The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Một loại bánh có 12 nguyên liệu phải xin 13 giấy phép

Nghị định 38 hướng dẫn thực hiện Luật An toàn thực phẩm đang có thủ tục công bố phù hợp an toàn thực phẩm bị coi là trái luật và cản trở hoạt động của doanh nghiệp.

Tại cuộc gặp giữa đại diện các Hiệp hội như Chè, ca cao, thủy sản, sữa, Phòng Công nghiệp và thương mại VN (VCCI) với đại diện Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) và các cơ quan hữu quan chiều nay 30-6, đại diện các Hiệp hội đều đề nghị sớm bãi bỏ quy định này.
Theo một khảo sát gần đây được công bố tại cuộc gặp, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đang bị kêu vì có nhiều yêu cầu ngoài luật.
Một gói bánh xin 13 giấy phép
Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư, cho hay thủ tục công bố phù hợp an toàn thực phẩm theo Nghị định 38 mất thời gian 1,5 tháng, nhưng thực tế thời gian kéo dài hơn và nhiều trường hợp lên tới 3-6 tháng.
Lý do, theo ông Cung, là thủ tục quá nhiều, nội dung hồ sơ không rõ ràng nên cơ quan quản lý có thể tùy tiện cho phù hợp cũng được, không cho cũng được. Mỗi một lần yêu cầu doanh nghiệp sửa thì quy trình lại phải làm từ đầu, gây tốn kém về thời gian, tiền bạc của doanh nghiệp.
Trong khi đó, ông Đậu Anh Tuấn, trưởng Ban Pháp chế VCCI, cũng cho rằng Nghị định 38 có yêu cầu cấp giấy xác nhận công bố phù hợp an toàn thực phẩm, trong khi quy định này không có trong Luật An toàn thực phẩm và Luật Tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật.
“Có doanh nghiệp phàn nàn với chúng tôi họ sản xuất loại bánh có 12 thứ nguyên liệu thì phải xin 12 giấy phép, giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm cho thành phẩm nữa là 13 giấy phép. Nếu thay đổi một chi tiết nhỏ trong thành phần nguyên liệu dù cùng nhà cung cấp thì vẫn phải làm lại thủ tục, rất tốn kém cho doanh nghiệp”, ông Tuấn cho hay.
Ông Tuấn cũng cho rằng yêu cầu quản lý là cần thiết, nhưng nếu trái luật là phải thay đổi. Đồng thời cho rằng phải thay đổi cái tâm của cơ quan quản lý. “Cơ quan soạn thảo chính sách lại thực hiện luôn chính sách, nên họ soạn thảo chính sách dễ cho họ thực hiện và có lợi hơn với họ”- ông Tuấn nói.
Tập trung nhiều nhân lực chỉ để quản lý 1%
Theo thống kê của các chuyên gia tại cuộc gặp, quy định công bố phù hợp an toàn thực phẩm là trái luật và cơ quan phải chịu trách nhiệm là Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế.
Đại diện Hiệp hội thương mại Hoa Kỳ tại VN (AmCham) than phiền rằng quy định này không phù hợp thực tiễn và không có hiệu quả trong quản lý an toàn thực phẩm.
“Có đến 99% vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra ở các bếp ăn tập thể, nhà hàng, thức ăn đường phố…, chỉ có 1% liên quan đến thực phẩm bao gói sẵn. Trong khi đó, cơ quan quản lý đã tập trung nhiều nhân lực chỉ để quản lý 1% này và cũng chỉ quản lý trên hồ sơ”, vị đại diện này cho hay.
Đại diện của Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu tại VN cũng than phiền yêu cầu công bố phù hợp an toàn thực phẩm mâu thuẫn với hai luật hiện hành mà không đem lại giá trị thực tiễn nên đề nghị bãi bỏ.
Mặt khác quy định doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm với công bố của mình, Cục An toàn thực phẩm chỉ xem xét hồ sơ, nhưng việc “tự công bố” đã bị Cục An toàn thực phẩm biến thành cấp phép nhưng lại không chịu trách nhiệm về sản phẩm!
Trả lời cộng đồng doanh nghiệp, đại diện Cục An toàn thực phẩm cho rằng hiện Cục đã nhận hồ sơ công bố phù hợp an toàn thực phẩm qua mạng, doanh nghiệp chỉ việc gửi hồ sơ qua mạng không tốn nhiều thời gian. Nhưng doanh nghiệp không đồng thuận với giải thích này, vì cho rằng mỗi lần nộp hồ sơ, các chuyên viên của Cục lại yêu cầu bổ sung, nhưng không theo nguyên tắc mà theo cảm tính.
“Ở Đông Nam Á, các nước Singapore, Thái Lan, Malaysia đều đã quản lý nguyên liệu đầu vào và tập trung vào hậu kiểm, không tiền kiểm và hiệu quả thấp như VN”, một đại diện doanh nghiệp phàn nàn.
Trả lời Tuổi Trẻ gần đây, đại diện Cục An toàn thực phẩm cũng cho biết với trình độ quản lý của VN thì nên thực hiện song song tiền kiểm và hậu kiểm. Vị này cũng cho rằng cơ quan này không làm trái luật.
Tuy nhiên theo các chuyên gia, đầu tháng 5 vừa qua, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ Y tế cũng đã có cuộc đối thoại với doanh nghiệp. Tại cuộc đối thoại, Bộ Y tế đã cam kết sớm sửa đổi yêu cầu xác nhận công bố phù hợp an toàn thực phẩm theo hướng thuận lợi hơn với doanh nghiệp.
“Tuy nhiên đến nay Bộ Y tế vẫn chưa sửa và chúng tôi nhận thấy Bộ vi phạm “kỷ luật hành chính” vì không thực hiện cam kết này”- đại diện doanh nghiệp chất vấn Bộ Y tế.

Lan Anh

Báo Tuổi trẻ