The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Lạng Sơn - Kế hoạch cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2014

Nhằm tiếp tục phát huy có hiệu quả đề án nâng cao năng lực Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1196/QĐ-UBND ngày 24 tháng 8 năm 2012; Kịp thời khắc phục những hạn chế, những Chỉ số thành phần thấp điểm trong năm 2013, đồng thời cải thiện môi trường đầu tư trong năm 2014, hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, ngày 15/7/2014, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 61/KH-UBND cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao Chỉ số PCI năm 2014.
Mục tiêu chung là xây dựng môi trường kinh doanh của tỉnh thực sự thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn và thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư kinh doanh; Thông qua việc theo dõi, đánh giá Chỉ số PCI để xem xét đánh giá chất lượng quản lý điều hành của các cơ quan nhà nước, đánh giá công tác cải cách hành chính, chất lượng đội ngũ cán bộ nhằm xây dựng nền công vụ và đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh trong thời gian tới; Trên cơ sở kết quả điều tra, khảo sát và công bố Chỉ số PCI năm 2013, các sở, ngành, UBND các huyện và thành phố Lạng Sơn theo chức năng tiến hành phân tích, làm rõ nguyên nhân tăng, giảm của từng Chỉ số thành phần liên quan đến đơn vị mình phụ trách nhằm từng bước khắc phục và cải thiện Chỉ số PCI, tạo động lực cho việc thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 và những năm tiếp theo.
Mục tiêu cụ thể: Phấn đấu cải thiện Chỉ số xếp hạng PCI của tỉnh năm 2014; Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, khắc phục và cải thiện những Chỉ số thành phần còn thấp và giảm điểm trong năm 2013. Từ đó tạo động lực cho việc thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp đồng thời đảm bảo sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của tỉnh trong giai đoạn tiếp theo.
Theo Kế hoạcch, các sở, ban, ngành tập trung thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu sau:
Tuyên truyền nội dung và ý nghĩa của việc điều tra đánh giá xếp hạng Chỉ số PCI nâng cao nhận thức về PCI cho cán bộ, công chức. Thông qua việc thực hiện kế hoạch cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao Chỉ số PCI là một tiêu chí quan trọng để đánh giá kết quả công tác của các sở, ban, ngành, đơn vị;
Rà soát văn bản quy phạm pháp luật, kịp thời phát hiện các văn bản có quy định mâu thuẫn, chồng chéo, hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội để bãi bỏ, thay thế, sửa đổi, bổ sung;
Đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính;
Tổ chức đối thoại trực tuyến giữa lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành với doanh nghiệp trên Cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh;
Thực hiện nghiêm Quy định trách nhiệm của người đứng đầu trong việc giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp;
Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số13/NQ-CP ngày 10/5/2012 và Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu, Kế hoạch số 42/KH-UBND ngày 23/7//2012 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Nghị quyết số 13/NQ-CP;
Lập báo cáo cụ thể về công tác thực hiện nhiệm vụ được giao theo Kế hoạch số 55/KH-UBND ngày 20/9/2012 của UBND tỉnh Lạng Sơn về việc thực hiện đề án nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Lạng Sơn.
Ngoài ra, Kế hoạch cũng đề ra nhiệm vụ và mục tiêu cụ thể yêu cầu các sở, ngành có trách nhiệm chủ trì thực hiện đối với từng Chỉ số thành phần, nhất là những Chỉ số thành phần bị giảm điểm so với năm trước, phấn đấu đạt điểm số từ mức khá trở lên so với cả nước. Đó là, cải thiện, tăng điểm số của Chỉ số tiếp cận đất đai; Chỉ số Chi phí không chính thức; Chỉ số Chi phí thời gian; Chỉ số Tính minh bạch và tiếp cận thông tin; Chỉ số Gia nhập thị trường; Chỉ số Tính năng động, tiên phong; Chỉ số Cạnh tranh bình đẳng. Đồng thời, tiếp tục duy trì điểm số và phấn đấu tăng điểm các Chỉ số đạt mức tốt trở lên đối với Chỉ số Dịch vụ, hỗ trợ doanh nghiệp; Chỉ số Thiết chế pháp lý; Chỉ số Đào tạo lao động.
Để Kế hoạch triển khai có hiệu quả, UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng kế hoạch kiểm tra chuyên đề việc thực hiện Kế hoạch PCI tại các đơn vị phù hợp với các tiêu chí thành phần nhiệm vụ và kế hoạch được giao. Chủ trì phối hợp với Sở Nội vụ, Văn phòng UBND tỉnh và các ngành liên quan kiểm tra tình hình thực hiện kế hoạch nâng cao PCI tại các sở, ngành, các huyện, thành phố Lạng Sơn; Mời các Hội, Hiệp hội doanh nghiệp cùng tham gia đoàn kiểm tra, coi đó là một kênh đối thoại thường xuyên giữa cán bộ, công chức, người trực tiếp thực thi công vụ với doanh nghiệp.
Các sở, ban, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ chủ trì hoặc phối hợp xây dựng kế hoạch cụ thể cho phù hợp để nâng cao từng Chỉ số thành phần, đồng thời, tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện các nội dung nêu trong Kế hoạch đến tất cả cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị; cụ thể hoá thành các nhiệm vụ, công việc để tập trung chỉ đạo đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao. Trong kế hoạch của từng đơn vị cần phân công, phân nhiệm rõ giữa các đơn vị trực thuộc sở, ban ngành, huyện, thành phố để có cơ sở kiểm tra và tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện cuối năm. Nếu sở, ngành, địa phương nào để giảm điểm số thành phần mà không có lý do thuyết phục, UBND tỉnh sẽ có hình thức xử lý nghiêm đối với từng trường hợp cụ thể. Định kỳ 6 tháng và cuối năm, báo cáo tình hình thực hiện của ngành, địa phương gửi về Văn phòng UBND tỉnh và Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh./.

Lưu Thị Khánh Ly

Theo Cổng thông tin điện tử Lạng Sơn