Luật đầu tư và Luật Doanh nghiệp 2014: Cụ thể hóa ngành nghề kinh doanh
Là người tham gia soạn thảo Luật Ðầu tư 2014, và Luật Doanh nghiệp 2014, ông Trần Hào Hùng, Vụ trưởng Pháp chế (Bộ KH&ÐT, đơn vị xây dựng luật) cho rằng, 2 luật này lần đầu tiên cụ thể hóa tư tưởng của Hiến pháp: Người dân, doanh nghiệp (DN) được tự do kinh doanh những ngành nghề pháp luật không cấm.
“Chọn bỏ”
Ông Trần Hào Hùng cho biết, Luật Ðầu tư và Luật DN (sửa đổi) có nhiều cải cách, đổi mới, được cộng đồng DN trong nước và quốc tế thừa nhận. Tuy nhiên, khi 2 luật này có hiệu lực đã phát sinh một số vướng mắc, điều này chủ yếu do khâu thực thi. “Với DN, họ không cần biết tư tưởng lớn thế nào, chỉ cần biết khi thực hiện thủ tục hành chính về đầu tư, kinh doanh được thuận lợi”, ông Hùng nói. Theo ông Hùng, mục đích cuối cùng của 2 luật này nhằm tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, minh bạch, bình đẳng, thân thiện với nhà đầu tư trên tinh thần Chính phủ phục vụ, đồng hành cùng DN.
Khi xây dựng Luật Ðầu tư và Luật DN 2014, tư tưởng đổi mới, tiến bộ nhất của 2 luật này là gì, thưa ông?
Luật mới, nhưng với con người cũ cũng có cái khó. Bản thân các địa phương khi thực hiện luật cũng có hiện tượng bất an. Như luật bỏ giấy chứng nhận đầu tư cho nhà đầu tư trong nước (trừ nhà đầu tư muốn có giấy này), dẫn tới băn khoăn lấy công cụ gì để quản lý.
Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ KH&ÐT Trần Hào Hùng
Hai luật này đã cụ thể hóa nguyên tắc được hiến định trong Hiến pháp: “Người dân, DN có quyền tự do kinh doanh những ngành nghề pháp luật không cấm”. Trước đó, Luật Ðầu tư và Luật DN năm 2005 cũng đã đề cập tới quyền này, nhưng mới ở mức nguyên tắc, chưa cụ thể hóa. Luật Ðầu tư 2014 với cách tiếp cận theo hướng “chọn bỏ”, lần đầu tiên có danh mục cụ thể với 6 ngành nghề cấm và 267 ngành nghề có điều kiện. Trước đó có tới 51 ngành nghề bị cấm, và hàng ngàn điều kiện kinh doanh. Ðiều này làm phát sinh chồng chéo, tạo cơ chế xin - cho, và nhiều rủi ro, cản trở với DN.
Cùng với đó, 2 bộ luật này đã thay đổi tư duy quản lý, từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Ðơn giản hóa hồ sơ, rút ngắn thời gian thành lập DN từ 5 xuống 3 ngày. Hay việc bỏ quy định bắt buộc về con dấu DN, DN có quyền sử dụng con dấu hoặc không… Những điều đó là trao cho DN quyền tự do nhiều hơn.
Ðã hơn 1 năm Luật Ðầu tư và Luật DN 2014 có hiệu lực, ông đánh giá thế nào về những thay đổi các luật này mang lại?
Bước đầu, sự đón nhận của DN khá tốt, thể hiện ở số lượng DN đăng ký mới và đầu tư tăng lên đáng kể so với trước. Trong 1 năm luật có hiệu lực (1/7/2015-1/7/2016), số lượng DN đăng ký mới tăng 27,8% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số PCI 2015 cũng ghi nhận đăng ký thành lập DN có bước tiến lớn nhất và có điểm số cao nhất trong vòng 11 năm điều tra PCI. Những kết quả này cho thấy môi trường kinh doanh đã được cải thiện nhất định ngay khi Luật DN, Luật Ðầu tư có hiệu lực.
Ðợt rà soát, cắt giảm các điều kiện kinh doanh lần này là cơ hội chưa từng có để chúng ta tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư, kinh doanh sao cho thuận lợi, minh bạch, bình đẳng, an toàn và thân thiện đối với tất cả người dân, DN.
Mới quá khó tránh vướng mắc
Là người tham gia xây dựng cả Luật Ðầu tư và Luật DN 2014, ông có thấy bị cản trở, khó khăn vì những thay đổi của luật có thể ảnh hưởng tới lợi ích các bộ ngành khác?
Không hẳn là khó khăn, xung đột lợi ích các bộ ngành, không tới mức quyền anh quyền tôi. Nhưng Luật Ðầu tư có thay đổi lớn, lần đầu tiên có danh mục ngành nghề cấm và kinh doanh có điều kiện, thay đổi cách tiếp cận nên triển khai không đơn giản.
Theo ông đâu là cản trở lớn nhất với thực thi Luật Ðầu tư và Luật DN?
Cơ bản các bộ ngành, địa phương đã nhận thức rõ tư tưởng đổi mới của luật. Tuy nhiên, vẫn có nơi, có chỗ chưa nhận thức đầy đủ, cách hiểu khác nhau. Ðiển hình như Thông tư 20 của Bộ Công Thương (về điều kiện nhập khẩu xe ô tô), khi sửa đổi thông tư này Bộ Công Thương nói là thủ tục hành chính, không phải điều kiện kinh doanh. Những giải thích như thế xuất hiện khi nâng thông tư lên nghị định về điều kiện kinh doanh, nên các bộ ngành cũng băn khoăn. Theo tôi, nếu thủ tục hành chính đặt ra không hợp lý, thiếu rõ ràng, minh bạch phải thay đổi.
Luật đổi mới, nhưng với những con người cũ, tư duy cũ, cách thức cũ liệu tư tưởng đó có được thực hiện đầy đủ?
Tư tưởng tiếp cận trong 2 luật này còn quá mới mẻ nên khó tránh thực hiện còn gian nan. Nhận thức, trình độ, năng lực, thái độ của công chức cũng là vấn đề. Luật mới, nhưng với con người cũ cũng có cái khó. Bản thân các địa phương khi thực hiện luật cũng có hiện tượng bất an. Như luật bỏ giấy chứng nhận đầu tư cho nhà đầu tư trong nước (trừ nhà đầu tư muốn có giấy này), dẫn tới băn khoăn lấy công cụ gì để quản lý. Nhưng chúng ta phải hiểu rằng, đã có cả hệ thống pháp luật chuyên ngành tương đối đầy đủ, đồng bộ để quản lý đầu tư, dự án cụ thể, như Luật Xây dựng, Nhà ở, Ðất đai, Bất động sản… không cần thiết mất thêm giấy tờ, thời gian của DN nữa.
Ðể Luật Ðầu tư và Luật DN 2014 phát huy hết tác dụng, là cú hích với cộng đồng DN, theo ông cần làm gì?
Dù 2 luật này đã có điều chỉnh căn bản cách tiếp cận, nhưng các đạo luật khác có liên quan tới hoạt động kinh doanh, đầu tư lại chưa được điều chỉnh theo dẫn tới vướng mắc. Vì vậy, hiện Bộ KH&ÐT đã được Chính phủ và Quốc hội giao rà soát, nghiên cứu xây dựng Luật Sửa đổi các luật về đầu tư, kinh doanh. Dùng 1 luật để sửa 12 luật chuyên ngành có liên quan tới hoạt động của DN. Những thay đổi này đều phải trên tinh thần tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh. Ðiều nào chưa hợp lý, kể cả có trong Luật Ðầu tư và Luật DN cũng phải sửa đổi.
Xin cảm ơn ông!
Lê Hữu Việt