Nỗ lực vươn lên top đầu

Chỉ số PCI là chỉ số đo lường và đánh giá chất lượng điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh, thành phố tại Việt Nam.

Nếu như PCI 2019 của tỉnh Lào Cai xếp hạng 25 trên cả nước, thì đến năm 2020, PCI của Lào Cai tăng 9 bậc, đạt 62,25 điểm, xếp hạng 16/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Theo bảng xếp hạng PCI năm 2022, Lào Cai đạt 68,20 điểm, thuộc nhóm các tỉnh, thành phố đạt chất lượng điều hành kinh tế tốt nhất, xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố. Tính riêng ở khu vực trung du và miền núi phía Bắc, Lào Cai xếp thứ 3 sau Bắc Giang (xếp thứ 2/63) và Vĩnh Phúc (xếp thứ 8/63).

Tỉnh Lào Cai phấn đấu đưa PCI năm 2023 và quý I/2024 nằm trong top 10 cả nước.

Đặc biệt, lần đầu tiên trong báo cáo PCI năm 2022 được công bố, VCCI và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cùng các đối tác tư nhân giới thiệu và công bố chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI). Đây là bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng địa phương thân thiện với môi trường dưới góc nhìn từ thực tiễn kinh doanh, như mức độ ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường của các doanh nghiệp tại địa phương, trình độ quản trị và ứng xử với môi trường của doanh nghiệp, mức độ quan tâm, sẵn sàng đầu tư về vấn đề môi trường của chính quyền địa phương và nhiều vấn đề môi trường quan trọng khác.

Việc xây dựng và công bố chỉ số PGI, VCCI và USAID với mong muốn cổ vũ chính quyền các tỉnh, thành phố tại Việt Nam quan tâm hơn tới phát triển kinh tế gắn với việc bảo vệ môi trường, cung cấp thông tin kịp thời, hỗ trợ chính quyền tỉnh, thành phố trong hoạch định chính sách thu hút đầu tư gắn với phát triển bền vững, thúc đẩy hệ sinh thái kinh doanh thân thiện với môi trường, định hướng các nhà đầu tư có ý thức bảo vệ môi trường, thúc đẩy nhiều dự án xanh hơn, thân thiện với môi trường hơn tại Việt Nam.

Kết quả năm đầu tiên cho thấy, 3 tỉnh đứng đầu chỉ số PGI là Trà Vinh, Lạng Sơn và Bắc Ninh. Lào Cai xếp thứ 10 với 16,17 điểm.

Tỉnh Lào Cai thường xuyên gặp gỡ, trao đổi thông tin với các cơ quan báo chí, truyền thông để tuyên truyền cho các hoạt động của tỉnh trong thời gian qua. Ảnh: ND

Ban hành kế hoạch hành động thực tế

Mới đây, ngày 6/6/2023, UBND tỉnh Lào Cai ban hành Kế hoạch hành động số 265/KH-UBND để triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh gắn với cải thiện chỉ số PCI, chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương (DDCI) năm 2023 và quý I/2024.

Theo đó, tỉnh Lào Cai sẽ cải thiện mạnh mẽ tổng điểm và điểm từng chỉ số thành phần, phấn đấu đưa PCI tỉnh Lào Cai trong top 10 cả nước; phấn đấu mục tiêu 10 chỉ số thành phần PCI đạt từ 75 điểm trở lên (tốp 10 năm 2022 có số điểm từ 68,45 đến 73,95).

Ưu tiên các giải pháp cụ thể, sáng tạo, sát thực tiễn để cải thiện vượt bậc điểm số và thứ hạng của các chỉ số còn thấp; các chỉ số còn lại đều được cải thiện và tăng điểm.

Cải thiện mạnh mẽ chỉ số cơ sở hạ tầng (gồm khu công nghiệp, cụm công nghiệp, giao thông đường bộ, điện, viễn thông và các hạ tầng khác), trong đó tập trung đầu tư tăng tốc hạ tầng Khu công nghiệp Bản Qua và Cụm công nghiệp Thống Nhất, Bát Xát, Trà Trẩu; xây dựng cầu đường bộ bắc qua sông Hồng tại xã Bản Vược, cầu Phú Thịnh, cầu Làng Múc, đường Kim Thành - Ngòi Phát và đầu tư xây dựng các khu đô thị mới của thành phố Lào Cai, thị xã Sa Pa, huyện Bắc Hà... sẵn sàng thu hút đầu tư, phấn đấu chỉ số Cơ sở hạ tầng tỉnh Lào Cai năm 2023 và năm 2024 trong top 30 cả nước.

Để đạt được các mục tiêu đó, tỉnh Lào Cai tập trung triển khai thực hiện các nhóm giải pháp về cải cách thủ tục hành chính; tiếp cận nguồn lực đất đai, quy hoạch và xây dựng; chuyển đổi số và khoa học - công nghệ; đào tạo nguồn lao động; tiếp cận nguồn lực tài chính; khắc phục các tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19.

Cùng với đó, các sở, ngành thuộc UBND tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo thực hiện đúng, đầy đủ những quy định về điều kiện kinh doanh đã được đơn giản hóa; không tự đặt thêm điều kiện kinh doanh dưới mọi hình thức; xử lý nghiêm những cán bộ, công chức không thực hiện đầy đủ, đúng quy định mới về điều kiện kinh doanh. Chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh nếu để cán bộ, công chức có hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính cũng như các hoạt động công vụ có liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp do đơn vị mình đảm trách.

Tiếp tục triển khai DDCI năm 2023; nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp với các hoạt động xã hội và bảo vệ môi trường bền vững; điều tra, nắm bắt và đánh giá tình hình triển khai các chính sách hỗ trợ đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh để tham mưu, phản biện kịp thời, phát huy hiệu quả của các chính sách.

Tập trung triển khai tuyên truyền về những nỗ lực của tỉnh trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, PCI, DDCI, hướng tới các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp...

Theo Báo Thanh tra