The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

LỜI GIẢI NÀO CHO ĐÀ NẴNG?

Còn nhớ, khi phát biểu tại chương trình đào tạo cao cấp về quản trị DN do VCCI tổ chức tại Đà Nẵng vào đầu tháng 12/2015, ông Võ Duy Khương – Phó Chủ tịch UBND thành phố đã chia sẻ: để có được thành tựu phát triển như ngày hôm nay, Đã Nẵng đã vận dụng rất nhiều chủ trương, chính sách nhưng thành công nhất phải nói đến khai thác quỹ đất để đầu tư làm hạ tầng. Tuy nhiên, ông Khương nhấn mạnh từ 2015 về sau, thế mạnh này không còn nữa. Vậy, Đà Nẵng sẽ phát triển bằng gì?

“Sống” bằng đất

Nhìn vào con số thu ngân sách Đà Nẵng qua từng năm, có thể thấy rõ tiền thu từ đất đóng góp phần lớn cho ngân sách của Thành phố này trong những năm qua. Cụ thể, nếu như từ nếu như từ năm 2011 trở về trước thì, thu tiền đất 5.000 – 5.500 tỷ thì năm 2014 và 2015 thì tiền thu từ đất chỉ khoảng 1.500 tỷ đồng/năm. Đặc biệt, năm 2012, lần đầu tiên sau 15 năm, thu ngân sách thành phố Đà Nẵng không đạt dự toán do thu tiền sử dụng đất quá thấp, nhiều DN nợ dây chuyền đã ảnh hưởng đến khả năng trả nợ thuế… Cụ thể, thu ngân sách năm 2012 đạt hơn 10.000 tỷ đồng – chỉ bằng 81,1% dự toán, trong đó thu tiền sử dụng đất chỉ đạt 37,1%. Khó khăn đến mức trong bài Phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 5 Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Nẵng, cố Chủ tịch Hội đồng kiêm Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh nhấn mạnh, năm 2012 tình hình kinh tế, xã hội thành phố phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có

Bình luận về câu chuyện thu chi ngân sách và định hướng phát triển của Đà Nẵng trong thời gian tới, ông Trần Văn Lĩnh – đại biểu HĐND TP Đà Nẵng, Chủ tịch HĐQT, Cty cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước cho rằng: hiện nay tổng thu ngân sách của Đà Nẵng hơn 14.500 tỷ đồng, trong khi chi ngân sách đã là 13.000 tỷ đồng. Theo ông Lĩnh, với mức tổng thu ngân sách như hiện tại thì Đà Nẵng sẽ không đủ để duy trì những cái hiện có chứ đừng nói đến đầu tư phát triển. Ông Lĩnh lấy ví dụ với con đường Nguyễn Tất Thành – một trong những con đường đẹp nhất Đà Nẵng được đầu tư phục vụ phát triển du lịch nhưng hiện nay con đường này đã xảy ra hư hỏng, tuy nhiên, TP không có tiền để sửa chữa đồng bộ nên chỉ sữa chữa mang tính chắp vá. Đó là cái trước mắt, còn về lâu dài, trong thời gian qua, Đà Nẵng đã đầu tư và đưa vào sử dụng một loạt các công trình hạ tầng như Cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý, các tuyến đường vùng ven… thì một câu hỏi được đặt ra là khi những công trình này hư hỏng xuống cấp thì tiền đâu để sữa chữa. “Bắt đầu từ năm 2017 thì Đà Nẵng mỗi năm phải chi 1.700 tỷ để trả nợ, khoản này cộng với các chi phi đầu tư phát triển, chi phí duy tu, bảo dưỡng các công trình hàng năm trên địa bàn TP thì tính ra là một số tiền rất lớn. Cho nên, nếu Đà Nẵng không thu được 20.000 tỷ trong vòng vài năm tới thì sẽ rất khó khăn” – ông Lĩnh nhấn mạnh.

Từ năm 2017 thì Đà Nẵng mỗi năm phải chi 1.700 tỷ đồng để trả nợ.

Đà Nẵng nên phát triển như thế nào?

Có thể nói, hơn ai hết, lãnh đạo TP Đà Nẵng nhận thức rõ nhất thách thức này. Ông Võ Duy Khương – PCT UBND Đà Nẵng cho biết: lãnh đạo TP Đà Nẵng thống nhất việc phát triển cộng đồng DN một cách bền vững mới là động lực phát triển Đà Nẵng lâu dài, chứ không động lực nào khác. “Dù 98% DN trên địa bàn TP là DNNVV nhưng về lâu dài, chỉ có thể dựa vào sự phát triển của DN làm động lực phát triển thành phố trong tương lai” – ông Khương nhấn mạnh.

Dưới góc nhìn của mình, chia sẻ về giải pháp phát triển Đà Nẵng, ông Phan Hải – Chủ tịch Hội DNT TP Đà Nẵng, Giám đốc Cty giày BQ cho rằng: thật ra, Đà Nẵng bây giờ chỉ còn nguồn lực về con người, mà để khai phá được sức con người có hai cách: Một là: Đà Nẵng phải trở thành TP cải cách nhất để thu hút đầu tư; Hai là, Đà Nẵng phải phát triển được lực lượng kinh tế tư nhân bởi lực lượng kinh tế tư nhân mới là nguồn lực mới là động lực phát triển thành phố trong thời gian tới.

Theo ông Hải, trong thời gian qua, những chính sách của Đà Nẵng vẫn chưa khuyến khích lực lượng kinh tế tư nhận phát triển. “Là địa phương từng dẫn đầu chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, nhưng khu vực kinh tế tư nhân của Đà Nẵng vẫn chưa phát triển tương xứng. Đà Nẵng cũng có rất ít những thương hiệu thuộc khu vực kinh tế tư nhân mang tầm cả nước. Do đó, để phát triển bền vững, đầu tiên Đà Nẵng phải tìm được những dự án lớn, mang tính lan tỏa, có thương hiệu và trở thành động lực phát triển của thành phố; thứ hai là phải chuẩn bị đầy đủ cơ sở hạ tầng chất lượng cao để đón đâu làn sóng đầu tư; thứ 3 là chú ý tập trung có những chính sách cụ thể hơn đối với nền kinh tế tư nhân như chính sách hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn đầu tư ưu đãi, nghĩa là trước khi có những quyết sách cụ thể, lãnh đạo TP phải xác định phát triển kinh tế tư nhân làm động lực, làm mũi nhọn và hỗ trợ hết mình cho lực lượng này. Ngoài ra, Đà Nẵng phải tạo được mối liên kết với những địa phương khác, phải tạo được sức hút, đem lại lợi ích cho các tỉnh khác để Đà Nẵng trở thành trung tâm” – ông Hải nhắn nhủ.

Cùng chung quan điểm này, ông Lĩnh – Đại biểu HĐND TP Đà Nẵng chia sẻ: Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội thành phố Đà Nẵng đến năm 2020 cho thấy cơ cấu kinh tế sẽ chuyển đổi theo hướng dịch vụ – công nghiệp, xây dựng – nông nghiệp với dự kiến là dịch vụ: 55,6%, công nghiệp và xây dựng: 42,8%; nông nghiệp: 1,6% là không bền vững.

“Tôi không phản đối việc phát triển du lịch dịch vụ và công nghệ thông tin. Tuy nhiên nó phải phát triển dựa trên cơ sở một nền sản xuất bền vững, kể cả công nghiệp và nông nghiệp bởi nếu chỉ phát triển du lịch thì một năm không thể thu 20.000 tỷ để phục vụ cho việc phát triển TP” – ông Lĩnh nói.

Tại hội nghị thông báo kết quả Hội nghị Trung ương lần thứ 12 do Ban Tuyên giáo Đà Nẵng tổ chức sáng 21/10/2015, ông Nguyễn Xuân Anh – Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh nhìn nhận trong năm năm qua, mức thu ngân sách của TP cứ luẩn quẩn từ 10.000 tỷ đồng đến trên 11.000 tỷ đồng. Trong khi đó, Khánh Hòa và Quảng Nam đang vươn lên rất mạnh mẽ. “Với đà này thì người ta vượt mình là chắc chắn. Đà Nẵng rất hào nhoáng, cơ sở hạ tầng rất tốt, môi trường cũng tốt nhưng về tiềm lực kinh tế thì không tương xứng… Chúng ta đang xây những cái nhà rất to nhưng nội thất bên trong chưa có gì cả. Mặc rất đẹp nhưng tối về ăn mì tôm”- ông Nguyễn Xuân Anh nói. Do đó, Bí thư Đà Nẵng đặt ra mục tiêu cao nhất trong nhiệm kỳ của mình là làm sao để có một dự án lớn, cực lớn đầu tư vào Đà Nẵng.

Nguyễn Phước

Theo Diễn đàn doanh nghiệp