The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Lạng Sơn: Mục tiêu lọt nhóm các tỉnh có môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi

DDCI Lạng Sơn sẽ tiếp tục là một trong những giải pháp quan trọng để cải thiện môi trường đầu tư, góp phần nâng cao chỉ số PCI.
Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Lạng Sơn năm 2019, thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn quan tâm, đến đầu tư và khảo sát đề xuất, đăng ký đầu tư tại tỉnh.
Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Lạng Sơn năm 2019 đã thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn quan tâm, đến đầu tư và khảo sát đề xuất, đăng ký đầu tư tại tỉnh
Theo kết quả đánh giá PCI năm 2019 của VCCI, tỉnh Lạng Sơn xếp thứ 50/63 tỉnh thành. Mặc dù thứ hạng vẫn giữ nguyên so với năm 2018 nhưng điểm số năm 2019 tăng 2,09 điểm, trong đó các chỉ số như tính năng động của chính quyền, gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, cạnh tranh bình đẳng, chi phí thời gian, tính minh bạch đều tăng điểm hơn các năm trước.
Ông Nguyễn Hữu Chiến, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lạng Sơn cho biết, trong năm 2019, tỉnh Lạng Sơn đã ban hành nhiều đề án, chính sách để tập trung chỉ đạo nhằm tạo đột phá trong phát triển thời gian tới; tổ chức các hội nghị chuyên đề để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của từng ngành, lĩnh vực, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng.
Bên cạnh đó, tỉnh Lạng Sơn cũng tăng cường đối thoại, giải quyết kiến nghị của cử tri, doanh nghiệp; chủ động báo cáo đề xuất với Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương quan tâm giải quyết các khó khăn, vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, các vướng mắc liên quan đến dự án trọng điểm của tỉnh.
Được biết, năm 2019, tỉnh đã quyết định chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 29 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký 8.112 tỷ đồng; thành lập mới được khoảng 390 doanh nghiệp, 32 hợp tác xã; tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Lạng Sơn năm 2019, thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn quan tâm, đến đầu tư và khảo sát đề xuất, đăng ký đầu tư tại tỉnh.
Theo nhận định của lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn, do đặc thù là tỉnh miền núi giáp biên nên Lạng Sơn vẫn còn những điểm nghẽn trong cải thiện môi trường đầu tư. Do đó, việc cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp phải là quá trình liên tục, lâu dài luôn phải tự đổi mới, đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp, các ngành, nhất là từ cấp cơ sở của đội ngũ cán bộ công chức.
Ông Nguyễn Hữu Chiến cho rằng, DDCI Lạng Sơn sẽ tiếp tục là một trong những giải pháp quan trọng để cải thiện môi trường đầu tư, góp phần nâng cao chỉ số PCI. DDCI 2020 sẽ thúc đẩy thi đua về chất lượng điều hành kinh tế giữa các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố để từ đó tạo động lực cải cách một cách quyết liệt, đồng bộ trong việc nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Trong năm 2020, tỉnh tiếp tục thực hiện chủ đề “tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao trách nhiệm, hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp”. Tỉnh sẽ tập trung vào một số định hướng như: Quán triệt sâu sắc phương châm chính quyền phục vụ doanh nghiệp, người dân; Kinh tế tư nhân là động lực quan trọng phát triển kinh tế; Đề xuất giải pháp, sáng kiến đổi mới trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh năm 2020 theo Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ. Mặt khác, tập trung huy động tối đa nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh hợp tác công tư (PPP); trọng tâm tập trung thực hiện các giải pháp về xây dựng chính quyền hành động, liêm chính và phục vụ hiệu lực, hiệu quả.
“Bằng việc coi doanh nghiệp là đối tác của các cấp chính quyền, tỉnh quyết tâm kiến tạo để tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trên các lĩnh vực, giúp Lạng Sơn khai thác hết tiềm năng, thế mạnh; Phấn đấu đưa tỉnh Lạng Sơn vào nhóm các tỉnh có môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, yên tâm, bền vững cho nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp, người dân”, ông Chiến chia sẻ.