Luật Cạnh tranh (sửa đổi): Có tiếp sức nổi cho cơ quan quản lý trong thực thi?
Chỉ có 8 vụ hạn chế cạnh tranh được đưa ra điều tra, với 5 vụ được xét xử sau 12 năm Luật Cạnh tranh 2004 có hiệu lực thi hành. Liệu Luật Cạnh tranh (sửa đổi) có thể khắc phục được sự “thất bại” này?
Bà Đinh Thị Mỹ Loan – Nguyên Cục trưởng Cục quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương), người từng là thanh viên chính soạn thảo Luật Cạnh tranh 2004 cũng phải thừa nhận, đạo luật này đã không đi vào cuộc sống.
Vẫn còn tư duy muốn nhà nước can thiệp
Bà Nguyễn Thị Diệu Hồng – Đại diện Ban pháp chế VCCI, một số điều tra của VCCI đã chỉ ra, phần lớn người dân vẫn muốn có sự can thiệp của nhà nước đối với những mặt hàng thiết yếu. Và câu chuyện về sự can thiệp của nhà nước vào thị trường đã trở nên bình thường trong tư duy của các cấp quản lý cũng như người dân.
Thậm chí, đôi khi nó còn được can thiệp tới mức “thô bạo” như việc một UBND huyện thuộc tỉnh Hà Tĩnh đã buộc các DN và cơ sở kinh doanh trong huyện phải sử dụng bia của một DN sản xuất bia trong huyện.
Vụ việc đang diễn ra khá nóng nhiều ngày qua là việc “giải cứu lợn” cũng là vấn đề cần phải căn nhắc. Việc nhiều cơ quan yêu cầu cán bộ nhân dân phải tiêu thụ thịt lợn giúp người chăn nuôi được cho là giải pháp tình thế.
Tuy nhiên, theo LS Đoàn Tử Tích Phước - Giám đốc pháp lý và chính sách Cty Bower Group Asia tại Việt Nam, khi những yêu cầu mang tính hành chính này đưa ra các cơ quan cũng phải tính đến quyền lợi các bên.
Cần chế tài đối với quyết định hành chính
TS Nguyễn Đức Thành – Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (đại học kinh tế - Đại học quốc gia Hà Nội) cho rằng cạnh tranh là trụ cột quan trọng nhất của nền kinh tế thị trường. Một nền kinh tế muốn phát triển thì buộc phải tôn trọng nguyên tắc cạnh tranh như một đức hạnh của thị trường.
Câu chuyện đang rất nóng hiện nay là việc Uber và Grab đang cạnh tranh không bình đẳng với các hãng taxi truyền thống. Trong khi taxi truyền thống bị cấm vào một số tuyến phố thì Grab và Uber lại không bị cấm. Ngoài ra, Grab còn đưa ra những gói tiếp thị 10.000 đồng/1 cuộc chạy xe với đoạn đường 5 km.
Việc đưa ra gói dịch vụ dưới giá thành này bị nhiều hãng taxi truyền thống phản ứng nhưng không được giải quyết. Rõ ràng sự “đuối sức” của cả cơ quan quản lý cạnh tranh hiện nay không chỉ ở khung khổ pháp lý mà vấn đề chính nằm ở chỗ thực thi.