Làm gì để “Chắp cánh” cho kinh tế tư nhân - Bài 3: Khi Thủ tướng làm tiếp thị
Để kinh tế tư nhân thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế, Nghị quyết 10 – NQ/TW đề ra những nhiệm vụ và giải pháp rất cụ thể mà một trong số đó chính là việc Nhà nước tạo mọi điều kiện hỗ trợ xúc tiến đầu tư, hội nhập quốc tế cho lực lượng kinh tế đông về lượng nhưng còn yếu về chất này:
“Có cơ chế, chính sách tạo điều kiện để kinh tế tư nhân tích cực tham gia vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Hỗ trợ kinh tế tư nhân tiếp cận, khai thác các cơ hội trong hội nhập quốc tế, mở rộng thị trường, đẩy mạnh đầu tư và thương mại quốc tế…”
Đối chiếu với đường hướng của Nghị quyết, trong chương trình hành động của Thủ tướng và Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, có thể thấy nội dung xúc tiến đầu tư, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế luôn có một vị trí ưu tiên hàng đầu.
Doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân đã nhiều lần chứng kiến hình ảnh Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp thị sản phẩm thương hiệu Việt không chỉ trong các sự kiện kinh tế thương mại trong nước mà còn cả trong những chuyến công du đối ngoại quốc tế.
Chú trọng thị trường gần 100 triệu dân
Hơn 1 năm của nhiệm kỳ đầu tiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có hơn 20 lần trực tiếp vận động, khuyến khích đầu tư tại các hội nghị xúc tiến đầu tư trên khắp các vùng, miền của cả nước.
Sáng 20/7/2017, tại thành phố Bến Tre, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến dự Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Bến Tre năm 2017. Trong ảnh: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các đại biểu. Ảnh: Thống Nhất-TTXVN
Trong bối cảnh lịch làm việc dày đặc, việc Thủ tướng dành thời gian kết nối chuỗi giá trị từ tiềm năng, thế mạnh của các địa phương đến các nhà đầu tư, các doanh nghiệp đã mang lại một ý nghĩa to lớn.
Không chỉ phát huy hiệu quả xúc tiến thương mại, củng cố niềm tin của khối kinh tế tư nhân, hoạt động này còn thể hiện vai trò của một Chính phủ kiến tạo, hành động; đồng thời đặt thị trường nội địa vào đúng vị thế của một thị trường đang tiến dần đến mốc 100 triệu dân.
Luôn đề cao hiệu quả của khâu tiếp thị, xây dựng thương hiệu, công tác đến mỗi địa phương, Người đứng đầu Chính phủ thường dành thời gian thăm quan, tìm hiểu quy trình sản xuất, chế biến và phân phối những thương hiệu sản phẩm nổi tiếng như: Cà phê Trung Nguyên, Chè Thái Nguyên, kẹo dừa Bến Tre, sữa TH True milk, xoài Mỹ Xương, gạo Lộc Trời, chè Shan Tuyết, tôm Bạc Liêu, măng tây Ninh Thuận, rau sạch Vineco, nhãn lồng Hưng Yên, nước mắm Phú Quốc; thanh long Bình Thuận…
Trực tiếp giới thiệu đến các doanh nghiệp tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, ví những nhà đầu tư lớn như những “đại bàng lớn”, “đàn sếu lớn”, Thủ tướng mong đợi các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài nghiên cứu các cơ hội đầu tư, hợp tác chặt chẽ với chính quyền để tạo dựng một môi trường kinh doanh thuận lợi.
“Vướng mắc ở đâu mà cần trung ương tham gia, xin cho tôi biết trực tiếp”, Thủ tướng nhắn nhủ như vậy đến các nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Thấu hiểu yếu tố thị trường trong kinh doanh, chia sẻ với các doanh nghiệp về quy trình từ đầu vào đến đầu ra của sản phẩm, Người đứng đầu Chính phủ gây những ấn tượng mạnh với các chủ doanh nghiệp bởi những gợi ý, chỉ đạo đầy “hơi thở” cuộc sống nhưng cũng rất “kinh tế” với mong muốn đem lại lợi ích cho cả ba bên chính quyền, nhà đầu tư và người dân.
Đơn cử như dự hội nghị xúc tiến đầu tư tại Bến Tre – xứ xở của cây dừa, Thủ tướng góp ý các nhà sản xuất cần chú trọng hơn nữa khâu lựa chọn giống dừa sao cho phù hợp, phải thâm canh, tái canh dừa, không để dừa thoái hóa, năng suất thấp. Phải chế biến từ 20 đến 30 sản phẩm từ dừa để giá trị gia tăng cao và hướng sản phẩm dừa đi vào xuất khẩu của tỉnh.
Hay khi phát biểu tại hội nghị đầu tiên về ngành tôm Việt Nam, Thủ tướng lưu ý các cơ sở nuôi tôm phải mạnh dạn hơn nữa trong xây dựng thương hiệu tôm Việt trên thị trường thế giới.
Không ngại trao đổi sâu về nghề, Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp chế biến tôm cần phải “đi cùng nhau” để “đi xa hơn”, hỗ trợ nhau về giống sạch, thức ăn tốt, dây chuyền sản xuất, chế biến hiện đại, rút ngắn quá trình trung gian trong sản xuất, thu mua tôm thịt, tôm giống, đồng thời tăng lợi nhuận hơn nữa cho người nuôi.
Để đảm bảo cho các doanh nghiệp tư nhân thực sự tận dụng được thị trường tiềm năng trong nước, Thủ tướng thường xuyên nhắc nhở chính quyền các địa phương phải “đặt doanh nghiệp vào vị trí trung tâm của sự phát triển”; tăng cường đối thoại, kịp thời giải quyết các khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp; tránh tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”. “Chính quyền phải ba cùng là cùng lo, cùng làm và cùng chia sẻ thất bại và thành công với doanh nghiệp, nhất là chính quyền cấp cơ sở”.
Đặc biệt, Thủ tướng nghiêm cấm hành vi phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, tư nhân và Nhà nước. “Không được để tình trạng chỉ ưu tiên doanh nghiệp nước ngoài mà ít quan tâm đến doanh nghiệp trong nước; đặc biệt khuyến khích các hoạt động hợp tác giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài theo tinh thần khởi nghiệp để người dân được hưởng lợi”.
Lưu ý công tác quản lý Nhà nước ở các địa phương phải tuân thủ quy luật kinh tế thị trường, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu mở rộng cơ chế xã hội hóa theo hướng mở, trao quyền lựa chọn cho doanh nghiệp. “Chính quyền không thể lựa chọn thay doanh nghiệp lĩnh vực đầu tư mà để doanh nghiệp tự lựa chọn”; “những việc doanh nghiệp và xã hội làm được thì để doanh nghiệp và xã hội tự làm; nếu không làm được thì Nhà nước mới làm”.
Thẳng thắn thông tin đến lãnh đạo địa phương tình trạng doanh nghiệp kêu ca “trên trải thảm, dưới rải đinh”, Thủ tướng chỉ đạo chính quyền các cấp “phải coi lợi ích của nhà đầu tư là lợi ích của tỉnh mình, đất nước mình” để làm mục tiêu phục vụ.
Để chữa trị căn bệnh tư duy cục bộ, phát triển không đồng đều giữa các địa phương, vùng miền, tại diễn đàn kinh tế tư nhân vừa qua, một chỉ đạo rất mới được Thủ tướng đưa ra là yêu cầu các địa phương cần liên kết chia sẻ cho nhau những nhà đầu tư mà tỉnh bạn có lợi thế, tránh cạnh tranh bằng mọi giá, thu hút đầu tư theo kiểu dẫm đạp lên nhau, không phát huy được lợi thế so sánh đặc thù của địa phương mình.
Luôn lấy bài học đau xót từ sự cố Formosa gây ra hậu quả vô cùng lớn cho nền kinh tế và môi trường sống của người dân, một trong những chỉ đạo thường xuyên của Thủ tướng khi làm việc với các địa phương cũng như trong những lần nói chuyện cùng cộng đồng doanh nghiệp là “không vì phát triển kinh tế bằng bất cứ giá nào mà bỏ qua vấn đề môi trường”.
Mở rộng đầu tư và thương mại quốc tế
Xác định tầm quan trọng đặc biệt của việc tranh thủ nguồn lực bên ngoài thông qua hoạt động xúc tiến đầu tư, kết nối hợp tác giữa doanh nghiệp trong nước và nhà đầu tư nước ngoài, trong mọi chuyến công du đối ngoại, bên cạnh hoạt động ngoại giao Nhà nước thì ngoại giao kinh tế, thương mại luôn là một trọng tâm trong chương trình làm việc của Thủ tướng.
Tối ngày 30/5/2017 (theo giờ địa phương), tức ngày 31/5/2017 theo giờ Hà Nội, thủ đô Washington D.C, Hoa Kỳ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự toạ đàm với Phòng Thương mại Hoa Kỳ và Hội đồng kinh doanh ASEAN- Hoa Kỳ. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN
Bên lề những cuộc hội đàm, tiếp xúc cấp cao, Thủ tướng dành phần nhiều thời gian cho các cuộc gặp mặt, tọa đàm xúc tiến đầu tư với những tập đoàn hàng đầu quốc gia bản địa và toàn cầu.
Hai phần ba trong chuỗi hơn 40 hoạt động trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Thủ tướng là các cuộc gặp gỡ, trao đổi với các doanh nghiệp, tập đoàn đa quốc gia để vận động đầu tư và kết nối hợp tác với các doanh nghiệp trong nước.
Trong chuyến thăm lịch sử ấy, Thủ tướng đã chứng kiến việc trao đổi 19 hợp đồng, văn kiện thỏa thuận hợp tác do doanh nghiệp hai bên ký kết mà đại đa số là các doanh nghiệp tư nhân có chiều sâu của Việt Nam với tổng trị giá khoảng 12 tỷ USD. Đây cũng là một trong những chuyến thăm cấp cao tới Hoa Kỳ thành công thương mại lớn nhất từ trước đến nay.
Hai ngày sau khi trở về từ nửa vòng trái đất, lên đường thăm chính thức xứ sở hoa Anh đào - đối tác chiến lược sâu rộng của Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã đồng chủ trì Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam quy mô lớn nhất từ trước đến nay được tổ chức tại Thủ đô Tokyo với sự tham dự của trên 1.600 doanh nghiệp hai bên, trong đó có 200 doanh nghiệp đến từ Việt Nam.
Tại đây, thông tin đến các nhà đầu tư Nhật Bản về những cơ hội đầu tư kinh doanh rộng mở tại Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa khẳng định quan điểm coi kinh tế tư nhân là động lực quan trọng để phát triển nền kinh tế.
Kết quả thu được từ hội nghị quy mô lớn này là các doanh nghiệp hai nước đã ký két hàng loạt hợp đồng, bản ghi nhớ hợp tác với tổng trị giá trên 22 tỷ USD, một kỷ lục trong xúc tiến thương mại quốc tế.
“Nhà tiếp thị cấp cao”
Không chỉ giới thiệu về những “chính sách mở, chủ trương thoáng” của Đảng, Nhà nước, không chỉ kêu gọi đầu tư, quảng bá tiềm năng, thế mạnh của dải đất hình chữ S, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc còn sẵn sàng là một “nhà tiếp thị cấp cao” những sản phẩm thương hiệu Việt đến bạn bè quốc tế.
Còn nhớ, trong lần đến thăm mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại Hà Nam vào ngày làm việc đầu tiên sau Tết Nguyên đán 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hứa: “Bản thân Thủ tướng sẽ trực tiếp cùng các ngành giới thiệu các sản phẩm công nghệ cao, chất lượng cao, nông nghiệp sạch của Việt Nam ra thị trường thế giới”.
Với phương châm “chuyển lời nói thành hành động”, trong chuyến Đông du, dành thời gian dự lễ khai trương “Tuần lễ hàng Việt Nam” tại Trung tâm thương mại AEON Lake Town, tỉnh Saitama, Nhật Bản, “nhà tiếp thị cấp cao” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đích thân giới thiệu đến các quan chức và nhà đầu tư Nhật Bản những sản phẩm thương hiệu Việt thuộc gần 70 doanh nghiệp tham gia Tuần hàng.
Còn trong chuyến thăm chính thức Vương quốc Hà Lan, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng trực tiếp giới thiệu và trao những hộp quà đặc biệt tặng đại diện Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp Vương quốc Hoa Tu líp.
Hộp quà gồm 3 sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu của thực phẩm Việt Nam đã được xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới, bao gồm càphê, hạt điều và mật ong – một sản phẩm tiếp thị của Chương trình xây dựng thương hiệu thực phẩm quốc gia “Foods of Vietnam”.
Hay có thể kể đến lần tham dự CAEXPO 2016 lần thứ 13 tại thành phố Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, khai trương Khu gian hàng quốc gia “Thành phố Đẹp” (City of Charm) của Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp giới thiệu với Phó Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Trương Cao Lệ qui trình sản xuất từ gieo trồng, thu hoạch cho đến xay xát, xuất khẩu, rang, xay và pha chế của thương hiệu cà phê “Buôn Ma Thuột”.
Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đức, Hà Lan, Trung Quốc và nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ khác, với chủ trương tạo mọi điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển của Đảng, Nhà nước ta được thực thi bằng quyết tâm và hành động cụ thể của Thủ tướng và tập thể Chính phủ, một làn sóng đầu tư mới từ nhiều quốc gia trên thế giới với quỹ đạo điểm đến là Việt Nam đã được hình thành và đứng vững trên bản đồ thương mại quốc tế./.
Quang Vũ/TTXVN