The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Một số kết quả trong việc thực hiện chương trình hành động của Tỉnh ủy Bình Định về cải cách hành chính

Cải cách hành chính là một nhiệm vụ quan trọng của Đảng và Nhà nước ta trong giai đoạn hiện nay với nội dung trọng tâm trong giai đoạn 10 năm tới là: “Cải cách thể chế; xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, chú trọng cải cách chính sách tiền lương nhằm tạo động lực thực sự để cán bộ, công chức, viên chức thực thi công vụ có chất lượng và hiệu quả cao; nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính và chất lượng dịch vụ công”.
Xuất phát từ tầm quan trọng của công tác cải cách hành chính, ngày 24/8/2011 Tỉnh ủy Bình Định đã ban hành Chương trình hành động số 06-CTr/TU về thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVIII Đảng bộ tỉnh về Cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính tỉnh giai đoạn 2011–2015. Nội dung của Chương trình là các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể cần bám sát các mục tiêu và 07 nhóm giải pháp của Chương trình hành động chỉ đạo, ban hành kế hoạch triển khai thực hiện và tổ chức thông tin tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về chủ trương cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính của tỉnh Bình Định giai đoạn 2011–2015. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện như đề ra các giải pháp chỉ đạo, điều hành nhằm nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; ban hành các quy định và Bộ chỉ số đánh giá kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính để làm cơ sở đánh giá kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính hàng năm.
Quán triệt Chương trình hành động số 06-CTr/TU của Tỉnh ủy Bình Định, qua nửa nhiệm kỳ thực hiện, các cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể trên địa bàn tỉnh đã tập trung chỉ đạo, lãnh đạo việc thực hiện công tác cải cách hành chính bằng các phương thức phù hợp với điều kiện đặc thù của từng cơ quan, đơn vị như: sắp xếp tổ chức bộ máy; cải cách thể chế; xây dựng và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức từ tỉnh đến cơ sở; đổi mới và nâng cao công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành; chấn chỉnh công tác quản lý và sử dụng tài chính công; hiện đại hóa nền hành chính quốc gia…Bước đầu công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh đã đạt được kết quả và có sự chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực trọng tâm, trong đó có lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính và công tác xây dựng, ban hành, rà soát và hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật.
Về công tác cải cách thủ tục hành chính, các ngành, các cấp đã tăng cường công tác kiểm soát thủ tục hành chính. Qua đó đã đóng góp tích cực cho việc cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản hóa các thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu công khai, minh bạch tại cơ quan hành chính các cấp trên địa bàn tỉnh. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cải cách thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực bức xúc; tăng cường công tác phối hợp trong việc tiếp nhận, xử lý, phản ảnh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về các quy định hành chính. Đẩy mạnh công tác truyền thông hỗ trợ cho việc kiểm soát thủ tục hành chính và triển khai các hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính hàng năm trên cơ sở các quy định của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về công tác rà soát, kiểm soát, niêm yết công khai thủ tục hành chính. Do đó đến nay, việc thiết lập, kiện toàn tổ đầu mối kiểm soát thủ tục hành chính đã được hầu hết các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh nghiêm túc thực hiện. Kết quả thực hiện Chương trình, đã tiến hành công bố lại 18/18 Bộ thủ tục hành chính của các sở, ban, ngành; ban hành mới, sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ 1.160 thủ tục hành chính cấp tỉnh; 199 thủ tục hành chính cấp huyện, 128 thủ tục hành chính cấp xã. Thông qua kết quả thực hiện tiến hành việc cập nhật Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính; thực hiện việc niêm yết công khai, đầy đủ các thủ tục hành chính và địa chỉ tiếp nhận, xử lý phản ảnh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân trên Cổng thông tin điện tử và bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của các cơ quan, đơn vị theo đúng quy định của pháp luật.
Nhằm thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính, mô hình cơ chế một cửa, một cửa liên thông cũng được các ngành, các cấp thực hiện nghiêm túc. Nhiều cơ quan, đơn vị đã thống nhất mô hình bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa để nâng cao chất lượng giải quyết các yêu cầu của công dân. Kết quả trên 10/20 cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, 11/11 Ủy ban nhân dân cấp huyện và 145/159 Ủy ban nhân dân cấp xã đã triển khai thực hiện, bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực, giảm bớt phiền hà cho công dân, tổ chức khi có các yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính. Hiện nay, một số cơ quan, đơn vị đã triển khai thực hiện việc giải quyết thủ tục hành chính theo mô hình “Một cửa điện tử” với việc ứng dụng công nghệ thông tin đã giúp cho tổ chức, cá nhân thuận tiện trong việc nộp hồ sơ, làm thủ tục và theo dõi quá trình giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả qua Cổng/Trang thông tin điện tử của đơn vị.
Qua kết quả thực hiện cho thấy, mặc dù còn có một số hạn chế, tồn tại cần tiếp tục khắc phục nhưng những đổi mới trong công tác cải cách thủ tục hành chính bằng phương thức một cửa, một cửa liên thông đã được xã hội, người dân và doanh nghiệp đồng thuận, đánh giá cao và mong muốn tiếp tục đẩy mạnh và thực hiện triệt để hơn nữa. Việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông đã góp phần tăng cường năng lực của cán bộ, công chức và cơ quan nhà nước. Nhiều cơ quan, đơn vị đã công khai niêm yết đầy đủ danh mục thủ tục hành chính, hòm thư góp ý, số điện thoại cần phản ảnh, kiến nghị tại Bộ phận một cửa. Trên cơ sở đó từng bước hình thành kỹ năng, nghiệp vụ hành chính cũng như tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức tại các cơ quan hành chính trên địa bàn của tỉnh tốt hơn. Do đó cần tiếp tục nâng cao năng lực hoạt động của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, thường xuyên tổ chức đánh giá sự hài lòng của tổ chức công dân đối với dịch vụ hành chính công để nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức để từng bước nâng cao hiệu quả thực chất của cơ chế một cửa, một cửa liên thông trên địa bàn tỉnh.
Về công tác xây dựng và ban hành các thể chế, chính sách đã có nhiều đổi mới về quy trình xây dựng. Qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành 87 văn bản quy phạm pháp luật gồm 47 Nghị quyết của Hội đồng nhân dân, 40 Quyết định của Ủy ban nhân dân. Công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong thời gian qua đã chú trọng đến yêu cầu gắn việc ban hành thể chế, chính sách với việc tổ chức thực hiện để cụ thể hóa các chính sách của Trung ương phân cấp cho địa phương phù hợp với điều kiện đặc thù của tỉnh. Quy trình xây dựng và ban hành văn bản có nhiều cải tiến như việc ban hành phải bám sát nội dung, tiến độ và yêu cầu của Chương trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh đã đề ra; phân định rõ trách nhiệm của cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp, cơ quan thẩm định gắn với việc triển khai lấy ý kiến của các ngành, các cấp, đối tượng tác động của văn bản nhằm đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất và đồng bộ của văn bản dự kiến ban hành. Đặc biệt, việc đánh giá tác động của văn bản về tính khả thi, về thủ tục hành chính đã được cơ quan Tư pháp chú trọng. Vì vậy các văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành trong thời gian qua đều đảm bảo được các tiêu chí này, phục vụ tốt cho việc phát triển kinh tế - xã hội của đia phương. Các lĩnh vực được quan tâm, tập trung trong thời gian qua là các thể chế, chính sách về thu hút đầu tư, xây dựng khu công nghiệp, phát triển cơ sở hạ tầng, chính sách về bồi thường, tái định cư nhằm hỗ trợ các thành phần kinh tế phát triển cũng như phân cấp cho các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân cấp huyện phát huy tính chủ động, sáng tạo trong quá trình tổ chức thực hiện.
Cùng với công tác xây dựng, ban hành thể chế việc kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh được tiến hành thường xuyên. Thông qua công tác này nhằm phát hiện và có biện pháp xử lý kịp thời, phù hợp theo quy định của pháp luật nhằm sửa đổi, bổ sung thay thế các thể chế, chính sách của tỉnh đã ban hành để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật giữa địa phương với Trung ương. Công tác tự kiểm tra, kiểm tra văn bản được tăng cường. Trong 02 năm (2011 và 2012) đã tiến hành tự kiểm tra 115 văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành và kiểm tra 114 văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành. Kết quả kiểm tra đã phát hiện và xử lý kịp thời các văn bản có dấu hiệu trái pháp luật.
Nhìn chung, qua hai năm thực hiện Chương trình hành động số 06-CTr/TU của Tỉnh ủy Bình Định về cải cách hành chính, các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh đã triển khai đồng bộ theo các giải pháp mà Chương trình hành động đã đề ra. Nhận thức về tầm quan trọng, yêu cầu của công tác cải cách hành chính nhà nước trong các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể được nâng lên, có nhiều chuyển biến tích cực. Kết quả cải cách hành chính thông qua việc thực hiện các giải pháp của Chương trình hành động đã góp phần tích cực cho việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ổn định chính trị và trật tự an toàn trên địa bàn tỉnh. Điều này đã được thể hiện qua kết quả đánh giá về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2012 Bình Định được xếp thứ 4/63 tỉnh, thành phố, tăng 34 bậc so với năm 2011 thuộc nhóm Tốt trong bảng xếp hạng và kết quả đánh giá Chỉ số quản trị hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2012 được xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố, tăng 8 bậc so với năm 2011 được xếp vào nhóm tỉnh có thứ hạng cao của cả nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác cải cách thủ tục hành chính trong trên địa bàn tỉnh hơn 2 năm qua còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Đó là: Việc xây dựng và triển khai một số đề án, dự án kế hoạch nhằm thực hiện cải cách hành chính của một số nội dung ở một số cơ quan, đơn vị chưa thực hiện theo đúng tiến độ đề ra; công tác chỉ đạo, điều hành về cải cách thủ tục hành chính tại một số cơ quan, đơn vị chưa tốt; chất lượng ban hành các thể chế, chính sách trong một số trường hợp đạt chất lượng, hiệu quả chưa cao, chưa phù hợp với thực tiễn; việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ một số cơ quan còn chồng chéo, trùng lắp; sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương trong việc giải quyết công việc, nhất là giải quyết các thủ tục hành chính cho tổ chức, công dân chưa đạt hiệu quả như yêu cầu đã đề ra.
Để thực hiện tốt các nội dung mà Chương trình hành động số 06-CTr/TU đã đề ra nhằm đáp ứng mục tiêu cải cách hành chính, Tỉnh ủy Bình Định đã đề ra các giải pháp các ngành, các cấp cần phải thực hiện trong thời gian đến là:
Thứ nhất: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền cải cách hành chính; tiếp tục mở rộng dân chủ, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức, đoàn thể, nhân dân tham gia giám sát, kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính bằng các phương thức phù hợp với đặc thù của từng cơ quan, đơn vị.
Thứ hai: Nâng cao chất lượng thực hiện công tác cải cách hành chính gắn với việc xây dựng và ban hành các thể chế, chính sách phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và yêu cầu của công tác quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh nhằm cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ cải cách hành chính nhà nước của các ngành, các cấp.
Thứ ba: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, đẩy mạnh công tác giám sát, kiểm tra của Hội đồng nhân dân các cấp, nhất là tăng cường trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện công tác cải cách hành chính, trong tâm là cải cách thủ tục hành chính.
Thứ tư: Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; lấy kết quả việc triển khai, thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính làm cơ sở đánh giá, sử dụng, đề bạt và khen thưởng cán bộ, công chức, viên chức.
Thứ năm: Tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Thứ sáu: Bảo đảm kinh phí thực hiện công tác cải cách hành chính.
Với những giải pháp phù hợp như trên, tin tưởng rằng công tác cải cách thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh Bình Định đạt được mục tiêu của cải cách thủ tục hành chính như Đề án số 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 của Chính phủ và Chương trình hành động số 06-CTr/TU ngày 24/8/2011 của Tỉnh ủy Bình Định đã đề ra.
Lê Kim Chinh