The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

“Luồng gió mới”

Năm 2016 Hà Nội đã quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư nâng cao năng lực cạnh tranh (PCI), phá rào cản, tạo điều kiện thuận lợi cho DN phát triển. Để đạt mục tiêu Top 10 PCI trong 5 năm tới, DN hiến kế để chính quyền Hà Nội phục vụ như thế nào?

Bà Ninh Thị Ty – Chủ tịch HĐQT, Công ty cổ phần May Chiến Thắng, May Hồ Gươm:Niềm tin DN được khẳng định

Trong 3 năm gần đây, đặc biệt năm 2016 Thành phố đã có nhiều chuyển biến thay đổi tích cực hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc khó khăn cho DN, nhà đầu tư trong SXKD như: thuế, ngân hàng, kết nối, liên kết tiêu thụ sản phẩm, tổ chức xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước… Bên cạnh đó, Thành phố đã đẩy mạnh tập trung CCHC. Đây là những việc làm rất thiết thực tạo “luồng gió mới” niềm tin DN đối với Lãnh đạo Thành phố. Sự đổi mới tích cực đối với Chính quyền thành phố được minh chứng là số lượng DN thành lập vượt ngưỡng 20 nghìn, đầu tư FDI tăng … Tuy nhiên, niềm tin DN đối với cán bộ công chức Thành phố vẫn là rào cản. Công cuộc cải cách không phải thủ tục mà liên quan đến hành vi ứng xử công chức.Tôi nghĩ nếu cán bộ công chức phục vụ DN, nhà đầu tư như Lãnh đạo Thành phố thì vị trí xếp hạng Hà Nội sẽ còn tiến xa. Để làm được điều này không thể là hô hào,… Thành phố cần thành lập Trung tâm hành chính công… Ngoài ra, Thành phố tiếp tục xây dựng cơ chế thông tin, cập nhật thông tin trên trang thông tin điện tử, CCHC theo hướng liên thông, giảm thời gian chi phí cho các DN. Tổ chức nhiều đối thoại theo chuyên đề, mở rộng cà phê doanh nhân tăng cường tương tác chia sẻ hợp tác hiểu biết lẫn nhau điều này sẽ cải thiện tốt môi trường kinh doanh HN. Đông thời Thành phố cũng công khai xếp hạng hài lòng các sở ban ngành…Bên cạnh đó, các DN cũng cần tự thay đổi, tự đổi mới, bởi chính quyền không thể dắt tay chỉ viêc. Chính quyền chỉ hỗ trợ một phần, DN cần hiến kế chứ không chỉ kêu những vướng mắc khó khăn.

Bà Lương Thanh Hạnh – giám đốc thương hiệu Hạnh Silk Thủ tục hành chính vẫn cần “cắt gọt” thêm nhiều

Thành lập vào năm 2011, thời điểm khó khăn của nền kinh tế nhưng DN đã nhận được sự hỗ trợ và giúp đỡ của Lãnh đạo và các sở ban ngành thành phố. Đặc biệt, những năm gần đây, chính quyền thành phố rất chú trọng đến sự phát triển các làng nghề truyền thống. Cụ thể, DN đã nhận được sự quan tâm từ các sở ngành, đặc biệt là Sở Công Thương và các ngân hàng trên địa bàn. Hỗ trợ DN tham gia với đoàn công tác của sở ngành các chương trình xúc tiến, hội chợ…đến các nước tìm hiểu về phương thức phát triển như Thái Lan, Hàn Quốc, Nam Phi… Nhờ đó, DN đã kết nối với nhiều thương hiệu lớn tại Châu Âu và xuất khẩu sản phẩm đi các nước Đức, Nga, Hàn Quốc, Thái Lan và Trung Quốc với những sản phẩm chủ yếu là vải lụa, khăn, chăn… đảm bảo 100% từ nguyên liệu tự nhiên của Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay thủ tục hành chính của một số sở ngành còn nhiều, chưa bỏ được tình trạng thủ tục rườm rà, nhiều chữ ký. Với những thủ tục mới thay đổi, nhiều khi DN còn chưa được hướng dẫn cụ thể nên không biết tiến hành ở đâu, gây mất thời gian cũng như chi phí đi lại. Do đó, DN mong muốn các sở ban ngành hết sức tạo điều kiện hướng dẫn, giúp đỡ DN trong quá trình thực hiện thủ tục cũng như rút ngắn hơn nữa các thủ tục hành chính. Để các DN nói chung và DN thủ công mỹ nghệ như Hạnh Silk nói riêng có nhiều thuận lợi nhằm phát triển sản xuất kinh doanh.

Ông Nguyễn Tử Quang – Phó Tổng giám đốc Tổng công ty đầu tư và phát triển nhà Hà Nội (Handico):Mục tiêu Top 10 chỉ số PCI trong 5 năm tới đang dần hiện hữu

Ban lãnh đạo mới Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt hỗ trợ tạo sự thông thoáng, tháo gỡ vướng mắc về cơ chế chính sách… cho DN. Cụ thể, Hà Nội tổ chức các cuộc đối thoại giữa DN và các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực Hải Quan, Thuế, Ngân hàng… tạo điều kiện thuận lợi để DN hội nhập và phát triển cũng như giúp DN khởi nghiệp. Một minh chứng nhằm cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh (PCI) là, Hà Nội đã xây dựng kế hoạch chi tiết, tất cả những chỉ số PCI nào đang thấp để tập trung cải thiện, gắn với vai trò, trách nhiệm trực tiếp của các sở ngành. Để phấn đấu đến năm 2020 nằm trong top 10 PCI, Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 147/KH-UBND triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp như: Cải thiện việc tiếp cận các nguồn lực cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN; Giảm thời gian, chi phí thực hiện các quy định của Nhà nước; Rút ngắn thời gian đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản xuống còn dưới 14 ngày trong năm 2016 và dưới 10 ngày vào năm 2020; Giảm thời gian giải quyết tranh chấp hợp đồng từ 400 ngày xuống còn tối đa 200 ngày trong năm 2016…. Tiếp tục thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; nâng cao năng lực sẵn sàng hội nhập quốc tế; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến quán triệt nội dung, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của thành phố… Với những giải pháp cụ thể, nói đi đôi với làm như hiện nay, tôi tin rằng mục tiêu Top 10 PCI của Hà Nội trong 5 năm tới đang dần hiện hữu.

Bà Nguyễn Thị Hải Thanh, Phó tổng giám đốc Tổng Công ty TM Hà Nội (Hapro):Thích nghi và chuyển động theo luật chơi quốc tế

Thời gian qua, thị trường bán lẻ VN, đặc biệt tại Hà Nội chứng kiến làn sóng mua bán, sáp nhập (M&A) cùng sự xuất hiện ồ ạt của các đại gia bán lẻ đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan khiến dấy lên lo ngại về việc các DN ngoại thâu tóm và triệt tiêu các DN nội… Tuy vậy, một số DN lớn, nhà bán lẻ trong nước trong đó có Hapro đã không chấp nhận ngồi yên để chịu sự dẫn dắt từ DN bán lẻ nước ngoài mà đang tích cực chuẩn bị nhân lực và vật lực cùng những chiến lược dài hạn. Nhằm tạo điều kiện để Hapro có lợi thế phát triển, được sự hỗ trợ giúp đỡ của Thành phố Hapro đã tiên phong đi đầu đăng ký CPH và thoái vốn. Cty mẹ UBND Thành phố HN đã ban hành Quyết định thành lập Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo CPH Công ty mẹ – Tổng công ty. Mặc dù có nhiều DN FDI muốn mua lại nhưng Hapro không đi đến quyết định đó vì Hapro mang yếu tố nhà nước, phải bảo vệ quyền lợi của Nhà nước… Trước khó khăn, thách thức của ngành kinh doanh bán lẻ như hiện nay thì Hapro đã đưa ra chiến lược kinh doanh như quy hoạch lại hệ thống bán lẻ khi phân thành 2 siêu thị: Unimart và Hapro Mart phục vụ cho 2 đối tượng khác nhau. Ngoài nguồn hàng để kinh doanh bán lẻ Hapro có thêm mảng xuất khẩu. Đối với mảng nội địa có kế hoạch tập trung nguồn hàng và có hợp tác sâu với cơ sở sản xuất trong nước… Bên cạnh đó chúng tôi cũng có hướng đi riêng đó là khi nhà bán lẻ đủ mạnh chúng tôi lại chuyển dịch sang thị trường ngách đó là về nông thôn.

Bà Trần Thị Phương Lan – Phó giám đốc Sở Công thương :”Không được nói không với DN”

Nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho DN sản xuất kinh doanh, Sở đã tham mưu Thành phố tổ chức Hội nghị kết nối ngân hàng DN cho vay 2.463,68 tỷ đồng; Phối hợp các sở, ngành triển khai Quyết định của Thành phố về hỗ trợ lãi suất sau đầu tư cho 10 DN với tổng số tiền hỗ trợ 11,387 tỷ đồng… Triển khai chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực, công nghiệp hỗ trợ, tổ chức xúc tiến thương mại, tham gia hội chợ, hội nghị giao thương, khảo sát nghiên cứu về mô hình gắn kết xúc tiến đầu tư, thương mại tại Trung Quốc, Nam Phi, CHLB Đức, Hà Lan, Mỹ, Canada … Ngoài ra, Sở phối hợp Sở KH&ĐT mở địa chỉ email/fanpage để DN phản ánh. Xác định cải cách thủ tục hành chính là một yếu tố quan trọng trong việc cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, Sở đã rà soát 03 nhóm thủ tục hành chínhvới 39 thủ tục hành chính; trình Thành phố phương án đơn giản hóa 21 thủ tục hành chính thuộc 3 lĩnh vực chiếm 53,8% tổng số thủ tục hành chính, ước tính tiết kiệm được 441 triệu đồng chi phí thủ tục hành chính hàng năm, giảm 05 ngày giải quyết đối với 17 thủ tục, 03 ngày làm việc đối với 01 thủ tục và 02 ngày làm việc đối với 02 thủ tục. Đến nay Sở tiếp nhận được 13.669 hồ sơ (175 hồ sơ/05 dịch vụ công được tiếp nhận trực tuyến từ 02/5/2016), trả kết quả 13.237 hồ sơ đúng hạn đạt tỉ lệ 100%. Đặc biệt từ người đứng đầu đến các cấp lãnh đạo và cán bộ, công chức, viên chức của Sở luôn xác định “Không được nói không với doanh nghiệp”, nếu tổ chức, cá nhân, vướng mắc đến đâu, có giải pháp tháo gỡ đến đó đối với các phản ánh, kiến nghị thuộc thẩm quyền; còn vướng mắc vượt thẩm quyền, sở có báo cáo bằng văn bản xin ý kiến Bộ Công Thương, UBND thành phố.

Ông Mai Sơn – Phó Cục trưởng Cục thuế Hà Nội:Năm 2020 thời gian thực hiện thủ tục hành chính thuế của người nộp thuế chỉ còn 110 giờ/năm

Thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP ngày 12/03/2015, Nghị quyết 19-2016/NQ-CP ngày 28/04/2016 và Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/05/2016 của Chính phủ, Cục Thuế triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ trong toàn ngành; Chủ động phối hợp có hiệu quả với các Sở, ngành, quận, huyện, thị xã, thành phố trong việc cải cách thủ tục hành chính thuế, cụ thể: Cục Thuế đã xây dựng Cổng giao tiếp điện tử; Triển khai hóa đơn điện tử, khai và nộp thuế điện tử (tính đến cuối tháng 11/2016 số người nộp thuế kê khai và nộp thuế điện tử chiếm tỷ lệ 97%); Tiếp tục phối hợp với Sở KH&ĐT trong việc cấp mã số DN cho các DN thành lập mới: Đưa vào hoạt động Hệ thống cấp mã số thuế tự động, thời gian cấp mã số DN tự động bình quân là 30 phút (trước đây là 4h) giảm 87,5% thời gian so với quy định; Xây dựng và triển khai phương thức giao dịch điện tử liên thông với các cơ quan chức năng; Cục Thuế đã phối hợp với Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Công ty CMC để chuẩn hóa dữ liệu, các danh mục hệ thống; tổ chức tập huấn cho cán bộ và triển khai vận hành chính thức giai đoạn 1 chương trình eDocTC tại Chi cục Thuế Ba Đình và 5 Phòng tại văn phòng cục. Từ tháng 7/2016, Cục Thuế triển khai mở rộng giai đoạn 2 tới toàn bộ 24 Phòng và 30 chi cục thuế. 100% cán bộ, công chức thuế đã sử dụng thư điện tử trong giải quyết công việc và trao đổi thông tin với người nộp thuế; Cục Thuế đã kiến nghị các cấp có thẩm quyền cắt giảm số giờ thực hiện thủ tục hành chính thuế cho người nộp thuế năm 2015. Mục tiêu đến năm 2020 thời gian thực hiện thủ tục hành chính thuế của người nộp thuế chỉ còn 110 giờ/năm…

Ông Lê Văn Dục – giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội:Thực hiện tốt cơ chế một cửa liên thông

Năm 2016, Sở tăng cường công tác cải cách hành chính trong đó tiếp tục rà soát các thủ tục hành chính, công khai, minh bạch, kiện toàn và nâng cao chất lượng phục vụ của bộ phận 1 cửa, thực hiện tốt cơ chế một cửa liên thông, tạo thuận lợi cho DN và công dân. Ngoài ra Sở còn xây dựng các kế hoạch thực hiện các giải pháp về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, nhất là giải quyết hàng tồn kho, cân đối tại cung – cầu trên thị trường, từng bước “gỡ khó” cho DN. Xây dựng và triển khai thực hiện các quy định quản lý các dự án khu đô thị mới, khu nhà ở sau đầu tư.

Sở còn chỉ đạo, hướng dẫn các chủ đầu tư thực hiện phát triển nhà ở theo các dự án đảm bảo đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và dịch vụ đô thị. Trong đó trọng tâm là tiếp tục triển khai kế hoạch phát triển nhà ở cho học sinh, sinh viên các cơ sở đào tạo và nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp tập trung, người có thu nhập thấp tại các khu vực đô thị, nhà ở tái định cư theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Xây dựng và Thành phố. Mặt khác, Sở đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh các dự án phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị theo Chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy và các kế hoạch, đề án phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị. Thực hiện tốt các dự án trọng điểm, đẩy nhanh việc quy hoạch các khu đô thị vùng. Điểm nổi bật là thái độ ứng xử của mọi cán bộ công chức của Sở dã có bước tiến mới, thân thiện, cởi mở hơn với người dân và DN.

Bà Nguyễn Thanh Nhàn – Phó giám đốc Sở LĐ – TB&XH :Đào tạo nghề theo mô hình gắn với DN

Hiện Thành phố có 320 đơn vị trong hệ thống cơ sở dạy nghề. Theo kế hoạch năm 2016, các cơ sở dạy nghề sẽ tuyển sinh đào tạo nghề khoảng 148.000 lượt người (trình độ cao đẳng nghề: 12.000, trung cấp nghề: 12.000, sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng: 124.000 lượt người). Với mục tiêu phát triển mạnh đào tạo nghề, Thành phố tập trung phát triển 03 trường dạy nghề là Trường cao đẳng nghề công nghiệp, Trường cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội và Trường cao đẳng nghề Việt Nam – Hàn Quốc, với cơ cấu đa ngành nghề, công nghệ hiện đại, đội ngũ giáo viên và chương trình giảng dạy đạt chuẩn khu vực và quốc tế…Ngoài ra, Sở rà soát các cơ sở đào tạo nghề, sắp xếp lại các cơ sở dạy nghề công lập theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, gắn với DN, khuyến khích DN tham gia vào quá trình đào tạo theo yêu cầu. Tuy nhiên, hầu hết các cơ sở đang đào tạo chưa theo kịp đáp ứng đào tạo ngành, nghề mới theo yêu cầu của xã hội. Việc thu thập thông tin cung – cầu lao động, xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin thị trường lao động cũng chưa được chú trọng. Để khắc phục hạn chế đó, Sở đã yêu cầu các cơ sở đào tạo cần phải khảo sát nắm bắt nhu cầu tuyển dụng lao động của các DN, số lượng lao động, ngành nghề sử dụng và cả trình độ nghề nghiệp cụ thể. Trên cơ sở nhu cầu đó, các cơ sở đào tạo phải xây dựng kế hoạch đào tạo nghề phù hợp, triển khai dạy nghề với mô hình liên kết giữa DN và các cơ sở dạy nghề; liên kết đào tạo với các cơ sở dạy nghề nước ngoài có uy tín; đẩy mạnh đào tạo theo địa chỉ, theo đơn đặt hàng…

Ông Hà Huy Quang – P.GĐ Sở GTVT TP. HN:Nhiều giải pháp đồng bộ khắc phục hạn chế

Mâu thuẫn giữa chính sách đền bù GPMB của nhà nước với mong muốn của người dân. Mặt khác, công tác nghiệm thu, thanh quyết toán các công trình chậm làm ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ dự án cũng như năng lực hoạt động của các DN tham gia đầu tư và đây là một trong những tồn tại, hạn chế cần được giải quyết. Năm 2016 Thành phố đã tập trung công tác tuyên truyền về dự án đối với người dân trong vùng bị ảnh hưởng cũng như toàn xã hội, để người dân nâng cao nhận thức về dự án, đồng thuận, ủng hộ phương án GPMB. Đối với những dự án có khối lượng GPMB lớn, tách công tác GPMB thành các tiểu dự án, giao cho các quận, huyện, thị xã thuộc phạm vi dự án làm chủ đầu tư, để rõ người, rõ việc, nâng cao trách nhiệm và tính chủ động của các cấp chính quyền. Chuẩn bị tốt và thực hiện trước quỹ nhà, quỹ đất tái định cư. Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể, để khuyến khích người dân tự tái định cư (tái định cư bằng tiền).. Rà soát lại danh mục các dự án đầu tư, xác định nhóm dự án ưu tiên đầu tư, tập trung, cân đối bố trí đủ vốn để hoàn thành. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện hồ sơ đề xuất dự án của các công trình trọng điểm, để đủ điều kiện lập, công bố danh mục các dự án kêu gọi đầu tư. Tổng hợp quỹ đất chưa sử dụng, để xác định được quỹ đất đối ứng cho các dự án thực hiện theo hình thức hợp đồng BT. Xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể về những ưu đãi trong đầu tư để thu hút, khuyến khích các nhà đầu tư tham gia đầu tư xây dựng Thủ Đô.

Ông Mạc Quốc Anh – phó chủ tịch Hiệp hội các DN VVN Hà Nội:Đổi mới tác phong phục vụ của công chức

Qua nhiều cố gắng và nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho DN, Thành phố, các Sở ban ngành đã lắng nghe và tiếp nhận được các khó khăn, vướng mắc trong hoạt đống SXKD tại DN. Cụ thể về CCHC, ngành thuế là đơn vị đầu tiên hoàn thành chỉ tiêu nộp hồ sơ khai thuế qua mạng Internet Tổng cục Thuế giao và hoàn thành trước thời hạn về nộp thuế điện tử Chính phủ giao (đã có khoảng 99% DN nộp hồ sơ khai thuế qua mạng), nộp thuế điện tử (khoảng 96% DN đăng ký nộp thuế điện tử), qua đó đã giảm đáng kể số giờ và chi phí cho DN, người dân, cơ quan thuế. Trong công tác nhân sự, Sở LĐTB – XH đã giới thiệu người lao động, tìm kiếm việc làm để cung cấp cho các DN, đào tạo tập huấn nghiệp vụ pháp luật lao động, BHXH, đào tạo và đào tạo lại cho các DN khi có nhu cầu. Tôi mong rằng trong những năm tới, Thành phố cùng các sở ban ngành tiếp tục tăng cường đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trên mọi lĩnh vực, đổi mới tác phong phục vụ của công chức, khởi sự DN thông thoáng đúng với những chuẩn mực quốc tế… Tạo cú hích cho DN khởi nghiệp, đảm bảo môi trường pháp lý, công khai minh bạch các thủ tục. Tiếp tục chỉ đạo các Sở, ban, ngành cụ thể hóa những chính sách và các giải pháp hỗ trợ DN, DN NVV thiết thực hiệu quả, nhằm giúp DN thuận lợi, ổn định trong SXKD để phát triển. Tiếp túc đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ, xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch hỗ trợ các DN tham gia các kỳ hội chợ trong nước và quốc tế, đặc biệt Hội chợ thường niên tại các nước trong khu vực và thị trường mới như Nga và Châu Phi, thị trường truyền thống cho các DN.

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

Enternews