The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Lâm Đồng: Cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX, 15 năm qua, Lâm Đồng chủ động, tích cực triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân; đặc biệt là phát triển các loại hình doanh nghiệp. Khu vực kinh tế tư nhân tăng nhanh về số lượng, đảm bảo chất lượng. Giai đoạn 2010-2015, doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng gần 25% so với thời kỳ 2005-2010, trung bình mỗi năm tỉnh có 770 doanh nghiệp được thành lập.

Đến cuối tháng 7/2016, số lượng kinh doanh cá thể đăng ký thành lập có gần 53.400 hộ, trong đó gần 30.200 hộ đang hoạt động, số còn lại đăng ký chuyển đổi thành các loại hình doanh nghiệp.
Về cơ cấu ngành nghề, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp chiếm 7,27%, dịch vụ trên 11%, công nghiệp - xây dựng hơn 21%, thương mại và dịch vụ gần 48,4% và các ngành nghề khác trên 12%... Mỗi năm các ngành tạo việc làm cho hơn 720.000 lao động, thu nhập bình quân trên 52 triệu đồng/người, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 480 triệu USD/năm.
Cùng với đổi mới cơ chế, chính sách về đất đai; tài chính, tín dụng; lao động - tiền lương, Lâm Đồng cũng chú trọng ban hành chính sách hỗ trợ về đào tạo, khoa học và công nghệ. Hiện, tỉnh có 4 doanh nghiệp (Công ty CP Công nghệ Sinh học Rừng Hoa Đà Lạt, Công ty TNHH Agrivina, Công ty TNHH Thương mại Trường Hoàng, Công ty TNHH Đà Lạt G.A.P) được Bộ NN-PTNT công nhận là doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Nhiều doanh nghiệp FDI đầu tư áp dụng các giải pháp khoa học và công nghệ hiện đại nên tạo ra doanh thu cao từ 1 đến 3 tỷ đồng/ha/năm. Doanh nghiệp tích cực tham gia nghiên cứu nhiều đề tài, dự án để xây dựng những mô hình sản xuất, cải tiến kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế. Tiêu biểu như: xây dựng mô hình và quy trình công nghệ sấy atiso; thiết kế, chế tạo máy sấy gỗ 25 m3 sử dụng hệ thu năng lượng mặt trời kết hợp với nồi dầu; xây dựng quy trình công nghệ sơ chế, bảo quản, chế biến một số loại rau; thiết kế, chế tạo và lắp đặt dây chuyền thiết bị sơ chế, đóng gói và bảo quản rau công suất 300 kg/giờ… Đối với chính sách hỗ trợ thông tin, xúc tiến thương mại, tỉnh phối hợp với một số cơ quan Trung ương, các tổ chức quốc tế tổ chức cho 468 doanh nghiệp tham gia 26 lượt khảo sát tại các tỉnh, thành phố trong nước và các nước Thái Lan, Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc, Lào, Malaysia, Hàn Quốc, Hà Lan, Đan Mạch… Kết hợp với các chương trình du lịch canh nông, tham quan học tập kinh nghiệm, Lâm Đồng đã tiếp đón và tổ chức tham quan các mô hình sản xuất trên 76 đoàn là các nhà phân phối, hệ thống các siêu thị, du khách…
Qua đó từng bước khẳng định chất lượng hàng hóa, tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong và ngoài nước, góp phần gia tăng thị phần tiêu thụ nông sản. Chuẩn bị cho giai đoạn hội nhập quốc tế, Lâm Đồng tổ chức 86 lớp đào tạo, bồi dưỡng cho 7.324 lượt cán bộ và lãnh đạo doanh nghiệp về nội dung xây dựng thương hiệu, bảo vệ và phát triển thương hiệu, kỹ năng marketing khai thác thị trường, thương mại điện tử, phương pháp quảng bá và bán hàng qua mạng… Việc cải thiện và nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được tỉnh quan tâm chỉ đạo. Sau 5 năm thực hiện, năm 2015 chỉ số PCI của Lâm Đồng tăng 40 bậc, từ 61/63 lên 21/63 tỉnh, thành phố.
Để có được những thành quả trên, Lâm Đồng đã rút ra một số bài học kinh nghiệm: Phải nâng cao tính hiệu quả và chất lượng công tác tuyên truyền để xã hội nhận thức đầy đủ vai trò, ảnh hưởng của kinh tế tư nhân trong phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp và hộ kinh doanh phát triển. Nghiên cứu ban hành những cơ chế chính sách đột phá nhằm hỗ trợ tích cực về cơ sở hạ tầng, mặt bằng sản xuất và kinh phí hỗ trợ tư vấn, thông tin trợ giúp cho doanh nghiệp. Tăng cường sự phối hợp, lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong nắm bắt thông tin về tình hình hoạt động của doanh nghiệp. Phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong việc trao đổi, cung cấp thông tin, phối hợp xử lý theo dõi, quản lý các thành phần kinh tế tư nhân, tạo môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng.
LAN HỒ