The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Luật hỗ trợ DNNVV : Tìm nguồn lực phát triển doanh nghiệp

Nguồn lực phát triển doanh nghiệp phải là ưu tiên hàng đầu mà Luật Hỗ trợ DNNVV cần phải giải quyết – Đó là quan điểm của ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế (VCCI) khi bàn về dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV.

Các quốc gia trên thế giới đều có chính sách và dành một nguồn lực đáng kể để hỗ trợ phát triển DNNVV. Tuy nhiên, với một nguồn lực tài chính còn hạn hẹp của Chính phủ Việt Nam, nhiệm vụ đầu tiên của luật cần tạo cơ chế cụ thể để thu hút một cách tốt nhất các nguồn lực trong xã hội nhằm thực hiện mục tiêu phát triển DNVVN.

Luật không như nghị quyết

Việt Nam đang hướng tới mục tiêu năm 2020 có 1 triệu doanh nghiệp mạnh đủ sức cạnh tranh với thị trường quốc tế. Do đó, theo ông Tuấn, để phát triển một đội ngũ doanh nghiệp có chất lượng trong đó khâu khó nhất là khu vực DNNVV thì chính sách huy động các nguồn lực phải thật rõ ràng và có tính khả thi.

Cũng là thành viên của Ban Soạn thảo nhưng khi nhìn dự luật dưới con mắt của một người bắt đầu khởi nghiệp, ông Đậu Anh Tuấn lại thể hiện nhiều nỗi băn khoăn. Thời gian vừa qua, chúng ta đã có rất nhiều chính sách để hỗ trợ DNNVV nhưng hiệu quả thì còn rất hạn chế. Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV được nhiều người kỳ vọng sẽ giúp hình thành đội ngũ DNNVV đông về số lượng, mạnh về năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, luật phải có sự khác biệt với các nghị quyết, đó là tính cụ thể để có thể triển khai được ngay.

Hãy bắt đầu việc một doanh nghiệp khởi nghiệp cần cái gì, thiếu cái gì? Doanh nghiệp khởi nghiệp phải đi từ ý tưởng tốt. Nhưng có ý tưởng rồi thì trở ngại lớn nhất vẫn là thiếu vốn. Hàng loạt các quỹ được thành lập thời gian vừa qua đều không phát huy được vì thiếu nguồn cung đầu vào.

Ông Trương Nam Sơn – Giám đốc Cty Adtec, một doanh nghiệp khá thành công trong lĩnh vực công nghệ thông tin chia sẻ, cách đây chục năm, doanh nghiệp của ông bắt đầu khởi nghiệp. Ông phải dùng giấy tờ nhà của mình, của bố mẹ mình và mượn của cả bạn bè để thế chấp vay ngân hàng mới đủ vốn phục vụ hoạt động kinh doanh. Thật may mắn là doanh nghiệp của ông đã thành công và đã lấy lại được tất cả những giấy tờ có giá kia.

Nhưng thử đặt ngược lại vấn đề, nếu những người mới kinh doanh mà không ai dám cho mượn giấy tờ nhà thì sao? Giả thử việc kinh doanh của doanh nghiệp không thành công thì sẽ trở thành một hệ lụy rất lớn. Bởi vì, theo nhiều chuyên gia thống kê, trung bình cứ 10 doanh nghiệp gia nhập thị trường sẽ có 3 doanh nghiệp phải chịu thất bại chỉ sau 3 năm đầu hoạt động.

Nhìn Nhật Bản “soi”cách làm của Việt Nam

So sánh tỷ lệ DNNVV giữa Việt Nam và Nhật Bản có thể thấy, DNNVV Nhật Bản chiếm 99,7% (tương đương 4,21 triệu doanh nghiệp) tổng số doanh nghiệp của toàn nền kinh tế. Trong khi đó, ở Việt Nam có nhiều số liệu thống kê khác nhau, nhưng cao nhất thì tỷ lệ DNNVV cũng chỉ chiếm tới 97%.

Mặc dù có số lượng DNNVV đông đảo so với 126 triệu dân (khoảng 30 người/1 doanh nghiệp), nhưng Nhật Bản vẫn đặc biệt chú trọng các chính sách phát triển DNNVV. Nhật Bản coi DNNVV là xương sống của nền kinh tế. Nhật Bản có 5 tổ chức chính thực hiện các chương trình hỗ trợ tài chính cho DNNVV, có 52 Hiệp hội bảo lãnh tín dụng tại 47 địa phương trên toàn quốc. Việc hỗ trợ tài chính cho DNNVV được thực hiện bởi nhiều tổ chức khác nhau, từ cấp quận đến cấp trung ương. Tại Nhật Bản, việc cho vay không cần tài sản thế chấp tương đối phổ biến và hiệu quả. Các tổ chức tài chính Nhật Bản có thể tiến hành cho vay chỉ dựa trên tín chấp hoặc thông qua việc đánh giá phương án sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Các tổ chức hỗ trợ tài chính cho DNNVV ở Nhật Bản không chỉ cung cấp các khoản vay bằng tiền cho DNNVV mà còn thực hiện hỗ trợ DNNVV dưới các hình thức khác như cho vay thiết bị, cấp bù lãi suất chênh lệch cho DNNVV khi đi vay ở các tổ chức tín dụng, hoặc trả toàn bộ phần lãi suất cho doanh nghiệp khi vay vốn ở các tổ chức tín dụng… Chính phủ Nhật Bản luôn ban hành kịp thời các chương trình, chính sách hỗ trợ tài chính cho DNNVV phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế. Ví dụ như: năm 2008 khi cuộc khủng hoảng kinh tế lan rộng trên toàn thế giới, nhiều chính quyền địa phương đã hỗ trợ DNNVV được vay vốn với lãi suất 0% nhằm duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Với dân số trên 90 triệu dân, Việt Nam cần khoảng 3 triệu DNNVV thì mới có tỷ lệ tương đương Nhật Bản. Vậy khi doanh nghiệp cần vốn để khởi nghiệp sẽ vay được ở những nơi nào? Theo ông Đậu Anh Tuấn, Nhà nước chỉ có thể đầu tư cho một số lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, công nghệ cao… còn nhiệm vụ chính vẫn phải từ xã hội. Thị trường luôn là nơi có thể đưa ra những quyết định đầu tư khôn ngoan, vấn đề chính là hành lang pháp lý để tạo sự hấp dẫn.

Mặc dù theo dự thảo, DNNVV sẽ nhận được nhiều hỗ trợ như: Hỗ trợ tiếp cận tín dụng tại ngân hàng thương mại; hỗ trợ tiếp cận tín dụng tại quỹ và các định chế tài chính khác; hỗ trợ nâng cao năng lực công nghệ… Tuy nhiên, để thu hút nguồn lực đầu tư toàn xã hội theo cách Nhật Bản đã và đang làm thì vẫn còn một khoảng cách khá lớn.

Bá Tú

Enternews