The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Long An tập trung chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh

Đây là hai nhiệm vụ then chốt của tỉnh Long An để kịp thời hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế địa phương trong giai đoạn 2011-2015.
Mặt bằng triển khai dự án Trung tâm đô thị và thương mại thành phố Tân An, tỉnh Long An
Ảnh: Nhã Chi
Tại cuộc họp báo vừa diễn ra về tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Long An quý I/2014, ông Phạm Văn Rạnh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An nhấn mạnh, trong hai năm cuối của giai đoạn trên, Tỉnh sẽ tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông nhằm cải thiện môi trường đầu tư; tăng cường tiếp xúc, đối thoại doanh nghiệp, giải quyết các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp để môi trường kinh doanh ngày một minh bạch hơn.
Theo báo cáo của Cục Thống kê tỉnh Long An, GDP của Tỉnh quý I/2014 ước đạt 5.240,4 tỷ đồng (theo giá so sánh 1994), đạt mức tăng trưởng 9,5% (cùng kỳ năm 2013 là 9,2%), trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản (KV I) tăng 2,6% (cùng kỳ năm ngoái tăng 2,5%), khu vực công nghiệp - xây dựng (KV II) tăng 13,5% (cùng kỳ năm ngoái tăng 13,4%) và khu vực thương mại - dịch vụ tăng 11,5% (cùng kỳ năm ngoái tăng 11,4%).
Từ đầu năm đến nay Tỉnh đã cấp mới 12 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng số vốn đăng ký là 21,9 triệu USD. Tổng số dự án FDI đăng ký trên địa bàn Tỉnh đến nay là 505 dự án với tổng số vốn 3.181,4 triệu USD. Hiện nay, có 291 dự án đi vào hoạt động chiếm 58% tổng số dự án đăng ký, tổng vốn thực hiện đến nay khoảng 1.781 triệu USD, đạt 56% so với tổng vốn đăng ký.
Ông Phạm Văn Rạnh cho biết thêm, hiện tại tỉnh Long An đang quyết liệt triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2014-2020 và tầm nhìn 2030 với mục tiêu thực hiện tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo lộ trình và bước đi phù hợp để đến năm 2020 cơ bản hình thành mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu, bảo đảm chất lượng tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Một số nội dung chủ lực cần tái cơ cấu về sản xuất kinh doanh như rà soát, điều chỉnh, đẩy mạnh phát triển các khu, cụm công nghiệp; nâng cao hiệu quả sản xuất công nghiệp kết hợp phát triển các lĩnh vực mũi nhọn; phát triển mở rộng đô thị và các khu thương mại, dịch vụ chuyên đề; tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo theo chuỗi giá trị nông nghiệp - chế biến - thương mại trên cơ sở liên kết sản xuất - tiêu thụ - chế biến - kho vận - kinh doanh giữa doanh nghiệp và nông dân; hoàn chỉnh hạ tầng quan trọng cho hệ thống giao thông thủy bộ để phát triển công nghiệp, đô thị, logistics, kinh tế cửa khẩu; nối nguồn và mạng cấp nước tập trung; hoàn chỉnh hệ thống giao thông nông thôn.
Tại Cuộc họp, các đại biểu cũng bàn các giải pháp để nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Long An trong hai năm tới. Trong đó có 5 chỉ số thành phần cần được cải thiện như: tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất; tính minh bạch và tiếp cận thông tin; gia nhập thị trường; tính năng động của lãnh đạo; cạnh tranh bình đẳng.
UBND tỉnh cũng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương tiếp tục rà soát các dự án đầu tư trên địa bàn Tỉnh, kịp thời tham mưu đề xuất xử lý các dự án còn vướng mắc về giải tỏa đền bù tái định cư, công khai các dự án thu hồi, xóa quy hoạch. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả quy định trình tự thủ tục tiếp nhận quản lý các dự án trên địa bàn Tỉnh.
Minh Tú