The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Môi trường kinh doanh đang dần tích cực hơn

Báo cáo "Đặc điểm môi trường kinh doanh ở Việt Nam: Kết quả điều tra doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa năm 2015" do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế TƯ (CIEM) công bố ngày 9.11 cho thấy hoạt động của các DN này đã có sự khởi sắc đáng kể nhờ những cải thiện rõ rệt của môi trường kinh doanh.

Cải thiện rõ rệt

Với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam, từ năm 2005 đến nay, CIEM đã phối hợp với một số đơn vị trong và ngoài nước tổ chức 5 cuộc điều tra DN nhỏ và vừa (tần suất hai năm một lần). Các cuộc điều tra được thực hiện trên một nhóm doanh nghiệp cố định.

Cuộc khảo sát năm 2015 tại hơn 2.600 DN nhỏ và vừa ngoài quốc doanh trong lĩnh vực chế biến, chế tạo ở 10 tỉnh, thành đã cho thấy sự cải thiện rõ rệt ở một số khía cạnh quan trọng của môi trường kinh doanh nước ta. Ví dụ, quá trình chính thức hóa của các cơ sở kinh doanh đã có bước tăng đáng kể so với kết quả điều tra năm 2013.

Cụ thể, so với báo cáo điều tra giai đoạn 2011- 2013 (CIEM et al. 2014), có sự tăng lên nhanh chóng về tỷ lệ các doanh nghiệp chuyển sang khu vực chính thức trong giai đoạn 2013 - 2015. Khoảng 96% số doanh nghiệp chưa đăng ký chính thức trong điều tra năm 2013 đã có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và mã số thuế trong điều tra năm 2015, trong khi con số này chỉ là 8% trong báo cáo điều tra trước đó (CIEM et al. 2014). Bên cạnh đó, tỷ lệ rút khỏi thị trường hàng năm của DN nhỏ và vừa trong giai đoạn 2013 – 2015 là 8,2% - thấp hơn so với giai đoạn 2009 – 2013.

Tỷ lệ các doanh nghiệp thực hiện đầu tư năm 2015 cũng tăng so với năm 2013, đặc biệt tỷ lệ đầu tư cao trong các doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ. Các khoản đầu tư chủ yếu có nguồn gốc từ các khoản vay chính thức và đã có sự tăng mạnh của nguồn vốn tự có. Thêm vào đó, năng suất lao động (dưới 2 thước đo: doanh thu trên một lao động và giá trị gia tăng trên một lao động) đều tăng. Đặc biệt, có sự tăng lên về doanh thu trên một lao động ở các DN nhỏ và vừa. Tỷ lệ các doanh nghiệp xuất khẩu và doanh thu từ xuất khẩu của doanh nghiệp trong cuộc điều tra 2015 đã gia tăng so với trước đó.

Tuy nhiên, khảo sát cho thấy, nhìn chung, tỷ lệ các DN nhỏ và vừa gặp phải những trở ngại lớn đối với sự phát triển vẫn là khá cao. Năm 2015, có tới 83% số doanh nghiệp được điều tra cho biết họ có gặp trở ngại trong kinh doanh, tỷ lệ tương đương so với điều tra năm 2013. Trong đó, những cản trở nhất đối với tăng trưởng của doanh nghiệp điều tra là: thiếu vốn, khó tiếp cận tài chính; hạn chế của cầu sản phẩm hiện tại; cạnh tranh quá lớn; thiếu đất, mặt bằng sản xuất kinh doanh.

Chi phí không chính thức làm tổn hại DN

Các phân tích của Báo cáo "Đặc điểm môi trường kinh doanh ở Việt Nam" cũng rất chú trọng đến các khoản chi phi chính thức. Theo quan điểm của DN, những khoản chi này được xem là một loại chi phí thường xuyên trong chi phí hoạt động.

Theo Báo cáo, tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện các khoản chi không chính thức giảm từ 44,6% (năm 2013) xuống còn 42,7%. Tuy nhiên, GS. Finn Tarp, Giám đốc Đại học Liên Hợp Quốc chỉ rõ: 30% doanh nghiệp không có chi phí không chính thức năm 2013 lại thực hiện hành vi này trong điều tra năm 2015. Các doanh nghiệp thuộc khu vực chính thức có chi ngoài thường xuyên hơn cho cơ quan thuế và cán bộ thuế cũng như để tiếp cận được các dịch vụ công. Một phần nguyên nhân quan trọng của việc chi ngoài vẫn không được tiết lộ. Các doanh nghiệp tin rằng họ sẽ tiếp tục sử dụng chi ngoài trong tương lai để đối phó với những khó khăn trong việc tuân thủ các quy định của nhà nước và để theo kịp với sự cạnh tranh.

GS. Finn Tarp đánh giá tổng thể rằng, môi trường kinh doanh của Việt Nam đang dần thay đổi tích cực hơn. Xét từ góc độ môi trường kinh doanh đối với DN nhỏ và vừa thì con tàu của chúng ta đi đang đúng hướng. Việc doanh nghiệp từ phi chính thức đang dần chính thức hóa, so với mặt bằng chung của thế giới, là rất tốt và cần tiếp tục được thúc đẩy. Tuy nhiên, ông cũng lo ngại rằng, chi phí không chính thức vẫn là vấn đề nghiêm trọng, làm tổn hại sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Chính phủ cần đóng vai trò quan trọng trong việc giúp các doanh nghiệp thoát khỏi những chi phí phi chính thức. “Khi mọi thứ minh bạch thì chi phí không chính thức chắc chắn sẽ giảm”, GS. Finn Tarp nhấn mạnh.

Ví von hình ảnh môi trường kinh doanh như một bể cá mà trong đó mỗi doanh nghiệp như con cá trong đó, Phó Viện trưởng CIEM Phan Đức Hiếu cho rằng, muốn biết “bể cá” tốt đến đâu thì cần nhìn xem “cá” trong đó sống ra sao. Tạo ra được bể cá là tốt, GS. Finn Tarp nói, nhưng tìm cách để cá trong bể sống và lớn lên còn tốt hơn.

Báo cáo đưa ra một phát hiện khá bất ngờ, đó là các DN bỏ ra nhiều chi phí không chính thức không tạo ra nhiều lao động hơn các DN không đưa chi những khoản này. Điều này cũng chứng tỏ môi trường kinh doanh ở Việt Nam đã có rất nhiều cải thiện những năm gần đây. Phó Viện trưởng CIEM Phan Đức Hiếu nhấn mạnh, riêng về điểm này, Báo cáo không chỉ có ý nghĩa với các cơ quan hoạch định chính sách mà các DN cũng cần nhìn nhận rõ để giảm được các chi phí không đáng có.

Mai Phương