…
Ông Đỗ Văn Xiêng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lai Châu cho biết: Có được kết quả trên là do các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh đã triển khai, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, nhất là tập trung đẩy mạnh công tác cải cách hành chính; tập trung thực hiện hoàn thành điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến 2020 cấp tỉnh, cấp huyện; kế hoạch sử dụng đất cấp huyện. Đồng thời, chủ động tham mưu cho UBND tỉnh ủy quyền, phân cấp cho UBND cấp huyện trong thực hiện TTHC về đất đai; xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý đất đai; cơ bản kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất cho doanh nghiệp…
Mặc dù chỉ số tiếp cận đất đai trên địa bàn tỉnh có tăng về điểm số nhưng số thứ tự chỉ số tiếp cận đất đai lại giảm 9 bậc so với năm 2018, xếp thứ 52/63 tỉnh, thành phố trong cả nước theo kết quả công bố của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Cùng với đó, 7/11 chỉ số thành phần của chỉ số tiếp cận đất đai không được cải thiện, nhiều chỉ số giảm sâu so với năm 2018.
Có nhiều nguyên nhân khiến chỉ số tiếp cận đất đai trên địa bàn tỉnh chưa được cải thiện. Trong đó, khó khăn lớn nhất là Luật Đất đai chưa có sự thống nhất, còn chồng chéo với nhiều Luật như Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng. Trong quá trình thực hiện thủ tục nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của các hộ gia đình, cá nhân còn gặp rất nhiều khó khăn như: Diện tích đất của các hộ gia đình, cá nhân thuộc phạm vi dự án chưa được cấp giấy CNQSDĐ nên không đủ điều kiện để thực hiện quyền chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn; một số chủ đầu tư còn gặp khó khăn trong công tác thỏa thuận về đơn giá nhận chuyển nhượng do người sử dụng đất đòi hỏi giá chuyển nhượng quá cao so với bảng giá đất. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư một số dự án còn chậm, vướng mắc trong thực hiện các chính sách cho người bị thu hồi đất, làm phát sinh khiếu kiện của người có đất bị thu hồi…

Cán bộ phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sìn Hồ giải quyết hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Để tiếp tục cải thiện và nâng cao thứ hạng chỉ số tiếp cận đất đai, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường đưa ra một số giải pháp thực hiện, trong đó, tập trung đẩy mạnh công tác cải cách TTHC. Tiếp tục rà soát, đánh giá, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan đến thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng giá đất, tích tụ, tập trung đất đai; phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tập trung giải quyết các vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng, thực hiện các thủ tục liên quan đến đất đai.
Cùng với đó, tăng cường công khai thủ tục hành chính về đất đai, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các chính sách về bồi thường, giải phóng mặt bằng, giá đất, quỹ đất cho đầu tư, các dự án được nhà nước giao, cho thuê tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân dễ dàng trong tiếp cận đầy đủ về thông tin đất đai để chủ động nghiên cứu, đề xuất chủ trương đầu tư và triển khai thực hiện dự án. Tập trung rà soát, quy định các thủ tục hành chính về đất đai theo hướng nhanh gọn, đơn giản và cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính tối thiểu 20% cho một hồ sơ.
Tiếp tục xây dựng, xác định giá đất hợp lý, phù hợp với từng mục đích sử dụng, được cộng đồng chấp nhận để thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; giải quyết hài hòa quyền lợi và nghĩa vụ của các thành phần kinh tế. Đẩy mạnh và phân công, phân cấp mạnh hơn trong công tác cấp Giấy CNQSDĐ và xác định giá đất cụ thể để tính tiền bồi thường khi nhà nước thu hồi đất; phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy mạnh thực hiện liên thông, kết nối điện tử trong giải quyết thủ tục hành chính về cấp Giấy CNQSDĐ, giao đất, cho thuê đất, đăng ký đất đai... nhất là sau khi các thủ tục liên quan được thực hiện tại Trung tâm Hành chính công của tỉnh.
Tổ chức các cuộc gặp gỡ trực tiếp với các tổ chức, doanh nghiệp để lắng nghe các ý kiến, đối thoại, giải đáp thắc mắc của doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực đất đai. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát các tổ chức kinh tế đang sử dụng đất nhưng chưa đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để kịp thời hướng dẫn lập hồ sơ theo quy định. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý việc sử dụng đất của các tổ chức; kiểm tra, thanh tra công vụ để đảm bảo các cơ chế, chính sách, trình tự, thủ tục liên quan đến đất đai và việc thực thi của các cấp, các ngành có liên quan công khai, minh bạch, kịp thời, thuận lợi, tiết kiệm thời gian và chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp.
Cũng theo ông Đỗ Văn Xiêng, việc cải thiện, nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai và sử dụng đất ổn định là nhiệm vụ quan trọng để cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường đất đai thông thoáng, hấp dẫn và thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư kinh doanh, từ đó không ngừng nâng cao chỉ số PCI qua từng năm.