Môi trường kinh doanh Việt Nam: Sức mạnh của những câu chuyện thiết thực
Bảng Xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2016 đang tạo ra niềm vui của người chiến thắng và cả sự ấm ức đâu đó của người tụt hạng. Nhưng trên hết, môi trường kinh doanh Việt Nam là “người thắng cuộc”.
Thư cảm ơn của Chủ tịch tỉnh
Không có mặt tại Lễ công bố PCI 2016 vì lý do công tác, nhưng Chủ tịch UBDN tỉnh Đồng Tháp, ông Nguyễn Văn Dương không quên gửi thư cảm ơn tới doanh nghiệp, doanh nhân - những người đã liên tục giữ tên Đồng Tháp trong top 5 Bảng Xếp hạng PCI nhiều năm. Năm nay, Đồng Tháp đứng thứ ba, tụt một hạng so với năm ngoái.
Trong thư, Chủ tịch Nguyễn Văn Dương viết: “Kết quả này là khát vọng được tạo lập không chỉ từ ý chí và hành động của chính quyền, mà còn ở sự mong đợi của cộng đồng doanh nghiệp, nhắc nhở chúng ta luôn quyết tâm đổi mới vươn lên, vượt qua các rào cản về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý để tạo dựng niềm tin cho sự phát triển của doanh nghiệp và địa phương”.
Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh chia sẻ về các tác động của DCCI tại Cuộc đối thoại Cà phê doanh nhân sau lễ công bố PCI 2016. Ảnh: Khánh An |
Ông Dương cũng không ngần ngại thừa nhận không hài lòng khi nhìn vào từng chỉ số thành phần của PCI. Đồng Tháp năm nay tăng điểm ở chỉ số gia nhập thị trường, chi phí thời gian, chi phí không chính thức. Các chỉ số còn lại đều giảm vài điểm phần trăm so với năm ngoái.
“Có nhiều việc cần phải tiếp tục cải cách mạnh mẽ, sáng tạo hơn nữa để xây dựng cộng đồng doanh nghiệp vững mạnh. Những mục tiêu mới vẫn đang còn ở phía trước”, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đã gửi tới doanh nghiệp, doanh nhân những lời này.
Đồng Tháp là tỉnh được cho là khuất nẻo, không có nhiều lợi thế nếu so với nhiều trung tâm kinh tế , nhưng lại là nơi mà “doanh nghiệp sẵn sàng từ chối làm việc với công chức nếu thấy không phù hợp”, là nơi khai sinh mô hình “Cà phê doanh nhân - doanh nghiệp” - mô hình đối thoại, giải quyết vướng mắc giữa doanh nghiệp và chính quyền địa phương bên ngoài văn phòng làm việc đang được cả nước nhân rộng. Vô vàn vướng mắc của doanh nghiệp đã được giải quyết tại bàn cà phê trong khuôn viên UBND Đồng Tháp vào 6h30 - 7h mỗi sáng.
Có lẽ lời cảm ơn của Chủ tịch Đồng Tháp không chỉ bởi các doanh nghiệp vẫn đến bàn cà phê buổi sáng khi có vướng mắc. Chia sẻ với các địa phương trong cuộc đối thoại Cà phê doanh nhân ngay sau Lễ công bố PCI 2016, ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp còn kể, lãnh đạo, cán bộ của tỉnh đã học được rất nhiều từ các doanh nhân.
“Khi trao đổi với doanh nghiệp, chúng tôi học được nhiều về tư duy thị trường và đúc rút, đưa vào điều hành kinh tế địa phương. Chúng tôi xác định, khi các chính sách, cách thức điều hành của địa phương phù hợp với sự vận động của thị trường, thì doanh nghiệp sẽ phát triển, kinh tế địa phương sẽ phát triển”, ông Hùng nói.
Thứ Hai của doanh nghiệp
Đúng 1 năm trước, tháng 3/2016, Chủ tịch UBDN TP. Cần Thơ đã có văn bản đề nghị không xếp lịch họp của cán bộ UBND từ thành phố đến các quận, huyện vào thứ Hai hàng tuần.
“Chúng tôi gọi là Biz Monday, thứ Hai dành cho doanh nghiệp. Lãnh đạo các đơn vị buộc phải có mặt tại trụ sở để tiếp doanh nghiệp. Các vướng mắc sẽ được trao đổi, tìm phương án ngay tại cuộc làm việc. Ngoài ra, hàng tháng, UBND tỉnh có 1 cuộc đối thoại với doanh nghiệp, tổ chức đoàn đến doanh nghiệp để hỏi họ đang vướng gì”, ông Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp (Sở Kế hoạch và Đầu tư Cần Thơ) kể câu chuyện của Cần Thơ.
Ngay tuần trước, ông Liêm kể tiếp, khi đến doanh nghiệp, nghe họ kêu khó kiếm chỗ để đào tạo lao động, UBND TP. Cần Thơ đã quyết định hỗ trợ bằng cách liên hệ với các trung tâm đào tạo nghề ở TP.HCM, mời họ tổ chức lớp tại Cần Thơ…
Kết quả của những nỗ lực này là thứ hạng 11 của Cần Thơ trong Bảng Xếp hạng PCI 2016, tăng 3 bậc so với PCI 2015, bước vào nhóm tỉnh của năng lực điều hành tốt. Đặc biệt, tính năng động của chính quyền địa phương đã được tăng từ 4,32 điểm vào năm ngoái lên 4,68 điểm, cao nhất trong 3 năm trở lại đây.
Ông Nguyễn Hùng Dũng, Giám đốc Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại TP. Cần Thơ tiết lộ, không phải ngay khi UBND TP. Cần Thơ dành cho doanh nghiệp ngày Thứ Hai để trao đổi, đối thoại, thì doanh nghiệp đã đến luôn. “Doanh nghiệp rất ngại vì trước đó không có thói quen tìm đến gặp ngay lãnh đạo dù có nhiều vướng mắc. Chúng tôi đã đi giải thích, để doanh nghiệp tin vào cách làm việc mới. Bây giờ thì doanh nghiệp đã quen tìm đến cửa chính quyền vào mỗi sáng thứ Hai”, ông Dũng nói.
Ông Dũng không nói thẳng, nhưng khi doanh nghiệp đã không ngần ngại đến cửa chính quyền khi gặp vướng mắc, thì chắc chắn họ không chỉ tin vào cách làm mới, mà còn tin vào kết quả của cách làm này. Hơn thế, doanh nghiệp cũng phải thay đổi cách làm, cách nghĩ, phải đủ minh bạch để làm việc với chính quyền địa phương.
Tại PCI 2016, doanh nghiệp đã chấm cho Cần Thơ 6,02 điểm ở tính minh bạch, cao hơn cả điểm của năm 2013, khi Cần Thơ ở vị trí thứ 9.
Cuộc đua ganh của công chức
“Áp lực lắm, nhưng không thể dừng lại được”, một công chức tỉnh Quảng Ninh chia sẻ ngay sau khi Quảng Ninh được công bố lần đầu đoạt ngôi vị Á quân của PCI 2016. Có thể đây là điều mà lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh thực sự muốn nghe từ các công chức của mình sau 2 năm vận dụng mô hình chấm điểm của PCI để làm Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp quận, huyện (DCCI).
Lần đầu, Quảng Ninh thí điểm xếp hạng DCCI với 15 đơn vị. DCCI năm 2016 đã được thực hiện với 29 sở, ngành, quận, huyện. Top 3 Bảng xếp hạng DDCI 2016 thuộc về Cục Thuế, Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Công thương. Ở cấp quận, huyện, Co Tô đứng đầu bảng, vượt xa TP. Hạ Long hay Móng Cái…
“Chúng tôi đang nghiên cứu, có thể làm ở cấp xã, phường. Nhiều người thấy nóng mặt khi thông tin được công bố, nhưng sau đó có thay đổi, vì họ đã tìm đến cơ quan nghiên cứu để hỏi cụ thể xem từng chỉ số thế nào, làm sao để cải thiện”, ông Nguyễn Văn Thành, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh không giấu các tác động của DCCI.
Theo ông Thành, Quảng Ninh làm những việc này xuất phát từ chính các tâm sự, chia sẻ của doanh nghiệp, nhà đầu tư qua các cuộc tiếp xúc, đối thoại. Họ nói họ nghe thấy các nỗ lực, quyết tâm và nhiều sáng kiến của các cấp lãnh đạo, nhưng các sở, ngành mà họ tiếp xúc trực tiếp thì chậm quá.
“Nếu như PCI đã làm nên cuộc đua giữa các tỉnh, làm các tỉnh thấy rõ điểm mạnh, điểm yếu để làm tốt hơn, thì cũng phải có cuộc đua ở cấp cơ sở”, ông Thành tin tưởng vào cách làm của DCCI.
Cùng với nút bấm hài lòng dành cho người dân, doanh nghiệp tại các trung tâm hành chính công, cuộc đua DCCI giữa các sở, ngành, quận huyện ở Quảng Ninh đã làm nên chuyện, khi ngọn lửa cải cách đã được thổi đến từng công chức - những người sát nhất với người dân, doanh nghiệp. Khi từng công chức nhìn thấy công việc phải làm để làm hài lòng doanh nghiệp, thứ hạng sẽ không còn là vấn đề lớn với Quảng Ninh.
Kết quả là, điểm số gia nhập thị trường của Quảng Ninh đang đứng đầu cả nước, với 9,28 điểm. Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp cũng nằm trong các tỉnh có số điểm cao nhất, với 6,26 điểm…