Lâm Đồng với tiến trình “chuyển đổi xanh”
18 Tháng 9, 2024
Những năm gần đây, Lâm Đồng tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng đa ngành, bền vững, hiện đại có giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh cao. Qua đó tập trung đẩy mạnh nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp theo hướng thông minh; xây dựng tỉnh trở thành Trung tâm nghiên cứu, phát triển nông nghiệp công nghệ cao của vùng Tây Nguyên và cả nước.
Thu hoạch hoa đồng tiền tại Đơn Dương. Ảnh: Văn Báu |
Để đạt được mục tiêu đề ra, Lâm Đồng đã và đang thực hiện có hiệu quả các dự án phát triển nông nghiệp; xây dựng và phát triển vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, quy mô lớn đạt tiêu chuẩn phổ biến về an toàn thực phẩm gắn với công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch và thị trường, xuất khẩu.
Từ sự chú trọng đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh và nông nghiệp hữu cơ trong điều kiện ứng phó với biến đổi khí hậu. Kết quả đã đạt được đến nay, toàn tỉnh có 25% diện tích ứng dụng công nghệ cao trong tổng số diện tích canh tác nông nghiệp hàng năm 404.000 ha; trong đó 600 ha ứng dụng công nghệ thông minh, 150.00 ha sản xuất an toàn và 2.000 ha sản xuất nông nghiệp hữu cơ và 1.045 con bò sữa đạt chứng nhận hữu cơ với sản lượng khoảng 5.200 tấn sữa.
Quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là cây trồng chủ lực tiếp tục được quan tâm, mở rộng và tính đến nay, Lâm Đồng đã phát triển được 234 chuỗi liên kết với 31.092 hộ liên kết, quy mô liên kết trong trồng trọt đạt 52.897 ha với sản lượng đạt 589.261 ha.
Bên cạnh đó, tiếp tục tuyên truyền, quảng bá, phát triển thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” đối với các sản phẩm rau, hoa, cà phê Ababica và du lịch canh nông... Lâm Đồng đã xây dựng và được công nhận 239 sản phẩm OCOP, trong đó có 10 sản phẩm 5 sao, 78 sản phẩm 4 sao và 151 sản phẩm 3 sao. Ngoài ra, toàn tỉnh có 1.600 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và 500 hợp tác xã nông nghiệp với tỷ lệ 80% hợp tác xã hoạt động có hiệu quả, đạt doanh thu từ 2 tỷ đồng/năm trở lên.
Lâm Đồng cũng đã hình thành, công nhận được 8 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 14 doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao. Đặc biệt, trong quá trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh luôn được gắn liền với công cuộc xây dựng nông thôn mới. Chính vì thế, đến nay, Lâm Đồng đã có 109/111 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 98,2%; trong đó 41 xã nông thôn mới nâng cao, 16 xã nông thôn mới kiểu mẫu. Có 5 huyện đạt chuẩn nông thôn mới và TP Đà Lạt, TP Bảo Lộc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Nhắc đến Lâm Đồng là nhắc đến một trong các tỉnh có tỷ lệ che phủ rừng cao nhất nước. Hiện Lâm Đồng có trên 538.741 ha rừng đa dạng sinh học bao gồm rừng tự nhiên 454.868 ha, rừng trồng 83.873 ha. Phân chia thành 3 loại rừng: Rừng đặc dụng 81.847 ha, rừng phòng hộ 150.904 ha và rừng sản xuất 305.990 ha. Tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh đến nay đạt 54,6%. Đặc biệt đã hình thành nên Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà với trên 700 km2 và Vườn Quốc gia Cát Tiên rộng gần 273 km2, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Lang Biang đầu tiên của khu vực Tây Nguyên với diện tích 275.439 ha. Đây là một nguồn tài nguyên quý hiếm để phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội và phát triển du lịch tại Lâm Đồng.
Trong tổng số diện tích đất có rừng nêu trên, diện tích được giao khoán, bảo vệ đạt 456.379 ha, với 16.038 hộ và 48 tổ chức nhận khoán. Đáng chú ý, Lâm Đồng cũng là tỉnh đầu tiên của cả nước thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và đã tiến hành chi trả 399.149 ha với 13.059 hộ và 34 tập thể nhận khoán bảo vệ với số tiền chi trả hàng năm lên đến trên 200 tỷ đồng. Cần biết rằng, trong số các hộ nhận khoán, đa số là hộ đồng bào dân tộc thiểu số sống gần rừng và đây cũng là một trong những biện pháp tạo sinh kế để các hộ vươn lên thoát nghèo trong những năm qua.