Môi trường đầu tư – kinh doanh ĐBSCL tiếp tục ổn định, ngành cá tra sụt giảm nhẹ
Theo số liệu tổng hợp từ VCCI Cần Thơ, trong 3 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư toàn xã hội vùng ĐBSCL đạt 43.585,10 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm 2015. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tăng 10,22%, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 12,66% trong khi tổng kim ngạch nhập khẩu toàn vùng trong quý I giảm hơn 10% so cùng kỳ năm trước.
Đáng lưu ý, trong quý đầu năm 2016, tình trạng hạn hán đang gây thiệt hại nặng nề cho cuộc sống người dân ĐBSCL. Theo ông Nguyễn Phương Lam, Phó Giám đốc VCCI Cần Thơ, “Đợt hạn hán lần này được xem là nặng nề nhất trong 100 năm qua, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình sản xuất nông nghiệp toàn vùng. Tuy chưa có thống kê về thiệt hại nhưng sẽ là rất lớn và chắc chắn các mặt hàng nông sản làm nguyên liệu cho sản xuất thời gian tới sẽ bị thiếu hụt”. Hiện đã có 9/13 tỉnh/thành ĐBSCL công bố thiên tai do hạn mặn gồm: Bến Tre, Kiên Giang, Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng, Cà Mau, Vĩnh Long, Trà Vinh và Bạc Liêu.
Nhận định về công tác cải thiện môi trường kinh doanh tại ĐBSCL, ông Nguyễn Phương Lam cho rằng chính quyền địa phương tiếp tục thể hiện tính tiên phong, năng động trong hoạt động điều hành, có thể nhận thấy thông qua cái nhìn tích cực của nhiều doanh nghiệp trong vùng. Đặc biệt,bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh cấp tỉnh (PCI) lần thứ 11 vừa được VCCI công bố ngày 31/3 vừa qua, Đồng Tháp tiếp tục giữ vị trí thứ 2 cả nước. Trong số 10 chỉ số thành phần được đánh giá tốt nhất, ĐBSCL góp mặt ở 7 vị trí.
Để hỗ trợ các địa phương trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, trong quý I/2016, VCCI Cần Thơ đã thực hiện khảo sát doanh nghiệp tại Cần Thơ và Tiền Giang về tiêu chí cải cách thủ tục hành chính và công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh. Về kế hoạch sắp tới, theo ông Nguyễn Phương Lam, VCCI Cần Thơ sẽ phối hợp cùng các tỉnh/thành khu vực tổ chức hội nghị đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, từ đó có giải pháp cụ thể hỗ trợ cải thiện môi trường đầu tư ở mỗi tỉnh/thành.
Cũng trong quý I/2016, VCCI Cần Thơ còn phối hợp với Tổ chức Oxfam thực hiện Dự án “Nghiên cứu đánh giá tác động của biến đổi khí hậu lên chuỗi giá trị ngành lúa gạo và cây ăn trái ĐBSCL”, qua đó, hỗ trợ các hộ sản xuất, kinh doanh đang bị ảnh hưởng của thiên tai.
Một thông tin đáng chú ý về ngành hàng cá tra được bà Võ Thị Thu Hương, Phó Giám đốc VCCI Cần Thơ kiêm Phó Tổng thư ký VNPA nêu ra tại buổi họp báo: “Quý đầu năm 2016, tổng diện tích nuôi cá tra ĐBSCL giảm 22%, sản lượng cũng giảm 20% so cùng kỳ 2015. Tuy vậy, kim ngạch xuất khẩu của ngành hàng tính đến giữa tháng 3/2016 đạt mức 298 triệu USD, tăng 4,2% so cùng kỳ”.
Sở dĩ tình hình như vậy, theo lý giải của ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ kiêm Phó Chủ tịch VNPA là do các hợp đồng xuất khẩu ký từ cuối năm 2015 đang được các doanh nghiệp thực hiện trong đầu năm 2016. Ngoài ra, cũng có khả năng một số doanh nghiệp đã lợi dụng hệ thống thông tin thị trường ngành cá tra chưa hoàn chỉnh để đẩy giá xuất khẩu lên, tăng lợi nhuận.
Ông Dũng cũng bác bỏ thông tin từ một số doanh nghiệp cho rằng mức giảm cá tra nguyên liệu hiện lên đến 40% so cùng kỳ, thậm chí một số nhà máy phải tạm ngừng hoạt động do thiếu nguyên liệu đầu vào. “Đã từng xảy ra chuyện doanh nghiệp tung tin như thế này, thế kia vì những mục đích khác nhau; nói thiếu dữ lắm nhưng cuối cùng cũng không thiếu nhiều, có lúc bảo rằng sản xuất dồn dập nhưng thật ra nó không như vậy”, ông Dũng nói.
Cũng theo nhận định của ông Võ Hùng Dũng, khả năng giá cá tra nguyên liệu sắp tới sẽ có xu hướng tăng thêm, nhưng không nhiều và phụ thuộc khá lớn vào diễn biến nhu cầu của thị trường nhập khẩu.
Lạc Long