The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

“Lửa” cải cách đang đặt vào tay chính quyền địa phương

Ngày 22/9/2016, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc đã ký cam kết về tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi.

Như vậy, cho tới thời điểm này, toàn bộ 63 tỉnh, thành đã hoàn tất việc ký cam kết với VCCI đúng theo tinh thần của Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI tin rằng, không địa phương nào có thể đứng ngoài dòng chảy cải cách đang tăng tốc.

TS Vũ Tiến Lộc chia sẻ: Điều tôi tin chắc là Nghị quyết 35/NQ-CP sẽ mang lửa cải cách đến các địa phương. Cả giai đoạn vừa qua, Chính phủ đã thực sự hành động để hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp. Chưa bao giờ Thủ tướng Chính phủ ráo riết như vậy với từng cam kết đã đưa ra. Các bộ, ngành cũng bị kiểm điểm và giám sát liên tục với tiến độ công việc.

– Việc 63 tỉnh cam kết tạo dựng môi trường thuận lợi chắc hẳn sẽ tạo nên một bước đột phá mới trong môi trường kinh doanh ở các địa phương, thưa ông?

Chính phủ thực sự lắng nghe doanh nghiệp. Điều này thể hiện rất rõ trong việc thúc đẩy thực hiện Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư. Chưa bao giờ VCCI ngồi cùng với các bộ, ngành trong Chính phủ để rà soát, góp ý và phản biện các dự thảo nghị định như giai đoạn hoàn tất các nghị định về điều kiện kinh doanh. Nếu không có tinh thần và quyết tâm vì sự phát triển doanh nghiệp, không thể hoàn tất được khối lượng công việc khổng lồ trong thời gian ngắn như vậy.

Nhưng, có một thực tế, các doanh nghiệp không thể cảm nhận được hết sự nhiệt tâm và trách nhiệm của Thủ tướng với các vấn đề của doanh nghiệp nếu ngọn lửa cải cách này không truyền đến được từng công chức trực tiếp làm việc với doanh nghiệp ở các địa phương.

Thực tế cũng cho thấy, cho dù Nghị quyết 35 đã được ban hành từ tháng 5/2016, song không khí đổi mới, cải cách vì doanh nghiệp chỉ thực sự được nhìn thấy ở những địa phương có người đứng đầu muốn thay đổi, quyết tâm thay đổi. Vẫn còn chính quyền địa phương chần chừ, chập chờn trong cải thiện môi trường kinh doanh khiến không ít doanh nghiệp nản lòng. Thậm chí, không ít doanh nghiệp thất bại, thua lỗ vì sự chập chờn này của chính quyền địa phương.

– Đây cũng chính là lý do Chính phủ đã yêu cầu 63 tỉnh thành phải cam kết cải thiện môi trường kinh doanh với các mục tiêu cụ thể, giao cho VCCI giám sát, thưa ông?

VCCI đang nỗ lực thúc đẩy các địa phương đặt ra các mục tiêu rất cụ thể để có thể đạt được những chuyển biến thực sự thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp.

Như tôi đã nói, ngọn lửa cải cách có được hun đúc thêm hay bị nhạt nhòa đi phụ thuộc hoàn toàn vào chính quyền địa phương, vào những người đứng đầu.

Nhưng, cộng đồng doanh nghiệp đang nhìn thấy những chuyển biến tích cực, nhiều sáng kiến, nhiều mô hình hợp tác giữa doanh nghiệp và chính quyền địa phương được áp dụng rất có hiệu quả.

Có thể thấy các mô hình cà phê doanh nhân được phát triển rộng. Nhiều địa phương đã mời hiệp hội doanh nghiệp tham gia các cuộc họp giao ban hàng tuần, hàng tháng. Các vấn đề của doanh nghiệp luôn là chủ đề đầu tiến được bàn đến trong các cuộc giao ban này. Thậm chí, có địa phương giao chỉ tiêu phát triển doanh nghiệp đến từng quận, huyện… Có địa phương chấm điểm sở ban ngành, quận huyện theo công thức của PCI. Có địa phương đánh giá công chức của mình qua bảng điểm của doanh nghiệp dành cho công chức đó…

Điều này có nghĩa là đang có sự thay đổi trong tư duy, hành vi của chính quyền địa phương với doanh nghiệp.

Tất nhiên, vẫn còn khoảng cách để tư duy này thực sự ngấm vào từng công chức. Doanh nghiệp đang mong mỏi, đòi hỏi thay đổi tích cực này nhanh hơn về tốc độ, rộng hơn về độ phủ. Trong kinh doanh hiện đại, thời gian không chỉ là tiền bạc mà nhiều khi là sự sống còn, được mất của một doanh nghiệp. Có thể một quyết định nhanh chóng của cơ quan hành chính sẽ làm một doanh nghiệp hồi sinh và ngược lại, sự chậm trễ của một công chức nào đó có thể hại chết một doanh nghiệp.

Đây là điều mà cộng đồng doanh nghiệp muốn gửi tới từng công chức.

– Có thể nói rằng, đây chính là một trong những thách thức lớn nhất của Chính phủ trong nỗ lực tạo dựng Chính phủ liêm chính, Chính phủ kiến tạo, Chính phủ hành động vì sự phát triển của doanh nghiệp, người dân, thưa ông?

Đúng vậy. Có thể nói, không dễ để đưa quyết tâm, tinh thần kiến tạo của Chính phủ đến từng công chức. Nhưng với yêu cầu rất cụ thể của Nghị quyết 35 và mong muốn phát triển của chính quyền các địa phương, từng công chức sẽ phải đối mặt với áp lực đổi mới.

Hơn nữa, tôi tin là các công chức cũng cảm nhận được trách nhiệm của họ với yêu cầu phát triển của đất nước, nền kinh tế. Khi từng người thay đổi, cả bộ máy sẽ vận hành trơn tru… và theo đúng tinh thần phục vụ doanh nghiệp, tạo dựng hệ sinh thái cho khởi nghiệp.

Điều này rất quan trọng vì theo quan điểm của tôi, Nghị quyết 35 là nghị quyết về thúc đầy khởi nghiệp theo nghĩa rộng, để cả doanh nghiệp mới và các doanh nghiệp hiện hữu phát triển theo các đòi hỏi mới của nền kinh tế, của hội nhập kinh tế.

– Xin cảm ơn ông!

Khánh An

Enternews