The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Nam Định: Gia tăng giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh

Năm 2021, tỉnh Nam Định đạt nhiều chuyển biến tích cực trong cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (chỉ số PCI, đánh giá mức độ thuận lợi của môi trường kinh doanh cho khối khu vực tư nhân). Đáng kể, so với năm trước một số chỉ số thành phần quan trọng của PCI 2020 tăng hạng như chỉ số Tiếp cận đất đai tăng 21 bậc, chỉ số Cạnh tranh bình đẳng tăng 20 bậc, chỉ số Chi phí không chính thức tăng 4 bậc, chỉ số Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự tăng 4 bậc. Tình hình thu hút đầu tư năm 2021 của tỉnh vẫn đạt được kết quả khá, tăng cả về số dự án và số vốn đăng ký đầu tư, trong đó có một số dự án đầu tư lớn như: nhóm dự án do Tập đoàn Xuân Thiện là chủ đầu tư tại khu vực Cồn Xanh, dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp Mỹ Thuận. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, chất lượng môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế.
Theo Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh và Hội Doanh nghiệp các huyện trên địa bàn tỉnh: Dịch COVID-19 và những ưu tiên cao độ cho chống dịch, bảo vệ sinh mạng người dân trong gần hai năm qua của Chính phủ và các cấp chính quyền đã phần nào ảnh hưởng đến tiến độ cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh. Theo kết quả phân tích của UBND tỉnh cho thấy: Điểm số PCI năm 2020 của tỉnh giảm 7 bậc so với năm 2019 và thấp hơn mức trung vị của cả nước 0,33 điểm, xếp hạng ở nhóm trung bình của cả nước, kết thúc đà tăng điểm (từ năm 2017 đến năm 2019). So với năm trước một số chỉ số thành phần giảm điểm, giảm thứ hạng, trong đó giảm sâu nhất là chỉ số Hỗ trợ doanh nghiệp đạt 5,4 điểm, xếp thứ 53/63, giảm 0,85 điểm và hạ 22 bậc. Công tác cải cách hành chính tuy đã có chuyển biến nhưng chưa đạt, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và mong muốn của người dân, doanh nghiệp. Chỉ số cải cách hành chính (Par Index) năm 2020 của tỉnh đạt 82,57%, xếp hạng 47/63, tăng 1,87% và giảm 8 bậc so với năm 2019. Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) năm 2020 của tỉnh chỉ đạt 82,14%, xếp thứ 50/63, tăng 6,19% và giảm 10 bậc so với năm 2019. Sự phối hợp giữa các đơn vị trong việc hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp thực hiện các thủ tục đầu tư có thời điểm còn chưa tốt. Đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp còn ít về số lượng, đa số kiêm nhiệm, còn ít kinh nghiệm, chưa được đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu về kiến thức pháp luật và kỹ năng hỗ trợ pháp lý nên chất lượng tuyên truyền, tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp còn hạn chế, chưa đồng đều. Ý thức chấp hành pháp luật và am hiểu pháp luật của một số doanh nghiệp chưa cao dẫn đến việc vi phạm pháp luật và rủi ro trong kinh doanh. Tỉnh còn thiếu quỹ đất sạch đáp ứng nhu cầu tìm hiểu và xem xét của các nhà đầu tư. Tiến độ triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu công nghiệp, cụm công nghiệp còn chậm làm giảm hiệu quả của các dự án đầu tư. Việc triển khai thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt chưa đạt yêu cầu đặt ra. Việc kết nối giữa ngân hàng với các tổ chức cung ứng dịch vụ công vẫn còn có những khó khăn. Đa số người dân còn giữ thói quen sử dụng tiền mặt, nhận thức về tiện ích của thanh toán không dùng tiền mặt còn hạn chế, chưa tin tưởng vào độ an toàn của dịch vụ thanh toán điện tử...
Năm 2022, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn khiến doanh nghiệp tiếp tục gặp nhiều khó khăn và đang rất cần một môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, an toàn hơn, giảm thiểu mọi chi phí để phục hồi, mở rộng đầu tư kinh doanh. Vì vậy tỉnh xác định yêu cầu cải cách, cải thiện vượt bậc môi trường kinh doanh càng trở nên quan trọng và cần thiết hơn bao giờ hết để trợ lực cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển. Trên cơ sở đó, tỉnh yêu cầu các cấp chính quyền, ngành chức năng phải gia tăng, thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022 của tỉnh. Trong đó, chủ động bám sát tài liệu hướng dẫn của các Bộ đầu mối để tổ chức thực hiện hiệu quả các phần việc trong cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến đầu tư. Nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm của lãnh đạo và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đối với việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh với mục tiêu hướng tới sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Tăng cường công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành, các địa phương và đơn vị trong việc giải quyết các TTHC cho người dân và doanh nghiệp nhằm giảm chi phí đầu vào, chi phí không chính thức cho doanh nghiệp và người dân. Thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số đồng bộ với thực hiện cải cách hành chính. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong cung cấp các dịch vụ công; thực hiện cung cấp 85% số dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4. Phấn đấu năm 2022 tỷ lệ đăng ký kinh doanh qua mạng đạt khoảng 60%. Đẩy mạnh thực hiện phương thức tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích. Tiếp tục đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công: thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh; khuyến khích các trường học, bệnh viện, công ty điện, công ty cấp, thoát nước, công ty vệ sinh môi trường, các công ty viễn thông, bưu chính, truyền hình trên địa bàn tỉnh phối hợp với các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để thu học phí, viện phí, tiền điện, nước... bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, ưu tiên giải pháp thanh toán trên thiết bị di động, thanh toán qua thiết bị chấp nhận thẻ. Tiếp tục rà soát, đơn giản hóa và kiến nghị đơn giản hóa theo thẩm quyền các thủ tục hành chính để tạo thuận lợi, giảm thời gian và chi phí cho người dân và doanh nghiệp trong khởi sự kinh doanh và thực hiện các quy định của Nhà nước. Đảm bảo thực thi đầy đủ các điều kiện kinh doanh đã bị bãi bỏ, những nội dung được đơn giản hóa của các quy định về điều kiện kinh doanh; không tự đặt thêm điều kiện kinh doanh trái quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, các ngành, các địa phương tiếp tục hỗ trợ người dân và doanh nghiệp khắc phục các tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19, phục hồi phát triển sản xuất, kinh doanh, đảm bảo phòng, chống dịch trong tình hình mới. Chú trọng các giải pháp xúc tiến đầu tư “tại chỗ” với những giải pháp thiết thực thông qua việc đẩy mạnh hỗ trợ các dự án đầu tư đang được triển khai tại tỉnh. Thường xuyên theo dõi, nắm bắt kịp thời tình hình triển khai các dự án đầu tư, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đề xuất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả gắn với nhu cầu thực tiễn; giải quyết dứt điểm khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp. Thường xuyên lắng nghe và tham vấn ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, nhất là trong quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo đối với những lĩnh vực ngành, lĩnh vực phù hợp với định hướng phát triển cũng như tiềm năng và lợi thế của tỉnh. Tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; xây dựng chuỗi liên kết, hỗ trợ lẫn nhau giữa các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế gắn với thực hiện cải cách môi trường kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Tiếp tục thực hiện các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp về tìm hiểu, đầu tư vào tỉnh, nhất là các dự án có vốn lớn, công nghệ cao, thân thiện với môi trường, tạo nguồn thu ngân sách lớn, các dự án trong lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng công nghiệp, thương mại dịch vụ, hạ tầng đô thị, nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp…
Năm 2022 tỉnh đặt mục tiêu tiếp tục thực hiện vượt các chỉ tiêu về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực, vị trí của tỉnh về môi trường kinh doanh nhằm thích ứng với xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tăng sức chống chịu của nền kinh tế trong bối cảnh dịch COVID-19./.