The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Làm gì để “chắp cánh” cho kinh tế tư nhân - Bài 4: Tháo “gánh nặng” chi phí

Thực tế cho thấy, áp lực từ những khoản thuế, phí đang là một “rào cản lớn” hạ thấp cơ hội và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt trên thị trường khu vực và quốc tế.

Làm gì để “chắp cánh” cho kinh tế tư nhân. Ảnh minh họa: TTXVN

Trong kinh doanh, chi phí là yếu tố lớn nhất quyết định đến lợi nhuận và giá thành sản phẩm. Đối với các các thành phần kinh tế, nhất là những doanh nghiệp nhỏ, yếu vốn, bài toán cắt giảm chi phí được xem như một giải pháp sống còn để đảm bảo lợi nhuận.

Thực tế cho thấy, áp lực từ những khoản thuế, phí đang là một “rào cản lớn” hạ thấp cơ hội và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt trên thị trường khu vực và quốc tế.

Muốn “mở đường” cho kinh tế tư nhân trong tiến trình hội nhập sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu và thương mại quốc tế, trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế, vấn đề phí và chi phí của doanh nghiệp phải được nhận diện đúng mức để có những điều chỉnh, hỗ trợ phù hợp.

Vậy cho nên, không phải ngẫu nhiên mà 2017 được Thủ tướng Chính phủ chọn là Năm giảm chi phí doanh nghiệp và chủ đề này cũng là một trong hai vấn đề then chốt mà Chính phủ ưu tiên giải quyết trong số hàng ngàn kiến nghị của doanh nghiệp nhằm thiết thực triển khai Nghị quyết 10 – NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân.

* Bức xúc lớn nhất của doanh nghiệp

Chi phí chính thức của doanh nghiệp không chỉ là nội hàm của những vấn đề liên quan đến các loại thủ tục hành chính mà còn dàn trải trong nhiều khoản chi bắt buộc khác như phí sử dụng công trình BOT, bến bãi, cảng biển, cầu đường...

Theo nghiên cứu “Khảo sát về môi trường kinh doanh” của Ngân hàng Thế giới năm 2017, chi phí kinh doanh ở Việt Nam về cơ bản vẫn cao so với các nước trong khu vực ASEAN. Cá biệt, có những khoản như chi phí tiếp cận điện năng của Việt Nam đang cao gấp gần 49 lần so với Philippines.

Doanh nghiệp Việt Nam cũng phải chịu chi phí nộp thuế cao trong khu vực ASEAN, ở mức 39,1% so với lợi nhuận và cao hơn 2 lần so với Singapore. Ngoài ra, chi phí về tuân thủ chứng từ xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam cũng ở mức cao nhất, gấp gần 4 lần so với Singapore và hơn 3 lần so với Philippines.

Tại “Hội nghị Diên Hồng” Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2017, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Nguyễn Văn Thân tiết lộ, bức xúc lớn nhất của doanh nghiệp chính là “gánh nặng” chi phí. Vị đại diện khối doanh nghiệp nhỏ và vừa cho rằng, chi phí tuân thủ pháp luật trong một số lĩnh vực còn cao, một số quy định chồng chéo, phức tạp làm tăng thời gian và các khoản chi.

Đáng lo ngại, bên cạnh nhiều điểm tích cực về chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, chi phí tiếp cận một số dịch vụ công như cấp chứng chỉ hành nghề, trong lĩnh vực đất dai, xây dựng, tiếp cận tín dụng… chưa thực sự được cải thiện.

Minh chứng một cách cụ thể hơn, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc đưa ra một nghịch lý không tưởng: Chi phí vận chuyển cho một container hàng từ Cảng Hải Phòng về Hà Nội trên cung đường khoảng 100km đắt gấp ba lần so với vận chuyển 1 container hàng từ Trung Quốc và Hàn Quốc về Việt Nam.

Đây là một sự thật đang tồn tại và là nguyên nhân để nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa “dứt áo ra đi”, “bỏ lại sau lưng” khát vọng kinh doanh, lập nghiệp.

Thấm thía nhất trong câu chuyện này, phải kể đến những doanh nghiệp vận tải đường bộ. Việc phải trả phí khá cao tại các trạm thu phí trên quốc lộ 5 và cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đưa đến một sự thật: Nếu bình quân xe khách không đạt 70% tổng số ghế ngồi thì coi như chạy xe không có thu nhập.

Ap lực từ những khoản thuế, phí đang là một “rào cản lớn” của doanh nghiệp Việt. Ảnh minh họa: TTXVN

Vì vậy, ai từng thường xuyên đi lại trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng sẽ thấy tuyến đường cao tốc đẹp nhất Việt Nam này gần như chỉ thấy chỉ có xe con, xe cá nhân lưu thông mà hoàn toàn vắng bóng phương tiện vận tải hành khách, hàng hóa. Tình hình này không chỉ ảnh hưởng đến yếu tố kinh tế khi đầu tư xây dựng tuyến đường, mà còn không giải quyết được mục tiêu chia sẻ mật độ giao thông, chống ùn tắc trên quốc lộ truyền thống.

Điểm khác biệt là ở chỗ, trong khi các nước tiên tiến trên thế giới đang phát triển loại hình vận tải đa phương thức, theo tiêu chuẩn hiện đại thì hạ tầng giao thông của Việt Nam nhìn chung vẫn yếu kém, thiếu đồng bộ, thiếu sự kết nối, hỗ trợ giữa các loại hình dịch vụ, vận tải.

Không chỉ có phí đường bộ, nỗ lực đi tìm nguồn vốn, thực hiện nghĩa vụ tăng lương, đóng bảo hiểm cho người lao động.. cũng là những danh mục chi khiến các doanh nghiệp mất ngủ để đảm bảo vừa duy trì sản xuất, vừa tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

Mặc dù Thủ tướng, Chính phủ đã liên tục chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các Ngân hàng thương mại có lộ trình giảm lãi xuất, thúc đẩy sản xuất kinh doanh nhưng theo tính toán, mức lãi suất vay vốn bình quân của Việt Nam vẫn cao thứ hai trong khu vực, chỉ sau Myanmar.

Về tiền công, thời gian qua, lương tối thiểu tăng từ 8 – 12%, cao hơn tốc độ tăng năng suất lao động chỉ đạt 4 – 5% khiến cho doanh nghiệp không dễ chấp nhận. Không chỉ vậy, mức đóng bảo hiểm 22% lương tháng mà doanh nghiệp đang phải chịu là rất cao so với Malaysia (13%) hay Philippines (10%).

Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến việc các doanh nghiệp Việt “lách luật” bằng cách tạo lập 2 hệ thống chi trả lương để đối phó với cơ quan bảo hiểm, cơ quan thuế và hệ thống lương thưởng nội bộ.

Mặt khác, chi phí thuê mặt bằng quá cao cũng đang là một khó khăn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hầu hết các doanh nghiệp loại này không đủ tiền để thuê mặt bằng tốt, vị trí thuận lợi nên thường bị mất ưu thế so với các đồng nghiệp có hầu bao rủng rỉnh hơn.

* Phí “bôi trơn”

Không chỉ có những khoản chi “có cuống”, điều đáng lo ngại là ở Việt Nam vẫn có những chi phí không chính thức, không biên lai thường được gọi với cái tên: Phí "bôi trơn" mà nhiều nơi, nhiều chỗ có những “cánh cửa” bắt buộc mà doanh nghiệp phải “rút ví” để vượt qua.

Theo kết quả nghiên cứu về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI-2016) do VCCI công bố, có tới 66% trong số 11.000 doanh nghiệp được hỏi xác nhận đã phải trả loại phí này. Có từ 9% - 11% doanh nghiệp tham gia điều tra từ năm 2014 - 2016 cho biết các khoản chi phí cho riêng mục này chiếm tới hơn 10% tổng doanh thu.

Bỏ qua những chỉ đạo thường xuyên từ trung ương là phải “lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo kết quả hoạt động”, tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp vẫn diễn ra ở nhiều nơi, nhiều cấp.

Theo thống kê, chỉ tiêu này dù được cải thiện trong 2 năm qua (giảm từ 65% năm 2013-2014 xuống còn 58% năm 2016) nhưng vẫn ở mức cao và đang là “nỗi thống khổ” của doanh nghiệp mỗi khi phải giao dịch với cơ quan quản lý Nhà nước.

Lối thoát “phong bì” vẫn là con đường bắt buộc và mau lẹ của doanh nghiệp nhất là khi thực hiện quy trình: Làm thủ tục cấp mặt bằng sản xuất kinh doanh, tiếp đón thanh tra, kiểm tra, thủ tục cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện.

Gánh nặng chi phí thực sự đang làm tiêu hao “sức khỏe” của doanh nghiệp. Vậy, tại sao lại có tình trạng này?

Một thực tế là, mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, giải pháp, nhưng sự chuyển động của cả bộ máy, nhất là ở cấp cơ sở vẫn còn trì trệ.

Một bộ phận cán bộ, công chức vẫn thể hiện sự thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm, cá biệt còn có những trường hợp bắt lỗi, vòi vĩnh doanh nghiệp. Để được việc, doanh nghiệp phải chấp nhận “đi đêm”, “chung chi” theo những quy định bất thành văn.

Một nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng này xuất phát từ chính nhận thức của doanh nghiệp với lối cạnh tranh không lành mạnh, sử dụng “văn hóa bao thơ” hoặc mối quan hệ để đạt được mục đích kinh doanh.

Không chỉ làm tha hóa cán bộ, nuôi dưỡng thói cửa quyền, bệnh quan liêu, hậu quả lớn nhất của tình trạng này là làm nảy sinh tâm lý chán nản, nhụt chí kinh doanh của doanh nghiệp chân chính; xâm hại đến tính minh bạch và bền vững của môi trường kinh doanh quốc gia.

*Cần những giải pháp căn cơ

Chi phí đầu vào cao khiến giá thành sản phẩm cao, người thiệt hại cuối cùng chính là người tiêu dùng.

Nhìn nhận liệu pháp giảm chi phí là “nhát kiếm” trúng đích nhằm cởi trói, giải cứu doanh nghiệp khỏi nguy cơ bị tụt lại phía sau, tại phiên họp thường kỳ tháng 7/2017, thảo luận chuyên đề về các biện pháp giảm mức phí đầu vào cho doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp với tinh thần hành động của Năm giảm chi phí doanh nghiệp.

Chính phủ đã lên kế hoạch rà soát các quy định và đang khẩn trương thực hiện quyết liệt các giải pháp cắt giảm chi phí thủ tục hành chính về thuế, hải quan, giấy phép, phí BOT, chi phí logistics, chi phí sử dụng các công trình dịch vụ công...

Cùng với cam kết của Người đứng đầu Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cũng đã có những hành động cụ thể. Bộ Tài chính đã ban hành 16 Thông tư điều chỉnh giảm mức thu phí tại 29 trạm thu phí BOT.

UBND thành phố Hải Phòng đã rà soát việc thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển Hải Phòng và đang thực hiện điều chỉnh giảm mức thu phí đối với hàng xuất, nhập khẩu lô lẻ.

Chỉ rõ một lĩnh vực khiến doanh nghiệp còn phải gánh chi phí rất lớn là kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đặt ra chỉ tiêu phải kéo giảm tỷ lệ lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành xuống còn 15% và yêu cầu các Bộ trưởng quyết tâm triển khai. “ Nếu làm được, các chuyên gia ước tính có thể giảm được hàng chục nghìn tỷ chi phí cho doanh nghiệp”.

Thấu hiểu thủ tục hành chính đang là nút thắt đối với sự tăng trưởng và ổn định của doanh nghiệp, đồng thời chống chi phí không chính thức và làm trong sạch đội ngũ cán bộ công chức, Thủ tướng đã ra lệnh và “cầm tay chỉ việc” để các bộ, ngành, địa phương có biện pháp cắt giảm thủ tục, thời gian trong các khâu giao dịch hành chính của doanh nghiệp.

Đáng chú ý là phải triệt để ứng dụng công nghệ thông tin sao cho tránh gặp gỡ trực tiếp giữa người làm thủ tục và cán bộ giải quyết thủ tục để bài trừ “văn hóa phong bì”.

Người đứng đầu Chính phủ cũng giao Ngân hàng Nhà nước có biện pháp cụ thể giảm mặt bằng lãi suất cho vay để bớt chi phí tín dụng cho doanh nghiệp; song song với đó là tập trung vốn tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao...).

Nói về những giải pháp giảm chi phí của doanh nghiệp, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng cần sử dụng đến đạo luật về thuế, đồng thời chú trọng nâng cao năng suất, nhất là đối với các ngành đang sử dụng nhiều lao động hiện nay như dệt may, da giày… Đặc biệt là phải có các chế tài đủ mạnh để răn đe các hành vi cạnh tranh không lành mạnh; phải có những giải pháp chính sách và hành chính quyết liệt để giảm mạnh rủi ro và chi phí, đặc biệt là chi phí không chính thức để bảo đảm “sức khỏe” của doanh nghiệp. /.

Quang Vũ/TTXVN