Lời thẳng "khó nghe" liệu có “lọt tai” Đà Nẵng?
27 Tháng 9, 2014
Trình bày quá nhiều nhưng không rõ DN cần cái gì! Như tin đã đưa, tại hội thảo góp ý đề án "Phát triển doanh nghiệp (DN) Đà Nẵng đến năm 2020" do UBND TP Đà Nẵng tổ chức sáng 26/9, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế TƯ đã có những ý kiến thẳng thắn đến mức "khó nghe" đối với một đề án được Đà Nẵng chuẩn bị khá công phu và đặt nhiều kỳ vọng.
Theo ông Cung, các chính sách, luật lệ đối với DN là do TƯ ban hành mà các địa phương khó có thể "vượt rào", "xé rào". Đồng thời nguồn lực và năng lực của địa phương để có thể "cho" DN cái gì đó cũng rất hạn chế. Vì vậy để hỗ trợ DN phải theo cách "đồng hành cùng DN", chung tay góp sức tháo gỡ khó khăn "để DN thấy rằng chính quyền phục vụ họ", từ đó mà thu hút DN từ bên ngoài vào cũng như thúc đẩy DN của địa phương".
Cách tiếp cận của chính quyền phải là "bổ sung" chứ không "làm thay" cho DN. DN năng động, sáng tạo trên thương trường, còn chính quyền là người hiểu, bổ sung, giúp đỡ những chỗ họ yếu hoặc không làm được. Có nghĩa chính quyền định hướng kinh doanh và hỗ trợ theo hướng lấy DN làm đối tượng phục vụ. Nhưng đề án Đà Nẵng đưa ra "chủ yếu tiếp cận theo lối mình có cái gì đem cho DN, còn DN cần gì thì chưa chắc đã biết!".
"Với các DN ở Đà Nẵng, đề án trình bày quá nhiều thứ nhưng lại không rõ thực sự họ đang cần cái gì? Tôi cho rằng ít mà tốt hay hơn nhiều mà chẳng làm được gì. Nên chọn một năm giải quyết một, hai việc thôi chứ một năm làm 70 việc thì chắc chắn không làm được việc gì cả. Vì vậy nên tìm kiếm đúng cái mà DN Đà Nẵng thực sự đang cần. Chỉ vài thứ thôi chứ đừng nhiều quá vì nguồn lực, năng lực của mình không có. Và cần tiếp cận theo lối vì DN, phục vụ DN" – TS Nguyễn Đình Cung nói.
Cơ quan nhà nước phải chủ động phục vụ khách hàng
Theo ông, đề án của Đà Nẵng cần hiểu rõ DN của TP là ai? Đang sản xuất cái gì? Mua ở đâu? Bán ở đâu? Quản lý thế nào? Cần chính quyền hỗ trợ những gì trong quá trình vận hành? Muốn vậy cần phải thực hiện điều tra bằng những người "có nghề".phối hợp cùng DN. Thứ hai là phải nhìn DN một cách hội nhập, thấy hoạt động của DN không chỉ trên địa bàn mà cả sự kết nối ra cả nước và thế giới như thế nào? DN đang cần cái gì, khó cái gì? Thứ ba là phải xác định Đà Nẵng là phải trở thành đầu tàu thúc đẩy phát triển của cả vùng. Từ đó mà nhận ra DN trên địa bàn sẽ có vai trò gì? Loại DN nào TP cần?
Với cách tiếp cận như vậy, TS Nguyễn Đình Cung đề nghị đề án cần nhìn DN Đà Nẵng trong thế "động" và thế "biến", tức là không chỉ nhìn đội ngũ tại chỗ mà có thể tác động, thu hút toàn thế giới về đây. Để Đà Nẵng trở thành trung tâm phát triển của khu vực cần có các công ty hàng đầu Việt Nam, các tập đoàn đa quốc gia đầu tư vào Việt Nam đặt chi nhánh ở đây. Do vậy, việc biến Đà Nẵng trở thành "cô gái đẹp" trong mắt các nhà đầu tư là rất quan trọng. Điều này nên là một định hướng trong phát triển DN ở Đà Nẵng.
Theo ông, điều mà DN cần đối với cơ quan nhà nước là chi phí và rủi ro giảm. Cần rút ngắn thời gian, thủ tục nhưng không theo lối bị động mà cơ quan nhà nước phải chủ động. Tức là liên tục theo dõi, liên tục phục vụ khách hàng, còn các biện pháp như một cửa, trả hồ sơ tận nơi... mà đề án đề ra vẫn còn là bị động. Nhưng để chủ động hơn trong việc cung cấp dịch vụ thì cần phải hiểu DN đang cần gì, và gặp khó điều gì?
Ông cho hay, cách tiếp cận của thế giới hiện nay về quản trị công là không chỉ những vấn đề mang tính kỹ thuật mà là những vấn đề mang tính quy trình, tương tác giữa cơ quan nhà nước với DN. Từ đó ông đơn cử, các thủ tục thông quan để Đà Nẵng là một trung tâm kết nối kinh tế khu vực với cả nước và thế giới, các dịch vụ logistics để hỗ trợ DN phát triển giao lưu với bên ngoài là rất quan trọng. Biến Đà Nẵng thành nơi các DN thông quan là nhanh nhất, an toàn nhất là cách tiếp cận theo lối phục vụ mà đề án cần chú trọng.
Nhà nước lựa chọn ngành cho DN là sai!
Theo ông, Đà Nẵng không nên chia không gian kinh tế theo quận, huyện vì sẽ dẫn tới cát cứ, tranh giành khiến không thể hành động theo một không gian mở, mà cần tiếp cận "vấn đề" hơn là tiếp cận "không gian". Và TP cũng không nên chọn ngành như đề án đề cập. Dệt may, cơ khí... không phải những thế mạnh Đà Nẵng nên lựa chọn mà cần hướng tới trở thành trung tâm logistics, trung tâm dịch vụ có giá trị gia tăng cao và DN ở đây chỉ mang tính chất quản lý, điều hành, điều phối chứ không phải mang tính chất sản xuất.
"Lựa chọn ngành nào là của các DN chứ không phải của nhà nước. Nhà nước đi lựa chọn như thế là sai. Không nên lựa chọn cho DN những việc mà thực sự đó là của DN, chỉ họ lựa chọn mới trúng được. Nhà nước lựa chọn theo ý chủ quan của mình sẽ là không đúng và nhiều khi làm méo mó thêm thị trường, làm méo mó thêm phân bố nguồn lực khiến nguồn lực vốn đã ít lại bị sử dụng kém hiệu quả" – TS Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.
Về việc tổ chức thực hiện đề án, theo TS Nguyễn Đình Cung, công chức hiện nay ít mang định hướng DN, làm việc bàn giấy mà ít gắn với thực tế của DN. "Đội tổ chức thực hiện đề án này phải có kỹ năng về tài chính, về quản trị kinh doanh, phân tích đầu tư, marketting... chứ không phải kỹ năng về quản lý hành chính nhà nước, soạn thảo văn bản. Cách thức và thẩm quyền để họ vận hành cũng nên nghiên cứu khác đi, lương bổng đối với họ cũng phải khác" – TS Nguyễn Đình Cung nói.
HẢI CHÂU
Theo Cafef.vn
Ngày 27/09/2014