The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Lâm Đồng tạo đột phá phát triển

Ông Trần Văn Hiệp - Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh tiếp tục được cải thiện.
Chia sẻ với Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Trần Văn Hiệp - Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng cho biết, Nghị quyết Đại hội đại biểuĐảng bộ tỉnh lần thứ XI đã đề ra 4 khâu đột phá để tạo nền tảng vững chắc cho việc thực hiện các mục tiêu, định hướng phát triển của tỉnh đến năm 2025 trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước.
- Thưa ông, năm 2020 trong điều kiện vô cùng khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID – 19 nhưng kinh tế Lâm Đồng vẫn tăng trưởng khá. Vậy ông có thể chia sẻ đôi nét về kết quả này?
Những kết quả đạt được trong năm 2020 là sự nỗ lực, cố gắng chung tay góp sức của các tầng lớp nhân dân, của các cấp, các ngành và cộng đồng các doanh nhân, doanh nghiệp trên địa bàn. Đặc biệt, ngành nông nghiệp đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế của tỉnh. Tổng sản phẩm ngành nông, lâm, thủy tăng 4,4%/năm (cả nước tăng 2,8-3%). ước thực hiện thu ngân sách nhà nước năm 2020 trên địa bàn tỉnh 9.295 tỷ đồng, bằng 100% dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao và tăng 7% so cùng kỳ.
- Theo ông đâu là điểm nhấn trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh Lâm Đồng?
Năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, nhưng môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh tiếp tục được cải thiện. Nhiều chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp thông qua các chương trình hỗ trợ tiếp cận tín dụng, đất đai, khoa học công nghệ, khuyến công, hỗ trợ khởi nghiệp… được tỉnh tích cực triển khai. Trong 5 năm trở lại đây, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được cải thiện tích cực và Lâm Đồng luôn được xếp hạng thuộc nhóm các địa phương có chất lượng điều hành khá và đứng đầu 5 tỉnh Tây Nguyên. Trong thời gian tới, tỉnh Lâm Đồng tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, trợ giúp phát triển mạnh doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp nghiên cứu phát triển, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo... Đồng thời, tỉnh đẩy mạnh phát triển đội ngũ doanh nhân cả về chất lượng, số lượng, trình độ, năng lực quản trị kinh doanh, xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Tỉnh phấn đấu tăng thêm 1.000 doanh nghiệp thành lập mới năm 2021 và đặc biệt là phải làm sao cải thiện và kêu gọi được các nhà đầu tư lớn, chiến lược.
- Vậy hướng đi mang tính đột phá của Lâm Đồng trong giai đoạn tới là gì, thưa ông?
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đã đề ra 4 khâu đột phá, bao gồm: Thứ nhất, đẩy mạnh cải cách hành chính, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phù hợp với vị trí việc làm; Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan đảng, nhà nước, xây dựng và thực hiện chính quyền điện tử.
Thứ hai, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, nhân lực công nghệ thông tin để triển khai hiệu quả chính quyền điện tử, đô thị thông minh, nền kinh tế số; tạo bước chuyển biến cơ bản về chất lượng giáo dục và đào tạo; phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Thứ ba, tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công khai, minh bạch, bình đẳng, tạo đột phá mới trong phát triển kinh tế - xã hội; phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại; phát triển du lịch chất lượng cao.
Thứ tư, huy động, quản lý và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là ưu tiên phát triên hạ tầng đô thị, giao thông, du lịch, công nghệ thông tin - truyền thông, mạng viễn thông thế hệ mới, hạ tầng số… gắn với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
- Ông có thể chia sẻ về mục tiêu của Lâm Đồng trong năm 2021?
Tại Hội nghị lần thứ 2, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh mới đây đã thống nhất sẽ tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép”; vừa làm tốt công tác phòng, chống dịch, vừa tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, tiêu dùng. Trong đó, kiên trì thực hiện mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển nền kinh tế nhanh, toàn diện, bền vững theo các Nghị quyết Trung ương khóa XII, XIII.
Theo đó, lĩnh vực nông nghiệp sẽ tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng đa ngành, bền vững, hiện đại, có giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh cao; Tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, thông minh; đồng thời, chú trọng công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng vùng, địa phương.
Trong lĩnh vực công nghiệp, tỉnh đề ra nhiệm vụ cơ cấu lại ngành công nghiệp, phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo từ các nguyên liệu, sản phẩm đặc hữu, có lợi thế của địa phương, công nghiệp hỗ trợ, dược phẩm... theo hướng ứng dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường. Tỉnh sẽ hoàn thiện quy hoạch, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp để thu hút đầu tư, nâng tỷ lệ lấp đầy các khu, cụm công nghiệp; Chủ động, tận dụng lợi thế từ các FTA thế hệ mới (CPTPP, EVFTA, RCEP...), để phát triển sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng giá trị cao, có lợi thế về nguyên liệu của địa phương...
- Xin cảm ơn ông!