Môi trường kinh doanh Việt tăng 9 bậc trong bảng xếp hạng toàn cầu
20 Tháng 10, 2017
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 9 tháng đầu năm, môi trường đầu tư kinh doanh trong nước tiếp tục được cải thiện, doanh nghiệp thành lập mới tăng cao nhất từ năm 2013 tới nay. Với tiền đề này, dự kiến đến cuối năm, đà tăng trưởng này sẽ tiếp tục được duy trì, GDP năm 2017 ước đạt 6,7%.
Xếp hạng môi trường kinh doanh tiếp tục tăng
Số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2017, cả nước có thêm 93.967 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 902,68 nghìn tỷ đồng, tăng 15,4% về số doanh nghiệp và tăng 43,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016. Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp đạt 9,6 tỷ đồng, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây được xem là mức cao nhất từ năm 2013 trở lại đây.
Về kết quả xếp hạng năng lực cạnh tranh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng thông tin, theo báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu 2017 - 2018 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Việt Nam được xếp hạng thứ 55/137 (tăng 5 bậc, vượt qua Philippines và đứng thứ 6 trong khu vực ASEAN).
Trong khi đó, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu năm 2017, Việt Nam tăng 9 bậc, từ vị trí thứ 91 lên vị trí thứ 82/190 nền kinh tế. Trong đó, chỉ số về mức độ bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư tăng 31 bậc, từ 118 lên 87; chỉ số về thực hiện trách nhiệm nộp thuế tăng 11 bậc, từ 178 lên 167; chỉ số về giao dịch thương mại qua biên giới tăng 15 bậc, từ 108 lên 93. Trong ASEAN, Việt Nam duy trì vị trí thứ 5 trong khu vực ASEAN.
Tuy nhiên, Báo cáo Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016 cũng cho thấy một số quan ngại ở lĩnh vực như tính minh bạch, chi phí không chính thức, thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, thiết chế pháp lý, các vấn đề về tiếp cận đất đai và bình đẳng trong cạnh tranh.
Đà tăng trưởng kinh tế sẽ tiếp tục được duy trì
Đưa ra những dự báo về tình hình kinh tế trong những tháng cuối năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, Việt Nam vẫn tiếp tục được hưởng các tác động tích cực từ tình hình thế giới. Giá dầu đang có dấu hiệu tăng trở lại sẽ tạo động lực giúp cho kim ngạch xuất khẩu dầu thô và các chế phẩm từ dầu của Việt Nam tăng trưởng mạnh trong 3 tháng cuối năm.
Bên cạnh đó, thủ tục hải quan, đặc biệt là cơ chế một cửa đang được xem xét và cố gắng hoàn thiện trong năm nay sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu, từ đó giúp nâng cao giá trị xuất khẩu trong thời gian tới.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, từ nay đến cuối năm vẫn còn một số khó khăn và thách thức từ trong và ngoài nước như tình trạng nhập siêu trở lại để hỗ trợ cho đà tăng trưởng kinh tế, xu hướng tăng lãi suất của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED), khả năng thắt chặt dần chính sách tiền tệ nới lỏng của Ngân hàng trung ương Anh (BoE) và ngân hàng trung ương châu Âu (ECB).
Tuy nhiên, áp lực có thể không quá lớn nhờ thị trường vẫn có "lực đỡ" từ các dòng vốn nước ngoài (FDI, kiều hối…). Việc FED có khả năng nâng lãi suất thêm một lần nữa trong năm 2017 có thể không tác động mạnh đến thị trường tài chính, tiền tệ Việt Nam như những năm trước do động thái này đã được thị trường kỳ vọng và “định giá” từ trước.
“Nhìn chung năm 2017, khu vực thương mại quốc tế của Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng tốt. Những yếu tố nội tại của nền kinh tế, sự phát triển của khu sản xuất trong nước, thể hiện qua giá trị nhập khẩu máy móc, nguyên phụ liệu cao trong những tháng vừa qua cũng là tín hiệu đáng mừng cho giá trị xuất khẩu trong thời gian tới”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định.
Ngoài ra, chu kì kinh tế vào những tháng cuối năm cũng là thời điểm các doanh nghiệp gấp rút sản xuất phục vụ cho nhu cầu Tết, do đó kim ngạch xuất nhập khẩu cũng được dự báo tăng tốt trong những tháng cuối năm.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự kiến đến cuối năm, đà tăng trưởng này sẽ tiếp tục được duy trì, GDP năm 2017 ước đạt 6,7% do những yếu tố như kinh tế thế giới khả quan, cải thiện về môi trường đầu tư, triển vọng hội nhập kinh tế quốc tế và sự cải thiện của cả 3 khu vực sản xuất chính gồm: Giá trị sản xuất ngành công nghiệp chế biến chế tạo sẽ được cải thiện trong những tháng cuối năm; các biện pháp quyết liệt từ Chính phủ nhằm kích thích tăng trưởng sẽ giúp tháo gỡ khó khăn và cải thiện năng lực của khu vực sản xuất trong quý còn lại của năm; các điều kiện kinh doanh tiếp tục cải thiện trong lĩnh vực sản xuất.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhận định, xu hướng lạm phát các tháng cuối năm còn nhiều thách thức khi giá dầu thế giới diễn biến phức tạp không ổn định. Chỉ số CPI bình quân đã tiệm cận mức trần là 4%, nên dư địa để điều hành lạm phát là không còn nhiều.
Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng 9 tháng đạt 11,02%, so với mục tiêu 21% thì còn khoảng 10% tăng trưởng nữa trong 3 tháng cuối năm (tương đương bình quân mỗi tháng tăng 3%). Điều này có thể gây sức ép lên lạm phát, vượt quá khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế và có nguy cơ gây tăng trưởng bong bóng ở một số lĩnh vực, nhất là bất động sản, ảnh hưởng rất lớn đến tính ổn định, bền vững của kinh tế vĩ mô.
Trước tình hình trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, trong các tháng cuối năm, công tác điều hành tín dụng cần tập trung định hướng tăng trưởng mức hợp lý. Công tác quản lý giá, bình ổn giá cần tiếp tục tăng cường nhằm kiểm soát lạm phát, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế đề ra. Bên cạnh đó, cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của chỉ số CPI để có sự điều chỉnh kịp thời.
Minh Ngọc