The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Một bộ thủ tục, một cổng thông tin duy nhất, được không?

Việc các sở ngành, các địa phương tự rà soát, chuẩn hóa, công bố đủ các loại bộ thủ tục hành chính đang bộc lộ nhiều bất cập.

Chưa có thống kê nào cho thấy lượng công việc này chiếm bao nhiêu thời gian, chi phí của các sở, ngành, địa phương nhưng chỉ ước tính cũng có thể thấy con số là không nhỏ, trong khi hiệu quả chưa được đánh giá cụ thể.

Người dân làm thủ tục tại Trung tâm hành chính công tỉnh Đồng Nai.

Phải chăng việc các sở, ngành, địa phương rà soát, rồi chuẩn hóa, từ đó công bố công khai các thủ tục – trên cơ sở các quy định của Trung ương - là để phù hợp với tình hình thực tế của từng nơi? Rồi thông qua hoạt động này, phát hiện những bất cập để kiến nghị sửa đổi, bổ sung?

Thế nhưng trên thực tế, việc này đang gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. “Cùng một việc mà nhiều bộ thủ tục như thế thì người dân, doanh nghiệp biết tra cứu bộ thủ tục nào? Không lẽ tỉnh này khác tỉnh kia về thủ tục hành chính?”, bà Trần Thanh Quỳnh, Công ty TNHH phát triển đầu tư JAVIA đặt vấn đề.

Luật sư Trần Thanh Huyền (Văn phòng Luật sư NHQuang và Cộng sự) thì chia sẻ: “Chúng tôi sợ nhất các điều kiện tự các địa phương đặt ra vì với một bộ hồ sơ đã được chấp thuận ở địa phương này rồi nhưng có thể lại không được chấp nhận ở địa phương khác. Với tình huống này, chúng tôi rất khó giải thích cho các nhà đầu tư”.

Vậy liệu chúng ta có thể xây dựng một bộ thủ tục hành chính với một cổng công bố thủ tục hành chính duy nhất áp dụng cho cả nước được không?

Sẽ có không ít người nói là không được vì những “đặc thù” rất khác nhau của các địa phương, cơ quan. Chuyện này cũng giống như khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Cổng Thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, có rất nhiều ý kiến phản đối với đủ lý do. Trong đó có không ít những lý do chính đáng như một số tính năng của Cổng thông tin duy nhất này không ưu việt bằng tính năng tại các Cổng thông tin của địa phương.

Thế nhưng trên thực tế, gần 150 triệu lượt truy cập cho tới nay đã phần nào chứng minh tính ưu việt trong hoạt động của Cổng Thông tin nói trên. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trong hơn 10 năm qua cũng ghi nhận sự tăng điểm liên tục đối với lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp, một phần nhờ việc vận hành Cổng Thông tin này.

Nếu Bộ Kế hoạch và Đầu không quyết tâm làm bằng được và không có sự phối hợp có hiệu quả của Bộ Tài chính, các cơ quan, các địa phương và sự hậu thuẫn của Chính phủ, thì hẳn cho tới nay, vẫn tình trạng mỗi địa phương một phần mềm, mỗi địa phương công bố một bộ thủ tục liên quan đến lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp.

Cũng có người cho rằng, thủ tục đăng ký kinh doanh rõ ràng, minh bạch, độc lập, tự làm, tự chịu trách nhiện thì mới làm được như vậy, những lĩnh vực khác sẽ rất khó vì liên quan “chằng chịt” trên dưới, trong ngoài, nhiều cơ quan tham gia vào quá trình thực hiện thủ tục mới ra được kết quả.

Ý kiến này có phần đúng nhưng chưa đủ. Bởi càng nhiều cơ quan liên quan lại càng cần một bộ thủ tục hành chính duy nhất quy định rõ trách nhiệm, công việc, hồ sơ, thời gian giải quyết thủ tục hành chính… của từng cơ quan. Người dân, doanh nghiệp cần sẽ tự tra cứu và tuân thủ, không “xé lẻ” theo từng cơ quan như cách làm lâu nay.

Ví dụ, hiện nay, một doanh nghiệp muốn mở cây xăng thì họ phải tra cứu quy hoạch được Sở Công Thương công bố, nếu tự thấy phù hợp thì liên hệ với Sở Công Thương để Sở cho ý kiến, sau khi có ý kiến nhất trí thì doanh nghiệp tiếp tục xin ý kiến các cơ quan khác có liên quan như Công an, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ. Nhiều doanh nghiệp phản ánh không biết phải đi bao nhiêu nơi, làm bao nhiêu bộ hồ sơ, mất bao nhiêu thời gian thì mới có thể hoàn thành thủ tục.

Cuối tháng 9/2017, Bộ Công Thương được Thủ tướng khen, được cộng đồng doanh nghiệp hưởng ứng, kỳ vọng vì đã lên phương án cắt giảm đến 675 điều kiện kinh doanh. Thời gian tới chắc nhiều bộ, ngành khác cũng không thể khoanh tay đứng nhìn. Đương nhiên, cùng với việc cắt giảm điều kiện, thủ tục thì các bộ thủ tục hành chính phải được làm lại, phê duyệt lại, công bố lại. Nếu chúng ta vẫn duy trì cách làm như hiện nay thì có nghĩa là 63 tỉnh, thành cũng sẽ phải cùng sửa đổi, phê duyệt lại hàng loạt các bộ thủ tục.

Hơn thế nữa thời gian tới, với chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, việc cắt giảm sẽ là thường xuyên, liên tục, do vậy, không có gì đảm bảo là các địa phương sẽ theo kịp tiến độ, tình hình. Thực tế cho thấy không ít địa phương vẫn sử dụng những bộ thủ tục đã hết “đát”, vẫn căn cứ vào các quy phạm pháp luật hết hiệu lực, lí do đơn giản mà người viết từng nghe ở nhiều nơi là “luật pháp thay đổi nhiều quá, nhanh quá, trong khi nguồn nhân lực lại có hạn nên tất yếu là không thể sửa đổi, bổ sung kịp”.

Cùng với những giải pháp đồng bộ mà Chính phủ đang triển khai để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc doanh nghiệp, thiết nghĩ rất cần một bộ thủ tục hành chính duy nhất, công bố ở một cổng thông tin duy nhất, đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ, minh bạch, chuẩn mực, giúp giảm chi phí tuân thủ pháp luật ở mức thấp nhất nhưng hiệu quả thực thi pháp luật đạt được cao nhất.

Lê Xuân Hiền

Báo Chính Phủ