The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam liên tục cải thiện ấn tượng

Sau 6 năm thực hiện Nghị quyết 19 và 4 năm thực hiện Nghị quyết 35, môi trường kinh doanh trong nước được cải thiện cả về điểm số và thứ hạng trong bảng xếp hạng quốc tế. Theo đó, so với năm 2015, xếp hạng môi trường kinh doanh (Doing Business 2020) của Việt Nam đã tăng 20 bậc.

Theo Ban Dự báo kinh tế vĩ mô – Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội Quốc gia, những năm qua, Chính phủ đã nỗ lực thực hiện nhiều chính sách nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Từ năm 2014 đến nay, hàng loạt các chính sách được ban hành và thực hiện nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ phát triển khu vực tư nhân và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Trong đó, phải kể đến Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017; Nghị quyết số 35/NQ-CP năm 2016 của Chính phủ về phát triển doanh nghiệp với mục tiêu là đến năm 2020, chất lượng môi trường kinh doanh của Việt Nam ngang hàng với mức trung bình các nước ASEAN 4; Nghị quyết số 19/NQ-CP hàng năm (năm 2019 là Nghị quyết 02/NQ-CP) tập trung vào các vấn đề về thủ tục hành chính, trọng tâm là các thủ tục hải quan, thủ tục thuế và các điều kiện kinh doanh hàng năm của Chính phủ và kế hoạch cắt giảm thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành của bộ, ngành.

Cũng theo Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội Quốc gia, xếp hạng môi trường kinh doanh liên tục được cải thiện. Theo đó, sau 6 năm thực hiện Nghị quyết 19 và 4 năm thực hiện Nghị quyết 35, môi trường kinh doanh đã được cải thiện cả về điểm số và thứ hạng trong bảng xếp hạng quốc tế. So với năm 2015, xếp hạng môi trường kinh doanh (Doing Business 2020) của Việt Nam đã tăng 20 bậc. Trong đó, Việt Nam được đánh giá là nước thực hiện nhiều cải cách nhất trong 16 năm qua, với 42 cải cách được thực thi. Chỉ riêng 5 năm từ khi thực hiện Nghị quyết 19 (2014), Việt Nam đã có 18 cải cách được ghi nhận, hàng ngàn điều kiện kinh doanh bất hợp lý đã được bãi bỏ.

Sau 6 năm thực hiện Nghị quyết 19 và 4 năm thực hiện Nghị quyết 35, môi trường kinh doanh đã được cải thiện cả về điểm số và thứ hạng trong bảng xếp hạng quốc tế
Sau 6 năm thực hiện Nghị quyết 19 và 4 năm thực hiện Nghị quyết 35, môi trường kinh doanh đã được cải thiện cả về điểm số và thứ hạng trong bảng xếp hạng quốc tế

Công tác kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu đã được đổi mới cơ bản theo nguyên tắc đánh giá rủi ro, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm đối với nhiều loại hàng hóa. Số lượng dịch vụ công trực tuyến tăng nhanh. Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam đã ở mức trung bình khá trên bình diện quốc tế với xếp hạng 70/190 về môi trường kinh doanh và 67/140 về năng lực cạnh tranh vào năm 2019.

Các doanh nghiệp trong nước có đánh giá tích cực về cải cách thủ tục hành chính. Theo kết quả điều tra về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018 của VCCI, có 30,7% doanh nghiệp cho biết phải dành hơn 10% quỹ thời gian để tìm hiểu và thực hiện các quy định pháp luật của Nhà nước, giảm so với tỷ lệ 35,5% năm 2015; 74,7% doanh nghiệp nhận thấy “cán bộ nhà nước giải quyết công việc hiệu quả”, tăng so với mức 67,4% năm 2015 và 74,1% đánh giá “thủ tục giấy tờ đơn giản”, cao hơn so với tỷ lệ 51,2% năm 2015.

Năm 2019, Việt Nam được WEF đánh giá là nền kinh tế có mức độ cải thiện năng lực cạnh tranh 4.0 tốt nhất toàn cầu. Theo đó, Việt Nam năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0 của Việt Nam đã tăng 10 bậc (từ vị trí 77 lên vị trí 67), tương ứng mức điểm từ 58 điểm lên 61,5 điểm, cao hơn điểm trung bình toàn cầu (60,7 điểm). Trong đó, 8/12 trụ cột đều tăng điểm và thứ hạng.

Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh được cải thiện, nhiều tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế đã nâng hạng mức xếp hạng của Việt Nam trong thời gian gần đây. Bằng chứng, tháng 4/2019, tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Standard & Poors (S&P) nâng hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn cho Việt Nam từ mức "BB-" lên mức "BB" với triển vọng "ổn định", đồng thời khẳng định xếp hạng tín nhiệm ngắn hạn cho Việt Nam ở mức "B". Đây là quyết định thăng hạng tín nhiệm quốc gia lần đầu tiên cho Việt Nam sau 9 năm S&P giữ mức xếp hạng "BB-" (kể từ tháng 12/2010).

Tháng 5/2019, Fitch Ratings tiếp tục nâng triển vọng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam từ mức "ổn định" lên "tích cực", khẳng định duy trì mức xếp hạng "BB" đối với Việt Nam. Trước đó, năm 2018, Moody’s cũng đã nâng xếp hạng của Việt Nam từ "B1" lên "Ba3", với triển vọng thay đổi từ “ổn định” sang “tích cực”. Đây là bước tiến quan trọng, khẳng định nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc cải thiện môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia.

Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội Quốc gia cũng cho rằng, môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện, cạnh tranh minh bạch, bình đẳng hơn giữa các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp đã góp phần không nhỏ thúc đẩy sự phát triển của khu vực tư nhân và doanh nghiệp FDI. Theo đó, từ năm 2015-2018, số lượng doanh nghiệp tư nhân thành lập mới và số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng cao, đồng thời có thêm nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn trong nước mở rộng lĩnh vực sản xuất và đầu tư vào nông nghiệp.

Tuy vậy, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội Quốc gia cũng đánh giá, môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn bị đánh giá là có nhiều hạn chế. Năm 2018 được xem là “năm của cải cách điều kiện kinh doanh”nhưng xếp hạng môi trường kinh doanh vẫn tụt 1 bậc so với năm 2017.

Năm 2019, mặc dù có cải thiện về điểm số nhưng xếp hạng môi trường kinh doanh vẫn tiếp tục tụt 1 bậc so với năm 2018. Cũng trong năm 2019, mặc dù chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0 cải thiện vượt trội, song một số chỉ số thành phần vẫn giảm điểm mạnh.

Cụ thể: Mức độ minh bạch về ngân sách giảm 50,4 điểm (từ 65,4 xuống 15 điểm), dẫn tới thứ hạng tụt 42 bậc (từ vị trí 42 xuống vị trí 84); Hiệu quả dịch vụ cảng biển tuy không giảm điểm, nhưng tụt 5 bậc (đứng thứ 83); Hệ thống tài chính, nguồn vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) giảm 0,8 điểm và 12 bậc, đứng ở thứ hạng 97 (năm 2018 có thứ hạng 85). Kết quả này cho thấy tiếp cận tín dụng vẫn là trở ngại lớn đối với các DNVVN.

Minh Ngọc

Theo Báo VN Media