The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Long An kiến tạo môi trường đầu tư, phát triển kinh tế: “Cú hích” từ hạ tầng đồng bộ

Với lợi thế là tỉnh duy nhất của Đồng bằng sông Cửu Long tiếp giáp gần như trọn vẹn TP HCM, lại có hệ thống quốc lộ, đường cao tốc, kết nối tỉnh Long An với TP HCM, vùng kinh tế Đông Nam Bộ và vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Long An đang chuyển mình mạnh mẽ từ hạ tầng đồng bộ, nhất là phục vụ phát triển công nghiệp, thu hút nguồn vốn FDI. Để có cái nhìn cụ thể hơn, Báo DĐDN đã có cuộc trao đổi với ông Trần Văn Cần - Chủ tịch UBND tỉnh Long An xung quanh câu chuyện này.

- Thưa ông, ông có thể giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Long An?

Long An là tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long vừa là một trong tám tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - được xác định là vùng kinh tế động lực có vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế Việt Nam. Tỉnh có cửa sông Soài Rạp hướng ra biển Đông với Cảng quốc tế Long An đang hoạt động có khả năng tiếp nhận tàu tải trọng từ 30.000- 50.000 tấn; có đường biên giới tiếp giáp với Vương quốc Campuchia dài gần 133 km với cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp (thị xã Kiến Tường), cửa khẩu quốc gia Mỹ Quý Tây (huyện Đức Huệ) - đang đề nghị nâng cấp lên cửa khẩu quốc tế vào năm 2020 và 3 cửa khẩu phụ. Kinh tế tỉnh Long An liên kết chặt chẽ với các tỉnh, thành vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong mối liên kết vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng như với 02 tỉnh láng giềng thuộc Vương quốc Campuchia.

Với lợi thế về vị trí từ những năm cuối 1990, tỉnh đã quy hoạch quỹ đất khá dồi dào dành cho phát triển công nghiệp. Toàn tỉnh hiện có 28 khu công nghiệp và 32 cụm công nghiệp với diện tích khoảng 13.500 hecta. Trong đó, có 16 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy trên 68% và 14 cụm công nghiệp với tỷ lệ lấp đầy khoảng gần 90%.

p/Lãnh đạo địa phương cùng các nhà khoa học thảo luận kế hoạch phát triển kinh tế, hạ tầng giao thông trên địa bàn Long An.
Lãnh đạo địa phương cùng các nhà khoa học thảo luận kế hoạch phát triển kinh tế,
hạ tầng giao thông trên địa bàn Long An.

Định hướng này xuất phát từ điểm mạnh của Long An, thể hiện ở ba điểm: Thứ nhất là tỉnh duy nhất trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam vừa có cảng biển vừa có cửa khẩu quốc tế biên giới đất liền. Thứ hai, trên địa bàn Long An có hệ thống quốc lộ, đường cao tốc, đường vành đai, đường xe lửa, trục động lực kết nối liên vùng ngày càng hoàn thiện. Thứ ba, nguồn nhân lực vốn đông đảo đang ngày càng có chất lượng phù hợp với nhu cầu phát triển công nghiệp. Đơn cử:

Hệ thống kết cấu hạ tầng: Có 04 quốc lộ và 1 đường cao tốc đi qua; dự kiến trong thời gian tới trên địa bàn tỉnh sẽ được Trung ương đầu tư thêm 02 tuyến đường xe lửa, tuyến đường Vành đai 3, Vành đai 4 của TP HCM qua địa bàn, trục giao thông kết nối Tiền Giang - Long An - TP HCM...; các đường tỉnh lộ cũng đang được tập trung đầu tư.

Về giao thông thủy, tỉnh có hai trục chính là sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây hợp lưu ra cửa sông Soài Rạp. Hệ thống điện, nước được đầu tư đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất cũng như sinh hoạt. Nguồn nhân lực dồi dào với gần 1 triệu lao động (trong đó có gần 900.000 người đang làm việc trong các ngành kinh tế) chiếm gần 70% dân số tỉnh, với hơn 63% số lao động đã qua đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa; nhiều tiềm năng về thương mại, dịch vụ, du lịch như các địa chỉ bảo tồn thiên nhiên, di tích văn hoá, di tích lịch sử, các địa điểm mang đậm nét độc đáo của vùng Đồng Tháp Mười mùa nước nổi,…

- Việc cải thiện môi trường đầu tư và năng lực cạnh tranh cấp tỉnh mang lại kết quả tích cực cho tỉnh như thế nào thưa ông?

Với những lợi thế và nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư trong thời gian qua, Long An được đánh giá là điểm sáng trong thu hút đầu tư bởi không chỉ 03 thế mạnh nêu trên mà còn là một địa phương năng động với môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn, an toàn là các điều kiện thuận lợi trong việc thu hút nhiều nguồn đầu tư, đặc biệt là thu hút đầu tư FDI.

Toàn tỉnh hiện có 28 khu công nghiệp và 32 cụm công nghiệp với diện tích khoảng 13.500 hecta. Trong đó, có 16 KCN đã đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy trên 68% và 14 cụm công nghiệp với tỷ lệ lấp đầy khoảng gần 90%.

Kết quả: Giai đoạn 2001- 2005, Long An thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài là 97 dự án, tăng 1,8 lần với vốn đầu tư 400 triệu USD, tăng 2,1 lần so với giai đoạn trước; giai đoạn 2006 - 2010 là giai đoạn tăng vượt bậc về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài với 355 dự án đầu tư, tăng 3,7 lần với vốn đầu tư 3.240 triệu USD, tăng 8,1 lần so với giai đoạn 2001- 2005.

Và đến thời điểm cuối năm 2016, trên địa bàn tỉnh đã có 801 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng số vốn đăng ký trên 5,2 tỷ USD đến từ 37 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Long An; trên toàn tỉnh hiện nay có trên 8.200 DN đang hoạt động với tổng vốn đăng ký trên 192.000 tỷ đồng và có hơn 1.300 dự án được cấp Giấy chứng đầu tư với tổng vốn hơn 144.000 tỷ đồng.

- Bằng nhiều giải pháp cải cách đồng bộ cùng cơ chế, chính sách thông thoáng như trên có phải là lợi thế trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài, thưa ông?

Lợi thế trong việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài của Long An thời gian qua có thể nói dựa trên 04 yếu tố chính: Vị trí thuận lợi, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực và môi trường đầu tư thông thoáng. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay và xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế với điều kiện toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng, nhu cầu thu hút đầu tư của tỉnh đã có nhiều thay đổi, phù hợp với định hướng phát triển bền vững, đòi hỏi tỉnh bên cạnh kế thừa, phát huy các giải pháp trên, tỉnh đang tiến hành các giải pháp mang tính động lực, đột phát để tạo sự khác biệt nhằm tạo lợi thế cạnh tranh trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Tập trung vào 03 nhóm giải pháp mang tính đột phá sau:

Thứ nhất, đầu tư hoàn chỉnh các trục động lực kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển công nghiệp, bao gồm các trục nội tỉnh, liên tỉnh và liên vùng. Trọng tâm là kết nối trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tiểu vùng Đồng Tháp Mười và vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Thứ hai, cải thiện môi trường đầu tư, trọng tâm là cải cách hành chính, hướng đến một nền hành chính minh bạch – trách nhiệm – chuyên nghiệp – hiệu quả, thực sự phục vụ người dân, DN. Hiện nay, Long An là một trong chính tỉnh, thành phố trên cả nước tiên phong thực hiện mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công, đây được xem là bước đột phá trong cải cách hành chính của chính quyền tỉnh Long An. Trong thời gian tới, Long An tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của Trung tâm phục vụ hành chính công góp phần tăng cường năng lực, trách nhiệm của cán bộ, công chức và cơ quan nhà nước, kỹ năng, nghiệp vụ hành chính, cũng như tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân nhằm xây dựng nền hành chính nhà nước dân chủ, trong sạch, chuyên nghiệp, hiện đại hóa, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả.

Thứ ba, xây dựng, phát triển môi trường xã hội thân thiện, an toàn, hòa đồng để các nhà đầu tư an tâm đầu tư và phát triển. Chính quyền thường xuyên tổ chức gặp mặt, đối thoại với người dân, DN để lắng nghe, giải trình, giải thích và điều chỉnh kịp thời các chủ trương, cơ chế, chính sách phù hợp với thực tế sản xuất và đời sống.

Long An hướng đến xây dựng cho mình một thương hiệu mạnh trong thu hút đầu tư, để khi nói đến Long An, nhà đầu tư không chỉ biết là địa điểm đầu tư hiệu quả mà còn là nơi có nhiều cơ hội để các nhà đầu tư trải nghiệm và phát triển.

- Trân trọng cảm ơn ông!