The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Lạng Sơn quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

Cùng với quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao chỉ số PCI, tỉnh Lạng Sơn đã và đang có nhiều giải pháp tích cực, đồng bộ được chỉ đạo quyết liệt như: đẩy mạnh cải cách hành chính, đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ban hành một số cơ chế chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp... Để tìm hiểu rõ hơn những nỗ lực trong công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, phóng viên Tạp chí Vietnam Business Forum có cuộc phỏng vấn với ông Nguyễn Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn. Duy Anh thực hiện.
Xin ông cho biết một số kết quả nổi bật trong công tác điều hành của chính quyền và phát triển kinh tế - xã hội của Lạng Sơn, trong 6 tháng đầu năm 2014?
Trước những diễn biến phức tạp của nền kinh tế, UBND tỉnh Lạng Sơn đã xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể để tập trung chỉ đạo, điều hành tổ chức thực hiện các giải pháp tích cực, đồng bộ trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh. Đồng thời chỉ đạo sát sao các cấp, ngành xây dựng kế hoạch cụ thể hóa Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và các Nghị quyết của kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh khoá XV về mục tiêu, nhiệm vụ năm 2014; Qua đó đã đạt được những kết quả tích cực như sau:
Tốc độ tăng trưởng 6 tháng đầu năm ước đạt 8,22%. Công tác bình ổn thị trường, giá cả hàng hoá được triển khai thực hiện tốt và có hiệu quả; trong 6 tháng đã hỗ trợ 20 tỷ đồng cho các doanh nghiệp thực hiện bình ổn giá. Các mặt hàng thiết yếu được cung ứng thường xuyên, đầy đủ theo nhu cầu tiêu dùng và sản xuất của nhân dân. Tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ ước thực hiện 6.207 tỷ đồng, đạt 45,6% kế hoạch, tăng 14,2% so với cùng kỳ. Lĩnh vực văn hoá - xã hội tiếp tục có bước tiến bộ. An sinh xã hội được đảm bảo, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ổn định và từng bước cải thiện. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững. Thương mại nội địa tiếp tục phát triển, thị trường hàng hóa phong phú, đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống.
Ông đánh giá như thế nào về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn thời điểm hiện nay? Đồng thời, trong bối cảnh suy giảm kinh tế hiện nay tỉnh Lạng Sơn có những giải pháp nào nhằm kịp thời giải cứu, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn thách thức, thưa ông?
Năm 2014, tình hình lạm phát được kiềm chế, lãi suất tín dụng tiếp tục được điều chỉnh giảm, dư nợ tín dụng có cải thiện; các biện pháp miễn, giảm thuế của Chính phủ và của tỉnh đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; Một bộ phận doanh nghiệp đã phục hồi, ổn định, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, huy động thêm được vốn. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, đa số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn phải tiếp tục đối mặt với các khó khăn, thách thức, nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, vật liệu xây dựng, khai thác khoáng sản.
Trong 6 tháng đầu năm 2014, nhìn chung, tình hình hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp cải thiện không đáng kể, các doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn như những năm trước, nguyên nhân chính do sự ảm đạm của thị trường, nhiều doanh nghiệp khó tiếp cận với vốn vay, số doanh nghiệp hoạt động hiệu quả không đáng kể, các doanh nghiệp chủ yếu hoạt động cầm chừng để duy trì kinh doanh, đa số khá dè dặt với việc mở rộng quy mô.
Đa số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn là doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa (chiếm tỷ trọng 98% trong tổng số doanh nghiệp của tỉnh); hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp còn thấp và chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có. Các DN hiện đang phải đối mặt với một thách thức lớn, đó là thiếu vốn kinh doanh để tái đầu tư, thay đổi thiết bị công nghệ và mở rộng sản xuất. Trong khi, việc tiếp cận nguồn vốn vay tại các ngân hàng thương mại gặp nhiều khó khăn do doanh nghiệp chưa đáp ứng đủ các điều kiện của phía các ngân hàng. Để góp phần giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, nhất là các DNNVV có phương án sản xuất kinh doanh khả thi nhưng không đủ tài sản thế chấp hoặc cầm cố để tiếp cận và vay được vốn từ Ngân hàng, tỉnh Lạng Sơn đã xây dựng đề án thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV tỉnh Lạng Sơn và đã được HĐND tỉnh thông qua, đến tháng 8 thì Quỹ bão lãnh tín dung trên sẽ đi vào hoạt động. Đây là một trong những biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về vốn của tỉnh, đồng thời khăng định tỉnh luôn đồng hành cùng doanh nghiệp trong mọi hoàn cảnh; tạo sự kết nối giữa các doanh nghiệp với các ngân hàng thương mại, giữa các cơ quan Nhà nước đối với ngân hàng thương mại và doanh nghiệp trên địa bàn; là kênh tiếp cận cho vay vốn của các ngân hàng đối với doanh nghiệp, góp phần tăng trưởng tín dụng, đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, giải quyết việc làm cho người lao động, tăng thu ngân sách nhà nước.
Trong thời gian tới tỉnh tiếp tục tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt, nghiêm túc, tích cực các Nghị quyết của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Trọng tâm chỉ đạo là tạo môi trường thực sự thuận lợi các thủ tục gia nhập thị trường, thủ tục thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp và đặc biệt là các thủ tục liên quan đến đầu tư. Đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, đầu tư kết cấu hạ tầng khu vực cửa khẩu, chợ biên giới, đổi mới phương pháp kiểm tra, kiểm soát, tăng cường lực lượng chức năng, giải quyết kịp thời ách tắc hàng hóa cục bộ tại một số cửa khẩu,… Ngoài ra, UBND tỉnh đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Lạng Sơn chủ trì, phối hợp với các tổ chức tín dụng tích cực huy động các nguồn vốn để cho vay đầu tư phát triển; ưu tiên cho vay vốn tín dụng với lãi xuất hợp lý để phát triển sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực: nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, các lĩnh vực có lợi thế của tỉnh, doanh nghiệp nhỏ và vừa, các dự án hiệu quả, sử dụng nhiều lao động, cho vay hộ nghèo, các đối tượng chính sách.
Công tác cải cách thủ tục hành chính là một trong những yếu tố có vai trò quan trọng trong việc thu hút các nguồn vốn đầu tư, thúc đẩy kinh tế phát triển. Ông có thể cho biết tỉnh Lạng Sơn đã thực hiện công tác này như thế nào trong những năm qua?
Xác định công tác cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm. Trong những năm qua, công tác cải cách hành chính đã được các cấp, các ngành của tỉnh quan tâm, chỉ đạo. UBND tỉnh đã xây dựng Kế hoạch hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính năm qua từng năm; trong năm 2014 UBND tỉnh đã xây dựng và triển khai Kế hoạch số 120/KH-UBND ngày 30/12/2013 về Kế hoạch hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính năm 2014 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Đồng thời, tổ chức quán triệt phổ biến và thực hiện nghiêm túc các văn bản của Chính phủ về công tác cải cách hành chính. Triển khai thực hiện Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08/6/2010 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính và Nghị định số 20/2008/NĐ-CP ngày 14/02/2008 của Chính phủ về tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về các quy định hành chính; Nghị định số 48/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính; cùng các văn bản hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ về triển khai hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính. Qua đó công tác cải cách thủ tục hành chính đã có những chuyển biến tích cực.
Những năm gần đây, công tác cải cách thủ hành chính trên địa bàn tỉnh có sự chuyển biến rõ nét. Ứng dụng mô hình một cửa liên thông, ứng dụng văn phòng điện tử tại tất cả các Sở, Ban, ngành, các huyện, thành phố; công bố thông tin, giao dịch trực tuyến đối với một số dịch vụ công qua cổng thông tin của tỉnh, trang web xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp... đã thúc đẩy thực hiện minh bạch hóa các thủ tục đầu tư, kinh doanh, tăng cường tính hiệu quả của các dịch vụ.
Năm 2013, PCI của Lạng Sơn giảm sâu 25 bậc xuống vị trí 59/63 tỉnh thành, trong 9 chỉ số thành phần có tới 6 chỉ số giảm. nhất là các chi phí gia nhập thị trường; tiếp cận đất đai; tính minh bạch… Ông có thể cho biết những nguyên nhân chủ quan và khách quan dẫn đến kết quả trên, và giải pháp trong thời gian tới nhằm cải thiện chỉ số PCI là gì, thưa ông?
Chỉ số PCI là phương pháp khoa học đo lường chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh. Năm 2013, trong số 63 tỉnh, thành phố được điều tra và đánh giá, chỉ số PCI của Lạng Sơn đạt 52,76 điểm, giảm 3,53 điểm so với năm 2012, xếp thứ 59/63, thuộc nhóm các tỉnh xếp hạng “Thấp”, đứng thứ 10 trong vùng miền núi phía Bắc.
Sau khi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố kết quả, UBND tỉnh đã có cuộc họp bàn giải pháp nâng cao chỉ số năng lực canh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh năm 2014 và thảo luận làm rõ các nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến sụt giảm một số tiêu chí và thứ bậc trong bảng xếp hạng chỉ số PCI của tỉnh trong năm 2013. Trong đó, chỉ ra một nguyên nhân rất cơ bản đó là vấn đề nhận thức của đại đa số cán bộ công chức các cấp trên địa bàn tỉnh về phương pháp luận của chỉ số PCI chưa rõ, còn nhiều mơ hồ về các chỉ số đánh giá của PCI. Do đó việc xác định các vấn đề then chốt cần cải cách có thể còn chưa đúng. Nhiều cơ quan quản lý từ cấp tỉnh, huyện chưa hiểu được vai trò của các chỉ số PCI đối với việc phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, còn đối phó hoặc coi nhẹ vấn đề cải cách để nâng cao chỉ số PCI. Năng lực điều hành kinh tế còn yếu kém thể hiện trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức quản lý các cấp còn yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu, sự yếu kém trong hoạt động của bộ máy công quyền suy rộng ra không những gây ảnh hưởng đến môi trường đầu tư (thu hút đầu tư kém) mà còn làm mất lòng tin của doanh nghiệp, người dân vào các cơ quan quản lý nhà nước,....
Để cải thiện chỉ số PCI của tỉnh, UBND tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Kế hoạch số 61/KH-UBND nhằm cải thiện môi trường kinh doanh nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh với giải pháp chủ yếu như sau:
+ Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, của từng cán bộ, công chức hành chính các cấp và của cộng đồng doanh nghiệp về chỉ số PCI. Để nâng cao nhận thức của cả cộng đồng, trước tiên nhận thức của đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp cần được nâng lên, thể hiện sự nhất quán trong công tác chỉ đạo, điều hành, giao trách nhiệm, kiểm tra tiến độ…; trong đó vai trò của người đứng đầu cần được nâng cao hơn nữa, gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong việc giải quyết kiến nghị, hỗ trợ doanh nghiệp, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
+ Tập trung nâng cao các chỉ số thành phần trong chỉ số PCI. Triển khai xây dựng và thực hiện Kế hoạch Cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2014 (PCI). Qua đó việc phân công, phân nhiệm cho các cấp các ngành rõ ràng, cụ thể, đồng thời đề ra mục tiêu phấn đấu rõ ràng.
+ Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành hoạt động của hệ thống hành chính các cấp. Thường xuyên tổ chức quán triệt phổ biến và thực hiện nghiêm túc có hiệu quả các văn bản của Chính phủ về công tác cải cách hành chính, xây dựng Kế hoạch hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính qua từng năm.
Bên cạnh đó, cần xác định các tiêu chí để đánh giá lại nhu cầu của doanh nghiệp, từ đó có các giải pháp tích cực hỗ trợ doanh nghiệp trong các hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; mặt khác thực hiện minh bạch hoá các thông tin, tạo lòng tin cho doanh nghiệp, luôn đồng hành và giải quyết tốt các vướng mắc của doanh nghiệp; tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền về vai trò, ý nghĩa của CPI trong phát triển kinh tế - xã hội…

Duy Anh

Theo Vietnam Business Forum