The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Một số giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2015 - 2030

Tuy nhiên, theo bảng xếp hạng chỉ số PCI năm 2014, PCI của Lạng Sơn chỉ có 55,05 điểm, đứng thứ 54/63 tỉnh, thành phố và ở mức tương đối thấp, ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế và môi trường đầu tư của tỉnh. Để khắc phục tình trạng trên, tỉnh Lạng Sơn đã thực hiện một số giải pháp nhằm chung tay cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh trên địa bàn tỉnh, đáp ứng được những yêu cầu phát triển trong thời gian tới:

Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền và đội ngũ cán bộ, công chức trong xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, nâng cao chỉ số PCI của tỉnh

Xây dựng và nâng cao về nhận thức, trách nhiệm và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, các cơ quan đơn vị; đảm bảo tiêu chuẩn về trình độ, năng lực phẩm chất, nắm vững các quy định của pháp luật thuộc lĩnh vực phụ trách, đặc biệt là các quy định, quy trình, thủ tục giải quyết công việc để vận dụng sáng tạo, linh hoạt vào điều kiện thực tế của địa phương, đơn vị; chủ động đề xuất các cơ chế, chính sách và giải pháp tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi trên địa bàn.

Đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức theo hướng phù hợp với các đối tượng đào tạo, bồi dưỡng; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về kinh tế đối với đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp; thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức làm việc tại bộ phận một cửa, một cửa liên thông, cán bộ theo dõi lĩnh vực đầu tư, cấp các loại giấy phép, cán bộ tiếp xúc thường xuyên với doanh nghiệp, tổ chức và công dân.

Tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong giải quyết các yêu cầu, kiến nghị của doanh nghiệp; định kỳ 6 tháng, hàng năm tổ chức gặp gỡ, trao đổi và giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của doanh nghiệp.

Hai là, đẩy mạnh cải cách hành chính gắn công khai, minh bạch hóa thông tin cho doanh nghiệp

Triển khai thực hiện có hiệu quả các quy trình thủ tục hành chính đã ban hành; nâng cao năng lực quản lý, điều hành và cung cấp dịch vụ hành chính công của chính quyền các cấp. Rà soát, cải tiến bộ thủ tục hành chính phù hợp theo từng lĩnh vực cụ thể theo hướng đơn giản hóa; rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục về đất đai cho các tổ chức, doanh nghiệp, đi đôi với bác bỏ các thủ tục không cần thiết trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Giảm số lượng các loại giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện và các quyết định chấp thuận đối với doanh nghiệp.

Các cấp, các ngành bố trí địa điểm làm việc thuận lợi, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và áp dụng công nghệ thông tin để kịp thời giải quyết công việc của các tổ chức, doanh nghiệp; lựa chọn, bố trí cán bộ trong biên chế, có trình độ về chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, có năng lực công tác và phẩm chất đạo đức làm việc tại bộ phận một cửa, một cửa liên thông. Tăng cường công tác giáo dục, kiểm tra, giám sát cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết các thủ tục hành chính ở các cấp, các ngành, đặc biệt là ở cấp cơ sở, tạo cơ chế để tổ chức, doanh nghiệp phản ánh các hành vi tiêu cực, tham nhũng của cán bộ công chức; đồng thời, làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu và sử lý nghiêm những trường hợp tự ý đặt ra các khoản thu, điều kiện ràng buộc ngoài quy định, các thủ tục gây khó khăn, phiền hà, hoặc có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực khi giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, doanh nghiệp. Có cơ chế xem xét thay thế một số lãnh đạo là thủ trưởng sở, ban, ngành, huyện, thành, thị năng lực lãnh đạo yếu, có biểu hiện trì trệ, dung túng cho cấp dưới cố tình vi phạm các quy định về cải cách thủ tục hành chính.

Công khai, minh bạch hóa thông tin cho tổ chức, doanh nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp tiếp cận thông tin để hiểu rõ hơn các chiến lược, định hướng và kế hoạch đầu tư phát triển của tỉnh; công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, các quy hoạch ngành, lĩnh vực, các dự án, danh mục kêu gọi đầu tư; công khai, minh bạch các chính sách ưu đãi đầu tư, khoản phí, lệ phí...; tạo sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong việc tiếp cận và áp dụng các chính sách ưu đãi đầu tư trên địa bàn tỉnh. Sử dụng hiệu quả các website chuyên ngành về tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật.

Ba là, nâng cao chất lượng và khả năng cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp

Thực hiện đối xử bình đẳng, công bằng giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế trong tiếp cận các dịch vụ sản xuất, kinh doanh, các chính sách, chương trình hỗ trợ của địa phương.

Đảm bảo khả năng cung cấp ổn định và nâng cao chất lượng các dịch vụ điện, nước, viễn thông, tín dụng, ngân hàng... phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Tăng cường chất lượng và hỗ trợ cho các tổ chức, doanh nghiệp về dịch vụ cung cấp thông tin thị trường, tìm kiếm đối tác, xúc tiến đầu tư thương mại thông qua các chương trình xúc tiến đầu tư thương mại, tham gia hội chợ, triển lãm, các ấn phẩm cung cấp thông tin cần thiết cho doanh nghiệp. Thực hiện tốt việc cung cấp và chuyển giao các dịch vụ khoa học, công nghệ; hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xây dựng thương hiệu, sở hữu công nghiệp, trí tuệ, quảng bá sản phẩm, đào tạo kiến thức cơ bản về công nghệ thông tin, truyền thông, dịch vụ trực tuyến, xây dựng website, khai thác mạng thông tin và internet...

Phát huy vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp, các hội ngành nghề trong hỗ trợ, liên kết sản xuất kinh doanh, thực hiện dự án đầu tư.

Bốn là, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách thu hút đầu tư của tỉnh

Tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật do Trung ương ban hành phù hợp với điều kiện cụ thể của tỉnh. Thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật chưa phù hợp, hủy bỏ các văn bản không còn hiệu lực, chú trọng văn bản, thể chế để thu hút đầu tư, xây dựng khu, cụm công nghiệp, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ các thành phần kinh tế phát triển, các nội dung phân cấp ủy quyền cho các ngành, địa phương... tạo hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đồng bộ phục vụ công tác quản lý, điều hành kinh tế ngày càng tốt hơn.

Tạo điều kiện trong việc tiếp cận và áp dụng các chính sách ưu đãi đầu tư đảm bảo bình đẳng giữa các doanh nghiệp, nhất là các ưu đãi về đất đai. Tổ chức thực hiện tốt công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư tạo mọi điều kiện giúp nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án.

Cụ thể hóa các trình tự, thủ tục tố tụng, khiếu nại, tố cáo và thời gian giải quyết các vụ việc của các tổ chức, doanh nghiệp đảm bảo nhanh chóng, công bằng, hợp lý, đúng quy định của pháp luật; hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp trong việc lập thủ tục hồ sơ khiếu nại, tranh chấp. Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động đối với hệ thống cơ quan tư pháp trong tỉnh bảo đảm các thiết chế pháp lý được thực thi đúng quy định, khách quan, công tâm, tạo thói quen sử dụng các thiết chế pháp lý để giải quyết các tranh chấp liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Khuyến khích các hiệp hội doanh nghiệp, các hội ngành nghề, các tổ chức, doanh nghiệp nghiên cứu, tìm hiểu các cơ chế, chính sách về kinh tế của Nhà nước và của tỉnh; đồng thời, tham gia đóng góp xây dựng cơ chế, chính sách phát triển doanh nghiệp theo quy định pháp luật và phù hợp điều kiện thực tế ở địa phương, đề xuất các vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp với cơ quan nhà nước.

Năm là, chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp

Củng cố và phát triển mạng lưới đào tạo nghề trên địa bàn; tăng cường huy động nguồn lực, đầu tư phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là các cơ sở đào tạo nghề trọng điểm, các ngành nghề có nhu cầu sử dụng lao động cao.

Khảo sát đánh giá nguồn lao động và nhu cầu sử dụng lao động của tỉnh để có kế hoạch đào tạo phù hợp với yêu cầu; chú trọng đào tạo có địa chỉ, theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp.

Xây dựng và thực hiện tốt các cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội hóa về đào tạo nghề, giáo dục và hỗ trợ các trung tâm dạy nghề nhằm nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp và xã hội.

Tăng cường tổ chức sàn giao dịch, giới thiệu việc làm tại tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng lao động và người có nhu cầu việc làm tiếp cận giao dịch. Thường xuyên thông báo công khai kết quả, chất lượng, ngành nghề, loại hình, số lượng lao động ở địa phương được đào tạo trên các phương tiện thông tin đại chúng để doanh nghiệp biết tuyển dụng.

Sáu là, huy động nguồn lực đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội trọng điểm

Sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư từ ngân sách tỉnh gắn với tranh thủ sự hỗ trợ giúp đỡ của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương để đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ (giao thông, điện, viễn thông, cấp thoát nước, công trình công cộng, hạ tầng phụ trợ khu, cụm công nghiệp...) theo quy hoạch của tỉnh.

Đẩy mạnh lồng ghép các nguồn lực đầu tư; chú trọng đầu tư các công trình trọng điểm, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vào đầu tư. Xây dựng cơ chế khuyến khích thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước có năng lực và kinh nghiệm đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Bảy là, tăng cường và nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh

Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền cho các doanh nghiệp cơ chế chính sách của tỉnh; thực hiện nghiêm túc các cam kết đối với doanh nghiệp, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ, công tác giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng.

Nâng cao năng lực thẩm định dự án và thẩm định năng lực của nhà đầu tư; quy định danh mục dự án, các loại công nghệ đầu tư trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; tập trung chỉ đạo quyết liệt thực hiện quy định nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư; dành quỹ đất sạch thu hút các dự án theo danh mục, quản lý chặt chẽ các ngành đầu tư, doanh nghiệp trong quá trình sử dụng đất, đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật.

Tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong giải quyết các thủ tục đầu tư, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải quyết các kiến nghị, khiếu nại, tranh chấp của tổ chức, doanh nghiệp.

Xây dựng quy chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm tra, thanh tra trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra các tổ chức, doanh nghiệp, đảm bảo không chồng chéo, giảm số lần thanh tra, kiểm tra nhưng vẫn đúng quy định của pháp luật.

Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân trong việc tham gia giám sát hoạt động của các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý Nhà nước theo quy định của pháp luật.

Hà Minh Thảo Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ tỉnh Lạng Sơn

Theo tạp chí dân chủ và pháp luật ngày 03/11/2015