The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Mở cánh cửa đầu tư vào Kon Tum

Xác định được tiềm năng thế mạnh, tỉnh Kon Tum đã sẵn sàng cho các hoạt động hợp tác, tích cực cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh để thu hút nhà đầu tư, cải cách hành chính, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; tiếp tục khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương và huy động, sử dụng tốt mọi nguồn lực để phát triển kinh tế – xã hội nhanh, bền vững và bảo vệ môi trường, ngày càng phát triển tương xứng với tiềm năng và thế mạnh vốn có – ông Đào Xuân Quí – Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum đã mở đầu câu chuyện với DĐDN.

Theo ông Quí, những năm qua, tỉnh Kon Tum đã tập trung đầu tư phát triển ba vùng kinh tế động lực, tạo mũi nhọn thúc đẩy các vùng kinh tế lân cận cùng phát triển. Tỉnh đã chọn huyện Ngọc Hồi gắn với Khu kinh tế (KKT) cửa khẩu quốc tế Bờ Y, thành phố Kon Tum gắn với các cụm, khu công nghiệp (KCN) ĐăkBla, Hòa Bình và huyện Kon Plông gắn với khu du lịch sinh thái Măng Đen để kêu gọi hợp tác, đầu tư.

– Từ khi được tái lập trên cơ sở chia tách tỉnh Gia Lai – Kon Tum năm 1991, tỉnh Kon Tum đã có nhiều thay đổi từ diện mạo đến hiện trạng, nội lực phát triển các ngành như thế nào, thưa ông?

Kinh tế Kon Tum đang trên đà tăng trưởng và duy trì ở tốc độ tương đối khá, tốc độ tăng GDP bình quân giai đoạn 2011 – 2015 ước đạt 13,23%/năm, giá trị tổng sản phẩm tăng gần gấp đôi so với năm 2010, thu nhập bình quân đầu người tăng hơn 2 lần. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng các ngành công nghiệp – xây dựng và dịch vụ.

Diện tích cây cao su, cà phê, sâm Ngọc Linh không ngừng được mở rộng, tạo ra các vùng chuyên canh phục vụ công nghiệp chế biến. Diện tích rau, hoa xứ lạnh bước đầu được đầu tư có kết quả. Trong nuôi trồng thủy sản tăng trưởng khá, đã phát triển thành công cá Tầm, bước đầu có thương phẩm trên thị trường.

Đặc biệt là hạ tầng kinh tế – xã hội, trong đó là hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị không ngừng được đầu tư, hoàn thiện để phục vụ đời sống và sản xuất của nhân dân. Nguồn nhân lực các ngành được quan tâm đào tạo, phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng. Chương trình hợp tác quốc tế không ngừng củng cố và mở rộng trên nhiều lĩnh vực với nhiều đối tác, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện ngày càng thu hút được nhiều dự án đầu tư. Nhiều dự án của các nhà đầu tư lớn, có tiềm lực đã tạo được sự chuyển biến tích cực về kinh tế – xã hội cho tỉnh Kon Tum.

Ba vùng kinh tế động lực của tỉnh được quan tâm đầu tư, phát triển, thế mạnh của từng vùng được chú trọng, phát huy dần trở thành tâm điểm thu hút các nhà đầu tư. Nhìn chung, cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và sự nỗ lực của địa phương thời gian qua đã tạo cho Kon Tum những nét đổi mới, thay đổi bộ mặt tỉnh Kon Tum trên tất cả các lĩnh vực.

– Vậy Kon Tum tập trung vào thế mạnh nào của tỉnh để thu hút đầu tư, thưa ông?

Tiềm năng, thế mạnh để thu hút đầu tư đã được Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh xác định, định hướng và xây dựng chính sách phát triển có chiến lược, trọng tâm.

Thứ nhất, tỉnh Kon Tum có nguồn tài nguyên phong phú về đất đai, khí hậu, khoáng sản, rừng; có nền văn hóa các dân tộc đặc sắc và có nhiều di tích, địa danh nổi tiếng và lâu đời. Trên cơ sở đánh giá tiềm năng, thế mạnh của địa phương, Tỉnh ủy Kon Tum đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 27 tháng 7 năm 2011 về xây dựng, phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực, phấn đấu đến năm 2020 xây dựng và phát triển 9 sản phẩm gồm: cà phê, cao su, sắn và các sản phẩm chế biến từ sắn, sâm Ngọc Linh, rau hoa xứ lạnh, thủy sản nước ngọt, bột giấy và giấy, gạch ngói, điện trở thành sản phẩm chủ lực của tỉnh. Bên cạnh đó, xây dựng và phát triển ngành hoạt đọng của các đại lý du lịch, kinh doanh tua du lịch, sản phẩm du lịch Măng Đen trở thành sản phẩm chủ lực của Tỉnh.

Thứ hai, Kon Tum giữ vai trò quan trọng trên tuyến hành lang thương mại quốc tế nối từ Myanma qua các tỉnh Đông Bắc Thái Lan đến các tỉnh Nam Lào với khu vực Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung và Đông Nam bộ của Việt Nam. Ưu thế về vị trí địa lý này đã tạo ra một “Hành lang tám tỉnh” lấy Kon Tum làm cầu nối giữa hai bờ Đông Tây, tạo thế liên hoàn, tạo điều kiện thuận lợi để giao lưu kinh tế – văn hóa giữa các nước, các tỉnh; đặc biệt là liên kết hợp tác phát triển du lịch.

Thứ ba, tỉnh Kon Tum có ba địa phương có đầy đủ tiềm lực, thực lực để vươn lên phát triển, tạo đòn bẩy, động lực để phát triển các vùng, các địa phương trong tỉnh, bao gồm: Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào khu du lịch sinh thái Măng Đen, huyện Kon Plong; Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y, huyện Ngọc Hồi và thành phố Kon Tum với chức năng trung tâm hành chính – chính trị của tỉnh, một thành phố xanh bên bờ sông ĐăkBla. Mỗi khu vực đều có những đặc trưng về kinh tế – xã hội cùng với tiềm năng phát triển riêng biệt, tạo nên những ưu thế thu hút đầu tư so sánh rất đa dạng, thúc đẩy công tác thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Kon Tum xác định cơ sở hạ tầng đồng bộ và cải cách thủ tục hành chính là những nhân tố quan trọng tạo nên sự hấp dẫn trong thu hút đầu tư.

– Trong thời gian tới, Kon Tum có chính sách gì để tạo thêm điều kiện thu hút các dự án đầu tư?

Xác định cơ sở hạ tầng đồng bộ và cải cách thủ tục hành chính là những nhân tố quan trọng tạo nên sự hấp dẫn trong thu hút đầu tư. Trong những năm qua, các cấp lãnh đạo tỉnh Kon Tum đã đề ra nhiều chính sách ưu tiên xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm phục vụ kịp thời cho nhu cầu đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp cũng như đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Về cơ sở hạ tầng giao thông, tranh thủ sự ủng hộ của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương trên cơ sở quy hoạch được duyệt, Kon Tum đã từng bước xây dựng và hoàn thiện hệ thống giao thông vận tải, nhất là các công trình trọng điểm giai đoạn 2011-2105 trên địa bàn tỉnh, các tuyến đường huyết mạch như đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 24, Quốc lộ 14C, Quốc lộ 40,… qua địa bàn tỉnh đã được đầu tư xây dựng khá đồng bộ. Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông ở các vùng động lực kinh tế, KKT, KCN, khu du lịch, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới đến các cửa khẩu như Đường Đăk Côi – Đăk Pxi, đường Ngọc Hoàng – Ngọc Linh, các dự án đường giao thông KKT cửa khẩu Quốc tế Bờ Y, Khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen,.. cũng được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng.

Để tiếp tục hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh thời gian tới, tỉnh sẽ phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án trọng điểm như đường Trường Sơn Đông, dự án nâng cấp Quốc lộ 24 nối từ tỉnh Quảng Ngãi đến tỉnh Kon Tum (giai đoạn 1), dự án nâng cấp nền, mặt đường Quốc lộ 14C (giai đoạn 2),… Song song với hệ thống giao thông, Kon Tum cũng đã và đang tập trung đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật như hệ thống cấp thoát nước, điện, thông tin liên lạc… để phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt tại các KKT, KCN, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Về cải cách TTHC, đã có nhiều chuyển biến tích cực, tỉnh đã đề nghị Cục Kiểm soát thủ tục hành chính – Bộ Tư pháp công bố các văn bản của tỉnh Kon Tum trên cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC, tiến hành rà soát vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Ủy ban nhân dân các cấp và cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện, kịp thời thành lập, kiện toàn một số tổ chức cho phù hợp. Thời gian thực hiện các thủ tục hành chính như cấp phép đầu tư, giao đất, thuê đất đã được rút ngắn hơn so với quy định. Thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Hệ thống giao ban điện tử đa phương tiện của tỉnh trang bị cho 13 điểm cầu hoạt động có hiệu quả, kịp thời cho việc chỉ đạo, điều hành của tỉnh đến các huyện, thành phố Kon Tum. Đồng thời, không ngừng đổi mới, tăng cường hoạt động xúc tiến đầu tư nhằm tranh thủ các nguồn lực bên ngoài, đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015-2016 nhằm cải thiện môi trường kinh doanh với mục tiêu cắt giảm nhiều thủ tục, tiết kiệm tối đa chi phí và thời gian tuân thủ TTHC cho các nhà đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế… Đưa Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư 2014, Luật Đầu tư công đi vào cuộc sống góp phần cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

– Xin cảm ơn ông!

Huỳnh Hải thực hiện

Theo vcci news ngày 28/11/2015