Lâm Đồng: Cải thiện môi trường kinh doanh - động lực phát triển doanh nghiệp
Theo số liệu thống kê, vào năm 2011, tổng số doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) của Lâm Đồng là 4.183 doanh nghiệp. Sau hơn 4 năm, tính đến cuối tháng 3 năm 2015, số doanh nghiệp đăng ký hoạt động kinh doanh, sản xuất trên địa bàn Lâm Đồng lũy kế lên tới 7.132 đơn vị. Trong đó, bao gồm 602 công ty cổ phần, 4.482 công ty TNHH và 2.048 doanh nghiệp tư nhân. Với tốc độ phát triển về số lượng doanh nghiệp nêu trên, bình quân mỗi năm Lâm Đồng tăng 20,2% doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, đó là mức gia tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp. Đáng chú ý với số lượng doanh nghiệp này đã đưa Lâm Đồng đạt tỷ lệ 1 doanh nghiệp trên 168 người dân, so với bình quân của cả nước cùng thời điểm là 1 doanh nghiệp trên 184 người dân vào năm 2015. APEC (Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương) đặt ra mục tiêu phấn đấu đó là 1 doanh nghiệp trên 20 người dân. Nếu so với APEC thì tỷ lệ doanh nghiệp trên số dân của Lâm Đồng còn thấp, nhưng nhìn lại trong vòng 5 năm qua, đó là bước phát triển doanh nghiệp đáng khích lệ của tỉnh. Bởi bên cạnh phát triển về số lượng, các DNVVN còn phát triển về quy mô kinh doanh, sản xuất. Điều đó có ý nghĩa quan trọng, góp phần vào việc huy động các nguồn lực xã hội vào sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, cải thiện đời sống người dân, tăng thu ngân sách, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và hình thành nên đội ngũ doanh nhân mới.
Đồng hành cùng doanh nghiệp, trong thời gian qua, Lâm Đồng đã có nhiều chính sách hỗ trợ DNVVN với các chương trình và khung thời gian cụ thể. Theo báo cáo của UBND tỉnh Lâm Đồng, tại địa phương hàng năm thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, bao gồm khuyến công, khuyến nông, hỗ trợ khoa học kỹ thuật, xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, đào tạo nguồn nhân lực và kết nối giao thương... Qua đó, các doanh nghiệp có điều kiện mở rộng phát triển sản xuất, đổi mới công nghệ, mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh... Đồng thời, thúc đẩy môi trường kinh doanh thân thiện, minh bạch, thuận lợi. Đặc biệt, nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp có dự án khả thi nhưng khó khăn trong tiếp cận tín dụng, bên cạnh các quỹ đã hoạt động lâu nay như khuyến công, khuyến nông, tỉnh cũng có chủ trương thành lập Quỹ bảo lãnh doanh nghiệp với tinh thần hỗ trợ 3% lãi suất cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực mà Lâm Đồng có lợi thế cạnh tranh, chẳng hạn nông nghiệp công nghệ cao, chế biến nông sản và sản xuất vật liệu xây dựng... và dự kiến sẽ được Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét vào kỳ họp thứ 12.
Qua thống kê, các chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong vòng 5 năm qua (giai đoạn 2011 - 2015) bằng nhiều nguồn vốn khác nhau đã hỗ trợ các DNVVN hơn 290 tỷ đồng. Cụ thể, hỗ trợ Khoa học công nghệ với tổng kinh phí gần 105 tỷ đồng, khuyến công gần 30 tỷ đồng; hỗ trợ xúc tiến thương mại, du lịch và xúc tiến đầu tư trên 19 tỷ đồng; đào tạo, tập huấn và đào tạo nghề cho doanh nghiệp, hợp tác xã trên 10 tỷ đồng; hỗ trợ vốn vay 16,2 tỷ đồng... Từ đó, có hàng ngàn doanh nghiệp được hưởng thụ các chương trình hỗ trợ này. Đó là chưa kể việc cải cách hành chính đã góp phần tạo môi trường thuận lợi cho phát triển doanh nghiệp, trong đó giảm thời gian đăng ký kinh doanh từ 10 ngày xuống còn 5 ngày, thời gian giải quyết hồ sơ thuê đất từ 25 ngày xuống còn 12 ngày, nhập khẩu giống cây trồng từ 18 ngày xuống còn 10 ngày... Nhất là hầu hết các lĩnh vực quản lý của các ngành liên quan đến doanh nghiệp đã thực hiện một cửa hay một cửa liên thông.
Sự lớn mạnh của cộng đồng DNVVN cả về số lượng và quy mô sản xuất, kinh doanh sẽ đóng góp đáng kể vào mức tăng trưởng GDP, nguồn thu ngân sách, xuất khẩu hàng hóa và giải quyết việc làm. Do đó, việc thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và tỉnh, mà trọng tâm đó là việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính sẽ là "chìa khóa" hướng DNVVN đi tới thành công. Bởi mục đích cốt lõi của năng lực cạnh tranh cấp tỉnh hay năng lực cạnh tranh của mỗi quốc gia phải thể hiện trong từng doanh nghiệp, từng sản phẩm mới cạnh tranh được trong môi trường hội nhập kinh tế thế giới. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, địa phương nào gắn chính sách phát triển kinh tế với chính sách phát triển DNVVN và doanh nghiệp tư nhân thì nơi đó kinh tế sẽ phát triển một cách bền vững.
XUÂN TRUNG
theo báo Lâm Đồng ngày 7/7/2015