Long An: Vẫn còn những điểm nghẽn trong cải thiện chỉ số PCI
Những năm gần đây, Long An là tỉnh luôn nằm trong tốp đầu các tỉnh có chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) cao trong cả nước và giữ vị trí thứ 2 trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Đó là sự nỗ lực lớn của chính quyền địa phương, các sở, ngành liên quan trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách hành chính; qua đó, thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.
Niềm tin từ nhà đầu tư
Đến hết tháng 10/2016, trên địa bàn tỉnh có trên 7.940 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động với tổng vốn đăng ký 190.713 tỉ đồng. Nhiều năm qua, Long An luôn tập trung mọi nguồn lực để thu hút đầu tư, phát triển KT-XH thông qua nhiều giải pháp. Là tỉnh có thuận lợi về vị trí địa lý, tiềm năng cho phát triển công nghiệp, đến nay, tỉnh có 1.274 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn 140.307 tỉ đồng.
Trên lĩnh vực thu hút đầu tư nước ngoài, tổng số dự án đăng ký trên địa bàn tỉnh là 787 dự án với tổng vốn đăng ký 5.138 triệu USD, trong đó, 459 dự án đi vào hoạt động, chiếm 58% tổng số dự án đăng ký, với tổng vốn thực hiện khoảng 3.001 triệu USD, đạt 58% tổng vốn đăng ký. Theo đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (viết tắt là VCCI), Long An là tỉnh đi đầu trong khu vực ĐBSCL về thu hút đầu tư trong nước lẫn nước ngoài.
Công nhân sản xuất tại Công ty TNHH Eland Việt Nam
Theo nhận định của Sở Kế hoạch và Đầu tư, tuy trên địa bàn tỉnh chưa có nhiều dự án lớn nhưng kết quả về thu hút đầu tư là một nỗ lực rất lớn của bộ máy chính quyền tỉnh. Theo nhiều DN, Long An tạo được niềm tin thông qua việc cải thiện môi trường đầu tư, trước hết là ở các thủ tục hành chính.
Giám đốc Công ty TNHH Phòng khám đa khoa Nhật Việt (xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa) - Nguyễn Trung Dũng cho biết, phòng khám được thành lập năm 2013. Trước đây, khi ông có ý định về Long An đầu tư xây dựng phòng khám tư nhân, những người bạn khuyên can không nên vì sẽ gặp những rắc rối về thủ tục hành chính. Tuy nhiên, khi chính thức đầu tư về Long An, bất ngờ lớn nhất với ông là thủ tục hành chính khá thông thoáng, nhanh gọn. Những người thực thi công vụ rất chuẩn mực và tận tình hướng dẫn, khác xa với những gì ông được nghe trước đây.
Bên cạnh đó, ông Dũng còn cho rằng, nếu như ở các tỉnh khác, thiếu một trong những giấy tờ liên quan đến thủ tục thành lập DN sẽ được cho qua (cho thiếu nợ giấy tờ liên quan). Riêng tại Long An, tất cả giấy tờ liên quan để thành lập DN chuyên ngành Y dược đều phải đầy đủ, hợp lệ. Điều này với ông không thấy phiền hà mà ngược lại, cảm thấy vui vì chính quyền tỉnh, ngành chức năng kiên quyết từ chối đối với những đơn đị đầu tư chưa đủ năng lực, vật lực để chăm sóc sức khỏe của người dân. Theo ông, một khi DN đủ năng lực, vật lực mới có thể làm hài lòng khách hàng, phát triển bền vững.
Doanh nghiệp vẫn còn phiền hà
Một chủ DN có vốn đầu tư nước ngoài đóng trên địa bàn huyện Đức Hòa cho rằng: “Khi đến Việt Nam để tìm kiếm cơ hội đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ ưu tiên lựa chọn địa phương nào có kết cấu hạ tầng phát triển, môi trường đầu tư thuận lợi, an toàn để có thể phát triển sản xuất, kinh doanh ổn định và bền vững. Tập đoàn Sapporo cũng như các DN Nhật Bản khác lựa chọn Long An vì thấy được những ưu điểm đó. Tuy nhiên, trong bối cảnh các địa phương đều đang nỗ lực nâng cao chỉ số PCI thì để có thể thu hút thêm nhiều DN nước ngoài đến đầu tư tại Long An, tôi nghĩ rằng, tỉnh cần cải thiện hơn nữa trên các phương diện sau. Thứ nhất, hoàn thiện kết cấu hạ tầng như hạ tầng khu công nghiệp, hệ thống giao thông, điện, nước còn chưa hoàn chỉnh, nhà đầu tư hạ tầng chưa thực hiện đúng như cam kết ban đầu. Điều này là một trở ngại trong việc thu hút đầu tư của tỉnh. Thứ hai, chính quyền địa phương cần quan tâm hơn nữa đến các DN đầu tư vào Long An; tăng cường các cuộc đối thoại để lắng nghe ý kiến, giải quyết khó khăn và đáp ứng nguyện vọng chính đáng của DN. Đây cũng là một phương pháp quảng bá môi trường đầu tư hiệu quả. Hãy tiếp tục xem họ là khách hàng của mình. Bởi, chính họ sẽ là người đi tuyên truyền lại cho những nhà đầu tư khác rằng, Long An chính là điểm đến đầu tư hấp dẫn”.
Lãnh đạo một DN ngành nghề dệt may đóng tại TP.Tân An chia sẻ, theo luật định, DN phải trang bị hệ thống phòng cháy, chữa cháy (PCCC). Hệ thống PCCC của DN là do Phòng Cảnh sát PCCC, Công an tỉnh giới thiệu hợp đồng với một công ty chuyên ngành lắp đặt tất cả các hệ thống, thiết bị. Sau khi lắp đặt hệ thống PCCC, kinh phí thanh toán đầy đủ nhưng chưa làm thủ tục hoàn công. Không có thủ tục này, cán bộ PCCC không đồng ý và thường xuyên kiểm tra. Khi DN này liên hệ Phòng Cảnh sát PCCC đề nghị mời đơn vị lắp đặt hệ thống PCCC mà phòng giới thiệu đến làm thủ tục hoàn công, nghiệm thu thì nhận được câu trả lời, đó không phải là nhiệm vụ của họ. Lãnh đạo DN trên cũng cho biết, do biết “điểm yếu” này nên cán bộ PCCC kiểm tra, nhắc nhở mỗi năm đến mấy lần.
Một khi doanh nghiệp đủ năng lực, vật lực mới có thể phát triển bền vững. Ảnh minh họa
Đại diện lãnh đạo một DN đóng trên địa bàn huyện Đức Hòa bức xúc: Nhiều cán bộ thuế vẫn chưa thực sự đồng hành cùng người nộp thuế, DN. Khi DN có thắc mắc về các khoản thuế mà cán bộ thông báo, nhiều chi tiết chưa cụ thể, rõ ràng; khi người nộp thuế yêu cầu có danh mục cụ thể thì không được hỗ trợ hoặc có cũng rất “miễn cưỡng”.
Đại diện lãnh đạo DN này cũng cho rằng, nếu DN nộp thuế chậm thì sẽ bị cơ quan thuế phạt nộp chậm và theo lãi suất có sẵn. Còn DN chậm được hoàn thuế thì rất phổ biến. Vậy nên, cần có quy định cụ thể về thời gian cũng như lãi suất nếu DN chậm được hoàn thuế. Theo đại diện lãnh đạo DN này, trong tình hình kinh tế còn khó khăn, nếu được hoàn thuế sớm, DN có thể tận dụng dòng vốn cho tái đầu tư sản xuất hoặc xoay sở trả lương cho công nhân.
Một vấn đề khác khiến các DN bức xúc là chi phí thời gian còn quá cao, trong khi đó, số giờ để các DN làm việc với các đoàn thanh tra, kiểm tra tăng. Các đoàn thanh tra từng ngành không phối hợp liên ngành để kiểm tra, thanh tra trên tất cả các lĩnh vực. Thực tế đáng lo ngại là quy mô DN càng lớn thì gánh nặng về thủ tục hành chính, thanh tra, kiểm tra của các cơ quan Nhà nước càng gia tăng. Nội dung kiểm tra trùng lắp, chồng chéo khiến các DN mất nhiều thời gian.
Theo Trưởng phòng Pháp chế VCCI - Đậu Anh Tuấn, mục đích của việc nâng cao chỉ số PCI chính là cải thiện công tác quản lý, điều hành kinh tế của địa phương và tạo thuận lợi cho DN hoạt động. Từ những cuộc đối thoại, gặp gỡ với đại diện DN, các cấp chính quyền cần lắng nghe, kịp thời chỉ đạo, điều hành, tháo gỡ khó khăn để DN an tâm sản xuất, góp phần cùng tỉnh phát triển KT-XH bền vững./.
Thanh Tùng