Nam Định: Hạt nhân tăng trưởng vùng Nam đồng bằng sông Hồng
Hòa chung nhịp phát triển của cả nước, Nam Định đang mạnh mẽ chuyển mình, từng bước vươn lên trở thành hạt nhân tăng trưởng Vùng Nam đồng bằng sông Hồng, đặc biệt dự án Nhà máy nhiệt điện Nam Định giai đoạn I với tổng vốn đầu tư gần 2,5 tỷ USD và dự án Khu Công nghiệp Dệt may Rạng Đông hứa hẹn thay đổi cơ cấu kinh tế của tỉnh, đồng thời là sự chuẩn bị tốt nhất để Nam Định đón làn sóng đầu tư khi TPP được thông qua. Hướng về tương lai, Nam Định đang tập trung mọi nguồn lực cho đầu tư tạo bước đột phá phát triển kinh tế, đồng thời với phát triển công nghiệp thì tỉnh phấn đấu sớm trở thành tỉnh Nông thôn mới. Phóng viên Vietnam Business Forum đã có cuộc phỏng vấn Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định – ông Phạm Đình Nghị.
Năm 2016 là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ XIX và Kế hoạch hoạch 5 năm 2016 – 2020, ông đánh giá thế nào về định hướng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIX? Để đạt được những mục tiêu đó thì công tác chỉ đạo điều hành cần triển khai như thế nào?
Đại hội Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ XIX nhiệm kỳ 2015 – 2020 đã đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2015 – 2020 là: “Tạo bước phát triển đột phá về kinh tế; phấn đấu đến năm 2020, Nam Định đạt tiêu chí Tỉnh nông thôn mới có nền công nghiệp phát triển nhanh theo hướng hiện đại”; “Xây dựng thành phố Nam Định từng bước hình thành rõ nét một số chức năng trung tâm của vùng Nam đồng bằng Sông Hồng ”. Đây chính là định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn 2015 – 2020.
Để đạt được mục tiêu trên; ngay từ đầu năm 2016, tỉnh Nam Định đã quyết liệt chỉ đạo thực hiện đồng bộ, nhất quán, hiệu quả các giải pháp, trong đó tập trung một số nhiệm vụ, giải pháp:
- Huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị vào cuộc để đạt được mục tiêu Đại hội đề ra, cụ thể Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành 04 Nghị quyết chuyên đề, Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành các Kế hoạch thực hiện Nghị quyết về các nội dung: 1) Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến và thu hút đầu tư giai đoạn 2016 – 2020; 2) Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020; 3) Tập trung xây dựng, phát triển thành phố Nam Định, hình thành rõ nét một số chức năng trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng giai đoạn 2016 – 2020; 4) Xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nam Định.
- Về công tác cải cách hành chính và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng:
- Thực hiện quyết liệt Chương trình cải cách hành chính, nhất là: Siết chặt kỷ cương, kỷ luật; tăng cường hơn nữa sự công khai, minh bạch; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính. Phân định rõ hơn chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ của các cấp, các ngành trong quá trình thực thi công vụ; tăng cường sự phân cấp cho cơ sở. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất đạo đức, có năng lực, trình độ và trách nhiệm; từng bước xây dựng một nền hành chính chuyên nghiệp, năng động, hiệu quả và có sức kiến tạo. Xử lý nghiêm những cán bộ, công chức có hành vi gây phiền hà, sách nhiễu đối với người dân và doanh nghiệp.
- Huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm, kết cấu hạ tầng giao thông, viễn thông, điện lực...; đảm bảo tốt nhất có thể cho sản xuất kinh doanh của doanh nghệp, nhà đầu tư. Hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện các dự án theo quy định của pháp luật, nhất là công trình trọng điểm (đặc biệt là thủ tục đầu tư và công tác GPMB) như: Khu Công nghiệp Dệt may Rạng Đông; Nhà máy Nhiệt điện Nam Định giai đoạn I (tại huyện Hải Hậu).
- Triển khai kế hoạch và cơ chế xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020 phù hợp với thực tế và nguồn lực của tỉnh. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp về đầu tư tại khu vực nông thôn, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Phấn đấu xây dựng Nam Định là tỉnh nông thôn mới trước năm 2020.
- Từng bước xây dựng thành phố Nam Định hình thành rõ nét một số chức năng trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng như: một số ngành công nghiệp; ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ; thương mại; dịch vụ du lịch tâm linh, du lịch sinh thái; văn hoá; giáo dục – đào tạo chất lượng cao; một số môn thể thao thành tích cao. Thực hiện đầu tư và kêu gọi đầu tư các dự án công nghiệp, thương mại, dịch vụ tại hai bên đường bộ mới Nam Định - Phủ Lý. Khuyến khích phát triển mạnh các loại hình Trung tâm thương mại, du lịch, dịch vụ và khách sạn cao cấp, khu vui chơi giải trí tại khu vực nội thành thành phố Nam Định.
- Phát triển kinh tế - xã hội hài hoà với phát triển văn hoá – xã hội, gắn với bảo vệ môi trường. Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội. Thực hiện toàn diện Chương trình hành động của tỉnh về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo” theo tinh thần Nghị quyết 29 của BCH Trung ương. Đẩy mạnh thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trong giai đoạn mới và Đề án “Phát triển văn hóa nông thôn” gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới. Tăng cường kiểm soát chặt chẽ vệ sinh, an toàn thực phẩm. Nâng cao hơn nữa công tác khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
- Giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tích cực chỉ đạo đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm, bài trừ tệ nạn xã hội, giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tập trung thực hiện công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo; nhất là khiếu nại, tố cáo phức tạp, đông người, cố gắng không để phát sinh các điểm nóng. Tạo lập môi trường ổn định, trật tự an toàn xã hội để nhà đầu tư, doanh nghiệp yên tâm sản xuất kinh doanh.
Kết quả đạt cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2015 của Nam Định đã tạo động lực gì cho việc khởi động làn sóng mới về cải thiện môi trường kinh doanh trong giai đoạn 2016 – 2020, thưa ông?
Trong những năm qua, PCI của Nam Định liên tục được cải thiện: Năm 2011 đứng thứ 48/63; năm 2012 đứng thứ 56/63; năm 2013 đứng thứ 42/63; năm 2014 đứng thứ 33/63; đặc biệt năm 2015 Nam Định vươn lên đứng thứ 17/63 tỉnh, thành trong cả nước. Để có được kết quả như trên là thành quả của quá trình dài nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trong việc khắc phục khó khăn, đồng hành, tạo thuận lợi để doanh nghiệp hoạt động, phát triển theo pháp luật.
PCI được cải thiện đồng thời bức tranh thu hút đầu tư cũng có nhiều gam màu sáng. Giai đoạn 2011 – 2015, Nam Định đã có 188 dự án đầu tư (trong đó 38 dự án FDI) với tổng số vốn đăng ký đạt gần 16.000 tỷ đồng và trên 450 triệu USD.
Phát huy kết quả đạt được, giai đoạn 2016 – 2020, tỉnh Nam Định tiếp tục quan tâm cải thiện chỉ số PCI, tạo động lực cho thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội. Xác định được tầm quan trọng, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết, Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch “Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến và thu hút đầu tư giai đoạn 2016-2020“; coi đây là nhân tố quan trọng, quyết định đến việc phát triển kinh tế - xã hội, tạo đột phá về kinh tế. Theo đó, Nam Định quyết tâm nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, phấn đấu đứng trong tốp đầu hạng khá trở lên trên bảng xếp hạng chỉ số PCI các tỉnh, thành phố trong cả nước và tiến tới nằm trong các tỉnh có chỉ số PCI xếp loại tốt. Giai đoạn 2016 - 2020, phấn đấu thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn tỉnh đạt trên 3 tỷ USD, đầu tư từ các nguồn vốn trong nước đạt trên 30.000 tỷ đồng.
Các nhóm giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020?
Ngày 16/5/2016, Chính phủ ban hành Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, tỉnh Nam Định đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp; trong đó chú trọng tập trung một số nội dung sau:
- Rà soát lại các quy hoạch xây dựng, quy hoạch ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu; tập trung xây dựng các quy hoạch còn thiếu; điều chỉnh, bổ sung quy hoạch chưa phù hợp để làm cơ sở xúc tiến, thu hút đầu tư.
- Đơn giản hóa thủ tục hành chính, loại bỏ các thủ tục hành chính không có trong quy định gây khó khăn cho nhà đầu tư, doanh nghiệp. Quy định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành trong quá trình giải quyết thủ tục đầu tư, rút ngắn thời gian thực hiện. Công khai minh bạch về thủ tục hành chính; đưa lên cổng thông tin điện tư và niêm yết tại trụ sở các cơ quan, đơn vị nơi trực tiếp giải quyết các hồ sơ, thủ tục về đầu tư.
Hiện đại hóa hành chính thông qua việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý và xử lý văn bản, hồ sơ, thủ tục. Thiết lập hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý kiến nghị và kết quả giải quyết thủ tục hành chính để người dân và doanh nghiệp có thể tra cứu, giám sát, đánh giá và phản ánh về việc thực hiện các thủ tục hành chính.
- Hoàn thiện và bố trí đội ngũ cán bộ, công chức theo vị trí việc làm; coi trọng đạo đức công vụ, kỷ luật, kỷ cương hành chính; chủ động bố trí, sắp xếp, luân chuyển cán bộ có năng lực, có trách nhiệm và có thái độ ứng xử đúng mực đối với người dân, nhà đầu tư và doanh nghiệp trong giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu ở các cơ quan, đơn vị, địa phương trong chỉ đạo, thực hiện cải cách hành chính. Xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị và cá nhân; kiên quyết xử lý nghiêm những cán bộ, công chức có hành vi nhũng nhiễu, gây cản trở trong khi thi hành công vụ, nhất là giải quyết thủ tục về đầu tư.
- Tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; kịp thời giải quyết vướng mắc cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư đang hoạt động trên địa bàn tỉnh. Tổ chức đối thoại công khai định kỳ ít nhất hai lần/năm giữa lãnh đạo tỉnh với cộng đồng doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt, hỗ trợ, xử lý các khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, triển khai đầu tư dự án.
- Thường xuyên cập nhật, phổ biến, tập huấn những quy định pháp lý, các hiệp định thương mại,… có tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn.
- Đăng tải thông tin về quy hoạch, thủ tục hành chính trên trang thông tin điện tử của tỉnh và một số sở, ngành. Xây dựng trang thông tin điện tử về xúc tiến và thu hút đầu tư của tỉnh; nâng cấp trang thông tin điện tử về đất đai. Thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận thông tin phản ánh của các doanh nghiệp, nhà đầu tư, để có biện pháp xử lý kịp thời.
- 7. Tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, giữ gìn, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội; tạo điều kiện tối đa theo quy định của pháp luật để doanh nghiệp, nhà đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh.
Nhân dịp VCCI xuất bản ấn phẩm với chủ đề Cải cách hành chính công phục vụ phát triển kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, ông có thông điệp hoặc chia sẻ gì với cộng đồng doanh nghiệp?
Với chủ đề: Nam Định - môi trường đổi mới, hướng tới nhà đầu tư, tỉnh Nam Định cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư khi về với Nam Định. Chúng tôi sẽ luôn đồng hành cùng với nhà đầu tư và doanh nghiệp; sẽ coi các nhà đầu tư như là những công dân tốt của tỉnh Nam Định. Thành công của doanh nghiệp, nhà đầu tư chính là niềm tự hào của chúng tôi.
Xin chân thành cảm ơn ông!
Ngô San.