Làm gì để doanh nghiệp đầu tư vào rừng?
Để thu hút đầu tư tư nhân vào rừng và lâm nghiệp, VCCI cho rằng, điều quan trọng nhất là bảo hộ quyền của các nhà đầu tư khi bỏ vốn vào các hoạt động lâm nghiệp
Chỉ khi nào người dân và DN tin tưởng vững chắc rằng mình có đủ các quyền của chủ tài sản đối với rừng thì họ mới yên tâm bỏ vốn và công sức đầu tư. Tại văn bản góp ý Dự thảo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng sửa đổi, do Trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn ký đã nhận định, mấu chốt của việc bảo hộ quyền của chủ sở hữu tập trung vào 3 vấn đề. Thứ nhất là điều kiện và thời hạn để bỏ vốn đầu tư vào lâm nghiệp. Tiếp đến là các quyền năng của chủ sở hữu đối với tài sản là rừng. Cuối cùng là các trường hợp thu hồi rừng.
Muốn làm được điều này đòi hỏi các quy định cụ thể của đạo luât này phải được xây dựng theo hướng ghi nhận vững chắc quyền của chủ rừng và hạn chế sự can thiệp của Nhà nước vào các quyết định của chủ rừng.
Theo Điều 5 của Dự thảo Luật quy định về sở hữu rừng với 3 hình thức là sở hữu nhà nước, sở hữu riêng và sở hữu chung. Theo quan điểm của VCCI, việc quy định rừng tự nhiên (kể cả nguyên sinh và thứ sinh) đều thuộc sở hữu Nhà nước là hợp lý, phù hợp với Hiến pháp. Tuy nhiên, cần thống nhất cách hiểu quy định này, theo đó, đây chỉ là quy định nhằm xác lập quyền sở hữu ban đầu đối với rừng chưa có chủ. Giả sử rừng tự nhiên đã được Nhà nước xác lập quyền sở hữu, sau đó Nhà nước chuyển giao quyền sở hữu đó cho cá nhân, tổ chức khác thì rừng đó chuyển thành sở hữu tư nhân. Cá nhân, tổ chức này có toàn quyền của chủ sở hữu tương tự như rừng trồng, chứ không có bất kỳ hạn chế nào vì lý do đó là rừng có nguồn gốc tự nhiên.
Cách tiếp cận này cũng tương tự như các tài nguyên khác như khoáng sản, tài nguyên nước. Đối với khoáng sản, khi còn ở trong lòng đất thì thuộc sở hữu Nhà nước, nhưng khi Nhà nước đã cấp phép và doanh nghiệp khai thác thì chuyển thành sở hữu của doanh nghiệp. Nước thiên nhiên thuộc sở hữu của Nhà nước, nhưng khi Nhà nước đã cấp phép và doanh nghiệp đã đóng chai, bán nước đó thì thuộc sở hữu của doanh nghiệp.
Ngoài ra, Điều 5 của Dự thảo hiện vẫn đang giao Chính phủ quy định chi tiết hơn về các hình thức sở hữu rừng. Theo VCCI, đây là vấn đề đặc biệt quan trọng của đạo luật này, liên quan đến quyền sở hữu của người dân và doanh nghiệp, nên cần được quy định luôn trong Luật. Nhà đầu tư sẽ yên tâm bỏ vốn hơn khi biết rằng quyền của mình được bảo vệ bởi Luật, văn bản khó bị thay đổi, điều chỉnh hơn so với Nghị định.
Tại Điều 7 của Dự thảo cũng giao Chính phủ quy định chi tiết về quy chế quản lý rừng. Trong khi, quy chế quản lý rừng là một trong những nội dung rất quan trọng mà người dân và doanh nghiệp quan tâm. Bởi vì, nó quy định những gì chủ rừng được làm và không được làm đối với tài sản của mình. Do đó, chủ rừng sẽ rất lo ngại nếu một văn bản quy định về nội dung và trình tự thực hiện quyền tài sản của mình lại được thể hiện trong một văn bản dưới Luật và có nguy cơ bị điều chỉnh thường xuyên.
Hơn nữa, rất nhiều nội dung quy định về việc bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng đã được thể hiện ngay trong luật, nhưng thường đi kèm dòng chữ “theo quy chế quản lý rừng”. VCCI cho rằng, Điều này khiến cho các quyền của chủ sở hữu được ghi nhận trong Luật mới chỉ là “hư quyền” chưa thể thực hiện được ngay. Trong khi, người dân và doanh nghiệp muốn thấy rằng các quyền này phải được ghi nhận với tư cách “thực quyền” ngay trong luật.
Bá Tú