Mải đi buôn đất, doanh nghiệp Việt đánh mất sân nhà
10 Tháng 5, 2021
Giám đốc một DN cơ khí, đang là nhà cung ứng cho một tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam, tâm sự: "Về kỹ thuật chúng tôi hoàn toàn tự tin, nhưng vốn hạn hẹp nên khó khăn khi mở rộng đầu tư. Trong khi đó, doanh thu có lên tới 500 tỷ đồng/năm thì lợi nhuận chỉ đạt vài tỷ đồng".
Dù được đối tác ngoại đánh giá cao nhưng khi nói đến việc đầu tư hàng trăm tỷ mở rộng sản xuất thì vị giám đốc này không mặn mà. Thậm chí, ông cho biết, nhiều DN bạn ông đã không có ý định đầu tư mở rộng mà giữ nguyên quy mô để hoạt động duy trì việc làm và nguồn thu một số khác đã bán DN để lấy vốn sang đầu tư tài chính hay bất động sản.
Ví dụ, linh kiện đơn giản nhất là mỗi con vít dùng trong xe ô tô, vặn vào đâu cũng phải có thông số kỹ thuật riêng. Muốn sản xuất phải trải qua tính toán trên lý thuyết, đến thử nghiệm và đầu tư công nghệ. Tức là đòi hỏi nhà sản xuất phải nắm được từ kỹ thuật, công nghệ cho đến lựa chọn vật liệu... Quá trình này rất vất vả, tốn kém cả thời gian lẫn chi phí. Đầu tư vào sản xuất công nghiệp hỗ trợ thì khó khăn vất vả đủ thứ, lợi nhuận lại thấp
Trong khi đó, giá đất tại nhiều địa phương trên cả nước liên tục tăng. Có nơi giá đất tăng hơn 100%, có nơi tới 200% sau thời gian ngắn. DN vì thế cứ lao vào buôn bán đất đai, kinh doanh bất động sản kiếm lời, không thiết tha đầu tư vào sản xuất, không quan tâm đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Vì thế, rất nhiều DN thôi khỏi tính toán, thử nghiệm để làm gì, bởi có thành công thì lợi nhuận thu về cũng chẳng nhiều, không bằng mua miếng đất bỏ đó mấy năm sau ăn lời bạc tỷ.
DN ngoại đổ đến Việt Nam
Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do. Sản xuất hàng hóa tại Việt Nam để xuất khẩu sẽ hưởng nhiều ưu đãi. Khi các DN Việt Nam không đáp ứng được thì các nhà cung ứng từ nước ngoài sẽ tràn vào lấp chỗ trống là tất yếu.
Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2020 cho biết, vài năm gần đây có dấu hiệu cho thấy quy mô DN FDI đang giảm dần theo thời gian. Trong khi số lượng các doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam ngày càng tăng thì quy mô vốn và lao động trung bình đang có xu hướng nhỏ lại.
Lần đầu tiên trong 11 năm điều tra PCI về doanh nghiệp FDI cho thấy, tỷ lệ DN có dưới 5 lao động đã vượt quá 10%, và tỷ lệ DN có từ 5-9 lao động cũng tăng từ 10,6% lên 11,3%.
Dấu hiệu “đảo ngược” này cũng diễn ra với quy mô vốn chủ sở hữu. Theo đó, năm 2019, tỷ lệ doanh nghiệp FDI có số vốn dưới 0,5 tỷ đồng chỉ là 9,8%, đến 2020 tăng lên 13,1%.
Chỉ có 3,7% doanh nghiệp FDI có số vốn chủ sở hữu từ 200-500 tỷ đồng và 4,6% có số vốn trên 500 tỉ đồng, trong khi con số năm 2019 tương ứng là 5% và 5,1%.
Điều này cũng phù hợp với kết quả điều tra PCI mấy năm gần đây, khi tỷ lệ doanh nghiệp FDI chuyển sang sử dụng nhà cung cấp Việt Nam giảm dần. Cụ thể, năm 2015 có 68,9% các doanh nghiệp FDI mua hàng từ DN tư nhân, 19,3% mua hàng từ các hộ kinh doanh, đến năm 2020 giảm theo thứ tự còn 62,5% và 14,8%. Với DN Nhà nước đỉnh cao là 2016 có 12,1% doanh nghiệp FDI mua hàng, sau đó giảm dần, tới 2020 giảm còn 8,2%.
Các doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam chủ yếu là vào các ngành sản xuất, chiếm tỷ lệ hơn 50%. Trong lĩnh vực sản xuất lại đang có sự chuyển dịch mạnh vào các ngành có hàm lượng công nghệ cao như máy tính, thiết bị điện tử, ô tô,... Các doanh nghiệp FDI quy mô nhỏ vào Việt Nam để làm nhà cung cấp cho các doanh nghiệp FDI lớn.
Báo cáo mới đây của Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) về ngành điện tử cho thấy, thời gian qua, sản xuất kinh doanh các sản phẩm điện tử tăng trưởng khá cao. Năm 2020, xuất khẩu đạt hơn 95 tỷ USD, trong đó điện thoại các loại và linh kiệnđạt 51,18 tỷ USD;máy vi tính, các sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 44,58 tỷ USD.
Tuy nhiên, tỷ lệ nội địa hóa ngành điện tử hiện nay rất thấp, chỉ khoảng 5-10%. Số lượng DN tham gia cung ứng cho các tập đoàn đa quốc gia còn mờ nhạt. Samsung Việt Nam đến nay mới chỉ có 35 nhà cung cấp thuần Việt trong khi có hàng trăm linh kiện cần nội địa hóa. Canon Việt Nam có 147 nhà cung cấp tại Việt Nam, nhưng trong số này chỉ có 20 nhà cung cấp thuần Việt. Panasonic Việt Nam cũng chỉ có 4 nhà cung cấp thuần Việt chiếm khoảng 10% giá trị linh kiện đầu vào.
Thích buôn đất hơn làm ốc vít
Theo VCCI, các DN tư nhân Việt Nam chủ yếu lại hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ và xây dựng. Các DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất chiếm tỷ lệ nhỏ, công nghệ lạc hậu, trình độ quản lý yếu kém...
Không phải DN Việt không làm được ốc vít cho các doanh nghiệp FDI, mà bởi ngành này phải đầu tư nhiều, rất vất vả nhưng lợi nhuận không cao. Có DN Việt mất đến 4 năm phấn đấu mới đạt điều kiện nhà cung ứng cấp 2 cho một tập đoàn đa quốc gia có nhiều nhà máy ở Việt Nam, nhưng đạt được rồi thì không muốn vươn lên nữa mà bỏ ngang, để chuyển sang làm bất động sản vì thấy lợi nhuận lớn hơn.
Vấn đề là chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ đến nay không đủ hấp dẫn. Có những chính sách khuyến khích thì nói mãi nhưng không ra được, hoặc ra nhưng khi triển khai lại không khả thi. Trong khi đi buôn đất, ít thì lãi 30-50%/năm, thậm chí 100%.
Việt Nam đang phấn đấu đến năm 2030, trở thành nước có thu nhập trung bình cao và đến năm 2045, trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao. Muốn vậy, trước tiên phải vượt qua bẫy thu nhập trung bình. Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy, con đường trở thành nước thu nhập cao, không thể bỏ qua công nghiệp chế biến chế tạo. Doanh nghiệp FDI chỉ là động lực dẫn dắt, còn DN công nghiệp trong nước mới là nền tảng vững chắc để giúp một quốc gia thoát bẫy thu nhập trung bình.
Nếu Việt Nam không có chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ đủ hấp dẫn và vẫn giữ chính sách với lĩnh vực bất động sản như hiện nay thì chỉ khuyến khích các DN đi buôn đất bởi lợi nhuận rất cao, không ai muốn đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ làm gì.
Đã đến lúc Việt Nam cần rà soát lại, xem xét tích hợp, bổ sung các cơ chế, chính sách cần thiết để xây dựng một chương trình tổng thể về phát triển công nghiệp hỗ trợ quy mô quốc gia mới mong xoay chuyển được thực tế hiện nay.
Theo Vietnamnet